Hoa Kỳ xác nhận ông Trần Quang Thành muốn rời khỏi Trung Quốc

Luật sư Trần Quang Thành cùng vợ và con trai tại tỉnh Sơn Ðông, Trung Quốc

Hình: AP

Luật sư Trần Quang Thành cùng vợ và con trai tại tỉnh Sơn Ðông, Trung Quốc

Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tỵ nạn tại nước ngoài

  • Phương Lệ Chi: Nhà vật lý thiên văn hàng đầu đã tỵ nạn trong đại sứ quán Hoa Kỳ 13 tháng, sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Ông rời Trung Quốc vào năm 1990 và vừa qua đời năm nay tại Mỹ.
  • Ngụy Kinh Sinh: Nhà hoạt động dân chủ chạy sang Hoa Kỳ vào năm 1997 sau hơn 14 năm trong tù.
  • Rebiya Kadeer: Sắc tộc Uighur, bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia, hiện sống tại Hoa Kỳ.
  • Ngô Nhĩ Khai Hy: Lãnh tụ sinh viên đào thoát khỏi Trung Quốc với sự giúp đỡ của một mạng lưới bí mật sau các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn.
  • Liêu Diệc Vũ: Nổi tiếng về bài phỏng vấn “Xác chết biết đi” với những người sống bên lề xã hội Trung Quốc, ông chạy qua Đức vào năm 2011.
  • Dư Kiệt: Tác giả một cuốn sách chỉ trích Thủ tướng Ôn Gia Bảo, chạy sang Hoa Kỳ năm 2012 sau khi bị bắt giữ nhiều lần và bị đánh đập.

Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng họ đã xác nhận nhà hoạt động khiếm thị Trung Quốc Trần Quang Thành muốn rời khỏi Trung Quốc cùng với gia đình ông, một ngày sau khi nhân vật bất đồng chính kiến này rời khỏi đại sứ quán Hoa Kỳ nơi ông đã xin tị nạn trong gần một tuần sau khi bỏ khỏi nhà trong khi bị quản thúc tại gia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland ngày hôm nay nói rằng các giới chức Hoa Kỳ đang thảo luận các lựa chọn với ông Trần, người đang nằm viện ở Bắc Kinh dưới sự giám sát của Trung Quốc.
Ông Trần đã rời khỏi đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh ngày hôm qua theo một thỏa thuận đạt được với chính phủ Trung Quốc trong đó kêu gọi giới hữu trách Trung Quốc đảm bảo sự an toàn của ông.
Nhưng ông nói với các phóng viên ngày hôm nay rằng gia đình ông đã bị đe dọa và ông không còn tin tưởng Bắc Kinh sẽ giữ lời hứa bảo vệ họ. Ông cũng bày tỏ quan ngại rằng các giới chức Hoa Kỳ đưa ông tới bệnh viện đã không còn ở lại đó với ông.
Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ làm mọi điều có thể để giúp ông Trần, nhưng bác bỏ tin tức nói rằng ông bị gây áp lực phải rời khỏi sứ quán. Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, ông Gary Locke nói rằng ông Trần “rất háo hức và phấn khởi” rời khỏi sứ quán để đoàn tụ với gia đình ông.
Vụ tranh cãi về ông Trần đã đe dọa sẽ làm lu mờ các cuộc đối thoại ở Bắc Kinh giữa các giới chức Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã không đề cập đến ông Trần trong diễn văn khai mạc cuộc Đối thoại Chiến lược an ninh bắt đầu từ hôm nay. Nhưng bà đã hối thúc Trung Quốc bảo vệ nhân quyền.
Bà Clinton nói rằng trong khuôn khổ cuộc đối thoại giữa hai nước, Hoa Kỳ đã nêu lên tầm quan trọng của nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Bởi Hoa Kỳ tin rằng tất cả các chính phủ phải đáp ứng nguyện vọng về phẩm giá pháp trị của mọi công dân và rằng không quốc gia nào có thể và nên từ chối những quyền đó.
Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ xin lỗi vì đã cho ông Trần ở lại đại sứ quán, họ gọi điều đó là sự can thiệp không thể chấp nhận được vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không nhắc đến ông Trần trong bài diễn văn khai mạc cuộc đối thoại. Nhưng ông đã nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc “phải biết tôn trọng lẫn nhau” kể cả khi họ bất đồng về một số vấn đề cụ thể.
Dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith, người mà ông Trần đã từng kêu gọi xin giúp đỡ, nói với đài VOA rằng ông nghĩ rằng các giới chức Mỹ nên tảy chay cuộc đối thoại nếu họ không nhận được một sự đảm bảo chắc chắn hơn cho sự an toàn của ông Trần. Ông Smith nói rằng ông cho rằng có thể ông Trần đã quyết định rời khỏi sứ quán vì lo ngại cho gia đình mình.

Comments