Tầm Ảnh

Trần Văn Lương
Dạo:
      Trăng đi thì bóng cũng đi,
Trăng về bóng hiện, can chi khổ tìm.
Cóc cuối tuần:
    尋 影
      ,
      .
      ,
      .
      ,
      .
      ,
      .
                   
Âm Hán Việt:
              Tầm Ảnh
Hắc vân mạn mạn cái trường không,
Khách ảnh, nguyệt luân cộng ẩn tung.
Mang biện tạp thanh tùng ốc ngoại,
Thác di kỳ bảo tại sơn trung.
Hạnh đâu áp tích, tâm năng tỉnh,
Mê trảo nhân đầu, não thụ phong.
Ti khởi, vân tiêu, minh nguyệt hiện,
Nhân tri ảnh tử vị tằng vong.
            Trần Văn Lương
Dịch nghĩa:
             Tìm Bóng
Mây đen dần dần che kín trời,
Bóng người và mặt trăng cùng nhau biến mất (giấu tung tích).
(Vì) bận rộn phân biện âm thanh đến từ phía ngoài nhà, (1)
(Nên) lầm lẫn bỏ sót bảo vật ở trong núi. (2)
May mắn đánh mất dấu vết đàn vịt (nên) tâm được tỉnh, (3)
Mê mờ (lo) tìm kiếm đầu người (nên) óc bị điên. (4) (5)
Gió nổi lên, mây tan, trăng sáng hiện ra,
(Bèn) biết rằng cái bóng (của người) chưa bao giờ mất đi.
Ghi chú:
(1) Bích Nham Lục, tắc 46: Cảnh Thanh Vũ Trích.
Cử:
     Thiền Sư Cảnh Thanh hỏi một ông tăng:
     - Ngoài cửa là tiếng gì vậy?
     Ông tăng nói:
     - Tiếng giọt mưa.
     Sư bảo:
     - Chúng sinh điên đảo, mê mờ chính mình để đuổi theo sự vật.
     Ông tăng nói:
     - Còn Hòa Thượng thì như thế nào?
     Sư bảo:
    - Ta suýt không mê mờ chính mình. 
    Ông tăng nói:
    - Suýt không mê mờ chính mình, ý chỉ thế nào ?
    Sư đáp:
    - Xuất thân còn dễ, thoát thể mới khó.
(2) Bích Nham Lục, tắc 62: Vân Môn Nhất Bảo.
Cử:
    Thiền Sư Vân Môn dạy chúng:
    - Trong càn khôn, giữa vũ trụ, có một báu vật bí mật giấu trong núi hình. Cầm lồng đèn đến nơi Phật điện, đem tam môn đến đặt trên lồng đèn.
Trích lời Bình của Viên Ngộ:
...
    Hãy nói xem, Vân Môn nói như thế, ý như thế nào?
    Há không thấy cổ nhân nói: - Thực tính của vô minh là Phật tính, không thân huyễn hóa là Pháp thân. Lại nói: - Chính ngay phàm tâm mà thấy Phật tâm, núi hình chính là tứ đại ngũ uẩn vậy.
"Có một báu vật bí mật giấu trong núi hình". Cổ nhân bảo: - Chư Phật ở trong tâm, người mê đi tìm kiếm ở bên ngoài. Ôm báu vật vô giá ở trong lòng mà một đời chẳng biết.
...
(3) Bích Nham Lục, tắc 53: Bách Trượng Dã Áp.
Cử:
     Một lần Mã Đại Sư (Mã Tổ Đạo Nhất) và Bách Trượng cùng đi, thấy đám vịt trời bay qua.
     Đại Sư hỏi:
     - Cái gì đó?
     Bách Trượng đáp:         
     - Vịt trời.
     Đại Sư hỏi:
    - Bay đến chốn nào vậy ?
    Bách Trượng đáp:
    - Bay qua mất rồi.
    Đại Sư bèn nắm và vặn chót mũi của Bách Trượng. Bách Trượng đau đớn kêu lên.
    Đại Sư nói:
    - Đã từng có bay đi đâu?
Trích lời Bình của Viên Ngộ:
...
     Xét về chính nhãn, Bách Trượng có đầy đủ. Mã Đại Sư không gió mà gây ra sóng. Các người nếu muốn làm thầy của các Tổ sư thì hãy tham thủ Bách Trượng; còn nếu muốn tự cứu chẳng xong thì hãy tham thủ Mã Đại Sư. Hãy nhìn cổ nhân, trong 12 thời thần chưa từng không ở trong ấy. Bách Trượng không ăn mặn, muốn cùng thiên hạ làm cha. Hai mươi năm làm thị giả cho Mã Tổ, nhân lời nói này mà ngộ.
...
     Mã Đại Sư há chẳng biết đó là vịt trời sao? Tại sao lại hỏi như thế? Ý của Sư ở tại chỗ nào? Bách Trượng chỉ còn biết đi theo sau. Mã Tổ bèn vặn mũi. Bách Trượng kêu đau. Đại Sư nói:  - Đã từng có bay đi đâu? Bách Trượng nhờ đó có tỉnh ngộ. Như ngày nay có người vừa bị hỏi đã kêu đau, nhưng nhảy không ra khỏi.
...
(4)  Kinh Lăng Nghiêm (nguyên tên là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Bát Lạt Mật Đế dịch từ Phạn ra Hán, cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán ra Việt và chú thích), quyển 4:
"...
Đức Phật dạy tôn giả Phú Lâu Na:
