Hồn thiêng còn một chút này


Tác Giả: Tạ Phong Tần

Hồ Gươm hiện nay chỉ còn duy nhất có một “cụ” mà thôi
Chuyện bên Tây, “mới đây, lính cứu hỏa ở TP Straubing (Đức) đã liều mình giữa đêm tối nhằm cứu một con thiên nga trong hồ đóng băng, để rồi phát hiện đó chỉ là… đồ nhựa. Theo Orange, sau khi nhận được tin báo, 25 lính cứu hỏa đã đến ngay hiện trường để giải cứu con vật dù biết lớp băng trên mặt hồ không đủ độ dày. Sau đó, họ tiu nghỉu nhận ra con thiên nga không phải là “hàng thiệt”. Rất may không ai bị thương trong cuộc “diễn tập” bất đắc dĩ này (Thanh Niên 12/02/2011). Đọc xong, thấy tính nhân đạo lẫn tinh thần bảo vệ thiên nhiên, tính mẫn cán của người dân Đức lẫn “người nhà nước Đức” đáng khâm phục quá chừng. Thiên nga ở Đức thiệt là có phước, dù chúng chỉ là loại thiên nga “vô danh tiểu tốt” hổng phải là con vật biểu tượng quốc gia, cũng chẳng hề đi vào “truyền thống lịch sử” dân tộc Đức lần nào.

Truyền thuyết lịch sử Việt Nam kể rằng: Sau khi đại thắng quân Minh (đầu thế kỷ 15), một hôm vua Lê Thái Tổ (nhà Hậu Lê) dong thuyền dạo chơi ở hồ Lục Thủy. Bỗng từ xa, một con rùa vàng thật lớn nổi lên, gật đầu vái chào nhà vua rồi nói: “Việc nước đã xong. Xin nhà vua trả lại gươm thần”. Vua rút gươm ra, thanh gươm tự động bay về phía rùa. Rùa há miệng cắn ngang thanh gươm, lại gật đầu mấy cái như giã biệt rồi từ từ lặn xuống hồ sâu. Từ đó, vua ra lệnh đổi tên hồ Lục Thủy thành hồ Hoàn Kiếm (Trả Gươm), còn gọi là hồ Gươm.

