C S V N - Trường hợp điển hình - Chống Trả Cướp Đoạt

Nguyễn Phát Quan

Tuần lễ đầu tiên của năm 2012 đánh dấu hai vụ chống lại Nhà Cầm CSVN. Hành động này không phải do các tổ chức tôn giáo, phong trào, các nhà đấu tranh đòi hỏi dân chủ tại Việt Nam hành động mà do chính dân chúng. Hành động chống lại này rất quyết liệt, chống lại bằng vũ khí, chống lại bất kể tính mạng:

- ngày 5/1/2012, tại huyện Tiên Lãng xã Vinh Quang, tỉnh Hải Phòng, gia đình ông Đoàn Văn Vươn dùng chất nổ và súng hoa cải chống trả trên 100 cán bộ các ngành, công an, bộ đội CS ồ ạt đến cưỡng chế lấy khu đất bãi bồi; kết quả: 1 Thượng Tá chỉ huy và một số công an, bộ đội bị thương tích.

- ngày 7/1/2012, hai ngày sau, một vụ nổ vang ầm phá sụp căn nhà của viên Đại Tá Giám Đốc Công An tỉnh Thái Nguyên.

Nếu vụ thứ hai (ngay tại trung tâm thành phố) chưa biết danh tính người hành động thì vụ thứ nhất (tại xã ấp) do gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Điểm giống nhau cùa cả 2 vụ? – Chính người dân đã chủ động chống trả cùng một đối tượng là nhà cầm quyền CSVN; cả 2 vụ, lần đầu tiên có kết quả gây thương tích, thiệt hại đáng kể cho công an (đến cấp Tá), bộ đội CSVN! Dân chúng nói chung mang tâm trạng hài lòng đến “hả hê”! Thái độ tâm lý này lan đến tận hải ngoại, củng cố thêm niềm tin rằng dân bị áp bức, bị cưỡng chế, bị bách hại về tính mạng, tài sản là nguy cơ cho chế độ; chính dân chúng quốc nội sẽ chủ động nổi lên chống lại nhà cầm quyền CS tại Việt Nam.

Đây chính là trường hợp điển hình về hành động CS cưỡng chế đất tại Tiên Lãng. Luật Đất Đai 2003 và cách thức áp dụng luật cho trường hợp trên 50 mẫu đất bãi bồi Tiên Lãng ra sao?

Đoàn Văn Vươn, học Đại Học Nông Nghiệp (kỹ sư Nông Nghiệp) từ 1993 đã kiên trì hàng chục năm ngăn sóng, đắp đồng, đương đầu và thắng biển cả, biến khu đầm lầy bỏ hoang, biển mặn thành khu đất bồi ven biển, trồng trọt, nuôi thủy sản. Nhà cầm quyền xã - huyện CS không làm được nhưng ĐVV đã làm được, thành công với sáng kiến, kiên nhẫn, với bao công sức, tiền của. Tưởng rằng sẽ sử dụng, hưởng thành quả thì tất cả bị cưỡng chế lấy tất cả và nhà cửa bị phá nát không nơi cư ngụ!

Phản ứng của nhà cầm quyền CS ra sao? Từ trong nỗi lo âu sâu đậm họ đương nhiên tức giận hành động chống trả gây thương tích; họ nỗ lực một mặt biện giải cho hành động cưỡng chế, một mặt quy tội để trừng trị, thị uy. Họ đã tái sử dụng cách thức cố hữu. Đó là tung chiêu bài, đổ lỗi chạy tội và để trừng trị, dùng “luật” CS qua 5 loại hành động:

Hành động thứ nhất: nhóm cầm quyền CS địa phương (xã – huyện – tỉnh) qua Ủy Ban Nhân Dân (UBND) dùng chiêu bài “thu hồi đất cho thuê”. Theo họ, không phải cưỡng chế cướp đoạt mà chỉ thu hồi đất đai của Nhà Nước cho thuê mà người thuê đất của Nhà Nước lại bất tuân, chống lại việc thi hành công vụ! Về thực tế, khu đất có thể trồng trọt, nuôi thủy sản không có trước đây mà chỉ có sau này do tiền của, công sức của ĐVV khai khẩn, lấp biển trong nhiều năm trời, bị cưỡng chế, đã khởi kiện, lâm vào đường cùng phải tự bảo vệ tài sản.

