Đỗ Nguyên Thắng Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hoa Kỳ
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionSự kiện ở Charlottesville gây ra nhiều phản ứng găy gắt và quan ngại trong cộng đồng tại Mỹ.
Thứ bảy cuối tuần trước, ngày 12 tháng 8, một nhóm người theo khuynh hướng cực hữu đã tuần hành ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, để phản đối quyết định của Hội Đồng Thành Phố tháo gỡ bức tượng của Robert E. Lee, vị tướng tư lệnh quân miền Nam trong cuộc nội chiến.
Hội Đồng đã thảo luận và thăm dò ý kiến người dân trong một thời gian dài trước khi quyết định xóa di tích của một nhân vật đại diện cho chế độ chủ trương quyền sở hữu nô lệ. Hầu như tất cả đám biểu tình là đàn ông da trắng trẻ tuổi đến từ các nơi khác, nhiều người trong họ mặc đồng phục như quân đội và mang theo vũ khí kể cả súng trường. Họ đốt đuốc sáng rực rồi hô to "máu và đất", khẩu hiệu của chủ nghĩa Quốc Xã Đức, cùng các khẩu hiệu tương tự chống Do Thái và các sắc dân thiểu số.
Nhưng theo thói quen tiền hậu bất nhất cố hữu, trong một cuộc họp báo hôm sau nữa, ông quay trở lại lập luận cũ. Ông nói rằng cả bên biểu tình lẫn bên phản biểu tình đều có lỗi, và "cũng có nhiều người tốt" trong phe biểu tình của nhóm da trắng thượng tônĐỗ Nguyên Thắng
Một nhóm khác gồm đủ mọi sắc dân với nhiều người địa phương cũng đổ về khu vực này để chống lại cuộc tuần hành. Hai bên chửi bới rồi xô xát, cuối cùng cảnh sát phải giải tán. Tưởng thế là yên, nhưng cùng ngày hôm đó, một thanh niên cực hữu lái xe thật nhanh đâm vào đám phản biểu tình. Cô Heather Heyer, 32 tuổi, thiệt mạng tại chỗ, và 19 người khác bị thương. Trong quá trình cứu người bị nạn và ngăn chặn bạo động sau đó, hai nhân viên cảnh sát cũng bị tử thương do trực thăng chở họ bị rớt.
Trump: Trong vụ Charlottesville, 'hai bên cùng có lỗi'
Vụ Charlottesville: Nhà Trắng bảo vệ phát biểu của Trump
Đừng hiểu phát ngôn của Trump theo nghĩa đen?
Khác với phản ứng gay gắt từ khắp nơi lên án tinh thần kỳ thị và hành động khủng bố của các nhóm cực hữu, lời phát biểu đầu tiên của Tổng Thống Donald Trump làm nhiều người thất vọng, khi ông cho rằng lỗi của vụ việc ở cả hai bên. Bị áp lực từ nhiều giới, sau đó ông đưa ra một tuyên bố dễ chấp nhận hơn, lên án thành phần da trắng thượng tôn (white supremacist) và tinh thần kỳ thị chủng tộc.
Nhưng theo thói quen tiền hậu bất nhất cố hữu, trong một cuộc họp báo hôm sau nữa, ông quay trở lại lập luận cũ. Ông nói rằng cả bên biểu tình lẫn bên phản biểu tình đều có lỗi, và "cũng có nhiều người tốt" trong phe biểu tình của nhóm da trắng thượng tôn. Lập luận cuối cùng này bị chỉ trích dữ dội, không những từ phe đối lập đảng Dân Chủ, mà còn chính từ những chính khách tên tuổi nhất trong đảng Cộng Hòa của ông. Quan trọng hơn nữa là cả bốn vị tướng tư lệnh binh chủng đều đưa ra thông cáo riêng, đả kích tinh thần kỳ thị và thù hận.
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionTổng thống Donald Trump đã có những phát biểu, bình luận gây tranh cãi liên quan vụ việc Charlottesville
Giới doanh thương, vốn bình thường phi đảng phái, cũng lên tiếng phản đối lời phát biểu của Tổng Thống. Đại đa số chủ tịch của các công ty lớn nhất nước Mỹ, như Merck, Intel, Dell, Ford, General Electric, v.v., rút chân ra khỏi Hội Động Sản Xuất, một bộ phận cố vấn tổng thống về thương mại, khiến hội đồng phải giải tán (Chủ tịch của Tesla, Elon Musk, đã rút chân trước đó). Nhiều nhà kinh doanh tên tuổi tuyên bố cống hiến hàng triệu mỹ kim cho các tổ chức phi lợi nhuận chống kỳ thị.
Toàn thể 18 thành viên Hội Đồng Cố Vấn Tổng Thống Về Nghệ Thuật cũng đồng loạt từ chức, phản đối quan điểm của Tổng Thống về vụ việc tại Charlottesville.
