Những Câu Chuyện Chưa Kể Về Câu Lạc Bộ Tổng Thống Hoa Kỳ.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME

10_BUC1156-450

Các Tổng thống Hoa Kỳ trong phòngBầu dục, từ trái:
George HW Bush, TT Barack Obama, TT George W. Bush, TT Bill Clinton and TT Jimmy Carter (AP Photo)

• Nhiều tổng thống Hoa Kỳ sau khi mãn nhiệm kỳ, được các vị tổng thống tại chức hỏi ý kiến, hay thông báo cho biết về những biến cố quan trọng liên quan đến tình hình đất nước, và thế giới. Có thể lúc tranh cử, họ từng là đối thủ của nhau vì lập trường chính trị khác biệt. Nhưng khi đặt quyền lợi của đất nước, của thế giới, và của nhân loại lên trên hết, các vị tổng thống cũ và mới đều hết lòng hợp tác làm việc chung với nhau cho ích lợi chung.

• Hai cây viết kỳ cựu của báo TIME, Nancy Gibbs và Michael Duffy sắp xuất bản cuốn sách mang tựa đề là : The Presidents’ Club. Chúng tôi xin trích dịch một số mẩu chuyện thú vị về Câu Lạc Bộ Các Tổng Thống Hoa Kỳ.

KHI TỔNG THỐNG BARACK OBAMA chuẩn bị thực hiện cuốn phim video tranh cử kỳ này, ông thuê hai tài tử điện ảnh từng đoạt gỉai Oscar. Một người làm đạo diễn, và người đọc thuyết minh là tài tử Tom Hanks. Nhưng tài tử chính thực ra không phải là người đang mong muốn đắc cử nhiệm kỳ hai, mà là một nhân vật từng làm tổng thống hai nhiệm kỳ.

Vâng, người đó là cựu Tổng Thống Bill Clinton. Ông xuất hiện cả thẩy 17 phút trong cuốn phim vận động tranh cử của ông Obama. Trong dáng điệu quen thuộc, đôi mắt lim dim, ngón tay chỉ trỏ, ông Clinton cất giọng khàn khàn, đúc kết thành tích bốn năm làm việc của ông Obama. Nào là phục hồi nền kinh tế, cứu nguy kỹ nghệ xe hơi, thực hiện cải tổ bảo hiểm y tế, và ngoại giao. Rồi sau đó, ông kể ra thành tích lẫy lừng của ông Obama khi Văn Phòng Bầu Dục chấp thuận việc gửi toán biệt kích người nhái Hải Quân Mỹ - Navy SEALs - đi lùng bắt Osama bin Laden. Ông Clinton nói về vụ đột kích ở Pakistan như sau: “Khi trông thấy những gì xảy ra, tôi tự nhủ với lòng mình, ước gì tôi có cơ hội đưa ra quyết định như vậy.”.

Đối với những ai từng nghiên cứu liên hệ thăng trầm của hai ông tổng thống số 42 và số 44 đều thấy rõ đây là một khúc quanh hết sức tốt đẹp trong quan hệ giữa hai ông. Ông Obama và Clinton là hai tổng thống thuộc đảng Dân Chủ có mối quan hệ hết sức lạ lùng trong dòng lịch sử 31 năm qua: có lúc hai người là đối thủ, có lúc họ là đồng minh. Hồi năm 2008, họ kình chống nhau kịch liệt, moi móc từng chuyện nhỏ để tấn công nhau. Ông Clinton ví von sự thành công của ông Obama giống như chuyện Tấm Cám gặp bà tiên, may mắn hy hữu. Ông Obama thì đánh giá thành qủa của triều đại Clinton làm Tổng Thống rất tầm thường thôi, chẳng có gì để mà khoe khoang, khen ngợi. Ông dùng chữ bóng bẩy là chính quyền của ông Clinton có những “cơ hội bị lỡ làng”. Trong cung đình của Toà Bạch Ốc thời Obama, chữ Clintonian - làm việc theo kiểu Clinton - được ám chỉ là tầm thường, không có gì xuất sắc. Một phụ tá của Obama sẵn sàng loại bỏ những ý kiến theo ông là yếu kém, không đủ táo bạo, còn nhiều thiếu sót, chưa hoàn chỉnh, hay chỉ nhắm dụng ý chính trị mà thôi. Nguyên nhân chính đưa đến những ác cảm giữa hai vị tổng thống này là do sự cách biệt về tuổi tác. Cả hai ông đều là người thuộc Đảng Dân Chủ. Một ông lúc nào cũng sôi nổi, cuồng nhiệt, thuộc thế hệ sinh ra sau thế chiến thứ Hai. Còn ông kia thì mang dáng dấp bình tĩnh, lạnh lùng của một giáo sư luật học. Cả hai ông đều được dân chúng nhớ đến như là những đã cứu nguy chủ nghĩa “cấp tiến”, vào lúc xu hướng chính trị trong nước đang muốn ngả theo “bảo thủ”. Trong suốt hai năm 2009 và 2010, hai ông tổng thống đã tìm cách hàn gắn quan hệ bị sứt mẻ gây ra bởi vòng tranh cử sơ bộ trong đảng. Nhưng ngay đến bây giờ, một thành viên trong đảng biết rõ cả đôi bên, mô tả mối liên hệ của họ bằng ba chữ :”No love lost”, hay “Vẫn Như Cũ”, đuờng ai nấy đi.

