NGHĨ GÌ, LÀM GÌ

Hoàng Ngọc Nguyên

Qua cơn ác mộng của nước Mỹ trong cả mười ngày qua, kể từ khi Tồng thống Barack Obama đặt bút ký vào luật gia tăng mức giới hạn nợ tối đa và giảm thiếu hụt ngân sách, có thể tâm tình sôi nổi và hoảng loạn của người Mỹ nay đã lắng xuống phần nào (nhất là sau khi thị trường chứng khoán hôm thứ ba cũng đã bình tĩnh trở lại) để họ nhìn lại cuộc diện đất nước của mình và tính toán sẽ phải làm gì đây. Nghĩ gì làm gì là điều vẫn loanh quanh trong đầu óc của người dân trước thời cuộc hiện nay. Có ai dám để đầu óc của mình thảnh thơi trong lúc này, trừ phi họ tự phủ nhận sự hiện hữu của mình?

            Khi nhìn lại một cách phê phán tình hình kinh tế của Mỹ một cách toàn diện và tìm cách trả lời ba câu hỏi then chốt: vì sao Mỹ rơi vào vũng lầy này, Mỹ đã làm gì đề thoát khỏi “vũng lầy của chúng ta”, và tại sao sau cả ba năm Mỹ vẫn lúng túng chưa ra được, hầu như chúng ta không có cách nói nào khác hơn: nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ phá sản. Nó đứng trước nguy cơ phá sản vì nó đã có biết bao nhiêu thập niên để điều chỉnh lại cách sống nhưng đã không thay đổi được cách sống đó, lối sống “ngoài khả năng, phương tiện” của quốc gia. Ngay cả hiện nay, dường như người ta đang mắc bệnh hô khẩu hiệu: “we should learn to live within the means of the nation”, nhưng chẳng ai nói sâu hơn như thế nghĩa là thế nào – chưa nói đến làm sao để học. Vì sao nước Mỹ bị sa lầy trong lối sống này, và lối sống này nghĩa là thế nào, mọi nguòi đều có thể hình dung được sự hình thành, nguyên do, sự phát tác, trách nhiệm… bởi vì ai cũng có thể thấy thấp thoáng trong đó phần thiếu trách nhiệm của mình. .. Nhưng điều quan trọng hơn cả là người ta đã bất lực trong hành động cụ thể để thay đổi cách sống bởi vì đã không thay được cách nghĩ trong một hoàn cảnh, tình thế đã đổi thay. Thậm chí còn có sự ngộ nhận trong tình thế mới của toàn cầu, nước Mỹ đã có thể sống còn mạnh dạn hơn trước với lối suy nghĩ cũ, hành động cũ.

            Để thay đổi cách sống của một quốc gia, đó là trách nhiệm và thách đố to lớn dành cho những người làm chính trị, từ tổng thống đến những người dân cử lập pháp của liên bang, cùng sự hậu thuẫn, đồng tình của các tiểu bang. Và trong trường hợp cụ thể của Mỹ, đó cũng là trách nhiệm và thách đố đặt ra cho hai đảng đang thay nhau cầm quyền và chia quyền. Nhưng cũng không có cách nào nói khác hơn, là chính trị Mỹ đang bị phá sản còn nặng nề hơn nữa. Đó là vì sự nghèo nàn và giới hạn trong tư duy của những người làm chính trị - và của cả một số đông những người viết. Đó chính là sự lo ngại của không chỉ S & P khiến cho họ phải cho Mỹ điểm thấp, mà còn là sự quan tâm của thế giới khi thấy rằng Mỹ thực sự không có khả năng, bản lĩnh, đảm lược bởi vì giới chính trị lãnh đạo đang sa đọa, suy đồi. Giới chính trị của Mỹ tả hay hữu, quá khích hay bảo thủ, đều bám theo giáo điều, bởi vì khi vượt ra giáo điếu, họ sẽ thấy lạc đường, bơ vơ, thời gian họ có không đủ cho suy nghĩ lớn và hành động triệt để. Sự phân hóa chính trị cùng cực đã làm cho sáng kiến tắc nghẽn, tầm nhìn hạn hẹp - người ta không còn dám nhìn xa mà cứ bị giới hạn tầm mắt trước những nhiệm kỳ hai năm, bốn năm.

            Đó là những điều mà người ta đã “khám phá ra nước Mỹ” ngày nay qua cuộc thương thảo có tính hạ cấp, vô công, manh mún, nhỏ mọn, và quay lưng lại với những mục tiêu thực sự của đất nước. Toàn bộ thỏa hiệp hay thỏa thuận chẳng đá động gì đến những chuyện sống còn của nước Mỹ như kinh tế tăng trưởng, thất nghiêp gia tăng, nhà cửa tiêu tan, giáo dục xuống cấp, nạn di dân bất ổn, xã hội đa văn hóa thiếu văn hóa… Không chỉ S & P nhìn thấy cái sân khấu chính trị trẻ con, ấu trĩ của những người già nhưng chưa trưởng thành này. Sự mất tín nhiệm đang lan rộng trong nhiều giới, nhiều thế hệ, nhiều chủng tộc.. ở Mỹ.

