Tìm lại thời gian ...(1)

Nguyễn Đức Trọng & Thanh Đan

Những chuyến du ngoạn của tôi lúc gần đây không còn mang nhiều tính chất phiêu lưu như ngày trước, lại mang nhiều đặc tính hoài niệm hơn. Chúng tôi đã đi lại những nơi đã từng đi qua, mang nhiều dấu vết của bạn bè, của những trận cười bên bàn tiệc, nhắc lại những chuyện đã qua ... rồi lại so sánh với chuyện trước mặt. Có lẽ đây là đặc tính của tuổi về chiều rồi chăng?! Mỗi lần ghé nơi đâu, gặp lại bạn hữu biết bao kỷ niệm được nhắc lại cho vơi nhớ thương, những hận thù ghen ghét được đặt qua một bên. Còn lại chăng là tình bạn và tình thương dành cho nhau.


Bây giờ xin mời các bạn lang thang cùng chúng tôi trong chuyến đi tháng 11 năm 2010 qua các nơi như Honolulu, rồi Vancouver của Washington, rồi đi ngược lên Vancouver của BC, xuôi Nam về lại Seattle, Washington, và cuối cùng chấm dứt ở Portland Oregon.
Không hiểu duyên phận của tôi với Hawaii như thế nào, đi không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần đi là một lần háo hức. Bạn bè đôi lúc ngạc nhiên hỏi " ... bên đó có cái chi mà hấp dẫn ông dữ vậy ..." . Tôi cũng chỉ biết trả lời " ... là cảm thấy sung sướng và thoải mái khi ở đó. Đôi khi chỉ qua đó để ăn ngủ và tập thể dục, cũng đủ sướng rồi!" Mấy người bạn cũng chỉ biết lắc đầu!

Khi ở bên miền Tây, tôi chỉ mất 5 tiếng vượt Thái Bình Dương là có mặt ở hải đảo "thần tiên". Từ khi dọn về miền Đông, tôi thường ngắt chuyến đi ra làm hai, nghỉ lại vài ngày ở Oregon hay Cali thăm bạn bè, trước khi tiếp tục trực chỉ Honolulu. Lần này chúng tôi bày đặt bay thẳng từ miền Đông qua Hawaii, ai dè là một kinh nghiệm đau thượng Chúng tôi từ DC bay lên New Jersey, ngồi chờ 2 tiếng rồi thành 5 tiếng vì phi cơ trục trặc, sau đó là 11 tiếng để bay thẳng đến Honolulu. Đến nơi mệt quá sức vì mình không ngờ chuyến bay lại dài và thê thảm đến như vậy. Những lần đi về Á Châu, hoặc Úc Châu cũng không mệt bằng, có lẽ vì đã dự trù tinh thần rồi. Các bạn ở miền Đông chớ có bay thẳng qua Hawaii như vậy nghe! Nên chuyển tiếp ở miền Tây, hoặc ở giữa thì có lẽ đỡ hơn, vì các bạn có thể nghỉ ngơi, ăn uống, đi lại cho giãn chân trước khi bay tiếp.
Bình thường, khi đi chuyến bay 9 giờ sáng từ bờ biển miền Tây (của Mỹ), lúc đến Hawaii chỉ mới hơn 11 giờ, còn nguyên một ngày mà vui chơi. Đằng này, đi từ miền Đông, dự trù đến lúc 6 giờ chiều. Nay lại trễ 3 tiếng, khiến lúc đến đã là tối. Đi thuê xe và tìm về khách sạn thì trời đã khuya. Chỉ còn nước đi ngủ, hôm sau thức giấc vẫn còn vật vờ.