Họ từng là Đồng Minh và Đối Thủ của nhau.

Bây giờ thì ông Clinton dùng những lời tốt đẹp nhất để mô tả về đức tính của ông Obama trong cuốn video tranh cử. Nhìn vào tưạ đề của cuốn phim, chúng ta có thể hiểu được quan hệ giữa hai ông đã thay đổi đến mức nào. The Road We’ve Traveled - Đoạn đường lịch sử chúng ta cùng đi qua với nhau. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử các vị tổng thống Hoa Kỳ, chúng ta thấy việc làm hoà giữa các tổng thống là điều không thể tránh được. Không cần biết thuở trước họ khác biệt, kình chống nhau vì lý do chính trị, hay vì tánh ý riêng của mỗi người, họ có những va chạm nhỏ, tất cả các vị tổng thống Mỹ đều là thành viên của một nhóm huynh đệ duy nhất, và độc đáo. Họ gắn bó với nhau bằng một số kinh nghiệm, không ai ngoài họ ra, có thể hiểu hết được. Cựu Tổng thống Harry Truman đã nhận xét về liên hệ gắn bó này như sau: “Không có cuộc nói chuyện nào ngọt ngào cho bằng giữa những nhân vật trước đây từng là kẻ thù của nhau.”. Đó chính là bằng chứng hùng hồn về quan hệ đặc biệt này. Vào thời điểm ông Clinton trở nên thân thiện với ông Obama cũng chính là lúc ông trở thành “người thân trong dòng họ nhà ông Bush”. Ông Bill Clinton đi nghỉ mát với ông Bush cha, và đi làm từ thiện với ông Bush con. Thậm chí, ông còn làm người hộ tống cho bà Barbara Bush trong tang lễ của bà Betty Ford. Vì thế cho nên đám anh em con của ông Bush ở Texas gọi ông Bill Clinton một tên gọi hết sức độc đáo: “Ông Bill Clinton là anh em cùng cha khác mẹ với chúng tôi.”.

Câu lạc bộ Tổng Thống Mỹ không hề được qui định trong Hiến Pháp, hay luật thành văn nào cả. Nhưng nó là một thực thể có thực chứ không phải là một uyển ngữ, hay một ám tỷ mơ hồ trong những bài diễn văn. Câu lạc bộ này được hình thành vào năm 1953, vào dịp Lễ Nhậm Chức của Tổng Thống Dwight Eisenhower. Lúc đó cựu tổng thống Herbert Hoover đưa ra lời cầu hòa, xin làm đồng minh với ông Harry Truman. Hai chính khách này đối nghịch với nhau như nước với lửa. Họ kình chống nhau về mọi quan điểm chính trị, và hai ông có cá tính khác hẳn nhau. Nhưng cả hai đều đồng ý rằng vào thời kỳ hậu chiến, nước Mỹ cần phải có một tổng thống thật mạnh, nhiều quyền lực. Vì đó là điều hết sức thiết yếu cho an ninh của Hoa Kỳ. Chính vì thế hai cụ phải hợp tác với nhau để tăng thêm quyền lực, sức mạnh cho chức vụ tổng thống.