Nhiều người đòi hỏi ông Trump sa thải cố vấn Steve Bannon, người bị gán cho trách nhiệm đã đẩy Nhà Trắng theo xu hướng da trắng thượng tôn. Vài ngày sau, ông Bannon đệ đơn từ nhiệm và chính thức rời khỏi chính phủ.
Charlottesville là giọt nước tràn ly; lần đầu tiên các thành phần vẫn bị coi đứng ngoài lề xã hội do quan điểm quá khích, nay công khai biểu lộ thái độ sẵn sàng đàn áp các sắc dân thiểu sốĐỗ Nguyên Thắng
Tại sao phản ứng gay gắt?
Tại sao người Mỹ khắp nơi, và nhất là các vị lãnh đạo cộng đồng, tôn giáo, chính trị, kinh doanh, lại phản ứng gay gắt như thế? Để hiểu lý do, có lẽ cần phải nhìn lại lịch sử Mỹ và tìm hiểu gốc gác của phong trào da trắng thượng tôn. Vụ biểu tình như khoét lại vết thương tưởng đã lành trong xã hội Mỹ, một xứ sở đã từng nhiều lần nỗ lực để chinh phục con quái vật mang tên kỳ thị chủng tộc, gồm cả một cuộc nội chiến tương tàn.
Phong trào tranh đấu cho quyền dân sự của thập niên 1950 và 1960 cũng mang đến nhiều tiến bộ, tạo nên sự bình đẳng chủng tộc trên lý thuyết trong các lãnh vực như giáo dục, gia cư, công việc, v.v. Xét theo các sinh hoạt xã hội bình thường, nạn kỳ thị chủng tộc hầu như vắng mặt ở nước Mỹ của thế kỷ 21, cho đến khi Donald Trump ra tranh cử. Những tín hiệu "huýt sáo chó" (dog whistle; sử dụng từ ngữ với nhiều nghĩa mà chỉ người cùng phe mới hiểu nghĩa thật) mà ứng cử viên sử dụng, đã thổi sức sống cho phong trào da trắng thượng tôn.
Ở các buổi vận động tranh cử của Trump, nhiều người tham dự cầm cờ của phía miền Nam trong cuộc nội chiến, hay thậm chí đeo băng tay với huy hiệu Quốc Xã. Các thông điệp gay gắt từ bên Trump chất chứa thù hận và đổ lỗi cho các nhóm thiểu số khác nhau, từ người Trung Đông, người đạo Hồi, cho đến người Mễ Tây Cơ và người da đen. Các cuộc vận động của Trump cho thấy rõ sự phân biệt sắc tộc, một bên hầu hết da trắng, bên kia đủ màu da như tình trạng chủng tộc thật sự của nước Mỹ ngày nay.
Charlottesville là giọt nước tràn ly; lần đầu tiên các thành phần vẫn bị coi đứng ngoài lề xã hội do quan điểm quá khích, nay công khai biểu lộ thái độ sẵn sàng đàn áp các sắc dân thiểu số. Nhiều người bị chưng hửng vì không tin các diễn biến này có thể xảy ra trong thời điểm hiện tại và cảm thấy cần lên tiếng.
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionCảnh sát đã phải chịu sức ép lớn trong vụ bạo lực.
Những người biểu tình là ai? Họ mang các tên khác nhau, nhưng cùng quy tụ dưới khuynh hướng "da trắng thượng tôn" (white supremacists) hay còn gọi là "alt-right". Hai thành phần chính trong số họ là:
Ku Klux Klan, gọi tắt là KKK, hay The Klan: nhóm này khởi đầu từ các tiểu bang miền Nam nước Mỹ sau cuộc nội chiến; tiêu chỉ của họ là bảo vệ văn hóa da trắng bằng cách đàn áp và tiêu diệt các sắc dân và các tôn giáo khác với họ. Định nghĩa về người da trắng của họ rất hạn hẹp: đó là những người có gốc Anh hay Bắc Âu, nên ngay cả sắc dân của những khu vực Châu Âu khác, như Ý, Đông Âu, cũng bị họ kỳ thị.
Họ cực kỳ chống các người theo đạo Do Thái, điều đó nhiều người đã biết. Nhưng ít người biết là họ cũng chống Công Giáo, vì đó là một tôn giáo xa lạ với họ. Tuy nhiên, nạn nhân của họ hầu hết là người da đen, vì vào thời điểm đó các tiểu bang miền nam có một dân số cựu nô lệ da đen đáng kể. Hội KKK đổ lỗi cho người da đen là thủ phạm cho những khó khăn về kinh tế và chính trị của người da trắng.