Những ngày ở Honolulu trôi qua thật bình yên. Chúng tôi đã đi thăm lại những bãi tắm cũ và tìm thêm những bãi mới. Tựu trung vẫn thấy bãi tắm ở Kailua là thích nhất. Với bờ cát trắng, cong và dài, cộng thêm hàng dương gần bờ, không quá đông và không quá vắng. Những ngày vùng vẫy trong làn nước ấm, thật bõ công cho một chuyến bay dài. Mặc dù đã đến Honolulu nhiều lần, phần lớn các nơi đi qua đều là cảnh cũ, nhưng đôi lúc chúng tôi vẫn bất ngờ tìm thấy các điểm thú vị. Ví dụ như khi đi tắm ở bờ biển tại thành phố Kailua. Qua lại trên con đường 61 Pali Hwy cả mấy chục lần, thấy một ngôi chùa Nhật thật cũ kỹ, tôi có dừng lại xem và chụp hình từ "View Point" trên xa lộ. Lần này trên đường trở về, thấy con đường có tên Nuuanu Pali Drive chạy dọc xa lộ, tôi rủ cô hàng xóm đi thử cho biết. Không ngờ đọan đường đi thật đẹp, được đi dưới cả rừng trúc mọc dầy đặc hai bên đường che thành vòm, cây cỏ xanh rì và rậm rạp. Cứ ngỡ như là đang đi vào các khu rừng nhiệt đới ở miền Nam VN ngày trước. Chúng tôi cố gắng đi thật chậm để kéo dài thời gian mà nhìn cảnh sắc hai bên đường. Đôi lúc thích quá, chúng tôi dừng hẳn xe lại lên qua thành đường, lội xuống con suối nãy giờ chạy quấn quanh theo đường đi. Lại càng không ngờ hơn nữa, cùng nằm trên con đường này chúng tôi nhìn thấy ngôi chùa Nhật cũ kỹ, một ngôi chùa Tàu, và vài cái đền thờ khác nữa. Ai có lòng sùng tín cao, nội chuyện đi thăm các ngôi đền thờ ở Honolulu cũng đủ phờ người.
Gặp lại bạn cũ và đi ăn chung là một niềm vui lớn trong bất kỳ chuyến đi nào. Chúng tôi đã kéo nhau đi ăn, và nhắc lại chuyện cũ, nói hoài không dứt. Thật không ngờ là mấy ông cũng nhiều chuyện không kém mấy bà. Lần này, một chị bạn bận vào đất liền nuôi cháu ngoại, ông xã của chị liền xung phong dẫn chúng tôi đi ăn và đi thăm chợ trời ở vận đông trường gần Pearl Harbor cho biết. Bà con bán buôn rất đông nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là áo thung, bóp, hàng thủ công nghệ nhưng lại làm từ VN, Tàu, Phi, Thái Lan, ... Các gian hàng lập đi lập lại, trông rất chán. Chúng tôi rảo bước một vòng rồi ra về, không ai mua món gì. Các bạn có ai đi Hawaii, nếu cần mua đồ kỷ niệm thì cứ vào các tiệm ABC ở chung quanh khu Waikiki là tha hồ chọn, giá lại phải chăng, chớ có mất công mà đi chợ trời làm gì.