... Chắc thầy có nghe, trong thành Thất-la-phiệt có anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa, vào một buổi sáng mai, lấy gương ra soi mặt, bỗng nhiên thấy thích cái đầu ở trong gương, vì có thể thấy được cả cặp mắt, lông mày. Rồi anh ta lại nổi giận, trách cứ cái đầu của mình, sao lại không thấy được mặt mày. Anh chàng cho cái đầu của mình là yêu quái, rồi không cớ gì, bỗng nhiên phát điên bỏ chạy! Thầy nghĩ thế nào? Người đó vì nguyên nhân gì mà vô cớ phát điên bỏ chạy?
...
Như anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa ở trong thành kia, đâu có nhân duyên gì, bỗng dưng tự sợ hãi cái đầu của mình mà bỏ chạy! Khi tâm trí bình tĩnh trở lại thì biết cái đầu của mình vẫn ở đó, hoàn toàn không phải do lấy được từ bên ngoài! Mà giả sử chưa bình tĩnh trở lại, cái lúc hoảng hốt bỏ chạy đó, thì cái đầu vẫn ở đó, chứ có mất đi đâu?
..."
(5) Philip Kapleau, Ba Trụ Thiền (The Three Pillars of Zen), bản dịch của Đỗ Đình Đồng, chương I, đoạn 8.
(Không hiểu tại sao trong sách này, Diễn Nhã Đạt Đa lại là nữ)
"...
      Người ta bảo rằng chuyện này xảy ra vào thời đức Phật. Chuyện có thật hay chỉ là truyền thuyết, tôi không thể nói được. Dẫu sao, Diễn-nhã-đạt-đa vẫn là một cô gái đẹp không thích gì hơn là ngắm mình trong gương mỗi sáng. Một hôm khi soi gương, nàng thấy mình không có đầu. Tại sao vào buổi sáng đặc biệt này nàng lại không có đầu, kinh không nói. Dù sao, nỗi kích động lớn đến nỗi nàng hóa điên, chạy quanh hỏi xem ai đã lấy mất đầu mình: “Ai lấy đầu tôi? Đầu tôi đâu rồi? Nếu không có đầu, tôi chết mất!” Rồi nàng khóc, mặc dù mọi người bảo nàng rằng: “Đừng có ngốc, đầu cô trên cổ cô đấy chứ có mất bao giờ đâu!” Nhưng nàng không tin: “Không, không đúng! Không, không đúng, phải có người nào đó đã lấy mất đầu tôi!” Nàng kêu lên, tiếp tục tìm kiếm điên cuồng. Cuối cùng, các bạn nàng tin nàng điên, lôi nàng về nhà, buộc nàng vào gốc cột đề phòng nàng tự làm hại mình.
..."
Phỏng dịch thơ:
             Tìm Bóng
Mây đen lấp kín mảnh đêm sầu,
Trăng ẩn, bóng người cũng lặn sâu.
Lạc lối bởi truy cầu sự vật,
Lầm đường nên đánh mất trân châu.
Cuối trời lũ vịt không lưu dấu,
Trong tối chàng trai mải kiếm đầu.
Gió nổi, mây tàn, trăng lại tỏ,
Bóng người vẫn đó, có đi đâu!
          Trần Văn Lương
            Cali, 10/2017
Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư :
     Trăng ẩn, bóng người cũng ẩn. Trăng sáng, bóng lại hiện.
    Tựu trung cái bóng vẫn còn đó với người, có bao giờ mất đâu. Chỉ cần có chút ánh sáng là bóng lại hiện ra ngay, việc gì phải đôn đáo chạy tìm trong vũng tối!
     Hỡi ơi, cứ hướng ngoại mò mẫm tìm cầu, phiền não biết bao giờ mới dứt!
     Nào hay khói Lô sơn, sóng Chiết giang cuối cùng rồi vẫn thế (*)
Ghi chú:
(*)  Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận (Essays in Zen Buddhism), bản dịch của Trúc Thiên, quyển Thượng.
"...
Vậy, quan điểm cùng tuyệt của Thiền là vì vô minh nên ta lầm đường lạc lối, tưởng có sự chẻ đôi ở trong ta trong khi, từ nguyên thỉ, chưa hề có cuộc tranh chấp nào giữa hữu cực và vô cực; và sự tự do mà ta nhiệt thành tìm kiếm vẫn có đó tự bao giờ. Thi hào Tô Đông Pha, một quan đại phu đời nhà Tống, diễn lấy bằng mấy vần thơ như sau: 
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều 
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu 
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự 
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều `
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang
Khi chưa đến đó luôn mơ màng
Đến rồi hóa vẫn không gì khác
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang

Comments