Thư của mẹ chồng gửi nàng dâu mới



Cô ơi,
Thế là cô đã lọt vào nhà tôi. Do chính tay con trai tôi dắt về. Tôi không bảo rằng con trai mình ngốc nghếch, nhưng với tôi, nó vẫn còn bé dại. Mà chắc cô hiểu, một thanh niên bé dại thì rất dễ mắc sai lầm.
Thưa cô,
Xin nói ngay rằng tôi không phản đối cô. Cũng không thành kiến gì về cô. Bằng chứng là tôi có dự đám cưới và có lên phát biểu. Mặc dù hồi hai đứa quen nhau, cô rất ít đến nhà tôi, và có đến thì cũng chào tôi lý nhí rồi lẩn ngay vào phòng, cứ như tôi là người mắc bệnh truyền nhiễm. Tôi chả giận ai vì điều đó, mặc dù tôi vẫn không quên.


Nhưng kể từ hôm nay, cả hai ta nên nhìn vào thực tế. Đám cưới đã được tổ chức. Lịch sử đã sang trang. Trang đen hay trang trắng thì tôi chưa rõ.
Là một phụ nữ, tôi hy vọng như thế, vì nhiều khi thấy cô có tác phong khá ngổ ngáo, chắc cô đã nghe nói nhiều điều không tốt lắm về mẹ chồng, và sự căng thẳng giữa mẹ chồng và nàng dâu trong gia đình ở xã hội ta. Tôi chính là mẹ chồng đây. Và tôi xin chủ động nói với cô rằng tôi chả phải mẫu mẹ chồng mà thiên hạ vẫn rêu rao. Cô đừng sợ.
Tôi sẽ không soi mói cô. Tôi sẽ không rình mò cô. Cả hai đứa cứ việc ăn gì thì ăn, đi đâu thì đi, và e hèm, ngủ đến bao giờ thì ngủ. Tôi chả phải nữ cai ngục. Tôi là bà mẹ nhân hậu, thương con. Cả khu phố đều rõ điều này.
Nhưng tôi cũng có vài nguyên tắc. Và thấy chẳng hại gì khi phổ biến sớm cho cô. Gia đình, chắc cô đồng ý, cũng như một công ty, và tôi chắc chắn chả phải nhân viên quèn. Tôi giữ chức gì cô hãy suy đoán lấy. Bắt đầu từ hôm nay, khi cô bước chân vô cái nhà này, tôi xin tuyên bố trao hết cho cô một số quyền lợi chính, một số công việc đầy thú vị mà tôi đã đảm nhiệm xuất sắc nhiều năm. Đó là việc quét nhà, lau nhà, rửa bát đũa, giặt chăn chiếu, cho chó mèo ăn, đóng cửa hàng đêm, đổ rác mỗi sáng sớm.
Kể từ nay, cô toàn quyền thay tôi đi họp tổ dân phố, và được quyền tự do phát biểu, tự do ứng cử. Cô cũng tự do đi chợ theo danh sách thực phẩm tôi đã chọn, chỉ việc nộp lại hóa đơn. Cô tha hồ mở tivi những lúc tôi vắng nhà, và tha hồ tưới cây trong sân cùng trên sân thượng.
Tôi hoàn toàn tân tiến. Nên cô cứ ăn mặc tự nhiên các loại áo bà ba và quần đen kiểu mới. Khi nhà ta có đám giỗ, có cơm cuối năm, cô chả phải động tay động chân gì khi đã nấu xong và đã dọn dẹp xong.
Về con trai tôi, tất nhiên nó là chồng cô. Chồng thì phải thương vợ. Tôi ủng hộ chân lý này. Nó sẽ tha hồ chăm sóc cho cô nếu tôi không nhìn thấy. Tôi chả ghen tỵ như các bà phù thủy khác làm gì. Nó vui cũng chính là tôi vui.
Nhưng xin cô để ý tới nó một chút, vì nó còn bé và rất hay ốm đau. Đằng sau vẻ cường tráng đàn ông, nó có một trái tim nhạy cảm và một lá phổi rất dễ bị ho. Cô hãy nấu nước nóng để nó tắm thường xuyên, và đắp chăn kỹ càng khi nó ngủ. Thịt kho cho nó cần cắt nhỏ ra và áo sơ mi nó mặc đừng khi nào để ẩm.
Hai đứa cứ việc đi chơi cuối tuần. Có thể mỗi tối đi cùng và tôi thỉnh thoảng sẽ từ chối để hai đứa tự do. Tôi hiểu thanh niên khác bà già, và tôi chấp nhận mình chỉ đi ở đằng sau.
Tôi không thích ồn ào, dù tôi yêu đám đông. Do đó cô đừng mời khách khứa tới nhà chơi nhiều quá. Tôi sẽ chả nói năng khó khăn gì cả nếu khách chạy vào chào.
Cô đừng có phục vụ tôi. Điều ấy trái với xu hướng hiện nay, và sẽ làm hàng xóm dị nghị. Cô chỉ cần đấm lưng, pha thuốc và chở tôi đi tập dưỡng sinh hàng ngày, rồi lo hai bữa cơm, ngoài ra tất cả mọi thứ để tôi làm lấy. Tôi không thích bị xì xào là lạm dụng con dâu. Tôi không phải bà la sát. Tôi chỉ là mẹ chồng dễ tính nhưng nghiêm nghị và có vài chục nguyên tắc con con.
Thôi, tôi dừng bút. Nói nhiều thêm phức tạp. Mỗi tuần, tôi cùng lắm chỉ viết cho cô độ hai lá thư. Tôi hy vọng cô không làm tôi thất vọng.
Mẹ chồng yêu quý

