Tưởng niệm người du ca muôn thuở

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - “Như một lời cám ơn Quang Du Ca, một trong những người đã gây được tiếng thơm cho Viện Ðại Học Ðà Lạt chúng tôi.

image003

Bìa tuyển tập “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” - Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở, do nhóm thân hữu của nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang phát hành. (Hình: Dan Huynh/Người Việt)

Ðồng thời qua tuyển tập, chúng tôi cũng muốn gửi đến quí độc giả tinh thần tự do và bao dung của Viện Ðại Học Ðà Lạt, tinh thần sẵn sàng giúp ích tha nhân của Hướng Ðạo, lòng hăng say nhiệt tình của tuổi trẻ thập niên 60, 70 trong việc hiến dâng cho đất nước tấm lòng trong sáng vô vị lợi.”

Ðó chính là lý do ra đời của tuyển tập “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” - Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở, do nhóm thân hữu của nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang phát hành và sẽ ra mắt vào chiều Thứ Bảy, 22 Tháng Mười, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.

Theo lời ông Võ Thành Xuân, một thành viên trong nhóm thực hiện tuyển tập, ý tưởng ra đời “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” - Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở phát xuất từ một người cũng mang tên Nguyễn Ðức Quang, còn gọi là Quang Hà Nội hay Quang Già Cơ, một người bạn rất thân với Nguyễn Ðức Quang Du Ca từ thuở thiếu thời, sau khi người nhạc sĩ du ca này qua đời được ba tháng.

“Một tuyển tập để tưởng niệm người nhạc sĩ như Nguyễn Ðức Quang - nên lắm chứ!” ông Xuân nói.

Vậy là họ bắt tay vào thực hiện.

Tập sách “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” - Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở dày 292 trang, bao gồm 31 bài viết của 25 bạn bè thân hữu, những người có quá trình gắn bó lâu dài, thân thiết với Nguyễn Ðức Quang cũng như Viện Ðại Học Ðà Lạt từ mấy mươi năm qua.

Lần theo từng trang sách, người đọc có thể hiểu về hoàn cảnh ra đời và sinh hoạt của Du Ca là như thế nào, qua các bài như “Con chim đầu đàn” của Hoàng Ngọc Tuệ, “Dòng nhạc như thế” của Mai Kim Ðỉnh, “Tuổi trẻ chúng tôi” của Hoàng Kim Châu, “Tâm thức dân tộc và phòng trào du ca 1966-1975” của Hoàng Khởi Phong...

Lần theo trang sách, người đọc có thể hiểu về “tinh thần sẵn sàng giúp ích tha nhân của Hướng Ðạo, lòng hăng say nhiệt tình của tuổi trẻ thập niên 1960, 1970” là như thế nào, qua “Có mười ba trại sinh” hay “Vịt Mùng Năm” của Hoàng Kim Châu, “Cây đàn trong tù” của Cao Hoàng, “Nơi đến miền vĩnh cửu” của Hoàng Ngọc Nguyên...

Và, cũng lần theo trang sách, người đọc, một lần nữa, có dịp nhìn lại toàn bộ chân dung cuộc đời của người nhạc sĩ du ca Nguyễn Ðức Quang từ lúc còn được gọi là “Quang Sơn Tây” để phân biệt với “Quang Hà Nội,” đến khi thực sự trở thành Quang Du Ca - con chim đầu đàn của phong trào.

“Tuổi trẻ thời đó đang muốn gục ngã. Chúng tôi đang thiếu, đang mong chờ một tiếng nói chính thức, một sự động viên mạnh mẽ. Dòng nhạc Nguyễn Ðức Quang nổi lên trong giai đoạn đó, như một 'alternative.'” Tác giả Hoàng Ngọc Nguyên, trong bài “Nơi miền vĩnh cửu,” viết về nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang như thế.

Hay trong “Tuổi Trẻ Chúng Tôi,” tác giả Hoàng Kim Châu không chỉ kể lại kỷ niệm “Gặp Nguyễn Ðức Quang lần đầu,” mà cô còn nhắc lại biết bao nhiêu kỷ niệm của một thời tuổi trẻ dấn thân vì quê hương qua “sinh hoạt hướng đạo,” “chèo thuyền qua đảo hoang,” “dấn bước giang hồ,” “từ chuồng cu đến garage,” “gia đình trầm ca,”...

Du ca Nguyễn Ðức Quang thực sự không phải được đón nhận một cách dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng. Một độc giả không nêu tên chia sẻ: “Ngày xưa tôi làm trong ngành thông tin. Nghe người ta nói đến du ca thì chúng tôi cũng mời Nguyễn Ðức Quang đến để hát du ca. Thế nhưng sau khi nghe xong thì thấy nhạc gì mà lạ quá, chẳng hiểu gì cả!”

Thế nhưng, giờ đây, vị độc giả đó lại là một trong những người đầu tiên muốn có trong tay mình tuyển tập “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” - Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở. Bởi lẽ, “theo năm tháng, ngẫm lại thấy du ca Nguyễn Ðức Quang sao mà thấm thía, lại tự hỏi tại sao những người trẻ như Nguyễn Ðức Quang thuở đó lại có thể viết được những dòng nhạc đầy nhiệt huyết đến như thế.” Vị độc giả này nói.

Ðiều này có lẽ cũng cùng chung với điều mà tác giả Nguyễn Xuân Hoàng đã viết trong bài “Nhạc Nguyễn Ðức Quang, tuổi trẻ, mặt đất và hiện tại,” “Tôi nhớ có lần nhạc sĩ Phạm Duy nói với tôi: nếu Lê Uyên Phương viết bằng da thịt thì Nguyễn Ðức Quang viết bằng lý tưởng.”

Lý tưởng đó của Nguyễn Ðức Quang cũng là điều mà “nhóm thực hiện tuyển tập muốn lưu lại để thế hệ sau hiểu biết về lòng yêu quê hương, sự dấn thân của một thế hệ thanh niên hăng say, nhiệt tình, trong sáng vô vị lợi,” như lời ông Võ Thành Xuân nói.

Và nói như nhà văn Hoàng Khởi Phong, “Bạn tôi NÐQ hôm nay nằm xuống, ngủ một giấc thiên thu, nhưng tâm hồn anh, tiếng hát anh, lời ca của anh, tác phẩm của anh còn sống mãi với chúng ta, với cuộc đời.” (Tưởng nhớ Nguyễn Ðức Quang)

“Kèm theo tuyển tập này, còn có CD Thế Giới Du Ca Nguyễn Ðức Quang, gồm 12 ca khúc do chính Nguyễn Ðức Quang sáng tác và trình bày, để người ta không chỉ đọc, mà còn có thể nghe cả lời ca tiếng hát của anh,” ban tổ chức cho biết.

Phần văn nghệ những bài hát Du Ca của nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang cũng được trình bày trong buổi ra mắt tuyển tập “Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở.”

Quý vị có thể liên lạc để biết thêm chi tiết qua điện thoại (714) 640-3422.

Comments