Người khởi xướng nghề làm móng tay cho phụ nữ Việt ở Mỹ

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

2011-08-04

Với những người Việt yêu thích Nghệ Thuật Thứ Bảy của Saigon trong thập niên 1960, có lẽ nữ diễn viên màn bạc Tippi Hedren không phải là khuôn mặt xa lạ.

Photo from Le Thuan

Nữ tài tử Tippi Hedren và chị Thuận chụp năm 1985

Được khám phá bởi đạo diễn Alfred Hitchkock nổi tiếng với thể loại phim kinh dị, nữ tài tử Tippi Hedren đã chinh phục người thưởng ngoạn qua bộ phim The Birds (1963), nói về những đàn chim trong thành phố nhỏ bỗng một ngày trở chứng bay đi tấn công và cắn xé người đến chết. Bộ phim thứ hai, Marnie (1964), một thiếu nữ xinh đẹp, hành tung bí ẩn và rất sợ màu đỏ vì một hình ảnh chết chóc trong quá khứ.
Ngoài những giải thưởng danh dự và cao quí từ Hollywood đến Pháp đến Tây Ban Nha đến Liên Hiệp Quốc, gần nhất hồi tháng Sáu 2011 với giải Golden Globe Quả Cầu Vàng dành cho vai trò của bà trong bộ phim The Birds, nữ tài tử Tippi Hedren còn được biết đến như một nhà từ thiện ở Hoa Kỳ và trên thế giới qua tổ chức Food For The Hungry, Thực Phẩm Cho Kẻ Đói. Từ năm 1970, Tippi Hedren khởi sự làm việc với  Food For The Hungry,  đi vòng quanh thế giới để giúp  người thiếu ăn thiếu mặc, thiên tai, lũ lụt, động đất.

Người đã đem nghề làm móng tay đến với cộng đồng VN
Hôm 2 tháng Bảy vừa qua, bà xuất hiện trong một buổi da yến của BPSOS Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, nhận bằng  vinh danh Service Of Humanity Phục Vụ Nhân Loại vì đã khởi xướng, hỗ trợ và giúp đỡ hai mươi phụ nữ Việt tị nạn đầu tiên đến Mỹ thành những Nail Technician, thợ làm móng tay chuyên nghiệp, một nghề được gọi là hốt bạc mà không phải học hành gian khổ và không đòi hỏi bằng cấp cao, một kỹ nghệ kinh doanh của rất nhiều người Việt di cư đến Mỹ sau này.
bà Tippi Hedren xuất hiện trong một buổi da yến của BPSOS Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, nhận bằng  vinh danh Service Of Humanity Phục Vụ Nhân Loại vì đã khởi xướng, hỗ trợ và giúp đỡ hai mươi phụ nữ Việt tị nạn đầu tiên đến Mỹ thành những Nail Technician, thợ làm móng tay chuyên nghiệp
Sau 30 tháng Tư 1975, biết được nhiều người Việt tìm cách vượt thoát ra khơi trên những chiếc thuyền nhỏ, Food For The Hungry và Tippi Hedren thuê một tàu chiến cũ của Australia, đi tiếp tế thức ăn nước uống thuốc men và hướng dẫn đường đi an toàn cho những thuyền nhân Việt Nam đi tìm tự do trên những con thuyền

Chi Thuận trước trường Citrus Height Beauty College  năm 1975

Chi Thuận trước trường Citrus Height Beauty College năm 1975

mong manh lúc bấy giờ.  
Tuy nhiên câu chuyện hôm nay chỉ tập trung vào việc bà đến với những phụ nữ Việt đầu tiên bà gặp ở Hoa Kỳ:
Cùng thời gian đó chúng tôi lập một cơ sở tị nạn tại  mạn Bắc California, thành phố Weymar vùng Sacramento, nơi chúng tôi có thể mang cả ngàn người tị nạn Việt Nam về đó.
Cố gắng của chúng tôi khi ấy là tìm cách giúp họ hội nhập vào cuộc sống mới, giúp họ tìm công việc để nuôi sống gia đình. Tôi đã sinh hoạt với một nhóm khoảng hai mươi phụ nữ trẻ chỉ mới chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ.
Những người phụ nữ trẻ ấy rất thích móng tay  của tôi, họ cứ ngắm nghía và trầm trồ khen đẹp mãi. Thế  là tôi nảy ra ý tưởng là tại sao mình không giúp họ trở thành những người làm móng tay chuyên nghiệp nhỉ.
Bây giờ nghĩ lại tôi thật lấy làm hãnh diện về những phụ nữ Việt Nam ấy, họ làm nghề móng tay  mà nuôi cả gia đình, đưa các con của họ vào  đại học. Con của họ ra  kỹ sư, ra bác sĩ, dược sĩ … những nghề được trọng vọng trong xã hội…

