Thử lật con tẩy lên

Lữ Giang

Hiện nay đang có một cuộc tranh luận gay cấn giữa Hoa Kỳ và Pakistan về đường lối mà Pakistan phải theo nếu muốn được tiếp tục nhận viện trợ của Mỹ. Nhiều bằng chứng cho thấy Pakistan đang chọn một đường lối để khỏi rơi vào tình trạng bi thảm của VNCH và Cambodia trước 1975. Cuộc tranh luận này cũng sẽ giúp người Việt hải ngoại hiểu rõ hơn tại sao VNCH và Cambodia bị đưa vào tử lộ và cuộc tranh đấu chống cộng của “người Việt tỵ nạn” hiện nay rồi sẽ đi về đâu? Sống và chiến đấu với Mỹ 20 năm và ở trên đất Mỹ hơn 36 năm, không lẽ người Việt không rút được bài học kinh nghiệm nào sao?

MẠNG LƯỚI HAQQANI

Hôm thứ năm 22.9.2011, Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, đã phát biểu tại cuộc điều trần ở Thượng Viện rằng mạng lưới Haqqani với sự hậu thuẫn của cơ quan tình báo ISI của Pakistan, đã hoạch định và thực hiện cuộc tấn công mới đây vào Đại sứ quán Mỹ ở Kabul. Ông nói nói mạng lưới Haqqani cũng chịu trách nhiệm về vụ đánh bom xe vào một căn cứ của NATO tại miền trung Afghanistan hôm 10.9.2011.

Lời phát biểu này đã gây tranh luận sôi nổi. Trước hết, phải tìm hiểu mạng lưới Haqqani là cái quái gì?

Ngày 26.2.2011, Cảnh sát Afghanistan đã bí mật ập vào trụ sở của tổ chức Haqqani ở Kabul, bắt 3 người là Ghamai và Yaser - cả hai đều 19 tuổi - và Akhtar Nawaz 14 tuổi, về tội tổ chức khủng bố tấn công vào lính NATO và quân chính phủ tại Afghanistan.

Đa số thành viên của tổ chức Haqqani là thanh thiếu niên. Những hoạt động của Haqqani đều thông qua mạng Internet được gọi là Haqqani Network. Mục đích của họ là tấn công khủng bố để buộc lực lượng nước ngoài rút khỏi lãnh thổ Afghanistan.

Ngay sau đó, cơ quan tình báo Afghanistan (NDS) đã tổ chức một cuộc họp báo đưa cả 3 bị cáo nói trên ra trình diện trước đông đảo dân chúng và báo chí. Trả lời phỏng vấn của phóng viên CNN của Mỹ, Ghamai, người được cảnh sát cho là thủ lĩnh, khẳng định rằng việc các thành viên của Haqqani Network đã tổ chức những vụ tấn công vào lực lượng NATO tại Afghanistan là "lý tưởng sống của đa số thanh niên Afghanistan hiện nay. Không phải chúng tôi theo Taliban nhưng chúng tôi chống lại ngoại bang hiện diện trên đất nước chúng tôi".

Cơ quan CIA của Mỹ và NDS của Afghanistan cho rằng Ghamai lập trang mạng Haqqani với mục đích quảng bá tư tưởng chống Mỹ và NATO của trùm khủng bố Osama bin Laden.

Sau khi đã theo dõi hơn 2 năm, CIA cho biết hiện Haqqani có 6 thủ lĩnh chính chuyên tổ chức, liên lạc và thu nạp những thanh thiếu niên Afghanistan vào cái mà họ gọi là "Tổ chức của những thanh niên cấp tiến yêu nước Afghanistan”, sử dụng công nghệ cao để chống lại NATO và các lực lượng nước ngoài khác có mặt trên khắp lãnh thổ Afghanistan.

Cũng theo CIA, Haqqani hoạt động nhờ tiền quyên góp từ các doanh nhân, công nhân viên chức và thanh niên Afghanistan yêu nước. Còn NDS cho rằng Haqqani có thể đã bí mật nhận tài trợ của al- Qaeda và chính Ghamai đã có lần đến vùng biên giới Pakistan và Afghanistan để gặp bin Laden.