Cho đến lúc đó, việc hình thành câu lạc bộ mới chỉ là ý tưởng của từng cá nhân ông tổng thống, nó chưa trở thành một định chế. Vài vị tổng thống đương nhiệm hỏi ý kiến người tiền nhiệm về một số vấn đặc biệt. Thường là họ chia sẻ với nhau những câu chuyện liên quan đến chiến tranh. Vị tổng thống không còn tại chức thường bị giới hạn về quyền hạn của mình. Ông ta không còn ở tư thế người lãnh đạo. Nhưng ở thời đại có những nhân vật nổi tiếng toàn cầu như bây giờ, nhiều vị cựu tổng thống sống khá lâu, và họ tạo nên uy tín, ảnh hưởng lâu dài như chưa từng thấy, mặc dù họ đã rời khỏi chức vụ tổng thống. Thêm vào đó, họ là người hiểu rõ mình có thể làm được gì cho đất nước, và cho thế giới.

Chính tổng thống Eishenhower là người được tổng thống Kennedy gọi điện thoại tham vấn vào ngày ông tuyên bố phong tỏa Cuba. Việc này có thể đưa đến chiến tranh nguyên tử. Ông Bill Clinton thì gọi điện thoại cho ông Richard Nixon vào tối khuya để thảo luận về tình hình nước Nga, Trung quốc, và cách sử dụng thời gian làm việc của một tổng thống như thế nào cho hữu hiệu. Vào cái đêm biệt kích Hải quân Mỹ- SEALs giết được bin Laden, hai cú điện thoại đầu tiên ông Obama gọi là báo cho ông George W. Bush và ông Bill Clinton biết tin, trước khi ông thông báo cho các nước bạn đồng minh, người trong đảng dân chủ, và những người ủng hộ ông.

Không có quan hệ huynh đệ nào tương tự quan hệ giữa các tổng thống trong câu lạc bộ tổng thống Mỹ. Câu lạc bộ này có những ranh giới mà người ngoài không vào được. Câu lạc bộ đó có một số qui tắc và hình thức sinh hoạt bất thành văn, chẳng hạn như các tổng thống hội viên thường xuyên liên lạc với nhau,và không tiết lộ việc làm cho báo chí biết. Thỉnh thoảng họ gặp nhau ăn uống, do Toà Bạch Ốc đứng ra tổ chức riêng cho các cựu tổng thống. Họ cũng tặng quà cho nhau. Ông Lyndon Johnson biếu ông Ike bộ khuy măng xét bằng vàng khắc con dấu Tổng Thống. Ông Johnson còn gỉai thích cho ông Harry Truman rõ: “Ông là người duy nhất xứng đáng đeo bộ khuy bằng vàng này. Nếu nhìn kỹ, ông sẽ thấy trên đó không có ghi Cộng Hoà hay Dân chủ.”.

Quan sát tình hình chính trị nước Mỹ hiện nay, chúng ta thấy ông Tổng Thống Dân Chủ ít khi nào nói chuyện lịch sự, ngọt ngào với ông Chủ tịch quốc hội Cộng Hoà. Nhưng giữa các tổng thống với nhau, ngôn ngữ nói chuyện của họ khác hẳn, rất lịch sự, và tôn kính nhau. Sau khi ông Bill Clinton đánh bại ông George H.W Bush trong cuộc tranh cử nhiều cay đắng, ông nhận được lá thư của tổng thống Bush số 41, viết như sau: “Khi ông đọc lá được thư này, ông đã trở thành tổng thống của chúng tôi…. Tôi hoan hỉ chúc mừng ông.”. Đến lượt ông George W. Bush (ông số 43) mãn nhiệm kỳ, ông tuyệt đối tôn trọng cung cách đối xử của hội. Ông gửi lời chúc mừng nhiệt tình đến ông Obama. Ông viết thật lòng: “Chúng tôi muốn ông sẽ thành công.”. Ngoài ra, trước ngày ông Obama làm lễ đăng quang, ông Bush nói với tất cả thành viên trong hội: “Không cần biết các ông là Dân Chủ hay Cộng Hoà. Điều chúng ta quan tâm hơn cả là vận mệnh của đất nước…Mọi người trong chúng ta, những người từng giữ chức vụ tổng thống, đều hiểu rằng chức vụ này có tầm ảnh hưởng vượt khỏi phạm vi cá nhân.”.

