NHÂN CHỨNG

Thầy ký giả Huy Sơn vừa đạp xe lộc cộc trên đường đất khô cứng lồi lõm, vừa lầm bầm chửi đổng: “Tổ bà nó, bộ mình tới số cùng đinh mạt vận hay sao mà bị đày về đây điều tra cái chuyện dị hợm nầy. Đù má, có cái cục đá mà làm như là Phật bà giáng trần không bằng.”

Và thầy nhớ lại cái tin động trời của đặc phái viên miệt Tiền giang đánh dây thép gởi lên Sài gòn tuần trước: “Ở làng P. có cục đá bự từ trên trời rớt xuống, mười người ôm không xuể. Hình và bản tin sẽ gởi hoả tốc lên sau.” Cả toà soạn, ai cũng xôn xao. Vài bữa sau, ông chủ nhiệm nhận được một phong thơ dầy cộm. Ông xé ra coi qua loa rồi chuyển cho ông chủ bút, không quên ghim theo tờ giấy đề mấy chữ: “Tin sốt dẻo, cho chạy gấp chiều nay.” Mọi người chực chờ bóng ông vừa khuất sau tấm bình phong lấm lem mực in, sau đó là tiếng xe vết-pa nổ “bịch, bịch”, là vội vàng chạy lại, bu quanh bàn ông chủ bút. Ông ta cầm mấy tấm hình, ngó sơ qua rồi chuyền cho mọi người cùng coi. Hình chụp một cục đá xám xì xám xỉn nằm chình ình giữa đồng không mông quạnh. Nếu thấp thoáng xa xa không có hàng dừa nghiêng nghiêng và vài nóc nhà lá, người ta có thể nghĩ là hình chụp phong cảnh miền tây nước Mỹ. Có người chắt lưỡi trầm trồ:

– Trời, ngộ quá hén! Tự nhiên từ trên trời rớt xuống một cục đá tổ chảng.

Người khác chen vô:

– May mà không rớt trúng nhà dân hay nhằm chỗ thị tứ…

– Ờ, ờ, rớt kiểu đó có nước chết chùm cả đám.

Thầy ký giả Huy Sơn buột miệng:

– Tui thấy chuyện đá từ trên trời rớt xuống cũng bình thường thôi.

Một người cãi:

– Bình thường chỗ nào? Năm thì mười hoạ mới xảy ra, chớ có phải hằng ngày, hằng tháng đâu mà bình thường?

Thầy ký giả cười nhẹ, ôn tồn giải thích:

– Anh chưa nghe tui nói hết ý. Bình thường là như vầy. Đá ngoài vũ trụ mà người ta gọi là vẩn thạch, vẫn lọt vô tầng khí quyển rồi rớt xuống mặt địa cầu hoài đó chớ, tại mình không biết đó thôi. Biển chiếm khoảng hai phần ba mặt đất; nước Mỹ, nước Gia-nã-đại, nước Nga lớn gấp mấy chục lần nước mình, tính theo tỷ lệ lẽ dĩ nhiên vẩn thạch rơi nhằm biển và mấy quốc gia đó thường hơn. Vậy mà cục vẩn thạch nầy lại nhè miệt lục tỉnh mà giáng, đó mới là chuyện lạ đời, hiếm có.

Một người lên tiếng hỏi:

– Mà tại sao đá ngoài vũ trụ lại rớt vô trái đất mình nhiều dữ thần vậy anh Huy Sơn?

Thầy ký giả gãi đầu, moi óc nhớ lại mớ kiến thức trung học của mình:

– Ờ,… ngoài không gian đâu thiếu gì vệ tinh và đá vụn, phát sanh từ các phản ứng hoá học gây tiếng nổ, chớ đâu phải chỉ có các hành tinh trong thái dương hệ mà mình biết. Những mảnh đá bể, lớn có nhỏ có, bay lang thang hoài huỷ ngoài vũ trụ mênh mông. Rồi hoàn toàn ngẫu nhiên, có vài mảnh chọc thủng quỹ đạo địa cầu, bị hấp lực của trái đất hút xuống. Chúng rơi mau lắm, cọ xát với vật chất của bầu khí quyển, phát nhiệt, loé sáng như một cục bông gòn tẩm lửa. Người có học gọi đó là hiện tượng sao băng. Còn giới bình dân, người ở thôn quê thì kêu là bà giáng. Thấy bà giáng mà không bắt ấn, niệm chú thì bà giận, bà bắt sanh bệnh dễ như chơi.

Mọi người cười ồ.

Tờ báo loan tin “đá rớt” hôm đó bán chạy như tôm tươi. Ông chủ nhiệm thấy đề tài ăn khách, cần đào sâu thêm nên bàn với ông chủ bút, phái một người xuống làng P. coi hư thực ra sao, rồi viết bài điều tra, phỏng vấn các nhân chứng để câu độc giả. Ông chủ bút thấy ký giả Huy Sơn coi bộ rành rẽ chuyện sao băng, sao chổi, nên đề nghị ngay thầy. Ban đầu thầy ký giả không chịu đi, viện cớ là toà soạn đã có đặc phái viên lục tỉnh rồi thì kêu người ta viết bài gởi lên, cho thầy đỡ mất công xuống dưới đó. Nhưng ông chủ nhiệm không tin tưởng cái anh chàng đặc phái viên nầy cho mấy. Ông chủ bút còn chêm vô, cái thằng gì mà dốt đặc cán mai, viết bản tin đầy lỗi chánh tả, làm tui sửa thấy mụ nội. Thấy điệu nầy từ chối không xong, thầy ký giả Huy Sơn đành gật đầu ưng thuận, kèo nài xin thêm tiền cà-phê thuốc lá, còn ra điều kiện, kêu toà soạn đánh dây thép xuống dưới đó, nhờ anh chàng đặc phái viên bỏ công kiếm giùm mấy nhân chứng cho đỡ mất thì giờ.

