Lễ Phục sinh mới rồi, nhân được nghỉ bắc cầu thêm một ngày, tôi lên chơi Hà Nội, tình cờ gặp anh Thanh, người bạn trước cùng làm buồng giấy với tôi ở Vĩnh Yên. Anh em mừng ôn lại chuyện cũ, những cuộc chơi xưa.
Hỏi thăm những người quen biết, khi tôi nhắc đến tên anh Mã, anh tham Mã, thì bạn thở dài bảo tôi:
– Tội nghiệp! Nó điên đã sáu tháng nay.
Tôi kinh ngạc:
– Điên? Anh Mã điên?
Bạn tôi vẫn điềm tĩnh, nói tiếp:
– Từ ngày người bạn thân của anh ấy chết đi và anh ấy định tự tử chết theo không được là bệnh điên phát ra liền. Hình như vì trông thấy máu chảy, nên anh ấy bị một định kiến ám ảnh: anh ấy mơ màng thấy mình đã giết bạn, gặp ai cũng kể việc ám sát tưởng tượng một cách rất có thứ tự, nghe như thực vậy. May mà người ta biết anh ấy điên, nếu không có lẽ anh ấy ngồi tù.
Tôi sửng sốt hỏi:
– Lạ nhỉ? Nhưng người chết là ai thế?
– Anh Hùng. Anh Hùng chủ đồn điền mà chúng mình đã cùng anh Mã về chơi mấy lần, anh có nhớ không?
– Tôi nhớ lắm, tôi nhớ cái tính tình hào phóng của anh Hùng; nhớ cả người vợ rất đẹp của anh, một thiếu phụ trẻ tuổi, có học vấn, có nền giáo dục thức thời.
Nghe bạn nhắc đến tên Hùng; thốt nhiên tôi thấy hiện ngay ra hình ảnh tươi cười và dáng điệu nhanh nhẹn của người đàn bà ấy. Tôi hỏi:
– Anh Hùng, người khỏe mạnh, sung sướng như thế mà chết. Chết về bệnh gì?
– Tự tử.
– Tự tử! Vô lý!
– Chẳng một mình anh cho là vô lý, mà ông thầy thuốc khám tử thi cũng nói như vậy. Cho đến cả các báo cũng nhao lên về cái chết khả nghi ấy. Nhưng may mà anh ấy tự tử thật, chứng cớ hiển nhiên còn đó…
Rồi anh Thanh lại đem kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện:
– Cách đây sáu tháng, một hôm vào buổi giữa trưa, bỗng nghe có tiếng súng nổ ở nhà Hùng. Người ta chạy đến coi thấy anh Hùng nằm trên giường ngủ, áo lót mình và khăn giải nệm hơi vấy máu, bên cạnh có một cây súng bắn chim. Bên giường, vợ Hùng gục đầu xuống khóc. Ngồi ở một cái ghế gần đấy, Mã, người bạn rất thân của Hùng, hai bàn tay ôm đầu có vẻ buồn rầu đau đớn.
Tài xế của Hùng lên ngay tỉnh lỵ báo tin và gọi điện thoại cho thân phụ người chết.
Hai giờ sau ông thầy thuốc cùng ông án sát ở tỉnh về khám xét tử thi. Thì lạ quá, cứ theo đường đi của viên đạn, người chết bị giết chớ không phải tự tử; không phải tự tay người chết bóp cò được, phát súng phải ở tay người khác bắn và đứng cách xa một quãng ít ra là vài thước. Ông án tạm xướng lên cái thuyết: người chết để súng nằm trên bụng và dùng ngón chân cái ấn cò, rồi tiếng nổ giựt mạnh quá văng súng ra một bên.
Hỏi người vợ xem có lấy cây súng ở trên thây người chết ra không, thì nàng nói nghe tiếng nổ, mới hoảng hốt ở buồng bên chạy sang, và vẫn thấy các vật y nguyên như thế.
Còn Mã, người bạn chí thân của Hùng, chàng chỉ ngồi khóc và ấp úng trả lời viên thẩm phán rằng chẳng biết vì lẽ gì Hùng lại tự tử.