Thư gửi mẹ chồng
Thưa mẹ,

Con cứ nghĩ mãi, rốt cuộc mẹ có ý nghĩa gì với con? Mẹ chẳng qua là chỉ mẹ của chồng con. Trước khi lấy anh ấy, mẹ chẳng có chút ý nghĩa nào đối với cuộc sống của con. Cuộc sống của con là do bố mẹ đẻ của con cho con. Kiến thức, năng lực, sự giáo dục, cách đối nhân xử thế, ... của con ngày hôm nay đều là do con thừa hưởng từ bố mẹ con, chẳng có tí tẹo tèo teo nào là của mẹ. Thế nên con mới không tài nào hiểu nổi, rằng vì sao ngay sau khi kết hôn, bao nhiêu ngày tháng của suốt hai mươi năm con sống trong cuộc đời này tất tần tật lại phải trở về số không, rồi phải trở thành người của nhà mẹ, mà đúng hơn là người nhỏ nhất trong nhà mẹ. Nói nhỏ nhất là vì địa vị của con trong nhà còn bé nhỏ hơn cả đứa con trai hai tuổi của con. Nói thật là con cảm thấy rất bất công. Bố mẹ con nuôi dạy con hơn hai mươi năm ròng rã, còn mẹ thì nhặt nhạnh lấy thành quả kết tinh của 20 năm ấy, nói trắng ra là mẹ không làm mà hưởng, ngồi mát ăn bát vàng. Thế nên những việc con làm cho mẹ, mẹ nên cảm ơn bố mẹ con và công sức của con bỏ ra. Nếu mẹ không thấy cảm kích thì cũng đành vậy nhưng mẹ cũng đừng nên cố ý tạo ra ý nghĩa này nọ đối với con, đừng nên lấy kính hiển vi ra mà xăm xoi những việc con làm, khác nào bới lông tìm vết, nhặt xương trong trứng gà, rõ ràng là vừa được ăn vừa được nói. Ban ngày con có công việc của riêng con, kinh tế trước nay vẫn độc lập, nên con chẳng hề phải dựa dẫm vào con trai mẹ, và cũng chưa một ngày nào phải sống nhờ vào đồng lương của con trai mẹ. Khả năng kiếm tiền của con ngày hôm nay là nhờ công giáo dục của bố mẹ con và công sức con không ngày nào ngừng nỗ lực học tập mà thành. Cho nên con không thể chịu đựng nổi cái ý nghĩ là đồng tiền con kiếm ra nghiễm nhiên phải cống hiến cho nhà mẹ và sau đó tiêu đồng tiền của chính mình lại cứ phải nhìn xem sắc mặt của mẹ thế nào, làm gì có chuyện ấy?