Rồi, như đã hẹn sẵn, chiều hôm đó đặc phái viên Long Hồ ra đón thầy ký giả Huy Sơn tại bến xe đò lục tỉnh. Hai người kêu xe lôi về nhà. Ký giả Huy Sơn gợi chuyện:

– Ngoài chuyện làm báo, anh còn làm nghề gì khác không?

– Có chớ anh, tui lo mấy việc ấn tống kinh Phật, quay ronéo bài vở cho trường trung học ở đây và các loại ấn loát linh tinh. Tiền bạc không được bao nhiêu, nhưng đủ sống.

– Còn việc ông chủ nhiệm nhờ anh truy lùng coi có ai thấy tận mắt chuyện đá rớt không, tới đâu rồi?

Đặc phái viên Long Hồ nói như kể công:

– Nhận được tờ điện tín, tui bắt tay làm liền. Tui cho quay ronéo vài trăm tờ giấy tìm người mắt thấy tai nghe vụ đá rớt hôm đó, rồi nhân ngày nhóm chợ ở làng P. tui mướn tụi nhỏ phân phát tận tay bà con. Tui còn sợ nhiều người không biết đọc, nên sai mấy thằng nhỏ vừa phát vừa hô lớn: “Nhà báo tìm người thấy đá rớt để phỏng vấn, trả công hậu.” Vậy mà…

Người đàn ông chợt ngưng ngang. Ký giả Huy Sơn hỏi thúc:

– Mà cái gì?

Đặc phái viên Long Hồ thở dài:

– Vậy mà cho tới giờ nầy, chỉ có một người liên lạc với tui mà thôi.

Ký giả Huy Sơn sáng mắt:

– Tui còn sợ là không có ai nữa đó. Anh biết mà, dân quê mình còn nặng đầu óc hủ lậu, mê tín dị đoan, sợ đụng chạm tới vong linh người khuất mày khuất mặt, đâu ai dám khai là mình thấy bà xẹt, đá rớt trên nhật trình. Mà anh hẹn với người đó ngày giờ ra sao?

– Trưa mai, sau giờ thọ trai.

Ký giả Huy Sơn ngạc nhiên kêu lên:

– Ủa, bộ người đó là thầy chùa à?

– Đúng vậy. Ông ta là sư cụ trú trì chùa Tịnh Độ ở làng P. nầy.

Thầy ký giả chau mày, lẩm bẩm:

– Ngộ hén, ngộ hén!

Về tới nhà, sau khi tắm rửa, cơm nước xong xuôi, đặc phái viên Long Hồ chỉ vẽ đường đi nước bước để hôm sau ký giả Huy Sơn tới gặp sư cụ. Anh cho thầy ký giả mượn chiếc xe đạp cũ làm phương tiện di chuyển, còn dặn dò thêm:

– Con ngựa sắt của tui đó nghen anh! Nhớ khoá lại cẩn thận mỗi khi đi đâu. Ờ, nếu sợi dây sên sút ra thì anh mở cái hộp thiếc gắn dưới yên xe, rút nùi giẻ mà ráp lại cho khỏi dơ tay.

Hai người ngồi ở mái hiên bên hông nhà, ngó ra con rạch mênh mông bóng tối. Anh Long Hồ khêu ngọn đèn dầu thêm sáng, sai vợ đốt khoanh nhang xua muỗi đặt dưới gầm bàn, rồi tự tay pha bình trà ướp bông sứ ra đãi khách. Đêm ở chốn nầy xuống thiệt mau. Mới đó mà hai thân dừa cong oằn xuống dòng rạch, bụi chuối già cỗi tả tơi, cây ô môi lưa thưa vài chùm bông hường chỉ còn là những chiếc bóng đen kịt in lên nền trời xanh thẫm. Hằng hà sa số tinh tú chớp tắt ở trên cao. Quay tìm vầng trăng, ký giả Huy Sơn thấy nó treo lơ lửng giữa đỉnh trời, nhỏ bằng cái dĩa con, toả vòng ánh sáng lợt lạt như bốc khói. Côn trùng cũng bắt đầu ra rả.

Thầy Huy Sơn vừa nhóp nhép chuối khô với trà bông sứ, vừa lơ là nghe đặc phái viên Long Hồ thao thao bất tuyệt chuyện săn tin và phát hành báo ở miệt lục tỉnh. Tới một lúc, ký giả Huy Sơn không còn chú tâm lắng nghe được nữa, đầu óc bắt đầu nghĩ ngợi vòng vo. Anh nhớ nhà, nhớ đèn điện phố thị, nhớ khung cảnh náo nhiệt của Sài gòn Chợ lớn về đêm. Bất thần, giữa cảnh tượng sống động ồn ào đó, hiện lên một tảng đá khổng lồ nằm chắn lối. Chướng ngại vật của cuộc đời, thầy ký giả lẩm bẩm, đúng là chướng ngại của cuộc đời, không còn sai trật chỗ nào nữa. Khi không từ trên trời rớt xuống một tảng đá chình ình giữa đồng trống, bắt thầy cực khổ mò xuống tận chốn đìu hiu hút gió nầy, còn buộc thầy phải suy gẫm về cái minh mông của vũ trụ và căn nguyên của con người.

Thầy ký giả Huy Sơn lên tiếng hỏi một câu không ăn nhập vô đâu:

– Anh nghĩ gì về khối vẩn thạch từ trên trời rớt xuống?

Anh đặc phái viên ngơ ngác:

– Cái gì? Khối vẩn thạch nào? Ờ… ờ, anh muốn nói tới tảng đá rớt nằm ngoài ruộng đó hả? Hừm… tui nghĩ theo tây học anh à! Lúc nghe tin ấy, tui lật đật đạp xe tới coi, chụp hình rồi viết bài gởi lên toà báo như anh biết đó. Tui còn giở sách khoa học ra dò nữa. Theo tui, đó chỉ là chuyện tình cờ, hoàn toàn tình cờ như mình đang đi dưới tàn cây rậm rạp, bị chim ỉa một cục trúng đầu vậy mà.