Hình như chàng buồn quá nên quẫn cả trí nghĩ. Đến lượt người tài xế và người bếp, họ đều khai như nhau rằng khi tới buồng chủ, thấy chủ ngắc ngoải sắp chết, đương thì thầm dặn dò bà Hùng và ông Mã những gì mà họ không nghe rõ.
Người vợ có nhận là đúng, và khai thêm rằng người sắp chết xin lỗi họ, và một mảnh giấy người chết cầm trong tay trái cũng chứng thực điều đó. Mảnh giấy có mấy hàng ngòng ngoèo sau đây:
‘Tôi xin cha tôi, vợ tôi và bạn tôi thân nhất trên đời của tôi tha lỗi cho tôi. Vì mắc bệnh đau tim, tôi đã hèn nhát trốn nợ đời’
Hùng
Chữ viết chính là chữ Hùng, tuy lệch lạc, dòng lên dòng xuống như chữ người ốm nặng. Nhưng có thể cho rằng người ta lúc sắp tự tử, cảm động quá không có can đảm để trấn tĩnh mà viết được như thường. Chữ tên ký thì thực là nét chữ Hùng. Các nhà giám định đã thẩm tra kỹ lưỡng và đều công nhận như thế.
Chiều hôm ấy, thân phụ người chết ở Hà Nội đi ô tô lên. Bấy giờ ông án và ông thầy thuốc sắp sửa mổ tử thi khám nghiệm, nhưng ông cụ không muốn người ta phạm đến xác thịt con mình, cố nài xin thôi để khâm liệm, mai táng. Ông nói cứ tin ở bức thư tuyệt mệnh của người chết cũng đủ.
Thế rồi sáng hôm sau cất đám. Trong bọn đi đưa, người ta lưu ý nhất đến Mã. Chàng khóc lóc thảm thiết. Không ai ngờ tình bằng hữu lại thân mật được đến như thế.
Khi chôn xong, Mã thì thầm khấn khứa rất lâu rồi vì thương quá, ngất đi ở trên mộ. Người nhà Hùng phải khiêng về ấp. Thế là Mã lên cơn sốt, bất tỉnh nhân sự. Ba hôm sau bệnh Mã lui thì bỗng người ta lại nghe có tiếng súng nổ. Tiếng súng thứ hai này cách tiếng súng trước đúng bốn ngày. Có lẽ Mã lên cơn sốt làm mê mẩn, nên đã vớ lấy súng bắn chim tự chĩa vào ngực bóp cò. May mà tay người ốm còn yếu, cầm súng không được vững, nên viên đạn đi lệch, chỉ sượt trái tim.
Từ đó, Mã mắc bệnh điên.
+
+ +
Tôi nghe câu chuyện, đăm đăm ngẫm nghĩ, trong lòng nẩy mối ngờ vực vẩn vơ. Tôi hỏi:
– Thế bây giờ anh Mã ở đâu?
– Tôi vừa đến thăm. Anh ấy xin phép sáu tháng ăn nửa lương về nghỉ tại Hà Nội. Nhà ở phố B… Số tám.
Tính tò mò của tôi đã lên tới cực điểm. Tôi giơ tay bắt tay Thanh rồi vội vã lại phố B… thăm bạn cũ.
Tôi tuy làm cùng sở với Mã trong mấy năm, chúng tôi lại hợp tính nhau lắm, nhưng tôi vẫn không biết gia thế anh ấy ra sao, mãi khi đến nhà, tôi mới rõ anh ấy là con nhà giầu có và hình như được cha mẹ chiều chuộng lắm thì phải.
Lúc bấy giờ, ông thân Mã đi chơi vắng. Tôi chỉ gặp có một mình bà mẹ. Bà cụ ôn tồn mời tôi ngồi chơi rồi buồn rầu bảo tôi:
– Đã năm, sáu hôm nay, em nó không hé răng nói một lời, suốt ngày chỉ ngồi nhìn qua cửa sổ như mơ mộng điều gì. Rõ khổ quá! Nhà tôi xưa nay có ai mắc bệnh điên như thế bao giờ đâu?
