Song Chi
Nếu như Quốc hội khóa XII (nhiệm kỳ 2007-2011) có những ông Nghị nổi như cồn không phải vì tài đức mà vì… những phát ngôn “để đời” bộc lộ vốn kiến thức quá kém, tầm trí tuệ quá thấp của họ như ông Nghị Trần Tiến Cảnh, đại biểu tỉnh Hà Nam khi bênh vực dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam:
"Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm... Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây".
Hay ông nghị Lương Phan Cừ, đại biểu tỉnh Đắk Nông với câu ví von rât lãng mạn:
"Miền Trung có những bãi biển xinh đẹp, như những nàng tiên đang ngủ. Có đường sắt cao tốc, giao thông thuận tiện, các nàng tiên sẽ được đánh thức" v.v…
Thì Quốc hội khóa XIII tuy mới mở màn chưa bao lâu nhưng cũng đã kịp thời ghi dấu ấn bởi những nhân vật đình đám không kém.
Từ bà Nghị Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT của tập đoàn Tân Tạo, người bị một số đại biểu tỉnh Long An tố cáo, đề nghị xem xét lại tư cách đại biểu Quốc hội vì “có nhân thân xấu, lai lịch không rõ ràng”, từng dính vào một vụ kiện do làm ăn gian dối, có chồng là Việt kiều Mỹ (đã ly dị) cũng đang bị công an truy nã về tội lừa đảo v.v… Đây cũng chính là nhân vật mà trong buổi lễ trao giải thưởng Hoa Trạng Nguyên cho học sinh có truyền hình trực tiếp, đã đọc nhầm chức vụ của một quan chức, sau đó, không kiềm chế được, cứ đứng cười ngặt nghẽo suốt mấy phút giữa hội trường!
Bà Nghị Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) thì bị tố cáo khai man chức danh Tiến sĩ để ứng cử, nhưng rồi vẫn trúng cử như thường!
Ông Nghị Nguyễn Bá Thuyền, Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng được các blogger gọi là Người Sao Hỏa vì trong bài phát biểu tại phiên thảo luận ngày 5.8.2011 có những sơ hở đáng ngạc nhiên về mặt kiến thức (hay do bốc đồng?) như: “Làm sao để nhiệm kỳ này cố gắng lấy lại quần đảo Hoàng Sa…”. Hoặc “quần đảo Trường Sa bây giờ do Trung Quốc chiếm cho nên chúng ta cũng phải kiên quyết chỗ này…”
Ông Nghị Đỗ Văn Đương (TP.HCM) bàn về… lạm phát:
"Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn... Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất" .(VNEconomy ngày 7.8.2011)
Cũng giống ông Nghị Cảnh, ông nghị Đương cũng khoe mình “đi nước ngoài thấy”… Nhưng nếu đi nước ngoài mà “thấy” như vậy chắc các ông phải xem lại con mắt, cái đầu mình có vấn đề gì không!
Ông Đương lập tức được dư luận gán luôn tên là “Ông Nghị rau muống”!
Mới đây, lại đến ông Nguyễn Minh Hồng, bác sĩ kiêm nhà văn, đại biểu tỉnh Nghệ An đề xuất phải có Luật Nhà văn. Hùng hồn đến mức: “Nếu phải lựa chọn giữa Luật Biểu tình và Luật Nhà văn, tôi vẫn chọn Luật Nhà văn.”
Nhưng khi bị báo chí chất vấn, dư luận phản bác, thì ông Hồng lại phát biểu: “luật nhà văn không phải là sáng kiến của tôi” (mà của các nhà văn trong hội nghị toàn quốc của Hội Nhà văn, theo lời ông). “Vì thế, tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà văn. Tôi chỉ thực hiện lời hứa, còn cụ thể vì sao cần có luật này thì tôi chưa nghĩ ra” (Báo Đất Việt ngày 14.11.2011)
Đình đám hơn cả, là ông Nghị Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) với bài phát biểu về Luật biểu tình, thẳng thừng đòi bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình ra khỏi chương trình nghị sự suốt nhiệm kỳ quốc hội khóa XIII.