Ngày nay, thành viên câu lạc bộ tổng thống làm được nhiều việc thật là độc đáo trong phạm vi riêng tư, cũng như công khai trước công chúng. Các cựu tổng thống Mỹ mất nhiều thì giờ để từ chối nhận lời mời xuất hiện, hay bảo trợ cho nhiều hoạt động khác nhau. Những hoạt động đó có khi che dấu mưu đồ sinh lợi về tài chánh. Trong lúc đó, tất cả các hội viên đều liên lạc chặt chẽ với nhau để xem hội viên khác đang làm gì. Họ hỏi thăm sức khoẻ của nhau. Gần đây, họ còn gửi cho nhau những tấm hình chụp chung, với chữ ký của từng người có mặt trong hình.Các phụ tá của họ có nhiệm vụ liên lạc bằng e mail, thư từ cập nhật tin hàng ngày. Trong lịch sử họat động của hội, có nhiều hôi viên đã từng chỉ trích nhau, ghét nhau, và không phải tổng thống nào cũng yêu qúi ông Obama. Nhưng mỗi vị đều tìm cách giúp tổng thống đương nhiệm trong cách thức riêng của họ.

1. Cách giúp cuả Tổng thống George W. Bush: Im lặng là Vàng

CÁI ƯU ĐIỂM CỦA CÂU LẠC BỘ TỔNG THỐNG LÀ người đi trước chỉ vẽ cho người đi sau một ít điều bí mật. Vi dụ ông Eishenhower chỉ dẫn cho ông Kennedy biết cách gọi máy bay trực thăng đến bốc tổng thống ngay tại sân cỏ Toà Bạch Cung. Ông Lyndon Johnson chỉ cho ông Nixon biết nên lưu trữ băng ghi âm ở nơi nào. Ông Ronald Reagan chỉ vẽ cho ông Clinton cách đứng chào ở thế nghiêm cho đúng phong cách. Hai người tập dượt suốt thời gian ông Clinton đến thăm văn phòng của ông Reagan ở Los Angeles hồi năm 1992. Mặc dù đã khá quen thuộc với cuộc sống trong Bạch Cung, nhưng ông George W. Bush, tức ông Bush con, khi gặp ông Clinton vào năm 2000, vẫn hỏi thăm thêm ông Clinton về một số việc làm ở Bạch Cung, và nhờ ông chỉ cách đọc bài diễn văn sao cho hấp dẫn.

Hồi năm 2009, sắp đến lúc ông Obama dọn vào Bạch Cung, ông Bush hứa sẽ làm mọi cách để tạo điều kiện thuận tiện cho việc chuyển quyền được diễn ra tốt đẹp, êm thấm. Nền kinh tế Mỹ lúc bấy giờ đang ở tình trạng thoi thóp, sắp chết đến nơi, nhưng ông Bush vẫn nghiêm chỉnh thi hành việc chuyển giao văn phòng tổng thống một cách chu đáo. Trước đó, hình như ông đã linh cảm sẽ có ngày ông Obama làm tổng thống. Nhớ lại hồi năm 2005, khi ông Obama ghé thăm Bạch Cung buổi chiều trước khi tuyên thệ làm Thượng Nghị Sĩ. Ông Bush đưa ra một vài lời khuyên cho ông tân Thượng Nghị Sĩ trẻ tuổi: “Ông bạn trẻ của tôi ơi, ông có một tương lai rất xán lạn, đầy hứa hẹn. Nhưng với kinh nghiệm của người từng sống lâu tại Thủ đô này, tôi khuyên ông bạn một câu là sống ở đây khó lắm. Vì vậy ông bạn nên cẩn thận, coi chừng đấy”. Ý ông muốn nói rằng khi một ngôi sao chính trị đang lên, người ấy thường hay bị thiên hạ nhòm ngó, soi mói, tấn công từ khắp mọi phía.