Ký giả Huy Sơn bật cười ha hả.

Tiếng cười loang rộng, dội lớn trong dòng hồi tưởng, khiến thầy ký giả đang gò lưng đạp xe trên lộ đất chang chang nắng ban trưa, cũng phải mở miệng cười thành tiếng. Thầy cảm thấy khoan khoái ngang xương, lòng bừng lên nỗi nôn nóng muốn biết sư cụ có ý kiến gì về hiện tượng hãn hữu nầy. Vài lỗ chưn trâu nằm chắn ngang lòng đường ốm. Ký giả Huy Sơn bẻ tay lái lách qua. Không biết vụng về làm sao mà thầy cảm thấy hai chưn đạp đột ngột lỏng le. Chiếc xe già nua chậm lại. Thầy cúi xuống dòm, thấy sợi dây sên sút khỏi dĩa răng cưa, cạ vô ống quần ka-ki màu xám tro, quệt một đường đen thui.

Thầy ký giả thắng xe lại, nhảy xuống, làu bàu: “Đúng là đồ lô-can, mới chạy có chút xíu mà đã sứt cùi văng néo rồi!”

Mồ hôi thầy rịn ra ở chưn tóc. Thầy thở dài, dắt xe vô hàng cây so đũa ven đường, tìm bóng mát. Vừa dựng xe bên thân cây, từ trong khu vườn rậm lá, có tiếng chó sủa inh ỏi. Ký giả Huy Sơn giựt mình, quay mặt thấy bên kia mương, một con chó vàng ngỏng đuôi, vảnh tai, há miệng sủa thành tràng.

Ký giả toan dợm chưn, dẫn xe vọt lẹ thì nghe tiếng con gái gọi lớn:

– Mè! Mè! Có im không?

Con chó vẫn lì lợm sủa tiếp. Thầy ký giả bực mình, cúi lượm cục đất khô, quăng trúng bụng con chó. Con vật kêu cái “ẳng” rồi co giò lủi mất.

– Nó ưa sủa bậy, chớ chưa cắn ai bao giờ, sao thầy chọi nó làm chi, tội nghiệp!

Giọng con gái ban nãy, bây giờ chỉ cách thầy một rãnh nước hẹp. Ký giả Huy Sơn lúng túng:

– Xin lỗi cô, tui sợ nó phóng qua mương bất tử nên liệng ẩu, quên tuốt câu “chó sủa, chó không cắn”.

Thấy khuôn mặt đỏ lưởng, lấm tấm mồ hôi của người đàn ông lạ trong chiếc áo bốn túi cùng màu, cùng loại vải với cái quần dính nhớt dơ hầy, cô gái lộ vẻ thương hại, hỏi:

– Xe đạp của thầy hư sao đó?

– Tuột dây sên cô à.

Người con gái nhỏ nhẹ:

– Nếu thầy không ngại, mời thầy vô nhà ngồi nghỉ mệt, sửa xe rồi đi tiếp.

Ký giả Huy Sơn nheo mắt ngó con đường tắm mình trong cái nắng đúng ngọ, liên tưởng bâng quơ tới cảnh già lam ẩm thấp đầy bóng tối cổ kính. Một vừng mây êm ả lan tới, toả bóng mát trong lòng thầy, gây cảm giác nhẹ bâng khoan khoái như ruộng đất khô vừa hứng lấy những giọt mưa đầu mùa. Thầy lễ phép đáp:

– Dạ, nếu không làm phiền cô.

Cô gái mau mắn:

– Thầy đi độ một trăm thước, hết hàng so đũa, sẽ thấy lối quẹo vô nhà bên tay phải.

Theo lời cô gái, ký giả Huy Sơn dắt xe vô vườn nhà có cây mít cổ thụ ở bên trái. Bên phải là vườn cam sành bắc dọc ngang những cây sào tre. Để ý dòm, thấy từng đàn kiến vàng xếp hàng bò qua lại. Vườn cây rải bóng lên mặt đất đầy xác lá, lơ thơ cỏ mọc. Tàn mít xoè những bàn tay rậm lá, che ngang lối đất lót hai hàng gạch tàu rêu mọc lỗ chỗ.

Thầy ký giả thấy con chó có cái tên Mè kỳ cục bị cột vô gốc ổi cạnh sàn nước dựng hai cái lu lớn, đang cố dằng sợi dây xích, hai chưn chồm tới trước, hung hăng sủa. Trên hiên nhà đắp cao, cẩn gạch nung, một người đàn bà luống tuổi bước ra, giọng vồn vã:

– Chào thầy, thầy dựng xe đâu đó, rồi mời thầy vô nhà uống nước.

Ký giả Huy Sơn ngạc nhiên, thắc mắc thầm vì thái độ vồn vã của người lạ, sực nhớ tới bản tính hiếu khách của người dân miệt vườn, nên thầy rút khăn chặm mồ hôi rịn trên trán, mỉm cười đáp:

– Dạ, cám ơn lòng tốt của bác và cô…

Thầy ngập ngừng. Người đàn bà lẹ miệng:

– À, nó tên Út. Nó vừa cho tui hay là có mời thầy về nhà, nói là chiếc xe đạp của thầy hư sao đó.