Đã có rất nhiều ý kiến, bài viết phản hồi xung quanh những phát biểu vừa cho thấy vốn kiến thức có nhiều lổ hổng qua những dẫn chứng, lập luận không chính xác, vừa bộc lộ một cách suy nghĩ cực kỳ phản động, coi khinh pháp luật, coi khinh người dân của nhân vật này, tưởng không cần phải nhắc lại nữa. Dư luận còn lục tung cả trang web riêng của ông ta, lôi ra những bài viết ông ta nói về mình khi tự ứng cử, nói về Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, “Tôi và Tổng Thống Sadam Hussein”, hay luận bàn về thế giới thời kỳ hậu Gaddafi “Hoàng Hữu Phước Luận Về The Post-Gaddafi Era”.… Và kết luận: nhân vật này không chỉ cực kỳ phản động, mà còn mắc chứng hoang tưởng, đầu óc không bình thường!
Ông Phước cũng có tên mới: ông Nghị chém gió!
Đó là các ông Nghị, cỏn các quan chức kể cả ở hàng ngũ lãnh đạo cao nhất, đều có những phát ngôn đáng ghi vào lịch sử không kém.
Hoặc thể hiện một tư duy cũ kỹ lạc hậu kiểu như bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mới đây trong bài viết “Vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”. Xơ cứng và chỉ “nhai lại” những lý thuyết đã cũ mèm kiểu ông Cựu Tổng Nông Đức Mạnh. Hài hước một cách rất dân dã, và cũng bị xếp vào loại “chém gió” như ông Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Hoặc làm đến Thủ tướng nhiệm kỳ lần thứ hai rồi như ông Nguyễn Tấn Dũng mà nói như nhà báo Huy Đức, “cũng không kiếm được người viết diễn văn biết cách phân biệt sự khác nhau trong ngôn ngữ của một chuyên viên cấp vụ với ngôn ngữ của một chính trị gia ở hàng nguyên thủ.”, và không thể nói được một câu gì độc đáo, là suy nghĩ riêng của chính mình ngoại trừ những câu sáo rỗng kiểu như “Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực,ghét nhất, giận nhất là sự giả dối!”, “nguyện làm công bộc của dân”….
Nhiểu vị còn phát biểu những câu hết sức vô trách nhiệm, vô cảm kiểu như ông Nguyễn Sinh Hùng “Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc”. Hoặc “Tôi thì vẫn chưa lo”. Ngày 8.6.2010, ông Phó thủ tướng vừa cười vừa trả lời như vậy khi được các phóng viên hỏi về những lo ngại về hiệu quả kinh doanh tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Chỉ 1 tháng sau, tháng 7.2010, thông tin về vụ bê bối ở Vinashin bung ra! Hoặc lạc quan một cách không có cơ sở:
“GDP năm nay của Việt Nam tuy chỉ có 106 tỷ USD, nhưng đến 2020 sẽ tăng lên 300 tỷ USD và năm 2030 là 700 tỷ, đến 2040 ước đoán cỡ 1,2 - 1,4 nghìn tỷ USD. Đến 2050, khi hoàn thành toàn tuyến, con số đó dự kiến sẽ tăng gấp đôi”. "Thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng lên mức 6.000, rồi 12.000 và sẽ đạt 20.000 vào năm 2050". Ngài PTT giải thích về những lo ngại của các đại biểu Quốc hội là Việt Nam không đủ nguồn lực làm ĐSCT. (“Những câu nói bất hủ của ngài Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, viet-studies.info).
Và kết luận chắc như đinh đóng cột: “Tôi yên tâm. Chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc” (VNEconomy ngày 12.6.2010).
Hay bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi cả nước đã ghi nhận hơn 76.000 trường hợp mắc tay chân miệng, đã có 143 trẻ em chết vì bệnh này nhưng Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch, bời vì “Tổ chức Y tế thế giới đã lên tiếng gì đâu” (Báo SGTT ngày 25.10.2011)
Danh sách những phát biểu ở “đỉnh cao trí tuệ” của các vị còn dài, dài lắm.