Hành động thứ nhì: hạ uy tín của ô. Đoàn Văn Vươn. Họ cho rằng ĐVV không là người tốt, không có công lao gì, sử dụng hàng ngàn mẫu đất, thu lợi riêng, không giúp đỡ gì cho địa phương! Thế nhưng, theo dân xã, Anh ĐVV là giáo dân rất tốt, sống nghèo bình dị, giúp đỡ dân làng, giúp dân có công ăn việc làm trên vùng đất bãi bồi ven biển, là mẫu “người hùng” cho dân làng theo gương đương đầu với biển cả, đắp đồng ngăn sóng lấp biển tạo đất bồi trồng trọt, nuôi thủy sản. Sự thật từ dân làng này được các báo trong nước, các thông tấn RFI, Đài Á Châu Tự Do, BBC … phổ biến.

Hành động thứ ba: nhóm cầm quyền CS xã – huyện đưa cơ giới đến khu đất cưỡng chế, san bằng tất cả, cài nát nhà của ông ĐVV, đốt phá hết tài sản, vật dụng và phong tỏa khu vực. Gia đình ông ĐVV và các gia đình cư ngụ lân cận đã phản đối nhưng không thế nào ngăn chận được hành động bạo lực, phá, đốt nhà của xã – huyện CS. Họ phẫn nộ, đứng đơn khởi kiện, tố cáo 3 cấp xã, huyện, tỉnh bất chấp pháp luật, áp bức, hủy hoại tàí sản dân. Giám Đốc Công An Hải Phòng chạy tội, đổ lỗi cho thành phần dân chúng bất mãn việc ĐVV chống lệnh thu hồi đất cho thuê,”bức xúc” tự ý hành động đốt phá! Giới cấp công an này đã khởi tố vụ án giết người, chống việc thi hành công vụ!

Hành động thứ tư: cầm quyền CS xã – huyện dùng chiêu bài “vùng Fquy hoạch”. Theo họ, không có chiếm đoạt mà là thu hồi đất cho thuê theo kế hoạch của Nhà Nước lập sân bay quốc tế; Nhà Nước đã “quy hoạch” từ lâu, không có việc cán bộ chiếm đoạt vì tư lợi mà vì lợi ích chung cho toàn vùng, toàn tỉnh với một sân bay quốc tế. Câu hỏi là thực sự có kế hoạch lập sân bay tại khu đất bãi bồi không? Lý do, mục đích “quy hoạch” này xét ra không vững ổn. Cũng theo họ, khu đất bãi bồi thu hồi tại xã là tâm điểm của sân bay quốc tế! Lẽ nào khu bãi bồi ven biển thích hợp cho việc lập sân bay quốc tế? Lẽ nào, vị trí khu đầm lầy cấp xã lại là tâm điểm cho sân bay quốc tế?! Hơn thế nữa, “vùng quy hoạch” cho sân bay quốc tế không hề nghe biết, không hề được lấy ý, công bố, phổ biến mà cấp quyền xã-huyện chỉ mới nêu lên ngày 5/1/2012 sau khi vụ cưỡng chế bị chống trả! Lý do biện giải đúng là chiêu bài!