Thực vậy, khi ông Obama đến thủ đô làm Thượng Nghị Sĩ, ông phải thận trọng từng li từng tí một. Lên làm tổng thống ở tuổi trẻ nhất kể từ thời ông John F Kennedy cho đến nay, lại không có nhiều kinh nghiệm chính trưòng, giống như ông Eisenhower ngày trước. Vẫn biết ông Obama từng làm nhiều việc khác nhau, nhưng ông chưa hề đóng vai trò lãnh đạo ở tầm vóc quốc gia. Một điều kiện cần thiết để ông có điều kiện mời người hợp tác trong chính phủ, hay đi nói chuyện với lãnh đạo nước ngoài. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một giáo sư luật, ông sẵn sàng để tâm học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, rút tỉa những điều hay, và tránh sai lẩm cũ.

Ông Obama kể lại: “Các ông ấy gọi điện thoại cho tôi, và tất cả đều tỏ ra hết sức tử tế, dễ thương. Tôi nghĩ các vị cựu tổng thống đều cảm nhận một điều là làm tổng thống là một công việc hết sức cô đơn…Nhiên hậu thì chính tổng thống là người phải chọn quyết định sau cùng.. Điều này nói lên cái thực tế phũ phàng đó.”. Ông Obama có sáng kiến muốn gặp mặt tất cả các tổng thống một lần tại Bạch Cung. Ông nhờ ông Bush đứng ra mời các ông cựu tổng thống đến ăn trưa với nhau vào đầu tháng Giêng. Lời yêu cầu này của ông Obama khiến cho phụ tá của ông Bush than trời. Họ hỏi lại: “Có mời ông Carter đến không? Ông này liên tục chỉ trích ông Bush trong suốt tám năm trường.”. Ông Obama trả lời: “Có chứ!, Phải mời cả ông Carter đến dự luôn.”.

Ông Bush đồng ý đứng ra mời các cựu Tổng thống đến ăn trưa. Bữa ăn chỉ có bánh mì sandwich đơn giản thôi, và được bầy biện ngay ở căn phòng bên cạnh Phòng Bầu Dục, nơi tổng thống làm việc. Mọi vị khách được mời đều có mặt: Ông Bush con, Obama, Carter, Clinton và ông Bush cha (ông cụ đã thề từ trước là sẽ không nói một câu nào cả). Đây là một sự kiện lịch sử hy hữu. Trong suốt 30 năm qua, chưa bao giờ có sự họp mặt của năm tổng thống Mỹ trong Toà Bạch Ốc. Sau này, Chúng tôi phỏng vấn ông Carter, và được ông kể lại về bữa ăn trưa đó như sau: “Chúng tôi dành ra cả một giờ đồng hồ để nói về cách đối phó với đội ngũ nhân viên phụ tá, phân chia nơi ăn, nơi ngủ, nơi làm việc cho mọi ngưòi, rồi việc gửi con đi học ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn…và né tránh sự nhòm ngó của công chúng, trong lúc phải giữ an ninh, bảo mật cho mọi người. Chúng tôi tìm cách chỉ dậy cho tổng thống mới đắc cử Obama một cách chân tình, và thân thiện, để ông ta không bị chạm tự ái, giống như phải ngồi nghe như một bài giảng đạo.”.

Ngay sau khi ông Bush con (# 43) không còn làm tổng thống, ông lánh mặt khỏi chính trường, không muốn dính líu gì đến chính trị nữa. Ông biến thật nhanh, nhanh hơn tất cả các tổng thống tiền nhiệm kể từ thời ông Reagan đến nay. Điều này không có nghĩa là ông hoàn toàn không để ý gì đến chính trị, hay ông mặc nhiên ủng hộ tất cả những chính sách của ông Obama. Ông im lặng chỉ vì ông rút kinh nghiệm từ các tổng thống đi trước. Theo ông, không có lợi gì khi cựu tổng thống đứng bên ngoài sân chơi, thỉnh thoảng đưa ra vài câu phê bình tổng thống mới đắc cử. Nhất là khi ông tổng thống đó mới vừa bắt tay vào việc. Ông Bush nói về ông Obama như sau: “Ông ta xứng đáng nhận được sự im lặng của tôi. Tôi sẽ không phí thì giờ làm chuyện chỉ trích ông Obama. Tôi nghĩ lúc này người cựu tổng thống nên rút lui khỏi chính trường, và để tổng thống đương nhiệm dành mọi nỗ lực giải quyết vấn đề của thế giới.”.

