CÂU CHUYỆN VỀ HAI THUỞ THIẾU THỜI

Hoàng Ngọc Nguyên

Viet Tribune

Nhìn một con người trong hiện tại, chưa chắc chúng ta nói được gì nhiều về tương lai của người đó, nhưng nhìn một con người trong hiện tại, chúng ta có thể suy đoán được ít nhiều điều về cuộc sống thuở thiếu thời của người đó.

Và do đó, để hiểu hay để giải thích về một con người hiện nay, rất nhiều khi ta phải nhìn lại vài năm trước, hay vài chục năm trước, khi nhân vật của chúng ta đang mài đũng quần ở các trường trung học, hay thênh thang trên các sân trường đại học, để xem làm sao cách người này sống, cách người này suy nghĩ, có thể là những dấu hiệu báo trước cho sự lựa chọn tương lai của người đó. Năm 1972, Giáo sư chính trị James David Barber của trường Đại học Duke đã hoàn thành tác phẩm “Tính khí của tổng thống” (Presidential Character), đưa ra luận điểm những gì người ta đã và đang ghi nhận về các Tồng thống John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson hay Richard M. Nixon… đều có thể hiểu được nếu chúng ta xét đến hoàn cảnh lớn lên của từng người đã góp phần hình thành tính khí riêng của họ. Luận điểm này không có gì mới thực sự, nhưng cuốn sách hấp dẫn vì công trình nghiên cứu liên hệ chặt chẽ những quyết định lịch sử của những tổng thống này với những hoàn cảnh phát triển riêng tư của mỗi người.

Trong một hai tuần qua, có hai bài báo đặc biệt được dư luận thích thú để ý, mặc dù nó chẳng liên quan gì đến những chuyện thời sự nóng bỏng dồn dập đang xảy ra ở Mỹ, ở châu Âu, ở Trung Đông, ở vùng Thái Bình Dương… Một bài báo có nhan đề “Becoming Obama” trên tạp chí nguyệt san Vanity Fair sang cả, mà người viết là ông David Maraniss, một nhà báo cũng là một tác giả tăm tiếng về nghiên cứu lịch sử hiện đại. Bài báo này dài đến 8.500 chữ, thực ra, chỉ nhằm giới thiệu một vài trích đoạn trong cuốn sách của ông sẽ được phát hành vào ngày 19-6 tới đây, có tựa “Barack Obama, A Story”, kể những câu chuyện về thuở thiếu thời của ông khi còn đi học và chuẩn bị bước vào đời. Người ta chú ý bài báo này là vì tác giả đề cập đến hai mối tình lớn của ông cùng với những suy nghĩ, trăn trở của chàng thanh niên này trong buổỉ giao thời giữa mới lớn và trưởng thành. Bài báo kia xuất hiện trên tờ Washington Post vào ngày 10-5, có tính cách “điều tra” hơn, với tựa là “Mitt Romney’s prep-school classmates recall pranks, but also troubling incidents” (Những bạn học cũ của Mitt Romney lớp dự bị đại học nhắc lại những trò đùa độc ác, nhưng cũng là những vụ đáng phiền), người có công tìm hiểu là nhà báo Jason Horowitz kỳ cựu. Tựa của bài báo đã nói lên hết nội dung của câu chuyện “đời học sinh” của Mitt Romney, dĩ nhiên có sức lôi cuốn mãnh liệt với ngưòi đọc, bởi vì người ta khó tưởng tượng được ông Romney hôm thứ bảy tuần trước còn rao giảng tại một trường đại học Cơ Đốc giáo người ta phải sống với niềm tin ở Chúa và niềm tự hào vào nước Mỹ, cách đây 47 năm, khi đã 18 tuổi, từng đè đầu đè cổ một người cùng trường, xởn tóc người ta để dằn mặt.