Hành động thứ năm: các cấp quyền CS sử dụng “luật” CS. Nền tảng của hành động gọi là thu hồi đất cho thuê liên hệ Luật Đất Đai 1993, tu chính năm 2003 và các thủ tục cưỡng chế của xã-huyện CS. Lấy nguồn gốc từ Hiến Pháp CS, Luật Đất Đai 2003 bám chặt quan điểm cố hữu về sở hữu đất đai. Ai sở hữu đất đai? Theo CS, tư nhân không có quyền sở hữu đất đai; đất đai là “sở hữu của toàn dân”. Hai chữ “tư nhân” và “toàn dân” được CS diễn dịch và áp dụng đặc biệt. Theo đó, tư nhân không phải là dân và toàn dân là nhân dân; nhân dân làm chủ tất cả đất đai, được Đàng/Nhà Nước đại diện nhân dân quản lý mà Nhà Nước tức là nhà cầm quyền CS! Quyền tư hữu được công nhận và bảo đảm tại các quốc gia dân chủ tự do với định chế pháp trị và kinh tế thị trường. Quyền này bị bác bỏ tại CHXHCNVN, nơi tự hào có “pháp quyền”, có nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”! Vì Nhà Nước là sở hữu chủ của tất cả đất đai nên Nhà Nước tức các viên chức cầm quyền CS toàn quyền sử dụng, tặng biếu, bán hoặc cho thuê. Điển hình là tại 10 tỉnh dọc theo biên giới với “đàn anh vĩ đại” phía Bắc, các viên chức tỉnh đã dùng quyền hạn sở hữu của mình cho Trung Cộng thuê đất, rừng trong 50 năm! Tương tự cho trường hợp xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng, đất bãi bồi được các viên chức CS xem như đương nhiên nằm trong quyền sở hữu tuyệt đối của họ và cho rằng nay cần thu lại bằng lệnh cưỡng chế, hỗ trợ bằng vũ lực (công an, bộ đội vũ trang). Đó là cách giải thích Luật Đất Đai và là cách áp dụng, thi hành luật của cấp quyền CS. Luật Đất Đai 2003 chẳng những có nhiều thiếu sót mà còn mơ hồ, mở ngỏ cho cán bộ CS mọi cấp, mọi ngành tham ô.Và nó nằm trong “luật rừng” của CS. Cán bộ CS tùy tiện diễn giải, tùy lợi, tùy nơi, tùy cá nhân cán bộ áp dụng, cưỡng hành dựa vào quan điểm “sở hữu của toàn dân”! Hãy nghe chính nguyên đảng viên quan trọng của Đảng, Nguyễn Thanh Giang, nhận định:”Sở hữu của toàn dân là nguồn gốc gây ra nhiều tham nhũng, làm tăng khoảng cách giàu nghèo, làm giảm năng suất nông nghiệp và nói chung là cản trở sự phát triển của đất nước…Tôi đã từng kiến nghị là đất phải có chủ cụ thể và thời hạn doanh điền phải được tư hữu hóa. Đấy là lẽ đời mà cha ông ta đã nhận ra và thực thi từ nghìn năm trước…Bởi vậy tôi tha thiết đề nghị Đảng và chính phủ nhìn thấy các nguy cấp của việc chúng ta chậm biến năm thành phần đất đai và phải sửa chữa Luật Đất Đai theo hướng thừa nhận quyền tư hữu và hợp lý…chỉ có làm một Luật Đất Đai cho đúng thì mới có thể tạo công bằng xã hội và làm cho đất đai sinh sôi nẩy nở … “(RFI 9/1/2012). Hiểu, giải thích, thi hành không đúng, bất chính, bạo hành ắt đưa đến bất công, áp bức.

Một số sự kiện đặc điểm có ý nghĩa được rút ra từ vụ cưỡng chế:

1/. Cấp quyền CS bất chấp nguyên tắc trọng pháp. Điều 37 Luật Đất Đai quy định đất nuôi trồng thủy sản được giao cho người kiến tạo trong 20 năm. Tuy nhiên, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi và cưỡng chế. Văn kiện lập quy (quyết định của UBND) này của cấp quyền hành chánh vi phạm luật (văn kiện lập pháp cao bậc hơn)? UBND bất chấp luật, cho là đất cho thuê và tùy tiện lấy đất với lý do ngụy tạo (quy hoạch, lập sân bay quốc tế). Đây là hành động lạm quyền của cấp quyền hành chánh.

2/. Cấp quyền CS lừa gạt dân để cưỡng chế đất. ĐVV và dân xã khởi kiện khi có quyết định cưỡng chế đất và UBND huyện bác bỏ. Dân lại kháng cáo lên Toà Án Nhân Dân thành phố Hải Phòng thì cấp huyện tiếp xúc với các nguyên đơn và hứa rằng nếu họ rút đơn kháng cáo thì huyện sẽ tiếp tục cho thuê khu đất.Tin lời, dân chúng rút đơn thì huyện trở mặt, xem như quyết định thu hồi đất có hiệu lực và xúc tiến cưỡng chế! Đây là hành động bội ước, bất chính, đạo đức bất xứng phải bị nghiêm trị.