Các tài liệu khác cho biết Badruddin Haqqani là người đã lập ra trang mạng Haqqani (Haqqani Network) và lãnh đạo trang mạng này. Trang mạng Haqqani được coi là tổ chức phụ của Taliban, hoạt động ở vùng đông Afghanistan và vùng Waziristan của Pakistan. Tổ chức này luôn giữ quan hệ chặt chẽ với al-Qaeda.

Badruddin Haqqani là thành viên của Hội Đồng Miramshah Shura. Đây là một trong bốn tổ chức tư lệnh vùng của Taliban. Từ năm 2004 đến 2009, Badruddin Haqqani đã từng đi qua Arabia Saudia và Các Vương Quốc Arập để gây qũy cho Haqqani Network. Hoa Kỳ đã liệt Haqqani và Haqqani Network vào danh sách khủng bố và phong tỏa các tài khoản của tổ chức này.

NHÌN RA CON TẨY CỦA MỸ

Qua các thông tin nhận được nói trên, chúng ta thấy Haqqani Network cũng như Taliban hay al-Qaeda đều hoạt động ở Afghanistan và vùng biên giới Pakistan – Afghanistan, mỗi tổ chức có một phần hành riêng, nhưng mục tiêu tối hậu là đánh bật quân đội Hoa Kỳ và NATO ra khỏi Afghanistan.

Điều đáng ngạc nhiên là trong cuộc điều trần trước Thượng Viện hôm 22.9.2011, Đô Đốc Michael Mullen, Chủ tịch Ủy Ban Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã tố cáo cơ quan tình báo Pakistan (ISI) đã hỗ trợ mạng lưới cực đoan Haqqani lên kế hoạch và thực hiện vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan hồi tuần trước và cả vụ đánh bom làm 77 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Ông còn tiết lộ Mỹ có nguồn tin đáng tin cậy về việc Haqqani, với sự giúp đỡ của ISI, đã thực hiện vụ tấn công hôm 28.6.2011 vào khách sạn Inter-Continental ở Kabul và một vài vụ nhỏ lẻ tẻ khác. Mỹ cho rằng Pakistan đang “xuất cảng khủng bố” và mạng lưới Haqqani đang là mối đe doạ lớn nhất đối với binh sĩ Mỹ ở Afghanistan. Mỹ ra tối hậu thư cảnh báo Islamabad phải cắt đứt ngay các mối liên hệ với tổ chức khủng bố Haqqani nếu không Mỹ sẽ đơn phương hành động.

Tại sao Hoa Kỳ lại nặng lời với Pakistan như vậy? Nhà cầm quyền Pakistan đã lật con tẩy của Hoa Kỳ lên ngay.

Hôm 25.9.2011, Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani nói sự cáo buộc của Hoa Kỳ cho rằng Pakistan đang hỗ trợ các phần tử nổi dậy Afghanistan là chỉ dấu chứng tỏ một sự bối rối và một chính sách “lộn xộn” trong đường hướng tiến tới tại Afghanistan.

Còn bà Nữ Ngoại Trưởng Hina Khar của Pakistan đã lật con tẩy cuả Mỹ lên khi nói với kênh truyền hình Geo TV rằng chính phủ Hoa Kỳ phải tôn trọng chủ quyền của nước đồng minh, không được đi quá giới hạn khi tính đến chuyện đưa quân sang Pakistan để truy lùng khủng bố. Bà cho biết Pakistan luôn luôn mở rộng mọi cộng tác với Hoa Kỳ, nhưng nhấn mạnh rằng có những điều kiện ràng buộc mà chính phủ Mỹ phải tôn trọng.

Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik nói rằng mạng lưới Haqqani không hoạt động từ Pakistan. Ông tố cáo màng lưới này được CIA của Hoa Kỳ thiết lập và huấn luyện với sự hỗ trợ của Pakistan để chống sự chiếm đóng của Liên Xô tại Afghanistan trong thập niên 1980.

MỘT CỔ HAI TRÒNG

Các nhà quân sự Mỹ và NATO cho rằng cuộc chiến Afghanistan không tiến triển được phần lớn vì kháng chiến quân có một khu an toàn nằm giữa biên giới Pakistan và Afghanistan, nhất là vùng thung lũng Swat thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, nơi đây được coi là chỗ trú ẩn, mộ binh, huấn huyện, tập trung tiếp liệu và dưỡng quân của Taliban. Mỹ muốn Pakistan phải mở cuộc hành quân giải tỏa vùng này hay để quân đội đồng minh làm chuyện đó, nhưng Pakistan đã từ chối vì nhiều lý do.