Ký giả Huy Sơn bước lên bực tam cấp, nối gót người đàn bà đi vô phòng khách. Bằng cặp mắt nghề nghiệp soi bói, thầy ký giả nhận ra ngay đây là một gia đình thượng lưu đã quá thời thịnh mãn. Nhà hai gian, mái ngói âm dương, tường vôi, nền lót gạch bông. Trên mái, dưới chưn tường, nhiều chỗ rêu bám, khiến mặt tiền ngôi nhà mang vẻ cổ xưa. Trước cửa dựng cặp voi sứ tráng men màu mè hực hỡ, chưng hai chậu bùm sụm uốn hình con lân thiệt khéo. Trong nhà, bên phải là bộ ngựa, ván dầy cả tấc. Một cái bàn cao cẳng bày cái giỏ mây mà mấy bà già dùng đựng trầu cau, và một khay trà. Bộ bàn ghế khảm xà cừ đặt giữa nhà. Bên trái, tủ kiếng bày ly tách pha cà-phê viền vàng viền bạc và chén dĩa cổ ngoạn chưng trên đế gỗ. Cạnh đó, cái độc bình cao cả thước, cắm thân cây giơ cành trơ trụi, khô khốc, ngó như cái gạc của một con hươu già. Trên bệ cửa sổ lá sách mở bung, nắng rọi sáng một cây kiểng lùn có chòm rễ nhô lên, như những ngón tay ốm cố quơ quào bấu lấy khoảnh đất khiêm nhường trong chậu hẹp. Sau chiếc bàn rộng, thấy dựng tấm bình phong cẩn xà cừ phong cảnh Vạn lý trường thành với mây giăng, núi đồi chập chùng và một cội liễu rũ làm phông. Khuất đằng sau, le lói ánh đèn dầu, thứ ánh sáng thường thấy trên bàn thờ Phật hay thờ ông bà.

Nhưng mọi chỗ, thầy đều nhận ra bộ mặt sang trọng gượng gạo quê mùa cổ lỗ. Tấm kiếng lót cửa tủ búp-phê đã đục ngầu. Dưới mái nhà, quanh mấy cây sà ngang, mạng nhện và bồ hóng giăng đầy. Lại gần, thầy ký giả nhận ra lớp vỏ xa cừ cẩn bộ bàn ghế và tấm bình phong đã long tróc nhiều nơi. Luồng nắng soi qua khung cửa vương đầy bụi, thứ bụi mà mấy người viết văn, làm thơ vẫn gọi là “bụi thời gian” đó mà! Ký giả Huy Sơn nghĩ bụng, rồi ngồi xuống ghế theo lời mời của gia chủ. Đoạn, bà day vô trong, kêu:

– Út à, bưng nước ra mời thầy ký giả đi con!

Ký giả Huy Sơn giựt mình hỏi:

– Ủa, sao bác biết cháu là ký giả?

Người đàn bà cười xoà:

– Ở cái làng P. nhỏ xíu như cái chợ chồm hổm nầy, có người lạ tới hôm trước là hôm sau cả làng đều biết. Nhứt là có nhà báo từ Sài gòn xuống để điều tra chuyện cục đá trời cho, thì càng đặc biệt hơn nữa.

– Vậy là…

– Đúng đó thầy! Biết là trưa nay thể nào thầy cũng tới chùa Tịnh Độ, nên tui sai con Út rình đón thầy ngoài vườn chuối đó chớ.

– Hèn chi!

– Cũng ngộ, trời xui đất khiến sao mà chiếc xe đạp của thầy hư chỗ nào không hư, nhè ngay trước miếng đất nhà tui mà sút dây sên.

Lúc đó, từ sau tấm bình phong, cô Út bưng khay trà bước ra, đặt lên bàn. Gương mặt cô không còn nét dạn dĩ lúc nãy mà ửng hồng mắc cỡ, khiến thầy ký giả Huy Sơn tưởng như mình đang đi coi mắt vợ tương lai.

Cô gái rót trà ra chén hột mít, lỏn lẻn nói: “Mời thầy”, rồi bưng khay trống rút xuống nhà sau. Hương trà sen thơm ngát. Một cảm xúc không tên, rất thi vị, nhè nhẹ lan tới.

Má cô Út nhân dịp ấy, mở giỏ trầu, têm vôi, gọt cau, bỏ vô cối con, ngồi ngoáy thơi thả. Thầy ký giả nâng chén trà, thổi nhẹ. Đợt khói mỏng tan biến vào không gian tĩnh mịch. Đột ngột thầy thoáng thấy một chiếc bóng màu xám hiện dưới đáy chén tráng men màu cẩm thạch non. Ban đầu, thầy tưởng đó là vòm mắt mình. Dòm kỹ, thấy giống như vừng trăng trong veo màu xám trắng, lồi lõm những miệng núi lửa. Thầy nhắm mắt hớp một ngụm. Vừng trăng khuyết một mảnh. Ký giả Huy Sơn nhủ thầm, uống hết chén trà, mình sẽ nuốt trọn mặt trăng vô bụng, nhốt kín một phần vũ trụ trong dạ dầy. Trăng sẽ bị bóp nát nhừ, tan nhuyễn trong dịch vị. Một phần ngấm vào máu, nhập với cơ thể thành một. Phần khác sẽ trôi xuống ruột non ruột già, và…

– Thầy nhà báo à!

Ký giả Huy Sơn quay sang người đàn bà, miệng “dạ, dạ”.