3/. Cấp quyền CS lộng hành, bất công, áp bức vượt mức. Sáng 5/1/2012 xảy ra vụ chống lại cưỡng chế (sau khi bị lừa gạt) thì ngay buổi chiều chức quyền CS xúc tiến đo đất, lấy đất; sáng hôm sau cho máy ủi san bằng khu đất, ủi sập nhà của ĐVV, đốt phá hết vật dụng, tài sản, phong tỏa khu đất; công an CS bắt thân nhân của ĐVV, tra hỏi, đánh đập; công an tỉnh truy tố như vụ án giết người và chống lại việc thi hành công vụ. Đây là hành động lộng hành, lạm dụng quyền hạn, bất chấp luật pháp, tùy tiện, tùy lợi cưỡng hành luật lệ theo ý riêng và quá đáng. Hiện tượng “cường háo ác bá” áp bức, cướp đoạt sống lại dưới chế độ CSVN.

4/. Cấp quyền CS bất chấp luật pháp mà không bị chế tài. Đã có việc bao che có hệ thống đi từ xã (UBND xã) – huyện (UBND huyện) – đến tỉnh (công an, Tòa Án Nhân Dân tỉnh). Sự bao che hiện rõ hơn với sự kiện chủ tịch huyện Tiên Lãng lại là anh ruột của chủ tịch xã Vinh Quang. Hệ thống bao che có vấn nạn tham nhũng, thủ lợi chia chác. Nguyễn Thanh Giang đau lòng nhận định:”Tệ nạn thứ hai là quan chức tịch thu đất của dân với một cái giá rẻ như bèo, chỉ ký cho nông dân vài trăm ngàn đồng để bán, chia chác cho nhau lấy hàng chục triêu đồng. Người nông dân oan ức đi khiếu kiện, xã không giải quyết, huyện không giải quyết. Lên trung ương thì lại bị bắt vào đồn công an và bị hành xử rất tàn nhẫn. Trong những người bị hành xử tàn nhẫn không chỉ có nông dân bình thường mà có cả những cựu chiến binh từng rơi xương đổ máu, những bà mẹ anh hùng …những cái đó đau lòng lắm!”. Hậu quả ra sao? Vi phạm, áp bức, tội trạng được che giấu, được dung dưỡng. Trong khi đó, cấp quyền trung ương CS cho đến nay vẫn chưa giải quyết, chế tài thỏa đáng theo luật định, theo lẽ phải và công bằng.

5/. Chỉ huy vô hiệu của hệ thống cầm quyền CSVN trong mối liên hệ trung ương – địa phương. Đó là tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, không kiểm soát thuộc cấp thi hành đúng luật lệ theo hệ cấp Hiến Pháp à luật à văn kiện lập quy (Nghị Định, Quyết Định, Thông Tư chỉ thị…). Việc kiểm soát rất quan trọng trong bất cứ tổ chức, hệ thống nào; nó bảo đảm kết quả được đạt thành theo ý muốn, quyết định chung. Không thể viện cớ cần tin tưởng để toàn quyền muốn thi hành thế nào cũng được! Từ phạm vi gia đình, đến tổ chức, đoàn thể, cộng đồng và cho đến chính quyền quốc gia một khi thiếu vắng kiểm soát thì ý muốn chung, quyết định chung, mục tiêu chung có cơ nguy, bị biến đổi trí trá, bị sai lạc, bị trái ngược. Từ khoa học quản trị, học giả, sinh viên hành chánh, công bộc công quyền đều nhớ rõ vai trò của kiểm soát trong nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy: bên cạnh nghiên cứu, hoạch định, 2/3 thì giờ của cấp chỉ huy là kiểm soát việc thi hành luật lệ, chính sách, đường lối theo quyền lợi chung tối thượng của quốc gia dân tộc. Cần có hình thức kiểm soát để bảo đảm việc thi hành cho chính xác, đúng mức vì cá nhân thi hành thường có khuynh hướng hoặc lạm dụng, hoặc lạc hướng dưới áp lực của tình cảm (liên hệ thân thích), ham muốn (sắc dục, danh lợi, tiền của mua chuộc), đe dọa (lật tẩy, tố giác tội lỗi quá khứ che giấu). Hình thức kiểm soát càng cần phải có khi người thi hành thực sự có quá khứ xấu, bất xứng. Kiểm soát là cái thắng cần thiết có tác dụng bảo đảm thi hành đúng, không chệch hướng sai trái, lừa gạt. Kiểm soát không phải là bất tín nhiệm mà là phương cách hỗ trợ, giúp cho người thi hành thành đạt hoàn mỹ mục tiêu, ý muốn chung, quyền lợi chung. Không thể viện lý do được bầu cử, giao phó trách nhiệm để tự tuyên bố, buộc phải tín nhiệm tuyệt đối, giao khoán, có toàn quyền! Chính trong ý nghĩa, lợi ích này của kiểm soát, dù Tổng Thống đắc cử, được đại đa số cử tri cả nước tín nhiệm cũng không thể bài bác, hủy bỏ định chế tam quyền phân lập, hổ tương kiểm soát của lập pháp - hành pháp – tư pháp.