Đó là lời nói, là cách suy nghĩ. Còn việc làm thì thực tế của đất nước VN ngày hôm nay ra sao so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới, sau 66 năm cầm quyền của đảng cộng sản, đã là câu trả lời.
Thật ra việc vắng bóng những người thật sự có tài có tâm trong hầu hết mọi lĩnh vực của xã hội VN lâu nay, trong khi lại xuất hiện nhan nhản các nhân vật vừa thiếu đức vừa có quan trí thấp, tầm nhìn ngắn dù phần lớn đều có đủ loại bằng cấp, không có gì là khó hiểu. Nó là hệ quả của hai nguyên nhân.
Thứ nhất, hiện tượng học “giả”, mua bằng, chạy bằng, khai man lý lịch… vô cùng phổ biến trong xã hội đã tạo ra những người có bằng cấp nhưng không có năng lực, kiến thức xứng tầm với cái bằng mà họ có. Đặc biệt trong xã hội VN, nếu muốn làm quan thì thể nào cũng phải kiếm cho được ít nhất cái bằng B Anh văn, bằng Trung cấp/Cao cấp lý luận chính trị, vài ba cái Cử nhân, Thạc sĩ, kể cả Tiến Sĩ cho nó oai. So với nhiều quốc gia khác, phải nói là hàng ngũ quan chức VN, kể cả cấp lãnh đạo, tỷ lệ có bằng cấp nhiều hơn hẳn, cao hơn hẳn!
Thứ hai, một cơ chế độc tài, trong đó mọi sự bầu bán chỉ là hình thức, mọi cái ghế đều được sắp sẵn hoặc có thể mua, “chạy chọt”, quan trường từ thấp đến cao là chỗ chia chác của các nhóm lợi ích…, còn những vị trí cao nhất, ngon lành nhất thì đã được “dấm” sẵn cho thế hệ sau, con ông cháu cha như thời phong kiến. Kiểu như ông Nông Đức Mạnh dàn xếp cho con trai Nông Đức Tuấn làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang hay ông Thủ Dũng “bồng” con là Nguyễn Thanh Nghị vào ghế Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chẳng hạn. Còn ngay bản thân các ông, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng thì dư luận từ lâu nay vẫn âm ỷ những câu hỏi về lai lịch, lý do thăng tiến nhanh chóng của các ông v.v….
Hai nguyên nhân trên cộng với đặc thù của một môi trường xã hội như VN hay TQ, vừa là sự kết hợp những cái dở của chủ nghĩa phong kiến từ thời xa xa xưa còn sót lại (như chuộng bằng cấp, chức tước, thói sĩ diện), những cái dở của chủ nghĩa tư bản thời kỳ hoang dã (như chỉ biết có tiền,coi nặng vật chất, mọi thứ trong xã hội đều có thể mua bán, đổi chác…) và một mô hình thể chế chính trị độc tài (là mảnh đất màu mỡ cho sự lộng hành của một nhúm người/một đảng phái có quyền lực, là nơi mà luật pháp đành bất lực dưới sự chi phối, điều khiển của nhúm người/đảng phái đó v.v….).
Kết quả là cái chuyện ngồi nhầm chỗ mới thường xuyên diễn ra, mới trở thành chuyện bình thường.
Một ngày nào đó, nếu nhìn lại cả một giai đoạn lịch sử dài bao nhiêu năm dưới sự cầm quyển của đàng cộng sản VN, nếu phải tìm ra những đặc điểm khái quát nhất của xã hội VN trong giai đoạn này, thỉ ngoài sự vô cảm/căn bệnh vô cảm mà dư luận đã đề cập đến rất nhiều lâu nay, còn phải nhắc đến một đặc tính nữa: tình trạng ngồi nhầm chỗ.
Comments
Post a Comment