Các nhà hàng ăn VN ở Honolulu cũng không thay đổi bao nhiêu. Giá cả đắt hơn trong đất liền từ 20 đến 30% là trung bình. Nhà hàng Saigon ở khu phố Tàu đồ ăn rất khá, chỉ kẹt là mở từ lúc 8:30 sáng và đóng cửa quá sớm lúc 3:30 chiều. Kể ra thì cũng tội, là dân "homeless" đã tràn chiếm khu phố Tàu mỗi ngày từ lúc 5 giờ chiều. Mặc dù vậy, các bạn cũng có thể ăn tối nơi đây với nhà hàng Mỹ Lan và Phở 97. Còn nhà hàng Old Saigon ở ngay Waikiki, bạn bè tôi ở Hawaii cũng như ở đất liền cũng đều chê, từ thức ăn cho đến cách tiếp đãi. Lần này chúng tôi tìm thấy tiệm "Phở One" , 1617 Kapiolani, thức ăn rất khá, giá phải chăng, trang trí mới và đẹp. Chỉ khổ là các ông các bà "waiter và waitress" nói lớn tiếng quá. Nhiều chuyện riêng tư không muốn nghe mà vẫn phải nghe. Đôi khi còn phê bình khách hàng nữa mới chết chứ. Cũng trên đường này, đối diện với Convention Center có nhà hàng Tàu Fook Yuen, 1960 Kapiolani, nổi tiếng với các món đồ biển, giá cả cũng phải chăng. Tuy nhiên cũng có nhiều người than phiền về sự tiếp đãi. Chúng tôi chỉ buồn một điều là nhà hàng Sperry's mà chúng tôi thường hay đến ăn Buffet buổi tối không còn nữa. Chúng tôi thường hay vào đây để ngồi cho thong thả, không bị hối thúc, và nhất là được ăn rau cỏ thả giàn. Thay vào đó là một nhà hàng Nhật bán Sushi, cũng ăn theo lối Buffet, nhưng giá lại đắt gấp ba giá của Sperry's cách đây hai năm. Nhà hàng TODAI cũng ăn thả giàn, nhưng bị khách hàng than phiền là xuống cấp vệ sinh, đồ ăn bớt ngon so với lúc ban đầu mới mở.
Rời Honolulu mà lần nào cũng luyến tiếc các bờ cát trắng, bầu không khí trong lành và ấm áp, bạn bè gặp lại. Mới tới mà đã nghĩ đến ngày đi, ngày đi lại suy tính không biết bao giờ trở lại. Con người đúng là luôn chạy theo những thứ không bao giờ nắm giữ được mãi bên người như thời gian, quyền hành, danh vọng, tiền bạc, ... Đôi lúc cũng có dừng lại và nhận biết, nhưng sau đó lại cứ cắm đầu vào tranh giành, thật là lạ lùng! Mới hay sự quyến rũ và thu hút của cái thật và cái ảo cũng đều mạnh như nhau.
Chuyến đi này tôi mua vé máy bay của Continental, những chỉ có lần đi là của Continental, ba chuyến trên đường về lại là của United (Hawaii, San Francisco, Portland, Washington DC). Nghe nói hai hãng này đang kết hợp với nhau trở thành một hãng hàng không lớn nhất của Mỹ. Cung cách phục sụ của Continental còn đỡ, nhưng của United thì quá trời dở và cũng chẳng cho ăn chi hết, mặc dù đi chuyến bay dài cả năm tiếng hơn. Mặc dù rẻ hơn vài chục, các bạn nhớ đừng có chọn United Airlines nha.
Về đến Portland Oregon, nơi tôi sống nhiều hơn thời gian ở Sàigòn, thế mà đôi lúc vẫn đi lạc đường, làm cô hàng xóm ngồi kế bên cười quá chừng. Thế là phải bật GPS lên mà tìm nhà ngươi bạn, ở thành phố Vancouver thuộc tiểu bang Washington kề cận với Portland. Nghe nói nơi đây thuế tài sản (property tax) rẻ hơn Portland, nên bà con đỗ qua đây sống. Washington lại có Sales Tax, trong khi Oregon lại không, mỗi lần cân mua chi nhiều thiên hạ lại băng qua cầu đi sắm đồ bên Portland. Đúng là lợi ba bốn bề!