Cụ Rùa duy nhất còn lại ở hồ Hoàn Kiếm
Giống rùa khổng lồ mai mềm ở hồ Gươm, từ lâu được người dân Việt Nam coi là hậu duệ của rùa thần (Kim Quy) đã từng giúp vua Lê chiến thắng giặc ngoại xâm. Rùa hồ Gươm là một giống rùa đặc biệt, chỉ có ở hồ Gươm, được coi như biểu tượng của tinh thần bất khuất của dân tộc Việt, hồ Gươm sẽ không còn là hồ thiêng nếu không có rùa hồ Gươm. Rùa hồ Gươm không chỉ là truyền thuyết, là một phần lịch sử mà còn là văn hóa, là niềm tự hào, là biểu tượng tâm linh của dân tộc. Người Việt không ai gọi rùa hồ Gươm là con rùa, mà gọi một cách trân trọng là “cụ rùa” để tỏ lòng tôn kính tổ tiên cụ có công với nước. Về mặt sinh học, rùa hồ Gươm là động vật quý hiếm cần được bảo tồn, ở hồ Gươm hiện nay chỉ còn duy nhất có một “cụ” mà thôi.
Đó là lý do mà thời gian gần đây, Phó Giáo sư Hà Đình Đức (còn có biệt danh “nhà rùa học”, ông “Đức rùa”) liên tục “lên báo” “kêu gào” về việc cụ rùa Hồ Gươm bị thương, môi trường hồ Gươm bị ô nhiễm, cần phải khẩn trương làm sạch nước hồ, diệt rùa tai đỏ là giống ngoại lai làm hại cụ rùa hồ Gươm, nhanh chóng chữa thương cho cụ rùa, nhưng chẳng thấy “người nhà nước” Việt Nam động đậy tay chưn làm gì hết để giúp ông Hà Đình Đức nhanh chóng bảo vệ cụ rùa.
Theo Dân Trí (6/9/2010), ngày 1/1/1997, PGS Hà Đình Đức đã “gởi thư lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phản ánh về rùa bị thương và đề nghị cho kiểm tra lại những cọc đóng chung quanh chân Đảo Ngọc, cho nhổ bỏ hết những cọc lởm chởm trên hồ và triệt để cấm những kẻ câu cá trộm xung quanh hồ để rùa có thể bơi lội an toàn”. “Ngày 1/4/1998, PGS Đức tiếp tục gửi thư lên Thủ tướng trình báo về rùa bị thương kèm theo hình ảnh do phóng viên Trần Mạnh Lân – Đài Truyền hình Việt Nam cung cấp”.
“Vầng trán em mang trời quê hương/ Mắt em dìu dịu buồn Tây phương” (Quang Dũng)
Động thái “người nhà nước” có chức vụ làm được nhiều nhất để bảo vệ cụ rùa là… động đậy cái miệng để nói, nói và nói với những từ ngữ thật kêu như: chỉ đạo, đề xuất, báo cáo, họp, họp, họp… chớ không hành động bằng tay ngay tức khắc như người Đức. Ông Hà Đình Đức nói rằng công văn của UBND TP Hà Nội chỉ chấp nhận cho việc bắt rùa tai đỏ, còn việc làm sạch hồ, “thanh toán” cáp ngầm dưới hồ và chữa thương cho cụ rùa theo đề xuất của ông thì rơi vào im lặng. Nghĩa là cụ rùa tiếp tục sống trong sự ô nhiễm và thương tích hành hạ chưa biết đến khi nào chấm dứt.
“Bây giờ nếu như cấp thẩm quyền giao cho tôi cái quyền này, thì khi nhận được bất kỳ thông tin nào về loài rùa mai mềm khổng lồ xuất hiện ở đâu đó ở Việt Nam, tôi sẽ lên đường tới đó tìm hiểu ngay. Giả dụ, nếu ở vùng nào đó, người dân bắt được con rùa lớn nặng khoảng sáu, bảy chục cân và đang rao bán với giá hai chục triệu đồng thì tôi phải có quyền quyết định chi tiền cho mua ngay. Nếu theo cơ chế thủ tục nhiêu khê như hiện nay thì việc đấy khó lắm, người dân họ lại bán cho mấy quán nhậu mất thôi” – ông Đức nói. (Lao Động 11/2/2011)
Cách đây vài ngày, báo chí thông tin một cán bộ thuế bị mất trộm 40 ngàn USD, một số tiền quá lớn so với mức lương công chức “ba cọc ba đồng”, không biết vị cán bộ kia lấy đâu ra nhiều tiền như vậy? Có 20 triệu đồng thôi, không bằng một bữa nhậu của các “quan ta”, cũng không bằng một góc nhỏ số tiền cho 1 lần quý tử của các “quan ta” ra nước ngoài “du học”, nhưng thật sự là cánh cửa lớn cản chân nhà khoa học chân chính nhưng nghèo tiền.
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội ngày 8/12/2010, Phó chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển cho biết: kinh phí tổ chức 10 ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long (từ 1 đến 10-10) là 265 tỉ đồng (Tuổi Trẻ 9/12/2010). Còn nguồn kinh phí trung ương và các tỉnh khác chi cho đạo lễ thì chưa biết. Các nguồn tin “ngoài luồng” thì khẳng định tổng kinh phí khoảng 84.000 tỷ đồng, tức khoảng 4.5 tỷ USD, tức xấp xỉ 1/10 GDP cả nước. Cho đến thời điểm này, người dân Việt Nam chưa ai biết được chính xác người ta đã chi cho đại lễ này tổng số bao nhiêu tiền dù tại kỳ họp vừa rồi các đại biểu quốc hội đã chất vấn về số tiền tổ chức đại lễ. Người ta sẳn sàng tung hàng núi tiền mồ hôi nước mắt dân chúng cho một lễ hội phô trương hoành tráng, nhưng kinh phí cho bảo vệ biểu tượng hồn thiêng sông núi sống động nhất (tức cụ rùa) đang bị đe dọa sao quá khó khăn???
Rất nhiều bạn đọc gởi thư đến báo chí bày tỏ, cư dân các trang mạng và PGS Hà Đình Đức đều có chung ý nghĩ: Đau lòng khi thấy bức ảnh cụ rùa thò chân lên khỏi mặt nước như muốn leo lên bờ, đều muốn nhà nước nhanh chóng đưa cụ đi nơi khác chữa trị vết thương. Tiếc thay, những người có quyền quyết định, có tiền trong tay thì không cùng suy nghĩ với người dân.
Theo PGS Hà Đình Đức, với quy luật tự nhiên “sinh, lão, bệnh, tử” sẽ có lúc cụ rùa này ra đi. Do vậy, việc đi tìm hậu duệ của cụ rùa Hồ Gươm để giữ lại cho đến các đời con cháu mai sau thiết tưởng là việc làm vô cùng quan trọng.
Tin mới nhất là đến đầu tháng 3 này, (tức là còn hơn nửa tháng nữa), người ta mới bắt đầu động đậy chút xíu là bắt rùa tai đỏ ra khỏi hồ Gươm, còn số phận cụ rùa, các biện pháp đề xuất chữa chạy của nhà khoa học Đức rùa thì không thấy ai đá động tới. Giá như các vị ấy mà bị thương như cụ rùa, phải sống trong cái hồ nước như cụ rùa, chẳng biết các vị ấy có sống nổi để mà chờ đợi từng ấy thời gian hay không? Mai mốt đây, có mệnh hệ gì, các vị lại đổ cho “quy luật tự nhiên” là phủi tay xong trách nhiệm.
Nhìn bức ảnh cụ rùa đưa bàn tay 3 móng chới với bám lên thành bê tông như muốn trèo ra khỏi nơi ngục tù đó, như muốn kêu gọi lương tâm ai đó, thân phận dân đen như tôi chỉ có thể bắt chước cụ Nguyễn Du mà thán rằng: “Hồn thiêng còn một chút này/ Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!”. Xót xa thay!

Comments