Biên giới giữa Pakistan và Afghanistan dài khoảng 2.640 cây số, ở đây người sắc tộc Pashtsun sinh sống. Theo ước lượng của CIA, tại Afghanistan, bộ tộc này chiếm 42% trên 29 triệu dân số, còn ở Pakistan, khoảng 15,42% trên 174 triệu dân số. Taliban phát xuất từ sắc tộc này. Đây là sắc tộc đã lãnh đạo Afghanistan sau khi Liên Sô bỏ chạy năm 1989 và nhiều người tin rằng sau khi Mỹ rút, Taliban sẽ trở lại lãnh đạo Afghanistan.

Khoảng 27 triệu người Pashtsun ở Pakistan và 3 triệu người Pashtsun tản cư từ Afghanistan qua Pakistan đang định cư tại vùng biên giới là môi trường hoạt động tốt của Taliban. Thung lũng Swat nằm sát biên giới Afghanistan là sào huyệt hay “an toàn khu” của Taliban. Thanh toán một vùng phức tạp như thế này không phải là chuyện dẽ dàng.

Khi Tướng Pervez Musharaff làm đảo chánh và lên làm Tổng Thống Pakistan (2001 – 2008), Mỹ đã làm áp lực thúc đẩy tướng này phải mở cuộc hành quân vào vùng thung lũng Swat, nhưng Tướng Musharaff từ chối vì các lý do chính sau dây:

- Lực lượng Pakistan không đủ khả năng làm điều đó.

- Pakistan không tin Mỹ sẽ thành công ở Afghanistan. Trong lịch sử, chưa có nước nào thành công khi xâm chiếm Afghanistan.

- Kháng chiến Taliban đã doạ nếu Pakistan mở cuộc hành quân, họ sẽ biến Pakistan thành một biển màu.

- Dù bất cứ lực lượng nào sẽ tồn tại ở Afghanistan sau cuộc chiến, Pakistan vẫn phải giữ được những mối giao hảo tốt vì quyền lợi của Pakistan ở trong vùng.

Ngày 11.1.2008, ông còn cảnh cáo Hoa Kỳ không được thực hiện các hành động quân sự đơn phương trong vùng bộ tộc của Pashtsun dọc biên giới Pakistan để truy lùng các phần tử al-Qaeda hoặc Taleban.

Ngày 18.8.2008, Tổng Thống Pervez Musharaff phải từ chức. Ông Asif Ali Zardari, Chủ tịch Đảng Nhân Dân được bầu làm Tổng Thống và ông Yousaf Raza Gillani thuộc đảng này được chỉ định làm Thủ Tướng.

Vì Taliban đã kiểm soát toàn bộ thung lũng Swat nên vào tháng 2/2009, chính phủ Gillani đã ký một thoả ước hoà bình với quân Taliban tại Swat cho phép áp dụng luật Sharia tại khu vực này. Hành động này đã bị Mỹ chỉ trích kịch liệt.

Sau đó, Mỹ đã viện trợ cho Pakistan mỗi năm 1,2 tỷ USD để mua vũ khí trang bị cho quân đội Pakistan. Bị áp lực của Mỹ, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani nói: "Đây không phải là một cuộc chiến bình thường. Đó là chiến tranh du kích. Đó là cuộc chiến của riêng chúng tôi. Một cuộc chiến vì sự sống còn của đất nước". Nhưng rồi ông cũng đã ra lệnh mở các cuộc tấn công vào an toàn khu của Taliban. Với 15.000 quân, cuộc  hành quân của quân đội Pakistan chẳng đem lại kết quả bao nhiêu. Sau đó, quân đội Pakistan đã lập nhiều chốt dọc theo biên giới. Trong khi đó, đất nước Pakistan bị Taliban biến thành vũng máu.

Sau vụ CIA bắt Osama bin Laden hôm 2.5.2011 ở Abbottabad bị nghi là có sự hợp tác của cơ quan tình báo Pakistan ISI, tình hình còn bi thảm hơn. Pakistan đã phải cho ngưng các cuộc hành quân và có những biện pháp để chứng tỏ Pakistan đã không hợp tác với Hoa Kỳ trong vụ bin Laden, chẳng hạn như lên tiếng phản đối hành động tấn công đơn phương của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Pakistan và hôm 15.6.2011, cơ quan ISI đã bắt giữ 5 thông tín viên đã giúp đỡ CIA truy tìm và tiêu diệt bin Laden ở Abbottabad, trong số đó có một người là chủ của ngôi nhà mà CIA thuê để dùng vào việc theo dõi bin Laden.