– Để khỏi làm mất thì giờ của thầy, xin phép thầy cho tui bắt đầu câu chuyện. Thiệt ra, tui sai con Út rước thầy về nhà để tui có dịp kể thầy nghe về cái đêm đá rớt…

Người đàn bà ngưng lời, mở hộp thiếc con, rứt nhúm thuốc rê vo tròn, gắn lên mép. Cử động nhàn nhã như để hồi tưởng. Rồi bà rút một chưn lên ván, đặt tay lên đầu gối, nói mà cục thuốc vẫn không vuột khỏi miệng:

– Tui có tật mất ngủ. Vô buồng ngả lưng chừng vài tiếng là tui thức dậy, trằn trọc tới sáng. Khuya đó cũng vậy, tui bừng mắt lúc trời còn tối mịt. Nằm một chút, tui mắc tiểu, mới cầm cây đèn dầu đi ra nhà sau. Con Mè quẫy đuôi quấn theo chưn tui ra tới bến sông. Tui máng cây đèn dầu trước cửa nhà cầu. Lúc bước ra thì thấy ngọn đèn tắt ngúm từ hồi nào, lắc lắc thì biết là vẫn còn dầu. Chắc tại tui quên vặn tim đèn, chớ cây đèn có ống che, gió nào thổi tắt. Rồi thầy biết sao hông? Con chó chợt chạy lại, cúp đuôi nằm sát rạt dưới chưn tui, miệng kêu “ắc, ắc”, đầu chĩa về hướng ruộng. Tui quay phắt lại, thì… trời thần đất địa ơi! Một cái gì bự lắm, chiếu hào quang xanh lè, từ trên trời rớt xuống thiệt lẹ. Tui rụng rời tay chưn, buông cây đèn xuống đất. Tay tui bắt ấn, miệng niệm “nam mô a di đà Phật” lung tung xà bần. Tui nghe rõ ràng một tiếng “bịch” từ xa vang lại, y như có ai cầm cái dùi khổng lồ nện xuống mặt đất vậy. Đất dưới chưn tui rung rinh. Tui co giò chạy một mạch vô nhà, hồn vía lên mây hết trơn hết trọi.

Kể tới đó, người đàn bà ngưng tiếng, giơ tay đẩy cục thuốc từ mép môi nầy qua mép môi kia. Ký giả Huy Sơn đã rút ra quyển sổ con, lấy viết ghi chép lia lịa.

Thầy hỏi:

– Ngay khi bác thấy vật lạ trên trời rơi xuống, bác nghĩ đó là cái gì?

– Ờ… thì… bà giáng, bà xẹt chớ còn gì nữa! Ở miệt ruộng nầy, đêm nào tốt trời, sao mọc đầy nghẹt; nếu rảnh tay rảnh chưn, ra ngắm một hồi, tui cam đoan với thầy, mình sẽ thấy bà xẹt. Người nào lẹ miệng, lên tiếng khấn vái, sẽ được toại nguyện.

– Lần đó bác có cầu trời được chuyện gì không?

– Chèn ơi, hổng có kịp thầy ơi. Nói thiệt thầy nghe, bà hiện mẻ nầy gần quá, khít rịt trước mặt làm tui hoảng, đâu còn hồn vía nào mà khấn với vái.

– Rồi sau đó bác có ra coi tận mắt cái hiện tượng bà xẹt không?

– Có chớ thầy! Ngộ lắm, bà xẹt thành một cục đá nằm giữa ruộng. Trẻ con rắn mắt, leo lên đó giỡn hớt, không sợ bà quở. Tui không dám rồi đa!

– Sự kiện nầy có làm bác thay đổi ý kiến về mấy chuyện mê tín bà xẹt, bà giáng không?

Người đàn bà cao giọng:

– Thầy nghĩ sao mà cho đó là chuyện mê tín dị đoan? Tui không biết mấy người học cao hiểu rộng nghĩ gì, chớ tui cho là mọi chuyện trên cõi trần nầy đều có ý nghĩa hết trọi. Nè, thầy đừng tưởng cái cột nhà, cây chuối, viên sạn nằm giữa lộ là những vật vô tri vô giác. Tui tin là tụi nó còn có linh hồn thì nói chi tới cái tảng đá bà xổ một đống ngoài ruộng. Mà hễ có linh hồn, thì phải có chướng nghiệp khứ lai. Đã có chướng nghiệp khứ lai thì ắt có nhân có quả, có thiện có ác, có tốt có xấu. Thầy không thấy mấy cục sạn, có cục tròn vo nổi vân đẹp đẽ, có cục méo xẹo xấu ình đó sao! Cái cột nhà ác thì cuộc đời nó ngắn ngủi, bị mọt gặm, vài chục năm thì sụp. Còn cây chuối dữ sẽ bị sâu đục lủng ruột, èo uột, không sanh trái và bị bứng gốc lúc nào không hay.

Thầy ký giả Huy Sơn vừa lẹ tay chép vừa nghĩ bụng, đáng lẽ mấy chuyện chướng nghiệp, nhân quả nầy phải để cho sư cụ chùa Tịnh Độ phát biểu, có lẽ hay ho và đúng đắn hơn. Dù vậy thầy vẫn gục gặc đầu ra vẻ hiểu ý.

Liếc nhìn đồng hồ, thấy đã quá giờ hẹn với nhà sư, ký giả Huy Sơn vội vàng cất tiếng:

– Dạ, xin lỗi bác…

Người đàn bà tươi cười:

– Thầy còn phải tới chùa nữa phải không?

Thầy ký giả còn đang chưng hửng, không hiểu tại sao bà già nầy chuyện gì cũng biết, thì bà đã lên tiếng:

– Chuyện sư cụ mời thầy tới chùa, thiên hạ đồn rùm beng.

Ký giả Huy Sơn hớp cạn tách trà nguội, đứng dậy nắm tay lại, xá chào gia chủ:

– Chiếc xe đạp sút dây sên của thầy, con Út đã nhờ người ráp lại rồi, thầy đừng bận tâm. Nếu thầy sợ nó dở chứng lần nữa thì cứ để xe đây mà đi bộ, còn chừng nửa cây số thôi chớ mấy.

Rồi giọng bà nhỏ lại rụt rè:

– Tui đề nghị với thầy chuyện nầy nghen!

– Dạ, bác cứ nói!

– Nghe nói là thầy sẽ trả công… Ậy, thầy đừng hiểu lầm là tui đòi tiền, không phải vậy. Có điều, nếu được thầy dành món tiền đó cúng dường tam bảo giùm tui.