Cuộc bầu cử tồng thống năm nay đã chuyển qua một giai đoạn mới. Vòng sơ bộ của đảng Cộng Hòa tuy đến cuối tháng sáu mới chính thức chấm dứt, nhưng thực ra sau khi ông Rick Santorum, cựu thượng nghị sĩ của tiểu bang Pennsylvania, rút lui từ giữa tháng tư, và nhất là ông Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ Viện, đầu tháng này tuyên bố nhẵn túi, nghỉ chơi luôn, thì người ta hiểu rằng “cuộc chơi đã tàn” (Đầu tuần này, Dân biểu Texas Ron Paul cũng tuyên bố “ngưng tranh cử” vì chẳng đủ tiền, nhưng “tiếp tục tranh đấu”). Nay thì bên Dân Chủ đương nhiên là Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, và bên Cộng Hòa chắc chắn là ông Mitt Romney, cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts. Trước khi tìm hiểu xem cử tri sẽ bầu cho ai, một câu hỏi trong năm nay xem ra nặng nề, ám ảnh hơn bất cứ cuộc bầu cử nào trước đây: Có thể tin được ai? Câu hỏi ám ảnh người Cộng Hòa cả năm nay, cho dù nay họ dĩ nhiên phải chấp nhận ông Romney, là liệu họ có thể tin được ông Mormon này hay chăng. Và điều an ủi duy nhất cho người ta là ít nhất có thể tin ông này chống ông Obama kịch liệt. Về phần ông Obama, sau khi ông “dũng cảm” lên tiếng ủng hộ chính thức hôn nhân đồng tính tuần trước, những người theo khuynh hướng cấp tiến (liberal) trong đảng Dân Chủ hay khối độc lập có thể thấy ông là nguời của họ, nhưng chắc chắn cũng không thiếu gì người tôn giáo bảo thủ hay thuộc cánh giữa nhìn ông nghi ngại, nếu không phải là chống đối. Người ta nói ông đã không nhấn mạnh vào chủ điểm của bầu cử, lên tiếng ủng hộ một cách theo thời một vấn đề mà trước đây ông không đồng tình, và quyết định của ông tưởng là dũng cảm hóa ra không, và tính toán kiếm phiếu này có thể phản lại ông! Vấn đề là chắc chắn những người chống hôn nhân đồng tính sẽ quay lưng với ông trong bầu cử, trong điều kiện “mọi yếu tố khác vẫn không đổi” (ceteris paribus), trong khi không nhất thiết những người ủng hộ hôn nhân đồng tính sẽ bỏ phiếu cho ông chỉ vì ông ủng hộ hôn nhân đồng tính!

Khi người ta đã nhàm chán những luận điệu công kích đối phương có tính cách máy móc, hồ đồ, bất kể thực tế, cũng không để bụng những lời hứa hoang đường như “tạo 500.000 việc làm mới trong một tháng, 6 triệu việc làm một năm” (số người thất nghiệp chính thức ở Mỹ hiện nay là 13.7 triệu), “giảm thuế hết cho tất cả mọi thành phần (nhất là người giàu)”, “cắt giảm thiếu hụt, nợ nần liên bang (bằng cách cắt chi tiêu cho những chương trình trợ cấp xã hội)”,… thì người ta chỉ còn một cách là xem những ứng cử viên này thực sự là người như thế nào, và muốn biết điều đó thì phải tìm hiểu cái “tiền sử” của họ, bời vì “tiền sử” dễ phơi bày con người thực hơn, khi người ta đang lo đi học, đang lo học hành cho thành tài, đang lo nghĩ chuyện kiếm việc, ra đời khi học xong, khi ngưòi ta không ra tranh cử và không là trọng tâm của ánh đèn sân khấu của dư luận. Bởi vậy mà hai bài báo của Vanity Fair và Washinbgton Post được quan tâm là nhờ thế. Qua hai bài báo này, người ta dễ nhận ra sự tương phản trong thuở thiếu thời của hai người, một sự tương phản từ thời đó tất nhiên dẫn đến sự đối nghịch thời nay.

Ông Obama có cả một thời thơ ấu không có cha - một khoảng trống nặng nề, không lấp đầy được trong cuộc sống tâm tình và phát triển của con người. Ông cùng người mẹ trôi giạt nhiều phương, từ châu Phi là quê của cha ông đến châu Á, Indoneisia, là nơi mẹ ông làm việc. Ông có một thời sống trong sự đùm bọc của ông bà ngoại da trắng. Tuổi trẻ của ông là một sự tìm kiếm, dằn vặt, thao thức không ngừng về “nhân dạng” hay “căn cước” của mình. Theo một người yêu trước đây của ông thời đại học, ông cứ băn khoăn trước những câu hỏi “Ta là người của thế giới hay là người Mỹ”, “Ta là người Mỹ trắng hay Mỹ đen”. Với cuộc sống khá đơn độc, ít bạn bè, khắc khoải trước những câu hỏi về nguồn gốc của mình, ông đã phải kết luận dù sao, ông phải có một quê hương, và đó là nước Mỹ của những người thương yêu, đùm bọc ông. Ông cũng vừa nhìn màu da của mình, vừa nhìn những người chung quanh, và cứ phân vân “Ta thật quá là người da trắng” (I was so white), “Nhưng ta là người da đen” (I am black), “Phải chăng ta là ngưòi mạo chủng” (imposter), và cuối cùng ông mới quyết định”Ta là người da đen”. Bởi thế, tuy có hai người yêu là ngưòi da trắng, khi người ta nói “Em yêu anh” với ông, ông không đáp “Anh cũng thế”, mà nói “Cám ơn em” – như thể “Cám ơn em biết anh là người mang thân phận da đen mà em vẫn yêu!”.