            Nghĩ như thế, nay phải làm gì?

            Câu trả lời có vẻ đơn giản: Cho về vườn tất cả những phường ăn hại đái nát, giá áo túi cơm, “ký sinh trùng” ở liên bang, ở tiếu bang. Điều này khá rõ trong kết quả các cuộc thăm dò dư luận trong những ngày qua.

            Theo một cuộc thăm dò của Công ty Khảo sát Dân ý (ORC) thuộc CNN, lần đầu tiên phần lớn người Mỹ không tin rằng những người đại diện cho mình tại Quốc Hội đáng được tái đắc cử trong bầu cử vào năm 2012 sắp đến. Đó là một phản ứng tất nhiên, dễ hiểu. Chỉ có 41% người được hỏi cho rằng dân biểu đại diện cho họ tại Hạ Viện là đáng được bầu lại. Theo CNN, đây là lần đầu tiên con số này xuống dưới mức 50%. Đến 49% nói rằng người đại diện cho mình chẳng xứng đáng được bầu lại vào năm 2012, và do đó, hơn một nửa chắc chắn sẽ tống cổ những người mà nay còn lui tới Hạ Viện với vẻ mặt vừa âm mưu như mình thuộc hàng ngũ mafia vừa quan trọng như thể đang toan tính chuyện gì quốc gia đại sự ghê gớm lắm. Khi được hỏi nhìn chung thì Hạ Viện này có đáng được lưu nhiệm không, chỉ có 25% cho rằng phần lớn những ông bà dân biểu này đáng được tái cử.  Sự mất tín nhiệm là điều rất rõ rang.

            Một kết quả khác, đảng Cộng Hòa được coi như đã thắng được trận “nợ trần” kéo dài ba bốn tháng nay nhờ lực lượng xung kích là những dân biểu trẻ nhiệm kỳ đầu tiên ngựa non háo đá, nhưng chiến thắng của họ lại làm cho họ tổn thất nặng trong thăm dò dư luận, tỷ lệ ý kiến bất lợi của công chúng đối với họ lên mức cao nhất trong thời gian vừa qua. Thăm dò cho thấy ý kiến thuận lợi dành cho đảng Cộng Hòa đã mất 8 điềm so với thăm dò tháng trước. Chỉ có một trong ba người đươc hỏi tán đồng việc Cộng Hòa đang làm. Đến 59% nói rằng họ không thiện cảm với công tác của Cộng Hòa, là con số tương đương với hồi năm 1992 là khi Tổng thống George W.H,. Bush thất bại trong việc tái tranh cử. Thái dộ của ngưòi Mỹ đối với phong trào tea party cũng đã thêm tiêu cực, 51% cho rằng phong trào được hai tuổi này nổi đình nổi đám với chủ trương siết chính phủ lại và chống thuế để chính phủ bó tay đã không có chủ trương xây dựng và tích cực, và chỉ có 31% ủng hộ phong trào này, so với 37% vào tháng trước.

            Trong khi đó, về phía Dân Chủ, số ý kiến bất lợi cho họ và thuận lợi cho họ khá đồng đều, ở mức 47%. Hồi tháng bảy, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có tỷ lệ tương đồng, nhưng nhờ cuộc thương lượng vừa qua vế mức nợ trần mà họ bứt đi được so với Cộng Hòa. Một thăm dò khác của USA Today và Gallup, kết quả cũng được công bố hôm thứ ba, cũng cho thấy đến 51% người được hỏi cho rằng ông Obama không đáng được tái đắc cử, nhưng con số ủng hộ ông vào khoảng 47%. Vấn đề thuận lợi cho ông Obama, qua thăm dò cho thấy, là người ta chưa thấy đảng Cộng Hòa có ứng cử viên nào có khả năng đánh bại được Obama cả.

            Chỉ còn khoảng 14, 15 tháng nữa là bầu cử, và người ta tin rằng sẽ chứng kiến nhiều thay đổi triệt để ở Hạ Viện, ở Thượng Viện - cho dù ngưòi ta chưa nói được triêt để có đồng nghĩa với tích cực hay không. Bởi vì trong đất nước mênh mông này, những con người tốt, người giỏi không hiếm, nhưng những người thắng cử, trong cơ chế chính trị và xã hội phá sản hiện nay, thường là những phần tử cơ hội chủ nghĩa hơn là tốt, là giỏi!

Comments