Hai vợ chồng bạn Hoàng (K8) và Hương dù đã khuya nhưng vẫn chiều bạn và chiêu đãi bạn bè hết mình. Mặc dù đã trễ, nhưng vẫn chờ đợi tụi tôi ăn tối chung với thức ăn ê hề. Hai ông bà rất ít đi chơi, nên tình nguyện dùng nhà của mình làm "hotel" tiếp đón bạn bè từ xa ghé thăm. Kỳ này không được cụng ly với bạn Hoàng, vì bạn vẫn còn đang trong giai đoạn phục hồi, sau việc hiến thận cho cô em từ năm trước. Hy vọng lần tới ghé thăm, chúng ta lại có dịp uống thoải mái. Nghe cô hàng xóm nói thích vài lọai cây trong nhà, chị Hương liền chiết rễ cho liền hai loại cây khác nhau, trong đó cây sen đất, giống của Nhật, vẫn còn sống hùng sống mạnh bên cửa sổ trong phòng ngủ của tôi.
Con người mình có thói quen là hay đi chơi xa, còn nơi gần thì lơ là không để ý. Những ngày ở Portland, mỗi khi nghỉ tôi thường bay đi Cali, Florida, về Á Châu, chứ ít khi nào đi thăm các thành phố kề cận. Vào hôm sau, tôi đưa cô hàng xóm đi thăm thành phố Mt Angel và tu viện dòng Benedictine nằm trong khu vực Willamette Valley, trên một ngọn đồi thật đẹp và trang trọng. Tôi nghe nói nhiều về tu viện này, nhưng đây là lần đầu tiên ghé thăm, mặc dù chỉ cách Portland có 45 phút lái xe. Con đường đi vào tu viện như đi vào một cánh rừng thông, càng sáng sủa khi đi dần lên cao, bầu không khí trong lành và nhẹ nhàng hơn nhiều so với phố thị bên dưới. Trên đường đi, xa xa dọc bên đường là hình ảnh về cuộc đời của Chúa Jesus, từ lúc sinh ra đến lúc vác thập tư giá, chịu đóng đinh, chết đi và sống lại, rồi thăng thiên.

Hôm nay trời lại mưa nhiều, lại đúng dịp lễ Thanksgiving nên hầu hết các chủng sinh đã ra ngoài hay về thăm nhà. Tôi đưa cô hàng xóm đi thăm các nơi từ thư viện, phòng tiếp thân nhân, nhà nguyện, nhà thờ chung, ... Nơi nào cũng đầy ánh sáng và sạch như lau, chẳng một tí bụi. Lúc đứng trên một đỉnh cao, nhìn các kiến trúc tân kỳ và dễ thương của tu viện, cô hàng xóm phán rằng " ... tu cái chi mà sướng quá, đúng là làm Cha người ta, ... phải chi hồi trước ông đi tu thì đỡ cho tui biết mấy!" Nói thiệt hồi xưa cũng có lúc tui muốn vào đây, nhưng nghĩ lại thấy mình "Tham Sân Si" vẫn còn nhiều nên không vào.
Sau đó chúng tôi kéo nhau đi Shopping ở Woodburn Outlet Center, năm ngay trên xa lộ chính I-5. Ở Portland hơn 20 năm, thế mà tôi cũng chưa vào đây bao giờ. Mỗi lần đi Cali hay về phía Nam, tôi đều chạy ngang nơi đây, và cứ hẹn lòng sẽ ghé thăm, thế mà vẫn không ghé được. Bây giờ ở xa về thăm, mới có dịp mà ghé chơi. Nhằm đúng ngày Black Friday, thiên hạ đi Shopping đúng là điên cuồng. Bãi đậu xe tìm mãi mới giành được một chỗ. Người nào người nấy tay xách nách mang, tiếng kèn tiếng trống chào mừng mùa lễ Giáng SInh sắp đến, bà con quá sức là hào hứng. Tôi và cô hàng xóm cũng hòa vào dòng người mà đi xem hàng, cũng mua vài món quà nho nhỏ cho người thân. Chúng tôi chủ trương không mua đồ ở các Outlet những khi đi du lịch, vì phải mang nặng và khó khăn lúc cần trả lại hay thay đổi, nếu không vừa ý sau này.
(còn tiếp)
Nguyễn Đức Trọng & Thanh Đan

Comments