Vừa rồi là những lời tâm tình của nữ tài tử Tippi Hedren, người tiên phong khởi xướng, chỉ dẫn và đào tạo  nghành  nghề Nail cho những phụ nữ Việt đầu tiên đặt chân lên  đất Mỹ ba mươi sáu năm trước.
Ngược giòng thời gian, trở về những ngày cuối tháng Tư 1975, lúc phần lớn người chạy ra khỏi Việt Nam không thoát đi bằng thuyền mà bằng tàu lớn để rồi được đưa từ đảo Guam đến Hoa Kỳ, đến trại tạm cư Pendleton bằng máy bay.

Bây giờ nghĩ lại tôi thật lấy làm hãnh diện về những phụ nữ Việt Nam ấy, họ làm nghề móng tay  mà nuôi cả gia đình, đưa các con của họ vào  đại học. Con của họ ra  kỹ sư, ra bác sĩ, dược sĩ … những nghề được trọng vọng trong xã hội…

bà Tippi Hedren

Bà Thuận, khi ấy còn rất trẻ dù đã có ba con, kể lại câu chuyện đời mình khi may mắn gặp nữ tài tử Tippi Hedren vào tháng Năm 1975:
Lúc mình vào camp Pendleton gần một tháng thì nghe nói hội Food For The Hungry muốn bảo lãnh khoảng một ngàn người. Họ chuyển mình lên Weymar vùng Sacramento miền Bắc California . Lên đó thì mỗi gia đình được một phòng chứ hồi còn ở Pendleton thì mười mấy gia đình một lều.
Trên trại đó thì có lớp may với lớp đánh máy, lúc đó bà Tippi Hedren đã trông coi những lớp đó rồi.
Sau đó thì mình cùng mấy người bạn cũng gặp bà Tippi, bà vui vẻ dễ thương, lúc nào cũng có nụ cười. Tụi mình nhìn bà như một người mẹ vậy đó. Thỉnh thoảng bà xuống lớp may cắt  và đánh máy để thăm, một số người cứ nhìn bàn tay bà và nói là móng tay bà đẹp quá.

Thế là nữ tài tử Mỹ Tippi Hedren bỗng nghĩ là nếu có một lớp dạy làm móng tay thì quá tuyệt:
Đó là tháng Năm 1975, bà bắt đầu nẩy ra ý kiến cho đi học móng tay, mà bà kêu là mỗi người phải biết một ít  tiếng Anh thành  ra không có nhiều người ghi tên. Mà mình biết ở bên Việt Nam nghề móng tay là cái nghề thấp nhất, nhưng bà ấy nói đừng coi thường tại vì  những người tài tử mà có gãy một móng tay thì họ có thể gởi vé may bay cho bạn đến tận phim trường để sửa cho họ.
Khi đó  hai chục người đã ghi tên để được học nghề làm móng tay. Mỗi người được bà Tippi Hedren sắm cho

Mấy chị em chuẩn bị đi học (chị Thuận bên trái). Photo from Le Thuan

Mấy chị em chuẩn bị đi học (chị Thuận bên trái) 1975. Photo from Le Thuan

một thùng dụng cụ làm móng:
Thì người manicurist(thợ làm móng tay )  của bà trên Hollywood, cứ cuối tuần là hai bà bay lên dạy tụi này làm móng tay gọi là  Juliet Wrap.
Đến đây xin được mở dấu ngoặc là mãi đến thời thập niên 60 và 70 nghề làm móng tay ở Hoa Kỳ chưa thịnh hành như bây giờ. Phần lớn phụ nữ Mỹ tự chăm sóc móng tay của mình chứ không ra tiệm vì giá đắt. Các tài tử phim ảnh như Tippi Hedren thường có thợ làm móng tay  riêng, kỷ  thuật làm móng cho giới điện ảnh hay giới giàu có thượng lưu thường là Juliet Nail hay Nail Wrap, dán móng tay bằng loại giấy đặc biệt,  hoặc bằng lụa thì gọi là Silk Wrap,  nghĩa là có phần cầu kỳ hơn plain manicure tức làm móng thường hay móng nước:

Đó là tháng Năm 1975, bà bắt đầu nẩy ra ý kiến cho đi học móng tay, mà bà kêu là mỗi người phải biết một ít  tiếng Anh thành  ra không có nhiều người ghi tên. Mà mình biết ở bên Việt Nam nghề móng tay là cái nghề thấp nhất, nhưng bà ấy nói đừng coi thường
Mà hồi đó từ khoảng ba chục đến bốn chục đồng một bộ như vậy. Khi mà bà huấn luyện cho tụi mình cái Juliet Nail thì bà kêu là cái này làm có tiền và khác với móng tay thường. Móng tay thường hồi đó có năm đồng thôi.
Sau  khi dạy cách làm Nail Wrap xong,  bà Tippi Hedren quyết định cho những phụ nữ mà bà bảo trợ đi học để thi lấy bằng. Ngôi trường hai  mươi phụ nữ Việt được gởi đến là Citrus Height Beauty College ở Weymar, cách nơi họ tạm trú bốn mươi lăm phút xe chạy:
Trường đó phải học trong vòng một năm vì dạy nguyên khoá chứ không dạy làm móng tay không. Nhưng bà Tippi nói là  tất cả những người con gái của tôi  chỉ ở trong trại một thời gian ngắn thôi thành ra chỉ học được một khoá móng tay.
Nhờ uy tín và tài thuyết phục của bà Tippi Hedren, sau cùng Citrus Height Beauty College đồng ý nhận hết hai mươi người vào học chỉ một khoá móng tay mà thôi. Không một ai phải trả học phí vì bà Tippi Hedren đã lo liệu tất cả:
Hai chục người đi học móng tay tại  trường học đàng hoàng. Mỗi buổi sáng có một người tình nguyện vô chở hai mươi người đi học, chiều chở về. Buổi tối ăn xong thì họp nhau lại, dịch bài dịch câu hỏi, giúp nhau những câu nói chuyện  bằng tiếng Anh. Lúc học thì phải thực tập trên khách, phải biết nói  tiếng Anh. Tối nào mấy chị em ngồi họp với nhau, dịch bài ra học.
Sau  khi  học xong chính bà Tippi đã dẫn tụi này ra State Board để thi, cũng  may mắn là đậu hết.
Những người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nail Technician
Tháng Mười năm 1975, hai chục phụ nữ trẻ mà bà Tippi Hedren coi như con gái đã nắm được tấm bằng Nail Technician, trở thành những manicurist thợ làm móng tay chuyên nghiệp:
Tháng Mười năm 1975, hai chục phụ nữ trẻ mà bà Tippi Hedren coi như con gái đã nắm được tấm bằng Nail Technician, trở thành những manicurist thợ làm móng tay chuyên nghiệp
Có bằng rồi thì mỗi người đi một phương trời khác nhau , bà Tippi viết cho mỗi người một lá thơ giới thiệu. Tôi và gia đình bảy người được nhà thờ bảo lãnh về Santa Monica. Coi như mình định cư rồi thì mình mới gọi

Một buổi tiệc của mấy chị em học Nail Technician tại nhà năm 1975. Photo from Le Thuan

Một buổi tiệc của mấy chị em học Nail Technician tại nhà năm 1975. Photo from Le Thuan

bà Tippi, mấy hôm sau bà xuống nhà mình ngay lập tức.
Một người tài tử như vậy mà tới một cái nhà nhỏ chút xíu, không có đồ đạt gì hết. Bà đến thì bà nói bây giờ tập làm móng tay cho bà. Bàn tay  bà đẹp như vậy mà bà bắt tôi phải làm lại hết một bộ mười ngón cho bà, trong khi ba đứa nhỏ nhảy long tong chung quanh nhưng bà cứ ngồi yên cho mình làm, miệng cứ cười dễ thương lắm.  Làm xong bà nhìn và kêu đẹp quá, bảo ngày mai bà tới dẫn mình đi xin việc.


Thực sự, theo lời chị Thuận kể lại,  bà Tippi Hedren đã có sẵn trong đầu một công việc cho chị rồi, bởi khi bà đưa chị tới một tiệm làm móng rất sang trọng ở Santa Monica thì người chủ ở đó, vốn quen biết với nữ tài tử nổi danh của Bervely Hills, đã nhận chị Thuận vào làm việc với mọi điều kiện ưu đãi:
Hồi đó nghề móng tay không có nhiều, chung quanh mình không có tiệm Nail nào hết mà chung quanh mình cũng không có người thợ nào người Việt Nam. Từ đó tới giờ mình vẫn theo cái nghề này, con cái  xong đại học hết rồi, thành đạt hết rồi.
Vì còn quá mới, chỉ sáu tháng  sau ngày bỏ nước ra đi, chị Thuận cũng như những người khác trong nhóm được bà Tippi Hedren bảo trợ đều gặp những khó khăn trong công việc và trong hội nhập, thế nhưng không thể chối cãi là nghề làm móng tay đã giúp các chị ổn định cuộc sống cho mình và cho gia đình nhanh hơn những người khác.
khi vào đúng tiệm có khách thì kiếm nhiều vô cùng tại lúc đó móng tay  tính đắt lắm chứ không rẻ như bây giờ, mà đông khách thì nhiều khi mình làm mình xài không hết.  Những năm đầu tiên chị làm chị giúp đỡ anh em mua xe cho người này mua xe cho người nọ mà xài không hết tiền.