Hoa Kỳ tuyên bố sẽ cắt giảm 800 triệu USD viện trợ cho quân đội Pakistan. Ngày 12.7.2011 Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan đã phản ứng lại bằng cách tuyên bố sẽ rút các binh sỹ hiện đang triển khai tại gần 1.100 điểm kiểm soát bố trí dọc biên giới chung Pakistan – Afganistan, viện lý do 300 triệu USD viện trợ Mỹ cho các binh sĩ làm nhiệm vụ tại khu vực này không đủ để triển khai các cuộc hành quân.

LỊCH SỬ LẠI TÁI DIỄN

Trước khi rút khỏi miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đã thực hiện hai biện pháp là “Việt Nam hoá chiến tranh” và cho mở các cuộc hành quân qua Cambodia và Lào để phá các mật khu và làm tiêu hao các lực lượng của Cộng quân. Hoa Kỳ tin rằng phải ít nhất hai năm sau, Cộng quân mới có thể phục hồi được lực lượng và mở cuộc tấn công trở lại, lúc đó Mỹ đã cao bay xa chạy rồi, còn VNCH sống chết mặc bây. Kissinger gọi khoảng thời gian trên dưới hai năm đó là “một khoảng cách vừa phải” hay “một quãng cách xem được” (decent interval).

Nay để rút quân khỏi Afghanistan, Hoa Kỳ cũng có các biện pháp tương tự: Củng cố các lực lượng chống nổi dậy ở địa phương, đồng thời mở các cuộc hành quân lớn vào các sào huyệt của Taliban nhằm làm tiêu hao lực lượng của địch để chính quyền Afghanistan có thể tồn tại ít nhất hai năm sau khi Mỹ rút.

Tuy nhiên, có một khu an toàn của Taliban mà quân đội Hoa Kỳ và NATO khó thanh toán được, đó là thung lũng Swat nằm trên lãnh thổ Pakistan. Hoa Kỳ đã thúc ép Pakistan phải thanh toán khu này, nhưng về phương diện quân sự, Pakistan không đủ khả năng thực hiện điều đó. Pakistan cũng không đồng ý cho Mỹ và NATO mở cuộc hành quân vào khu đó vì sợ những thảm hoạ mà họ phải lãnh nhận như Cambodia trước năm 1975, kể cả lúc Mỹ đang mở cuộc hành quân cũng như sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Để thực hiện yêu sách của mình, Hoa Kỳ đã tố cáo cơ quan tình báo ISI của Pakistan yểm trợ cho Haqqani Netword thực hiện các cuộc khủng bố tại thủ đô Kabul và các căn cứ của NATO trong những tháng vừa qua và doạ nếu ISI không chấp dứt, Hoa Kỳ sẽ mở cuộc hành quân vào thung lũng Swat để thanh toán nhóm Haqqani Netword.

Để đối phó lại, một mặt Pakistan lật con tẩy của Mỹ lên và mặt khác bắt tay với Trung Quốc và doạ Mỹ sẽ mất đi một đồng minh.

Giả thiết Mỹ và NATO mở cuộc hành quân vào đất Pakistan để giúp ổn định tình hình Afghanistan một cách lâu dài, chính phủ Pakistan có thể đồng ý. Đàng này Mỹ và NATO mở cuộc hành quân vào đất Pakistan chỉ để tạo một sự ổn định tạm thời trước khi bỏ chạy, Pakistan rất khó đồng ý vì các thảm họa tiếp theo sẽ xẩy đến.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa VNCH trước đây và Pakistan hiện nay. VNCH do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo, đã chống cộng một cách rất “vô tư”. Ông không cần biết Mỹ và Hà Nội đang làm gì. Mỹ bảo mở cuộc hành quân qua Cambodia và Lào, ông hoan hỷ làm theo. Mỹ đem miền Nam bán cho Mao Trạch Đông rồi bắt VNCH ký hiệp định Paris để giao miền Nam cho Hà Nội, ông cũng ký. Sau đó, Hà Nội khai thông con đường Đông Trường Sơn, đưa quân vào Phước Long để đánh thẳng vào Sài Gòn, ông cũng chẳng biết gì. Mải đến ngày 21.4.1975, khi Mỹ bắt ông từ chức để đưa Tướng Dương Văn Minh lên đầu hàng, ông còn hỏi: “Tôi ra đi thì Mỹ có viện trợ không?” Thật là quá “vô tư”.