Không kiểm soát, thiếu kiểm soát, nhắm mắt trước vi phạm đồng nghĩa với phó mặc, làm thế nào cũng được, bất kể tai hại gây ra. Tức là kẻ vi phạm không bị trừng trị (hoặc nếu có thì cũng chiếu lệ với hình thức xét “kỹ luật”) hoặc được bao che, dung dưỡng. Từ đó sai trái, tội phạm, áp bức, thủ lợi cứ tiếp tục, cứ tiếp diễn! Tình trạng “sứ quân” toàn quyền tái xuất hiện khắp lãnh thổ trong chế độ thống trị của CSVN.

6/. Dân chống trả bằng vũ khí. Trong hơn thập niên qua, việc phản kháng, chống lại nhà cầm quyền CSVN đã tiến hành từ lãnh vực tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hòa Hảo…), từ các nhà đấu tranh đòi dân chủ, và từ dân chúng, đặc biệt là giới nông dân. Tại một số địa điểm dân bị cướp đất phẫn nộ, biểu tình, kéo đến trụ sở cầm quyền địa phương bao vây, xô xát với công an, chửi rủa cán bộ CS. Nay, lần đầu tiên dân đã chống trả nhà cầm quyền bằng chất nổ, bằng súng công khai và bất chấp tính mạng. Phó giám đốc khu vực châu Á thuộc tổ chức theo dõi nhân quyền thế giới, Phil Robertson nhân định :"Hành động này cho thấy sự cùng quẫn mà gia đình này phải đối mặt vì họ không còn con đường nào khác. Nó cho thấy sự thoái hóa của chính quyền địa phương, nó cho thấy sự mất lòng tin vào việc thực thi luật pháp, nó cũng cho thấy ngày càng nhiều suy nghĩ là chân lý thuộc về kẻ mạnh tại Việt Nam, và nó vượt qua cái gọi là nhà nước pháp quyền mà chính quyền Hà Nội thích nói về mình."(RFI- 1/2/2012)

Điều có ý nghĩa là dân bắt đầu không còn sợ hãi nữa: không sợ hãi bị đánh đập, không sợ hãi bị bắt giữ, bị cầm tù, không sợ hãi bị giết hại. Lý do đơn giản là quá uất ức, quá phẫn nộ, bị cướp đoạt hết tài sản, bị xô vào đường cùng một cách tàn bạo bởi các cấp quyền CSVN tham nhũng, bất công, áp bức, bất chấp luật pháp!