Con không hề nợ nần gì mẹ, cũng chẳng cần mẹ phải nuôi, càng chưa xin mẹ một xu một trinh nào. Con có thể tôn trọng ý kiến của mẹ nhưng không thể để mẹ quyết định được. Cho nên bây giờ con phải chính thức nói trắng ra để mẹ hay: tiền điện là con trả, nên trong những ngày hè nóng bức ngột ngạt bật máy điều hoà không khí để ngủ, mẹ không được có ý kiến. Hôm sau con còn phải đi làm nữa mẹ ạ và giấc ngủ rất quan trọng đối với con. Còn nữa, "Phật có thiếp vàng, người có quần áo", con cần mua mấy bộ quần áo hay mấy đôi giầy thì đó là việc của con, xin mẹ nhớ cho, tiền đó là do con kiếm được, con tiêu thế nào thì con cũng tự có chuẩn mực của con, nếu mẹ muốn quản lý thì xin đi mà quản lý tiền nong của con trai mẹ. Con kiếm tiền bằng công sức và khả năng của mình, nên quả thực không hề muốn phải đi thăm dò sắc mặt của mẹ thế nào. Lại nữa, mẹ đừng nên một mực cho rằng con trai mẹ giỏi giang ghê gớm lắm, nếu mà con không đi làm thì thử hỏi chuyến đi Trung Quốc du lịch hai tuần năm ngoái của mẹ là tiền ở đâu ra.

Con càng nghĩ càng thấy thực ra mẹ chả có bất kỳ ý nghĩa nào đối với con cả, nếu mà có một ý nghĩa nào đó về hình thức thì mẹ chẳng qua chỉ là mẹ của chồng con thôi. Tất cả công sức tình cảm của mẹ đều dồn cho anh ấy, người báo đáp công lao mẹ là anh ấy. Tương tự như vậy, người mà con cần báo đáp cũng chỉ có bố mẹ con thôi. Nếu hôm nay bố mẹ con cũng soi mói con trai mẹ như vậy thì mẹ có cảm thấy dễ chịu không? Và con trai mẹ sẽ đáp ứng được mấy phần yêu cầu của bố mẹ con đây?
Cho nên từ giờ về sau, nếu mẹ muốn ăn hoa quả thì sai con trai mẹ đi gọt cho mẹ ăn, vì đây là việc anh ấy đáng phải làm, quần áo thì cũng sai anh ấy giặt, đằng nào thì mẹ cũng đã giặt quần áo cho anh ấy hơn hai mươi năm kia mà (còn con thì đến một đôi tất cũng chưa bao giờ phải phiền mẹ cả). Nếu mẹ muốn đi khám bệnh thì bảo con trai mẹ xin nghỉ mà đưa đi, con không muốn năm nào cũng bị cơ quan cắt tiền thưởng không nghỉ phép hàng năm. Trong khi hễ con bị cảm cúm thì mẹ bóng gió mát mẻ nói rằng con sức khoẻ kém. Bởi vậy, khi mẹ bị ốm, con chẳng có cách nào để động lòng trắc ẩn. Nói tóm lại, anh ấy hiếu thảo với mẹ là đúng, còn con, con phải đem cái hiếu thảo của con báo đáp cho người đã sinh thành ra con. Nếu mẹ muốn con làm việc gì thì mẹ làm ơn bớt bới móc đi một tí và thầm cảm ơn con, vì rằng con đâu có thiếu nợ mẹ, làm giúp mẹ là làm giúp một người trên danh nghĩa là mẹ đẻ của chồng con, tất cả chỉ có vậy thôi. Nếu anh ấy không phải là chồng con, mẹ tưởng mẹ sẽ có vinh hạnh ấy sao? Hơn nữa mẹ cũng nên chịu khó xem thời sự vào, bây giờ là thời đại trả tiền thuê người làm việc nhà rồi, mẹ đã không trả lương cho con thì mỗi lúc con làm giúp mẹ, mẹ nên mỉm cười mới đúng chứ!

Cuối cùng, con viết thư này chắc chắn mẹ sẽ cho con là phường nghịch tử vô luân, nhưng giữa người với người là phải tôn trọng nhau, và con đối xử với mẹ cũng trên nguyên tắc căn bản như vậy. Nếu mẹ không thể tôn trọng những cảm nhận của con thì coi như con cũng xin nhường mẹ một chút vì mẹ dù sao cũng là người đi trước, nhưng con vẫn cứ phải nói cho hết nhẽ. Chắc mẹ sẽ bảo "Làm dâu nhà người phải hiểu đạo lý", nhưng về phía con cũng vẫn phản đối, con không phải do mẹ nuôi dạy, càng không nợ nần gì mẹ, và con cũng đã phát huy tối đa khả năng nhẫn nhục và tôn trọng của mình. Còn những điều cần học hỏi thêm là ở phía mẹ. Tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình, mẹ ạ!

--

Comments