Ký giả Huy Sơn cúi đầu chào lần nữa:

– Cháu sẽ nhớ lời bác dặn. Bác cho cháu gởi lời từ giã cô Út. Bận tới, có dịp về đây, cháu sẽ tạt ngang thăm gia đình bác.

Rồi thầy khom lưng xắn một bên gấu quần, quay nhìn lần cuối cảnh nhà êm mát dịu dàng trong khu vườn um tùm cây lá và chíu chít chim chóc. Người đàn bà mà thầy quên hỏi quý danh, còn đứng tần ngần ở hàng ba. Bà ta bận quần sa-teng đen bóng như da cá trê, áo bà ba lụa bông màu xám tro. Ký giả Huy Sơn có cảm tưởng, bộ quần áo và dáng dấp nhỏ thó của người đàn bà trở nên nhoè nhoẹt trong vùng bóng mát của tàn mít từ từ sẫm lại. Chợt trong trí thầy, một ý tưởng lạ lùng bật lên. Có lẽ nào những chuyện vừa xảy ra chỉ là một giấc chiêm bao ý nhị? Như cái căn cơ của đời sống. Như những nhơn duyên tưởng tình cờ, mà thật ra đã được bàn tay tạo hoá xếp dựng từ trước. Bụi nhãn lồng nầy phải mọc ở đây. Cây cầu khỉ kia phải được bắc ngang con lạch nọ. Cục đất đó, tới một khắc điểm được định sẵn, sẽ bị những bước chưn trâu dẫm nát.

Cuối chân trời, một đụn mây xám vừa hiện. Rồi nương theo luồng gió cuốn, một thoáng, khoảnh trời trên đầu ký giả Huy Sơn đã vần vũ mây đen. Bầu trời giơ bàn tay thâm xì úp lên mặt đất. Thầy ký giả gò lưng đạp. Gió quất roi lên mặt sông nhăn nhúm. Cánh đồng lau sậy bên kia bờ ngả nghiêng theo chiều gió vô hướng. Lá reo hối hả như niềm vui trẻ con đón cơn mưa đầu mùa. Vài nhánh bay chới với trên không. Ký giả Huy Sơn bỏ lại sau lưng hai ba dáng người bước đi hấp tấp. Khi thầy thấy ở bên trái tấm bảng ghi mấy chữ “Tịnh Độ Tự” sơn đỏ thì những giọt mưa đầu tiên cũng vừa rớt lộp độp lên chòm lá cong oằn. Thầy ký giả quành lẹ vô lối đất trồng tre hai bên, tàn giao nhau thành mái che. Gió xô những thân tre nghiến nhau kẽo kẹt.

Dù đã cố lẹ làng, vậy mà khi bước vô hiên chùa, đầu tóc, quần áo ký giả Huy Sơn cũng thấm ướt gần hết. Cũng may, lúc thấy trời chuyển mưa, thầy đã nhanh trí cất giấy viết vô túi ny-lông đựng máy chụp hình. Thầy vuốt lại đầu tóc. Còn đang lúng túng trong lớp quần áo dán sát người chèm nhẹp thì một cụ ông từ bên trong bước ra, hai tay chắp lại:

– Mô Phật, thiện nam có phải là ký giả Huy Sơn từ Sài gòn xuống thăm Tịnh Độ Tự?

Ký giả Huy Sơn cũng chắp tay cung kính:

– Bạch thầy, dạ phải.

– Mời ông ký giả vô chùa.

Ký giả Huy Sơn theo chưn sư cụ. Ông bận bộ quần áo vải nâu, đầu đội cái nón len cùng màu, không che hết những chưn tóc nhú trắng, chưn mang guốc thấp. Có lẽ sợ gây ra tiếng động lên thềm chùa lót gạch tàu mòn thín, nên ký giả Huy Sơn thấy ông đi như lướt trên đất.

– Xin lỗi ông ký giả, tui mời ông tới để bàn chuyện nhơn tình thế sự, nên ông vui lòng ra hậu liêu.

Hậu liêu là một chái nhỏ, mái lá chằm, ba bề vách ván, cất dựa vô vách tường vôi ố vàng của ngôi chánh điện. Bên trong, một chiếc giường tre trải chiếu, bốn góc dựng bốn cọc gỗ căng chiếc mùng vá quàng đùm đụp. Một cái bàn con kê ở đầu giường, bên trên đặt cây đèn trứng vịt, thắp ngọn leo lét. Sát vách tường dựng hai chiếc ghế đẩu gỗ nứt kê cạnh chiếc bàn gỗ thô, bày sẵn một hộp trà, cái ấm con và hai chung đất nung.

– Mời ông ký giả ngồi chơi. Tui bưng ông táo vô đây cho ông hong tay hong chưn, không thôi trúng lạnh đa! Nhân tiện, tui nấu nước pha Tịnh Độ trà đãi ông ký giả một phen. Đó là sản phẩm đặc biệt của chùa nhà.

Giọng nói của sư cụ trầm, chậm, có tiếng vang, loe ra những vòng âm ba tưởng tượng trong không gian xào xạc tiếng mưa rơi gió thốc. Tiếng nói nhỏ dần theo chưn sư cụ, nhưng không mất. Rồi từ từ lớn rõ lúc ông khuân cái hoả lò thoi thóp lửa đỏ kẹp giữa hai cái mo cau. Ánh lửa nhuốm hồng khuôn mặt da mồi gấp nếp, lởm chởm râu mép và râu cằm. Riêng cặp mắt nhà sư vẫn sáng long lanh như hai hột ngọc đen tuyền.

