Trung Quốc nới tay với nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba?

Năm 2010, Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình vắng mặt vì đang bị cầm tù tại Trung Quốc.

Năm 2010, Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình vắng mặt vì đang bị cầm tù tại Trung Quốc.

REUTERS

Tú Anh

Bức màn đen bao trùm số phận giáo sư Lưu Hiểu Ba vừa được chính quyền Trung Quốc hé mở. Người tù lương tâm vừa được thăm nuôi và được « phép đặc biệt » về nhà cúng tuần đầu tiên, 7 ngày sau khi thân phụ qua đời. Động thái này của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm phòng ngừa trước công luận trong và ngoài nước nhân mùa Nobel 2011 đòi hỏi tự do cho Nobel hòa bình 2010.

Trong bối cảnh giải Nobel Hòa bình 2011 sẽ được Ủy ban Nobel Hòa bình công bố vào thứ sáu 07/10/2011 tới đây, truyền thông quốc tế nhận được thông tin đầu tiên về số phận của giáo sư Lưu Hiểu Ba, Nobel Hòa bình 2010.

Nhà tranh đấu đang bị giam ở nhà tù tỉnh Liêu Ninh được vợ và em trai thăm nuôi hai lần vào tháng 8 và tháng 9 sau một năm bị ngăn cấm. Giữa hai lần thăm nuôi, hôm 18/09/2011 nhà ly khai 55 tuổi cũng được phép về nhà ở Đại Liên để cúng tuần thứ nhất cho thân phụ, qua đời 7 ngày trước.

Đây là những lần thăm nuôi và thông tin đầu tiên từ một năm nay liên quan đến số phận của nhà tranh đấu Trung Quốc đang thọ án 11 năm biệt giam kể từ tháng 12 năm 2009 với tội danh « khuynh đảo » chế độ sau khi công bố « Hiến chương 08 » kêu gọi đảng Cộng sản Trung Quốc cải cách dân chủ, bằng không chế độ tất yếu sẽ sụp đổ.

Theo AFP, những sự kiện trên đây do gia đình giáo sư Lưu Hiểu Ba cung cấp và đã được Trung tâm Nhân Quyền và Dân Chủ tại Hồng Kông xác nhận.

Phải chăng Bắc Kinh cho phép tiết lộ thông tin về nhà ly khai dù ý thức rằng thời sự mùa Nobel 2011 sẽ làm khởi động lại phong trào kêu gọi tự do cho Nobel Hòa bình 2010 ? Theo AFP thì rất khó trả lời nghi vấn này.

Thật ra thì chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục gây sức ép lên gia đình nhà tranh đấu xuất thân từ Phong Trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 và bị đàn áp đẩm máu đêm 03/06/1989 tại quảng trường Thiên An Môn.

Trả lời phỏng vấn AFP, một người em trai của ông Lưu Hiểu Ba ngầm cho biết là ông bị giám sát khi nói rằng «ông không thể kể lại chi tiết Lưu Hiểu Ba về nhà được mấy hôm và đã làm gì». Còn người anh cả Lưu Hiểu Quang cho biết ông bị chính quyền cấm không được tiết lộ với báo chí về những cuộc thăm nuôi vừa qua.

Năm ngoái, khi được tin Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hòa bình, chính quyền Trung Quốc đã nổi cơn thịnh nộ gây sức ép với nhiều nước tẩy chay lễ trao giải nhưng không thành công. Từ nhà giam, ông Lưu Hiểu Ba hiến tặng giải thưởng cao quý này cho tất cả nạn nhân hy sinh trong vụ đàn áp Thiên An Môn.

Comments