Sau khi thuật lại một cách rất tường tận bệnh trạng của con trong mấy tháng, bà cụ lại tiếp:
– Người ta mách tôi rằng ông lục sự Thanh Oai có bài thuốc chuyên môn chữa bệnh điên. Tôi đã mời đến chữa cho em; ông ta bảo điên mà hay nói thì rất nhẹ, chỉ sợ ngồi lì cả ngày không nói câu nào mà thôi. Vì thế, ít bữa nay tôi thấy em nó bỗng như câm bặt, không chuyện trò lảm nhảm nữa mà tôi lo.
Tôi xin phép đến buồng bệnh nhân. Bà cụ bảo người nhà đưa tôi lên một gian phòng ở trên gác.
Mã đang ngồi xem quyển tiểu thuyết chữ Pháp, thấy tôi bước vào ngước mắt đăm nhìn.
Tôi đứng dừng lại, không vội tiến. Mã hất hàm như để hỏi tôi việc gì. Tôi ngả đầu chào và xưng tên. Anh liền mỉm cười, đứng dậy ra bắt tay tôi, rồi kéo tôi ngồi xuống ghế mà bảo tôi rằng:
– Được tiếp một người bạn ở Vĩnh Yên về chơi, tôi lấy làm sung sướng quá.
Tôi đương ngờ vực câu ấy có vẻ điên vì thấy Mã quên rằng tôi đã đổi về Thái Bình từ lâu rồi, thì anh lại tiếp luôn:
– ở đây, thấy mọi người họ đều cho tôi là điên, tôi nói gì họ cũng không tin, nên tức mình tôi giả câm, đã năm sáu hôm nay. Rồi anh sẽ rõ tôi điên hay lành.
Dứt lời, Mã dõng dạc cất tiếng gọi người nhà bảo pha nước, dáng điệu khoan thai, giọng nói của một người không mất trí khôn.
Tôi đưa mắt ngắm quanh cái buồng có cửa sổ rào chấn song sắt và so sánh với một phòng nhốt người điên ở nhà thương Phủ Doãn. Khi ta đã có định kiến ấy, nó gợi ra trong trí ta biết bao ý tưởng giống loại với nó. Đến nỗi quyển tiểu thuyết bạn tôi đương cầm ở tay, tôi cũng cho là phải điên rồ mới thích đọc được.
Tôi còn mải mơ màng với những ý nghĩ viển vông thì một câu hỏi của Mã làm tôi giật mình như người tỉnh ngủ:
– Anh còn nhớ anh Hùng không?
Tôi vờ:
– Anh Hùng nào?
– Anh Hùng chết năm, sáu tháng trước ấy mà!… Anh không xem nhật trình hay sao mà không biết chuyện anh Hùng tự tử ở một cái đồn điền thuộc tỉnh Vĩnh Yên? Thực ra anh ấy không tự tử đâu. Chính anh ấy bị ám sát mà kẻ ám sát chính là tôi.
– Không, đâu phải.
– Cả anh nữa, anh cũng không tin tôi nốt! Nhưng được, dù anh tin hay không tin tôi cũng xin anh hãy lắng tai nghe những lời tôi kể sau đây.
Rồi hình như vì thuật đi thuật lại nhiều lần, nên đã thuộc lòng câu chuyện, Mã nói trơn tru, lời văn gọn gàng và bóng bẩy (có lẽ đó là triệu chứng của bệnh điên chăng?):
‘- Tôi là một người trọng danh dự như thế nào, anh và các anh em bạn tôi đã biết, nhất khi danh dự lại có dính líu đến một người đàn bà. Mà các anh cũng chẳng lạ rằng đối với bằng hữu tôi là một người rất tốt, rất trung thành, tận tâm tận lực. Anh đừng vội cười mà cho là tôi khoe khoang, muốn phô những nết tốt của mình ra. Không cần gì tôi phải khoe khoang, và tôi cũng không còn được phép khoe khoang nữa kia mà, vì tôi là một kẻ sát nhân.
‘Vâng, tôi không khoe khoang. Tôi phô những đức tính kia ra nếu đó có thể gọi được là đức tính (Mã điểm một nụ cười chua chát) là chỉ cốt để tỏ cho anh hay rằng một người như thế mà khi mê muội, khi bị ái tình nhục thể huyền hoặc, mờ ám, cũng trở nên được một tên giết người tầm thường, đê tiện, hèn mạt.
