Ý nghĩa dích thực của cuộc cách mạng Tân Hợi cách đây 100 năm do ông Tôn Văn Chủ xướng

Ngày 10 tháng 10 vừa qua là đúng 100 năm triều đại nhà Thanh ở Trung quốc bị sụp đổ bởi cuộc cách mạng Tân Hợi do ông Tôn Văn chủ xướng.

Ngày này, năm nay, chính quyền Cộng sản Trung quốc đã cho tổ chức một buổi lễ kỷ niệm lớn tại đại sảnh đường Bắc Kinh với sự tham dự của hầu hết các nhân vật trong bộ Chính trị. Bài diễn văn của ông Hồ Cẩm Đào đọc trong buổi lễ lẽ đương nhiên là quan trọng nhất, qua ngày hôm sau bài diễn văn này được leo lên trang nhất của các mặt báo và được phát đi, phát lại nhiều lần trên đài phát thanh và truyền hình kể cả hệ thống loa đặt khắp phường xóm. Ông Đào nói rằng cuộc cách mạng Tân Hợi xảy ra năm 1911, đến 10 năm sau đảng Cộng sản Trung quốc mới chính thức xuất hiện, nhưng mục tiêu chính của đảng Cộng sản Trung quốc là đánh đuổi thực dân hầu giải phóng người dân ra khỏi ách nô lệ, không khác gì mục đích của cuộc cách mạng Tân Hợi nên đảng Cộng sản Trung quốc có đủ tư cách nhất để tiếp nối tinh thần cách mạng Tân Hợi.

Liên quan đến lời phát biểu đó của ông Hồ Cẩm Đào, một số báo chí, tuần san phát hành ở Hồng Kông khẳng định rằng ông Đào cố ý diễn giải sai lệch ý nghĩa cuộc cách Mạng Tân Hợi do ông Tôn Văn (tức Tôn Trung Sơn) khởi xướng. Mục đích chính của cuộc cách mạng Tân Hợi được ghi rõ trong lịch sử cận đại Trung Hoa là lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế nhà Thanh để xây dựng một thể chế dân chủ, đa nguyên, nhằm khôi phục đất nướcTrung Hoa trong đó mọi công dân đều được bình đẳng trước pháp luật. Những điều này được tóm lược trong một khẩu hiệu 16 chữ của cuộc cách mạng Tân Hợi mà ai đã học về chính sử Trung Hoa đều biết. 16 chữ đó là Khu Trừ Thát Lỗ, Khôi Phục Trung Hoa, Kiến Lập Quốc Dân, Bình Đẳng Địa Vị (驅除韃虜,恢復中華,建立國民,平等地位). Trong khi mục đích chính của đảng Cộng sản Trung quốc là phải cướp chính quyền bằng mọi giá để cai trị đất nước theo thể chế độc đảng, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng để bóc lột người dân còn hơn cả Vua quan đời nhà Thanh. Có thể khẳng định rằng đường lối của đảng Cộng sản Trung quốc hoàn toàn ngược hẳn với tinh thần cách mạng Tân Hợi, không có một chút tư cách gì để kế thừa tinh thần cuộc cách mạng Tân Hợi cả. Lịch sử mới 100 năm, sao mà bẻ cong nhanh thế.

Các bài viết có nội dung như thế thì chắc chắn bị chính quyền Bắc Kinh cấm không cho đưa vào Hoa lục bán, nhưng có điều báo nào bị cấm là người dân Hoa lục lại muốn tìm đọc. Tuy không thu được tiền, nhưng các tờ báo bị cấm bán (tạm thời hay dài hạn) đều được người ở Hoa lục biết đến danh tiếng. Các ông Tổng biên tập những tờ báo vừa mới bị cấm như tờ Đông Phương Thời Báo, tạp chí Minh Tinh nói rằng nếu muốn báo mình không bị tịch thu hay cấm bán ở Hoa lục dài hạn hay tạm thời thì phải viết tốt hay hùa theo chế độ Bắc Kinh hoặc ít ra đừng phê phán những sai lầm của họ, báo chúng tôi sống nhờ vào độc giả, không phải là cơ quan tuyên truyền cho đảng nên làm gì có chuyện ngậm miệng trước những sai trái quá rõ ràng của chế độ Cộng sản Trung quốc, chúng tôi không thể vì đồng tiền mà bẻ cong ngòi bút. Vừa rồi, trên tờ The Wall Street Journal (ấn bản Á châu) số phát hành ngày 10/10/2011, có đăng bài viết của giáo sư Pamela dạy môn sử cận đại Trung quốc tại đại học Dartmounth ở Hoa Kỳ nói rõ về sự mâu thuẩn giữa tinh thần của cuộc cách mạng Tân Hợi với đường lối của đảng Cộng sản Trung quốc, theo giáo sư Pamela thì cách mạng Tân Hợi chủ trương đa nguyên, đa đảng, tôn trọng mọi quyền tự do cơ bản của người dân, trong khi đường lối đảng Cộng sản Trung quốc là triệt tiêu tất cả những ai chống lại họ bằng hành động hay ngôn từ.

Nếu so bài viết của giáo sư Pamela trên tờ The Wall Street Journal so ra cũng chẳng thua gì các báo Hồng Kông phê phán bài diễn văn của ông Hồ Cẩm Đào, nhưng tờ Wall Street số ra ngày 10/10/2011 thì vẫn có mặt trên một số sạp báo ở các đô thị lớn tại Hoa lục và cả trên trang mạng điện tử của tờ báo này, phải đến mấy ngày sau mới bị chận bởi tường lửa. Theo các nhà hoạt động xã hội ở Trung quốc thì có lẽ do vì là báo tiếng Anh nên quan chức kiểm duyệt lơ là hơn báo Hồng Kông. Ngoài ra số người kiểm duyệt báo nước ngoài không nhiều nên sơ sót là chuyện thường và lần này tờ The Wall Street lọt sổ. Khổ quá, ăn rồi chuyên đi lùng bắt những người chỉ trích mình, mà người ta chỉ trích đúng quá chứ có sai chổ nào đâu. Cố gắng đừng làm sai nữa thì sẽ hết bị người ta chỉ trích mà người dân cũng đỡ khổ. (Nguồn: http://doivienxu.wordpress.com)

Comments