– Tui mua trà từ mấy chuyến ghe thương hồ, đem về trộn chung với lá húng, lá bạc hà, đọt nhãn lồng thái chỉ phơi khô. Tui còn tự tay se nhang cúng Phật, làm tương chao, mì căn, tàu hũ để dùng và đem ra chợ bán nhơn ngày rằm, mồng một. Mà ông đừng có kêu tui là sư cụ hay sư ông mà mắc tội. Hồi nào tới giờ, tui chỉ là ông từ giữ chùa, lau chùi tượng Phật, dộng chuông hai thời trong ngày, lo miếng ăn thức uống cho sư ông trụ trì mười lăm năm trước. Sau khi ông viên tịch, chẳng còn ai, buộc lòng tui đứng ra cáng đáng mọi chuyện. Riết rồi ai cũng kêu tui là sư cụ hết trọi. Nếu như chùa giàu… Mà thôi, đâu có ai tìm đường cong mà đi, phải không ông ký giả? Ngày xưa, đã có lần tui rắp tâm thọ sa-di đó chớ, nhưng học mấy bài kệ còn chưa thuộc thì nói chi tới chú Lăng Nghiêm, Lăng Già. Tui còn nhớ, hồi nẳm, mỗi lần đọc tới đoạn “Nam mô bà già bà đế” là tui phì cười, hổng hiểu gì ráo. Nói ra, chắc Phật buồn tui lắm, nhưng mà họ viết mấy bài chú không phải bằng tiếng nước mình…

Nước trong ấm nhôm bắt đầu reo. Thầy ký giả Huy Sơn xen lời:

– Dạ, tại họ phiên âm từ tiếng Phạn ra tiếng Việt cho dễ đọc, không diễn nghĩa nên khó hiểu.

Hai mắt nhà sư rực lên vừng sáng kỳ lạ:

– Ấy, vậy mà hồi xưa sư ông hiểu hết đó ông ký giả à! Vậy mới tài.

Rồi ông mở hộp thiếc, bốc một nhúm trà Tịnh Độ bỏ vô ấm. Cái miệng chung nhỏ xíu, bỏ trái chanh không lọt, bàn tay sư cụ lại run rẩy, vậy mà sau đó ông rót trà ra chung, không đổ giọt nào ra bàn.

Tay áo ký giả Huy Sơn đã khô ráo. Thầy lặng lẽ rút quyển sổ và cây viết ra đặt lên bàn. Nhà sư khêu sáng ngọn đèn trứng vịt. Bên ngoài trời giăng mây xám xịt, mưa vẫn còn nặng hột. Phên cửa sổ khép kín, ngăn mưa tạt.

Nhà sư cất giọng thong thả:

– Như mọi bữa, sau buổi công phu bốn giờ rưỡi sáng, tui lại đi hóng mát dọc theo mé ruộng. Trời còn tối thui hà, nhưng mà có trăng sao. Tui còn nhớ rành rọt, có cánh sao mai sáng rỡ mọc trước mặt mình. Khi tui dừng chưn ngắm, thì bỗng thấy vùng trời phía trước như bị mây che. Trăng sao phụp tắt. Trời đất đổi màu đen như than hầm. Và, lẹ như tên bắn, từ không trung rớt xuống một cái gì y như trái dừa bị khổng lồ. Tui quíu tay quíu chưn, vội vàng nằm bẹp xuống đất. Tim tui đập như trống đình. Miệng tui tự nhiên bật ra một tràng: “Nam mô a di đà Phật, nam mô Đại bi Quán Thế âm Bồ tát, nam mô Đại thế chí Bồ tát, nam mô Địa tạng vuơng Bồ tát, nam mô Thanh tịnh đại Bồ tát…”. Mấy đoạn kinh tán Phật mà tui chưa hề thuộc nằm lòng, toàn tụng niệm với cuốn kinh mở ra trước mặt. Nằm một lát, đợi bốn bề êm ả trở lại, tui mới lồm cồm đứng lên. Mèn ơi, dưới thửa ruộng của thầy cai tổng Quới, có cục đá ở đâu rớt nằm một đống, bự tảng thần luôn. Tui chắp tay niệm nam mô thêm vài cái, rồi chạy về chùa, gióng một hồi chuông sớm. Suốt ngày hôm đó, người tui lững đững lãng đãng, hồn một nơi, xác một nẻo. Tới buổi công phu chiều, tui mới hoàn hồn, ông ký giả à!

– Dạ, lúc cục đá rớt xuống, nó có chiếu hào quang hay chớp chớp không thầy?

– Cục đá chớ bộ con đom đóm sao mà chớp chớp? Không, nó đen thui như được phết bằng mực tàu vậy.

– Lúc nó chạm đất, thầy có nghe đất rung chuyển không?

– Có chớ. Nó rớt một cái “phịch” làm cây cỏ rung rinh, cóc dế im tiếng hết trơn. Ngộ lắm nghen! Ngay sau đó, cảnh vật êm vắng lạ thường, như khởi thỉ của đời sống vậy.

– Cảm tưởng của thầy lúc đó ra sao?

– Tận thế, tui tưởng tận thế tới nơi rồi, chỉ còn biết nằm chờ chết. Tui nhớ lại những việc mình làm trong quá khứ. Lạ lắm nghe ông ký giả, đầu đuôi sự việc kéo dài chừng vài giây chớ mấy, vậy mà cả quãng đời của tui hiện ra lồng lộng trước mắt. Tui tự hỏi, con người từ đâu tới? Dưới đất nẻ chun lên hay từ mây xanh rớt xuống? Còn tui nữa?