Tuy nhiên, câu lạc bộ cựu tổng thống vẫn giữ thái độ tư vấn riêng của mình. Ví dụ các cựu tổng thống, kể cả ông Bush, né tránh việc Bạch Cung dự định mời họ đến khu Manhattan, nơi hai tòa cao ốc bị quân khủng bố đánh sập, để đánh dấu về cái chết của bin Laden. Lời mời đó đi quá xa về mặt chính trị, vượt khỏi nghi thức thông thường của hội. Cuối cùng, ông Bush cũng bộc lộ một vài quan điểm chính trị của ông. Hồi tháng Ba ông tuyên bố ông ủng hộ việc xây dựng ống dẫn gas ở Keystones, và hồi tháng Tư, ông lên tiếng ủng hộ việc tiếp tục giảm thuế. Khi đưa ra những ý kiến này, ông cũng nói thêm ý kiến của ông cũng giống như của nhiều người khác. Ông xác minh rõ; “Tôi nói những điều ày vì tôi cho rằng có lợi cho đất nước. Tôi không có ý định muốn gây phương hại cho tổng thống hiện nay.”. Qủa thực, gia đình ông Bush là những người trong đảng Cộng Hoà chỉ trích ông Obama ít nhất.

2. Ông George H.W. Bush mang hình ảnh một người cha khi giúp ông Obama.

NẾU SỰ LIÊN LẠC GIỮA ÔNG OBAMA VỚI ÔNG BUSH con chỉ thỉnh thoảng một chút thôi. Ngược lại, ông Obama lại có quan hệ khá thân thiết với ông Bush cha. Ông Obama dùng tất cả những mỹ từ để ca ngợi ông Bush cha khi ra tranh cử hồi năm 2008, và vào dịp ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Hồi đầu năm 2009, nhân viên trong Bạch Cung báo tin cho ông Bush cha biết là tổng thống Obama muốn ghé thăm cụ tại Texas vào mùa thu. Lúc còn là tổng thống, Ông Bush cha là người được lòng của bốn vị tổng thống tiền nhiệm,và ông nhận lời tiếp ông Obama ở Texas. Vì vậy, vào tháng 10, tổng thống Obama bay đến trường đại học Texas A& M, College Station, nơi đây có thư viện Tổng Thống G.W.H Bush để thăm cụ Bush. Ông Obama nâng ly chúc mừng tổng thống Bush và ca ngợi công lao phụng sự đất nước của ông. Trước đó, cựu tổng thống Bush cứ lo canh cánh trong lòng. Ông sợ rằng tổng thống Obama sẽ bị những nhóm biểu tình phản đối, vì lập trường chính trị của sinh viên đại học Texas rất ư là bảo thủ. Tổng thống Bush bèn làm một cử chỉ cẩn trọng ngoại lệ. Ông gửi một lá thư ngỏ cho ban đại diện của 50,000 sinh viên trong trường, năn nỉ họ phải tiếp đón tổng thống Obama tử tế, đừng tổ chức biểu tình phản đối. Khi đến nơi, tổng thống Obama bèn đền đáp công ơn của ông Bush với lời khen ngợi hết sức cảm động. Ông nói: “Tổng thống George Bush không những là một tổng thống luôn luôn đề cao đức tính hy sinh, phục vụ đất nước, chính bản thân ông còn là một công dân kiểu mẫu suốt đời thực hiện đạo đức qúi báu ấy. Ông có dư điều kiện để an hưởng một cuộc sống thoải mái, và những đặc quyền dành cho ông. Nhưng bất cứ lúc nào, thấy có cơ hội phục vụ, hay đóng góp là ông lại tích cực tham gia ngay.”.