‘Trời ơi! Có thể như thế được không? Có thể yêu vợ bạn rồi giết chết bạn được không? Đó là ái tình ư? Không, đó là một tính cách cầm thú của bản năng con vật ẩn núp, lẩn quất trong linh hồn con người… Khốn nạn! Đồ khốn nạn! Sao không nhốt nó vào nhà pha! Mau! Tống cổ nó vào ngục thất mau!’.
Mã lớn tiếng thét rồi hình như mất hết nghị lực, đưa hai bàn tay lên bưng mặt khóc rưng rức, lẩm bẩm nói những gì, tôi không rõ. Tôi đứng dậy, khép cái cửa ra cầu thang gác, sợ ở nhà ngoài, bà mẹ nghe tiếng kêu gào mà lên, thì tôi sẽ không được nghe chuyện.
Tiếng giầy đi trên ván khiến Mã ngửng mặt lên, có lẽ tưởng tôi bỏ ra đi. Anh vội vàng chạy theo níu tôi ngồi xuống ghế, và mỉm cười – cái cười đầy nước mắt – bảo tôi:
– Anh phải nghe hết câu chuyện đã.
– Nhưng anh đừng hét nữa kia. Anh hét thế tôi sợ lắm, không dám ngồi gần anh đâu.
Mã lại mỉm cười:
– Oan khổ, anh coi tôi như một thằng bé con lên ba, lên bốn. Hoặc giả anh cho tôi là thằng điên thực. Nếu tôi điên sao không nhốt tôi vào nhà điên, lại để tôi tự do sống như một thằng lừa dối, một thằng phản bạn, một thằng giết người sống cái đời tự do, yên lặng của nó? Anh ạ, có lần tôi đã có làm cho điên thực, để họ nhốt vào nhà điên vì họ không muốn bỏ tù tôi, họ không muốn làm tội. Không những họ không tố giác tôi, họ lại còn không để tôi tự tố cáo tôi nữa. Đã mấy lần tôi định đến sở cẩm, đến tòa án, tự đưa tay vào xích, tự lăn mình vào lưới pháp luật, nhưng lần nào cũng bị người ta tóm được. Rồi người ta nhốt tôi vào cái buồng kín mít này nó cũng chẳng kém gì cái nhà tù. Họ còn dọa hễ tôi phá phách quá lắm để tìm lối trốn thoát, thì họ sẽ bỏ tôi vào cái cũi sắt nữa kia. ấy vì thế ít khi thả lỏng tôi thế này và cho tôi được phép tiếp bạn bè trong chốc lát. Rồi anh coi, họ sắp lên đuổi anh ra ngay bây giờ.
Tôi lo lắng nhìn cái cửa ra thang gác, nóng ruột muốn biết câu chuyện giết người của Mã, câu chuyện có lẽ chỉ những người ngu ngốc, đần độn, hay điên cuồng mới không tin là có thực.
‘- Anh đã làm việc ở Vĩnh Yên, chắc anh cũng có biết anh Hùng. Một người hào hiệp, thẳng thắn như anh Hùng, ai mà không quen, ai mà không muốn gần gũi chơi bời.
‘Tôi thì khác. Tôi thương mến anh Hùng ngay từ khi còn cùng nhau theo học lớp ba trường Hàng Vôi. Tình bằng hữu một ngày một thêm khăng khít. Rồi hai người cùng thi đậu bằng thành chung. Anh Hùng kế nghiệp cha, ra làm đồn điền, còn tôi theo đuổi việc học tại trường Pháp Chính. Chúng tôi mến nhau chẳng khác anh em ruột thịt. Hơn nữa, chúng tôi yêu nhau như một cặp tình nhân vậy.
‘Nhưng khổ cho chúng tôi, không may cho tình bằng hữu thiêng liêng (anh ngừng lại một giây và gạch hai chữ thiêng liêng bằng một cái nhếch mép độc địa, cái nhếch mép nửa giống như cười, nửa giống như mếu), không may cho tình bằng hữu thiêng liêng của chúng tôi, anh Hùng lấy vợ. Không may nữa, vợ anh là người… bậy bạ… lẳng lơ…
‘- Trời ơi! Con thiếu phụ! Con ác phụ! Sao tôi không giết nó? Sao tôi lại giết bạn tôi?’.