Vụ cưỡng chế đất đai ngày 5/1/2012 tại Tiên Lãng chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp bất công cưỡng chiếm, tịch thu đất của dân, của các tôn giáo kiến tạo, sở hữu, sử dụng từ lâu đời. Đất đai của tổ tiên lưu truyền thì họ tự ý, tự quyền cho CS Trung Hoa thuê hàng ngàn mẫu đất, rừng dọc theo 10 tỉnh biên giới phía Bắc, tại vùng cao nguyên phía Tây để thủ lợi riêng cho từng nhóm đảng viên CS hoặc hèn hạ, nhục nhã cúi đầu dâng vùng bể Đông cùng 2 đảo Hoàng Sa và Trường Sa để được CS Trung Hoa chuẩn thuận cho nắm giữ quyến hành. Tôn giáo đã phản kháng. Dân chúng đã chống đối. Đặc biệt, nông dân bị áp bức, bị chiếm đoạt đất đai đã dấy lên cả một phong trào “Dân Oan Khiếu Kiện” từ miền Bắc đến miền Nam. Nhà cầm quyền CSVN bị đe dọa bởi nạn này. Theo thống kê của chính CSVN, số lượng “đoàn đông người” khiếu kiện tăng cao:

- Năm 2008: 1000 đoàn

- Năm 2009: trên 2500 đoàn

- Năm 2010: gần 3600 đoàn

Phản kháng, biểu tình, mỗi lần đều bị CS đàn áp được bằng vũ khí và bạo hành. Tuy nhiên, nhà cầm quyền CSVN vẫn còn nhức nhối với tình trạng dân oan khiếu kiện đóng đô tại vườn hoa Đặng Xuân Thưởng, ngay tại Hà Nội. Và nay, dân bắt đầu công khai chống trả bằng vũ khí. Trong thời gian tới sẽ có hàng chục ngàn vụ “thu hồi, cưỡng chế” không được bồi thường tương tự cho đất nông nghiệp, đất tại thành phố. Nhà cầm quyền CSVN nhất định cưỡng chế, cướp đoạt bằng vũ lực có thể gây tình trạng lo sợ mất đất đai, không công ăn việc làm, không nơi cư ngụ, uất ức, náo động/chống trả, bất ổn tại nhiều nơi. CSVN không giải quyết được 2 tình trạng then chốt, 2 tệ nạn hỗ tương liên đới trong việc cưỡng chế đất. Đó là bất công và tham nhũng. Hẳn là họ biết cưỡng chế đất đai, nhất là đất do người dân bõ bao công sức, tiền của khai hoang, ngăn sóng, lấp biển là bất công nhưng lòng tham ô vô hạn đã thắng thế, che mờ cả lương tri, bất chấp luật pháp, bạo hành vượt mức, hủy diệt tình nghĩa đồng bào. Gần cả 1 tháng trôi qua từ 5/1/2012 mà họ chưa giải quyết thỏa đáng vụ cưỡng chế. Hệ thống Đảng, Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) đã đến tận nơi nhưng đã không giải quyết hành động của hệ thống hành chánh cầm quyền địa phương mà chỉ “thu thập sự việc” để trình báo! Cho đến nay,Thủ tướng VC Nguyễn Tấn Dũng lại là “đại biểu Quốc Hội” của nhân dân huyện Tiên Lãng, chỉ ra chỉ thị cho nhà cầm quyền cấp thành phố “điều tra” và “báo cáo.” ! Tuy nhiên, đảng viên CSVN cao cấp, nguyên Chủ Tịch Nước Lê Ðức Anh lên tiếng trên báo Người Lao Ðộng ngày 16/1/2012 rằng “chính quyền sai từ xã đến huyện.”!

Các vấn đề hệ trọng phải cấp bách giải quyết gồm:

-Xác định việc vi phạm luật pháp, Luật Đất Đai của các cấp quyền CS địa phương liên quan đất đai do dân khẩn hoang, kiến tạo, sử dụng.

-Xác định hành động của ba cấp xã, huyện, tỉnh bất chấp luật pháp, thi hành việc cưỡng chế bằng dối trá, bạo lực, du đảng với hậu quả hủy hoại tài sản của dân gây ra việc chống trả, tự bảo vệ tài sản trong thế bị áp bức, bị đẩy vào đường cùng.

-Trừng trị đúng mức các cấp quyền lộng hành đồng thời bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân. Ngay cả khi thực sự có “quy hoạch” đúng luật lệ, khi hết hạn cho sử dụng đất cũng không thể thu hồi mà không bồi thường cho người sử dụng đất vì đó là hành vi tịch thu bất công, áp bức, cướp đoạt.