Là người da màu ở Mỹ, trong trường hợp xã hội trở thành chia rẽ dựa trên sắc tộc, khả năng chúng ta trở thành nạn nhân của một chế độ kỳ thị không phải là điều xa vờiĐỗ Nguyên Thắng
Họ tổ chức các cuộc tuần hành, mặc toàn đồ trắng, đội mũ nhọn trắng, che mặt ngoài hai con mắt, nhìn vào rất đáng sợ. Họ rước đuốc khi tuần hành, sử dụng lửa như một vũ khí đe dọa. Họ thường cắm một cây thánh giá gỗ rất lớn trước nhà những người da đen rồi châm lửa cho cháy bùng lên như một cảnh cáo, sau đó có thể đốt nhà, hay treo người da đen lên đốt sống. Họ thường xuyên "lynch" tức là treo cổ các người da đen bắt được, kể cả trẻ em.
'Không phải điều xa vời'
Một số người tị nạn Việt Nam đã là nạn nhân trực tiếp của KKK. Năm 1979 tại Galveston Bay, bang Texas, KKK đã lợi dụng sự tranh chấp giữa các ngư phủ da trắng và tị nạn mới đến, xách động người địa phương đốt thuyền của người Việt. Người tị nạn phản ứng lại, và kết quả là một người đàn ông Việt bắn chết một người da trắng. Tòa tha bổng người Việt vì lý do tự vệ.
KKK trong nhiều thập niên qua đã bị dư luận lên án và bị coi như ở ngoài lề của giới hạn luân lý chấp nhận được. Chính phủ đã quy tổ chức này là "nhóm thù hận" hay "hate group", gần như tương đương với khủng bố.
Tân Quốc Xã (Neo-Nazi): Đảng Quốc Xã được Hitler lập ra ở Đức, với chủ trương người da trắng thuộc chủng tộc Aryan là trên hết, và trong đó người Đức có dòng máu Aryan tinh khiết nhất. Các sắc dân khác đều bị coi là thấp kém và chỉ xứng đáng để phục vụ người Aryan, thậm chí cần hủy diệt. Kẻ thù chính của họ là người theo đạo Do Thái, nhưng họ không dừng ở đây. Họ cũng tiêu diệt các sắc dân họ coi là "dưới tiêu chuẩn làm người" (subhuman) như người Slavic, Gypsy, đồng tính, chậm phát triển.
Bản quyền hình ảnhREUTERSImage captionMột thành viên trong nhóm 'da trắng thượng đẳng' đứng sau hàng rào của cảnh sát.
Họ cướp đoạt tài sản của các sắc dân này rồi lùa họ vào trại tập trung, sử dụng họ như nô lệ để sản xuất phục vụ chiến tranh, và cuối cùng xịt hơi ngạt giết khoảng 6 triệu người trong các lò ga. Sau khi Đảng Quốc Xã bị diệt ở cuối thế chiến thứ hai, có những thời điểm phong trào kỳ thị của các nước Âu Châu lại trỗi dậy dưới lá cờ Quốc Xã. Ở các xứ Đông Âu và nhất là Nga, thành viên Tân Quốc Xã cạo trọc đầu nên được gọi là skinhead. Ở Nga, họ đã đánh đập, thậm chí giết người da màu kể cà người Việt.
Sau này khi nhìn lại, Charlottesville có lẽ sẽ là bước ngoặt lịch sử quan trọng của nước Mỹ. Từ thời nội chiến đến giờ, đây là lần đầu tiên các quan điểm hữu phái cực đoan dựa trên lòng thù hận sắc tộc, không những có cơ hội mon men vào dòng chính của sinh hoạt chính trị Mỹ mà còn được sự hậu thuẫn từ chính nguyên thủ quốc gia. Các thế lực chia rẽ, đặt màu da này trên màu da kia, tôn giáo này trên tôn giáo kia, đi ngược lại với tinh thần công bình và bao dung đã tạo thành một nước Mỹ vĩ đại. Bước ngoặt này sẽ đưa chúng ta về đâu?
Một mặt, có thể nó là tiếng chuông báo thức, nhắc nhở mọi người rằng những hồn ma vẫn còn quanh quẩn, vẫn có khả năng vực dậy phần đen tối nhất của quá khứ. Nếu chúng ta thấy đây là một viễn tượng đáng sợ hãi và có đủ sáng suốt và quyết tâm chung sức thay đổi đường hướng hiện nay, nước Mỹ có thể tiếp tục cái hành trình hướng thiện đã bắt đầu từ khi lập quốc.
Ngược lại, chiêu bài lấy thù hận làm nguyên lý đã thành công trong vô số trường hợp, từ cách mạng tháng mười tại Nga, cho đến sự trỗi dậy của Quốc Xã và Phát Xít, cách mạng nhân dân ở Trung Quốc, Việt Nam, và nhiều quốc gia khác. Là người da màu ở Mỹ, trong trường hợp xã hội trở thành chia rẽ dựa trên sắc tộc, khả năng chúng ta trở thành nạn nhân của một chế độ kỳ thị không phải là điều xa vời.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả là cư dân vùng San Jose, California và là thành viên hội PIVOT (The Progressive Vietnamese American Organization - Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến).
Comments
Post a Comment