Chị Yến

Chị Yến, sau này lập gia đình với người bản xứ, vẫn giữ mối liên lạc thân thiết với bà Tippi Hedren, nhắc lại thưở ban đầu nghề làm móng tay  của chị:
Đầu tiên thì sợ hãi vô cùng, ngay lúc đầu thì hơi chật vật tại vì đi hai ba  tiệm cũng không kiếm ra tiền. Nhưng khi vào đúng tiệm có khách thì kiếm nhiều vô cùng tại lúc đó móng tay  tính đắt lắm chứ không rẻ như bây giờ, mà đông khách thì nhiều khi mình làm mình xài không hết.  Những năm đầu tiên chị làm chị giúp đỡ anh em mua xe cho người này mua xe cho người nọ mà xài không hết tiền.
Ngày đó xăng có ba  mươi tư xu một ga lông, trong khi làm móng tay  một bộ acrylic (móng đắp  bột) sáu chục đồng, một cái fill hai mươi lăm đồng, còn bây giờ thì chỉ có hai chục thôi mà trong khi cái gì cũng đắt hơn mười lần.

Những phụ nữ tị nạn đầu tiên vào nghề móng tay ở Mỹ luôn luôn nhớ ơn bà Tippi Hedren, coi bà như người khai sáng kỹ nghệ làm móng tay ở Hoa Kỳ mà sau này trở thành một thị trường kinh doanh do người Việt nắm giữ.
Khi nghề làm móng tay càng ngày càng phát triển  ở Hoa Kỳ, những dịch vụ liên quan cũng từ đó lớn mạnh như các  trường thẩm mỹ của  người Việt mà trong đó dạy làm móng tay là chính,  những cửa hàng cung cấp dụng cụ làm móng, những công ty sản xuất bàn ghế kiêm luôn phần việc design tức trang hoàng cửa tiệm cho người muốn làm chủ. Điều này vẫn được chị Thuận chia sẻ  với mọi người:
Ngày đó xăng có ba  mươi tư xu một ga lông, trong khi làm móng tay  một bộ acrylic (móng đắp  bột) sáu chục đồng, một cái fill hai mươi lăm đồng

Chị Yến

Một người bạn của tôi đã ra mở một trường học, trường Thẩm Mỹ ABC ở dưới Westminster mà cho đến giờ đã huấn luyện trên hai chục ngàn người thợ làm móng tay. Mình cảm ơn bà Tippi rất nhiều, chỉ một người hướng dẫn cho học nghề nail mà bây giờ có người làm chủ cả một trường thẩm mỹ.
Một bà bạn mình ra mở tiệm mà cả những mười tiệm nữa cơ. Thành ra sau này bao nhiêu người bị thất nghiệp thì họ chạy vào trường ABC học rồi ra mở tiệm.

Chị Yến cũng xác nhận như vậy:
Về sau này thì ai cũng bắt chước đi học nghề Nail mà ai cũng sống được hết. Nhiều người  mua được nhà , nuôi con cái , giúp đỡ cha mẹ cũng nhờ làm nghề Nail. Họ hàng chị có nhiều người cũng mở tiệm, làm ăn khá lắm.
Thỉnh thoảng  những học viên cũ của trường thẩm mỹ Citrus Height ở Weymar ba mươi sáu năm trước vẫn có dịp gặp lại ân nhân của họ , nữ tài tử Tippi Hedren, tại trang trại bảo tồn thú hoang Shambala do bà sáng lập ở Los Angeles:
Thật sự không tìm được người tốt thứ hai như bà. Bà hy sinh lo lắng giúp đỡ mọi người mà không  có nghĩ đến sự đền bù. Nghĩa là bà thích giúp người tị nạn, những người chân ướt  chân ráo từ Việt Nam mới qua. Trong giới làm móng tay phải nói bà là người đầu tiên giúp đỡ, không có bà thì chắc cũng không có nghành móng tay ngày nay nữa.  
Hiện toàn quốc Hoa Kỳ có trên một trăm ngàn của tiệm làm móng tay của người Việt. Đây là một thị trường kinh doanh phát đạt và đặc thù dựa trên sự nhẹ nhàng khéo léo và đức tính chăm chỉ của người Mỹ gốc Việt mà  không một cộng đồng di dân nào qua mặt nỗi.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc kính chào và xin hẹn lại tối thứ Năm tuần tới.

Comments

Post a Comment