Tập sách kể lại những khó khăn trong thời sinh viên của ông. Sống trong một phòng không có máy sưởi, mùa đông ông phải đi ngủ đêm trong thư viện của trường cho đỡ lạnh. Ông nhìn đến xã hội chính trị và dị ứng với cả chủ nghĩa tư bản sống chết mặc bây không biết nhìn xuống, và với chủ nghĩa tự do cấp tiến tư sản (bourgeois liberalism) “như một sự phô trương ý thức hệ”. Ông từng làm việc bán thời gian trong khi còn đi học. Sau đó ông làm việc cho một công ty đầu tư, nhưng sau vài tháng ông bỏ đi vì không thích hợp. Cuối cùng, ông làm việc cho một cơ sở dịch vụ cộng đồng, giúp giới trẻ và sinh viên nghèo. Đây được coi là khởi điểm cuộc đời chính trị của ông.

Mitt Romney không có những thử thách thuở thiếu thời của Obama. Ở nơi ông, tất cả như một mâm cỗ dọn sẵn. Gia đình giàu có, quyền thế, cha là chủ hãng xe hơi, rồi thống đốc tiểu bang, và là chức sắc cao cấp được đầu tư bậc nhất trong Nhà thờ Mormon, ông nhìn lên dường như chẳng thấy ai, nhìn xuống dưới thì quá đông đảo người trong “bể khổ”. Từ cái nhìn đó mà cốt cách, tính khí ông hoàn thành -một tính cách được mô tả là tự kiêu, cao ngạo. Ông tự xem mình, tôn giáo của mình, niềm tin của mình là một khuôn mẫu áp đặt lên ngưòi khác, và ai không đi theo khuôn mẫu đó là không được đối với ông. Từ đó có câu chuyện đè đầu đè cổ bạn học mà tờ báo kể lại.

Câu chuyện đúng ra là do bạn học của Romney thời nhỏ kể lại, và ông Romney không thể phủ nhận bất cứ chi tiết nào trong đó. Vào mùa xuân năm 1965, khi ông được 18 tuổi, ông trở lại trường Cranbrook, một trường cho giới gia đình quí tộc, sau khi nghỉ giữa mùa ba tuần. Ông nhận ra có một điều khác lạ ở ngôi trường mà nam sinh đi học phải thắt cà vạt và mang cặp như người lớn. Có một học sinh mới đến tên John Lauber, thường bị trêu chọc vì “không theo khuôn phép” và có lẽ là người đồng tính. Cậu ta có tóc bạch kim, rõ ràng là nhuộm, xỏa xuống một bên mắt. Đó là điều Romney không chịu nổi. Mitt Romney, cha là thống đốc của Michigan vào lúc đó, không chịu nổi vì sự “xúc phạm” này và muốn hành động thị uy. Vài ngày sau, Romney ra tay, rủ một số bạn đi theo, tóm lấy Lauber, đè anh ta xuống đất. Lauber khóc lóc, kêu la, nhưng không ai nghe. Romney lấy kéo ra xởn tóc của người học dưới mình một lớp. Có ít nhất năm học sinh thời đó chứng kiến, nhưng câu chuyện này bị nhà trường cho chìm xuồng. Hai ba người sau đó đã xin lỗi Lauber – Romney không phải là một trong những ngưòi này. Theo một bài báo khác cũng trên tờ này, khi Romney là sinh viên Stanford, năm 1966, ông ta làm chuyện tương tự. Chính cha ông vào năm 1970 kể lại “Mitt và bạn học từng dụ sinh viên từ Đại học California đến một nơi và chúng cạo đầu những sinh viên này và sơn màu đỏ lên đầu nạn nhân của mình”. Sau đó, ông thong dong đi “truyền giáo” tại Pháp trong hai năm, một sứ mệnh tôn giáo thường đươc coi là du lịch đối với con cháu nhà giàu trong đạo. Ngày nay, để trả lời khi người ta đem chuyện cũ ra nói, Romney gật gù “Đúng là thời học sinh, sinh viên, tôi đã làm nhiều chuyện tầm bậy”. Có điều rõ ràng, thuở nhỏ ông đã muốn giải quyết bất đồng với ngưòi khác bằng cach đè đầu đè cổ thiên hạ, như vậy lớn lên ông muốn làm tổng thống, cũng chẳng có gì lạ.

Sự lựa chọn giữa ông Obama và Romney thực ra không khó đối với cử tri bởi vì mỗi cử tri đều rõ chỗ đứng của mình trong xã hội. Ông Obama từng nói: Nghèo không phải là cái tội. Đáp lại, ông Romney nói “Tôi tự hào vì mình đã làm giàu được, đó là giá trị của nước Mỹ. Xin đừng đem chuyện giàu nghèo ra để dấy lên đấu tranh giai cấp”.

Ông vẫn chưa hiểu đấu tranh giai cấp chỉ có khi có những người muốn đè đầu đè cổ thiên hạ!

Comments