Người Việt tỵ nạn ở hải ngoại cũng đang chống cộng theo kiểu “vô tư” của Tổng Thống Thiệu, không cần biết Mỹ và Hà Nội đang làm gì.

Pakistan trái lại, đã nắm vững từng đường đi nước bước của Mỹ, nên đang tìm các phương thức thích hợp để bảo vệ chủ quyền của Pakistan.

NHỮNG LỜI KHÓ QUÊN

Trong cuốn hồi ký mang tên “The memoirs of Richard Nixon”, Tổng Tống Nixon có kể lại rằng khi đến Pakistan, ông đã gặp lại người bạn cũ là Tổng Tống Ayub Khan. Tổng Thống Khan đã nói một cách đau buồn về việc hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm như sau:

“Tôi không thể nói – lẽ ra các ông đừng bao giờ ủng hộ ông Diệm ngay từ đầu. Nhưng các ông đã ủng hộ ông ta trong một thời gian dài và mọi người ở Á Châu đều biết điều đó. Dù họ có tán thành hay không tán thành điều đó, họ biết điều đó. Rồi đột nhiên các ông ngừng ủng hộ ông ta – và ông Diệm đã bị giết.” Ông ta lắc đầu và kết luận: “Việc hạ sát ông Diệm có ba ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo Á Châu: làm một người bạn với Hoa Kỳ là nguy hiểm; trung lập phải trả cái giá của nó; và đôi khi làm kẻ thù (của Hoa Kỳ) lại tốt hơn! Lòng tin cậy như một sợi chỉ mong manh và một khi nó đã đứt, rất khó mà nối lại.”

[Richard Nixon, The memoirs of Richard Nixon, Touchstone, New York 1990, tr. 256 – 257]

Khi Mỹ tháo chạy khỏi Nam Vang ngày 12.4.1975, Thủ Tướng Sirak Matak đã từ chối không ra đi. Ông đã gởi cho ông John Gunther Dean, Đại Sứ Mỹ ở Cambodia, một điện văn như sau:

"Thưa ngài Đại Sứ và cũng là người bạn,

“Xin chân thành cảm ơn văn thư của ngài đề nghị cho tôi đi đến miền đất tự do. Nhưng than ôi, tôi không thể ra đi một cách nhục nhã như vậy! Riêng đối với ngài và nhất là với đại quốc của ngài, không một phút nào tôi có thể tin rằng quý ngài lại có ý nghĩ bỏ rơi một dân tộc đã quyết định chọn tự do. Qúy ngài đã từ chối không bảo vệ chúng tôi nữa, chúng tôi chẳng còn biết làm gì hơn.

“Ngài ra đi và tôi xin chúc ngài và quê hương ngài sẽ tìm thấy hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng xin ngài nhớ rằng, nếu tôi phải chết ngay ở đây và trên quê hương mà tôi yêu mến, đó là điều bất hạnh, mặc dầu ai đã sinh ra rồi cũng có ngày phải chết. Có điều là tôi đã sai lầm khi tin tưởng nơi ngài và nơi những người Mỹ.

“Xin ngài, người bạn của tôi, nhận nơi đây những tình cảm trung thực và thân hữu của tôi.”

[Frank Snepp, Decent Intreval, Random House, New York, 1977, tr. 339.]

Chính phủ Pakistan cho biết quốc gia họ đã phải gánh chịu các thiệt hại nặng nề trị giá lên tới hơn 67,93 tỷ USD trong suốt 10 năm vừa qua, kể từ khi nước này gia nhập liên minh quốc tế chống khủng bố hồi cuối năm 2001.

Theo các số liệu thống kê chính thức, ngoài các thiệt hại về kinh tế, hơn 35.000 người dân và 3.500 nhân viên an ninh đã bị giết hại trong các cuộc xung đột giữa lực lượng quân đội với các phần tử nổi dậy cũng như trong các cuộc tấn công của Hồi giáo bằng các vụ nổ bom.

Ngày 27.9.2011

Lữ Giang

Comments