Ký giả Huy Sơn nghe giọng nói của nhà sư trầm xuống buồn bã như điệu hát Nam ai:

– Theo lời kể của sư ông, sáu mươi bốn năm trước, vào một đêm mưa to gió lớn, có tiếng sét long trời lở đất đánh thức ông dậy, cũng trong hậu liêu nầy, trên chính cái giường tre ọp ẹp nầy. Lẫn trong tiếng mưa tuôn, gió gào là tiếng trẻ sơ sanh ré khóc oe oe. Sư ông cầm đèn rọi tìm thì thấy trước cửa chùa một hài nhi được quấn trong mấy lượt vải ú, để nằm rong cái mo cau. Ông đâu biết làm gì khác hơn là ẵm đứa nhỏ vô chùa, cho ăn cho uống, nuôi dưỡng nên người. Thằng nhỏ đó, vừa lọt lòng mẹ, đã biết ăn chay, nghe tụng kinh, hít thở mùi nhang trầm. Nó được mớm bằng nước cơm, sữa đậu nành, bột mì tinh khuấy lỏng. Ba tuổi, nó đã biết thắp nhang cúng Phật. Năm tuổi, nó đã biết ngồi kiết già mỗi thời công phu sớm tối. Nhưng lời kinh tiếng kệ làm sao hấp dẫn bằng một trận đá dế, một cánh diều giấy hay một buổi tắm sông với mấy đứa trẻ chăn trâu? Cái Phật tánh trong nó nằm ở đâu không biết, chớ mấy bài chú, bài kệ, bài tán, bài tụng là nó không ưa rồi đa. Tối tối nó nằm ngủ chèo queo trên bộ ngựa kê bên hông chánh điện. Mới mười hai tuổi, khi nghe tiếng chuột chút chít giành nhau mấy hột cơm rơi trên bàn thờ Phật, nó đã biết thao thức, một nỗi thao thức khó cắt nghĩa bằng lời. Nó nhỏ hẹp như sự sống đui mù câm điếc của trái bần treo tòn teng ven sông, ngửa cái lớp vỏ trần tục hứng ánh trăng soi. Nó lặng lẽ như lũ mọt giấy gặm dần gặm mòn những trang kinh Phật, mà vẫn không hiểu gì ráo trọi. Nó khát khao như bầy gián hôi rình chực chờ nghiến nát những cọng nhang, những chân đèn cầy quên bỏ vô hộp. Thằng nhỏ mồ côi ấy lớn lên trong cảnh chùa Tịnh Độ, học hoài không thuộc bài kinh nào. Mười sáu tuổi, thân thể bắt đầu nẩy nở. Râu lông mọc ra. Tiếng nói bể, nghe ồm ồm như vịt đực. Một nỗi thèm khát lạ kỳ kéo tới. Nửa khuya, thức giấc vì tiếng chuột chút chít; mỗi sáng nấu nước, châm dầu, sửa soạn thời công phu sớm, thằng nhỏ bàng hoàng nhận ra cớ sự mà sư ông vẫn kêu là lục dục thất tình. Đôi khi, sự cám dỗ của xác thịt to lớn quá, xui nó hành sự điều tội lỗi. Nhưng không hiểu sao, lúc nào cũng có một vật cản vô hình ngăn nó lại, giữ chặt bàn tay nó như xiềng xích một tội nhơn. Hay đó là cái tiền duyên của nó với đạo pháp? Ông ký giả à, thằng nhỏ không cha không mẹ, u mê ám chướng đó là tui đây, chính là tui chớ không ai khác.

Rồi nhà sư húng hắng ho khan. Ấm nước thứ nhì sôi sùng sục từ lúc nào, không ai để ý. Quần áo ký giả Huy Sơn đã khô hoảnh. Mưa vẫn nặng hột ngoài kia. Hoàng hôn rắc bóng tối câm lặng.

Nhà sư châm thêm nước vô bình, buông tiếng cười nhẹ:

– Ông ký giả rinh bài viết nầy về, gọt dũa lại cho văn hoa tiểu thuyết, đem đăng báo chắc có nhiều người đọc.

– Thầy không sợ bị người đời gièm xiểm sao?

– Nếu sợ, tui đã không mời ông tới đây. Sáu mươi bốn năm trời, tui ôm mối tâm sự canh cánh bên lòng, hôm nay mới có cơ hội thố lộ cùng ông ký giả. Đó là sự thật đời tui, có Phật trời chứng giám.

Như để minh chứng tấm lòng thành của nhà sư, một tia chớp loé lên, tiếp theo là tiếng sấm nổ chát chúa. Ký giả Huy Sơn cất tiếng bâng quơ:

– Mưa dai dữ a!

– Ờ, mưa đầu mùa gì mà lâu dữ thần vậy cà!

Chợt, như một bóng ma, từ ngoài cửa có thằng nhỏ lao vô, tóc tai người ngợm đẫm mưa ướt nhẹp. Nó lắp bắp cặp môi thâm xì vì lạnh:

– Sư cụ… sư cụ ơi… chạy ra mà coi cục đá!

Ký giả Huy Sơn và nhà sư còn đang trơ mắt ngạc nhiên, nó đã tiếp lời:

– …Cục đá nó lún xuống sình!

Ký giả Huy Sơn la lên:

– Trời đất!

Nhà sư quơ lẹ cái nón lá máng trên vách, chẳng nói chẳng rằng, băng ra ngoài mưa, theo chưn đứa nhỏ chạy trước. Ký giả Huy Sơn không biết làm sao, đành hấp tấp cởi quần áo, chỉ còn cái quần xà lỏn, rượt theo hai dáng người lúp xúp nhoà tan trong màn mưa. Cơn mưa nhiệt đới tuôn xối xả như thác. Trước mặt thầy ký giả là màn nước vô minh che mờ ngoại vật. Sau lưng thầy, cảnh già lam biến mất sau làn mưa dầy đặc.

Ký giả Huy Sơn đứng ngơ ngác trong mưa. Lần nầy, thầy mới thật sự tin rằng mọi chuyện vừa qua chỉ là một giấc chiêm bao. Không chừng khi mưa tạnh, tỉnh dậy mới hay là tảng đá trời đã chìm sâu dưới lòng đất từ khi nào.

Ngô Nguyên Dũng
(tháng 9. 1989)

Comments