-Chấn chỉnh Luật Đất Đai 2003 (nhà cầm quyền CSVN vội vã dự tính soạn dự thảo sửa đổi Luật Đất Đai trình Thủ Tướng VC vào tháng 6/2012, trước khi trình Quốc Hội CS vào tháng 8/2012). Việc tu chính không thể có tính cách tạm thời, vá víu, trấn áp mà phải thực sự cải tiến mới mong ổn định 2 phương diện xã hội và kinh tế. Đặc biệt tu chính Luật Đất Đai nhất thiết phải quy định công bằng:

. quyền sở hữu / sử dụng lâu dài, thích đáng đất đai do chính người dân kiến tạo, khẩn hoang, bõ công sức, tiền của khai thác, canh tác từ lâu; thủ tục, điều kiện chính đáng, rõ ràng cho việc “quy hoạch” sử dụng đất của nhà cầm quyền (nghiên cứu, duyệt xét, chấp thuận, công bố);

. công thức định giá bồi thường đúng mức (cho cả 2 trường hợp: thu hồi đất trước và sau khi mãn thời hạn sử dụng);
. thủ tục thi hành luật rõ ràng (Nghị Định 588/2009/NĐ-CP của Thủ Tướng VC Nguyễn Tấn Dũng về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất không quy định rõ thủ tục thi hành);
. thủ tục khiếu nại và kháng cáo (bảo đảm không bị cấp quyền hãm hại), cơ quan thụ lý, thời hạn nhất định phải giải quyết và hình thức chế tài nếu không giải quyết đúng hạn;

. song song với kế hoạch tái định cư.

Tất cả phải được áp dụng, thi hành đồng nhất trên toàn lãnh thổ.

Xa hơn, chủ trương gọi là “đổi mới” và “kinh tể thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” tránh né hoàn toàn việc sửa đổi Hiến Pháp CS, việc hủy bỏ “quyền sở hữu của toàn dân”. Phải thay thế bằng quyền tư hữu đúng theo định nghĩa của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền:”Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… không ai có quyền tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán”. Và xa hơn nữa, “Nhà Nước Pháp Quyền” của CSVN sẽ chỉ là hình thức trá ngụy khi hệ thống pháp luật bất ổn cố, mơ hồ, yếu kém tồn tại trong khung cảnh cán bộ CS mọi cấp, mọi ngành, từ trung ương Phủ Bộ đến địa phương huyện xã tham ô cùng cực, dẫm nát nguyên tắc thượng tôn luật pháp, đảo ngược ý nghĩa đích thực của pháp luật: luật không còn bảo đảm quyền của dân mà bảo vệ nhà cầm quyền thống trị! Bất công, áp bức, thống trị đẩy dân đến đường cùng sẽ đưa đến bức tranh nổi bật với hàng chục nghìn vụ Tiên Lãng bùng lên khắp đất nước mà hình ảnh tất yếu được Liên Hiệp Quốc mô tả, công nhận tại lời mở đầu của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 như sau: “Điều cốt yếu là nhân quyền phải được bảo vệ bởi nền dân chủ pháp trị để con người không bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống bạo quyền và áp bức.”(Whereas it is essential, if man is not to be compelled to have recourse, as a last resort, to rebellion against tyranny and oppression, that human rights should be protected by the rule of law.).

Trường hợp điển hình về hành chánh và pháp chế cộng thêm tình trạng lưỡng nan mất biển, mất đảo, tranh chấp đe dọa kéo dài tại biển Đông dẫn đến các hệ quả dự kiến rất trầm trọng bất ổn về xã hội, kinh tế lẫn chính trị mà nhà cầm quyền CSVN bắt buộc phải đối phó trong nguy cơ từ chính dân chúng và nội bộ Đảng. Người Việt Quốc Gia tự hỏi phải chăng trong ánh sáng của chính nghĩa cần phải triệt để hỗ trợ bằng mọi cách để nghe, để thấy đồng bào quốc nội thành công, chấm dứt được chế độ thống trị CS tại Viêt Nam; nơi đó, cờ đỏ sao vàng bị hạ xuống tại Hà Nội và cờ vàng ba sọc đỏ được kéo lên tung bay tại thủ đô Saigon của một Việt Nam thực sự Dân Chủ Tự Do./-

Nguyễn Phát Quan

Comments