Tôi nhìn ra cửa ngắt lời:
– Nếu anh còn gào thét thì tôi xin về.
Mã dịu lời:
– ‘Nhiều lần đến thăm anh Hùng, tôi đã nhận thấy cặp mắt đa tình, cặp môi đa dục của nó. Tôi đoán chừng đối với anh Hùng, anh em đến chơi đông, một phần vì anh có lòng mến khách thực, nhưng một phần cũng vì con mụ đàn bà kia. Cái dung nhan rực rỡ, cái cười tình đằm thắm của nó, cái thân thể nở nang, uốn éo của nó đã quyến rũ người ta, đã thôi miên người ta, đã mê hoặc người ta.
‘Anh Hùng vẫn chẳng biết gì hết. Anh yêu thương vợ anh. Anh mê mẩn vợ anh đến nỗi chẳng nhìn thấy gì hết.
‘Nhưng tôi nhìn thấy. Tôi chỉ là bạn chồng nó chứ không phải là chồng nó. Tôi không nỡ để một người tốt như bạn tôi bị lừa dối. Tìm cách mở mắt cho người mù vì ái tình vẫn là một việc khó, khó hơn lấy lại ánh sáng cho một người mù thực, nhưng khó, tôi cũng không từ, không lui.
‘Năm ngoái, nhân một dịp nghỉ lễ, tôi về chơi đồn điền anh Hùng. Cố nhiên tôi gặp một lũ bạn giả dối, và trong số đó có thằng tình nhân khốn nạn của con đàn bà khốn nạn.
‘Trời ơi! Sao tôi không bắn chết hai đứa thất phu, thất phụ ngay hôm chúng nó tư tình với nhau ở sau một đống rạ sau đồng? Sao tôi lại để cho chúng nó thoát? Trời ơi! Nhưng tôi cũng chỉ là một thằng khốn nạn’.
Lần thứ hai, tôi ngắt lời bạn:
– Kìa! Anh lại thét. Thôi tôi không nghe nữa.
– ‘Xin lỗi anh, nhưng tôi khốn nạn lắm kia, Con dâm phụ thấy tôi biết chuyện bậy bạ của nó, thấy tôi rình mò, do thám nó, thì nó nghĩ ngay ra một quỷ kế, một kế mỹ nhân.
‘Nó than, nó khóc, nó kể lể, nó phàn nàn nhiều điều về anh Hùng, nào anh ác nghiệt, cay độc, tình phụ nó, ruồng rẫy nó, hàng tháng, hàng năm không yêu thương nó, mà nó thì nó rất thèm khát sự yêu thương…
‘Rồi không biết nó nói thực hay nói dối – còn ai hiểu được bụng nó – nó bảo ở trên này nó chỉ yêu có một người, nhưng nó không dám, nó không thể nói cho người ấy biết được. Nó đành chôn sâu trong trái tim, trong linh hồn khối tình tuyệt vọng.
‘Thế là bắt đầu sự đê hèn của tôi! Vì tôi đã hơi tin nó. Trời ơi! Anh Hùng ơi! Sao tôi còn vác được cái mặt dầy mà sống ở đời?’
Mã bưng mặt khóc, khóc nức nở…
Tôi chờ Mã, không thấy anh kể nốt, liền nhắc:
– Câu chuyện chỉ có thế?
Anh Mã vội vàng ngửng đầu lên, lau nước mắt trả lời:
– Nếu chỉ có thế thì còn nói gì? Nhưng nào chỉ có thế.
‘Ngày tôi bắt đầu thương hại vợ bạn là ngày tôi sa chân xuống địa ngục. Vì từ thương hại cho tới thương yêu chỉ có một bước…
‘Mà bước ấy, tôi đã… qua. Anh Hùng ơi! Sao tôi khổ sở thế này?…
‘Trời ơi! Cái sắc đẹp! Cái sắc đẹp giết người!’
Tôi chau mày bảo Mã:
– Nếu anh không tĩnh tâm mà kể thì tôi hiểu sao được?
‘- Phải. Tôi mê man trong ái tình, trong dục tình.
‘Chiều thứ bẩy nào tôi cũng phải mò về đồn điền bạn để tình tự với vợ bạn. Chúng tôi yêu nhau điên cuồng đến nỗi dám định cùng nhau đi trốn. Mà bạn tôi vẫn thẳng thắn, vẫn không ngờ vực mảy may.
‘Thế rồi một buổi trưa chủ nhật…’
Mã như nghẹn lời không nói được nữa. Hai hàng nước mắt chảy ròng. Tôi rùng mình ghê sợ, toan bỏ ra về nhưng không sao đứng dậy được. Còn Mã thì ngồi đấy không hề ngó thẳng mắt tôi nữa, buồn rầu cúi gầm xuống mà kể tiếp:
‘Một buổi trưa chủ nhật, ăn cơm sáng xong, Hùng rủ tôi đi săn. Tôi vờ nhức đầu ở lại nhà. Anh tất cũng hiểu tôi ở nhà để làm gì…
‘Bỗng một nửa giờ sau, bạn tôi hình như bỏ quên vật gì, trở về vào buồng giữa lúc bọn gian phu dâm phụ sắp phạm tội nhục thể…
‘Trời ơi! Tôi làm thế nào mà xóa bỏ trong trí nhớ cái cảnh tượng xấu xa, nhơ nhuốc ấy?
‘Bạn tôi, xưa nay tính vẫn nóng nẩy, chĩa súng về phía vợ ngồi, định bắn. Tôi nhẩy phắt ngăn lại giật lấy súng; Hùng liền vớ ngay hai con dao treo bài trí trên tường, sấn lại chém vợ. Người vợ hình như mất hết cả can đảm, ngồi im để chờ chết. Hai lưỡi dao sáng loáng sắp bổ xuống đầu người thiếu phụ, thì đứng trước mặt, tôi chẳng kịp nghĩ ngợi, giương súng… bóp cò… Bạn lăn ra đất.
‘Nhưng độ mấy giây sau, bạn tôi lại ngồi dậy. Tôi tưởng anh không việc gì, vì thấy anh men lại giường, rồi bước lên nằm duỗi thẳng cẳng trên nệm. Tôi nhìn cái áo lót của anh có vết máu ở ngực. Anh sẽ gật, ra hiệu bảo tôi ghé lại gần. Lúc bấy giờ tôi, một người không hồn, làm theo những lời sai khiến của bạn như cái máy theo người vặn. Anh Hùng thì thầm:
– Lấy mảnh giấy và cái bút chì mau!
‘Rồi đặt lên trên một quyển sách có bìa cứng, anh viết mấy dòng sau này:
Tôi xin cha tôi, vợ tôi và bạn thân nhất trên đời tôi (Mã đọc đến đây, nấc lên một tiếng, và phải ngừng lại mấy giây) tha lỗi cho tôi, vì mắc bệnh đau tim, tôi đã hèn nhát trốn nợ đời…
‘Nằm nghĩ ngợi một lát, anh lại bảo tôi nhặt hai con dao rơi ở mặt đất treo bên giường ngay bên cạnh mình.
‘Người vợ, con đàn bà khốn nạn, từ nãy vẫn gục quỳ ngay bên cạnh và luôn luôn van lạy xin lỗi. Lúc đó có người nhà chạy lên, nhưng tôi chẳng hề để ý tới ai hết.
‘Bạn tôi hiểu rằng mình còn sống trong giây phút, cố hết sức tàn se sẽ bảo tôi.
‘Thế rồi bạn tôi tắt nghỉ…’.
Có lẽ Mã đã ghi hết nghị lực để lấy giọng bình tĩnh kể đoạn chuyện sau cùng, vừa dứt lời, anh rú lên, văng từ ghế xuống gác, kêu rầm một tiếng. Bà mẹ ở dưới nhà tất tả chạy lên, hoảng hốt khóc lóc mếu máo:
– Khổ quá! Con tôi đã lên cơn điên rồi!
Tôi cùng một người đầy tớ khiêng Mã lên giường rồi cáo từ bà cụ ra về, trong trí còn phảng phất lời nói mỉa mai của Mã:
‘Chỉ những người ngu dốt, đần độn hay điên cuồng mới không tin là câu chuyện có thực’.
Khái Hưng
Comments
Post a Comment