Đối với ông Obama, đây là một cơ hội rất tốt về mặt chính trị. Vị tân tổng thống trẻ tuổi chỉ mong có dịp đưa ra những lời khen ngợi ngọt ngào đến một số khuôn mặt chính trị lớn. Người đó chính là một nhân vật được tất cả các phe trong chính giới, từ bảo thủ đến cấp tiến, và trung dung đều hết lòng ngưỡng mộ. Hơn thế nữa, gia đình dòng họ Bush vô cùng cảm động khi thấy thành viên trẻ tuối nhất trong câu lạc bộ tổng thống biết đối xử với một vị trưởng thượng cao niên nhất một cách chân thành, và lễ độ. Câu lạc bộ sẵn sàng đón nhận tân tổng thống như một người bạn.

Một trong những ưu quyền dành cho cựu tổng thống là họ được quyền sử dụng căn nhà townhouse trong khu công trường Lafayette, đối diện với Bạch Cung. Căn nhà này có từ lâu đời lắm rồi. Có lẽ cũng đến một thế kỷ, song nó được Tổng thống Richard Nixon cho tu bổ, và cải biến thành một nhà nghỉ dành cho tổng thống. Ông Nixon muốn làm vui lòng ông Lyndon Johnson mỗi khi ông Johnson có việc về thủ đô. Gần đây, căn nhà townhouse bốn tầng này lại được tân trang thêm một lần nữa, với lối trang trí dùng mầu gạch đỏ làm nền, thật đẹp. Bên trong căn nhà còn có văn phòng làm việc, một phòng hội khá xinh, hai phòng ăn dùng để đãi tiệc, và một nhà bếp hoàn chỉnh. Nền nhà được trải thảm màu xanh biển, trên đó lấp lánh hình con dấu huy hiệu tổng thống bằng kim nhũ màu vàng. Huy hiệu đó cũng được thêu bằng mầu trắng trên những tấm khăn trải giường của phòng ngủ, ở trên lầu. Muốn đặt phòng trong căn nhà nghỉ này, hội viên phải điện thoại cho Toà Bạch Ốc trước để lấy phòng. Mỗi lần chỉ được ở bốn người. Hồi đầu năm 2010, Tổng thống Bush cha gọi đặt phòng cho ông và cậu con trai Jeb Bush lên ở trong thời gian hai cha con đi dự tiệc thường niên của hội Alfalta Club, một tổ chức từ thiện. Nghe tin hai bố con ông Bush lưu lại tại căn nhà số 716 Jackson Place, điạ chỉ nhà nghỉ của hội, ông Obama vội vàng điện thoại mời hai bố con ông Bush sáng hôm sau ghé vào Bạch Cung ăn sáng, uống cà phê với ông. Sáng hôm đó, tuyết rơi thật nhiều ở Hoa Thịnh Đốn. Ngay khi chiếc limo đưa hai bố con ông Bush đến Bạch Cung, ông Obama đứng sẵn ở hành lang để đón ông Bush vào phòng Phòng Bầu Dục, nơi tổng thống làm việc. Hai ông ngồi chuyện vãn với nhau. Vài ngày sau, ông Obama gửi xuống cho ông Bush tấm hình hai người ngồi nói chuyện. Trong đó, ông Obama đang thích thú nghe chuyện của ông Bush, còn ông Bush đang rỉ rả kể chuyện đời, kinh nghiệm cuộc sống cho ông Obama nghe. Lâu lâu ông tổng thống cũng cần một chút thư giãn, ngồi nghe ông già dí dỏm kể chuyện khôi hài.

3. Ông Jimmy Carter giúp ông Obama, nhưng phải im lặng, và than: “Chúng ta vẫn thường phải ngậm kín nỗi sầu trong lòng.”.

TUẦN LỄ ÔNG OBAMA ĐƯỢC ĐỀ CỬ làm ứng cử viên của đảng Dân chủ cũng là ngày một cựu tổng thống khác, ông Jimmy Carter, được vinh danh là vị cựu tổng thống có thời gian phục vụ cho đất nước dài nhất: 31 năm, 7 tháng, 19 ngày. Ông Carter qua mặt luôn ông Hoover, khi ông Hoover mất vào cuối năm 1964. Các sử gia Hoa Kỳ kể lại rằng ông Hoover sống lâu lắm, lâu hơn các chính trị gia đồng thời với ông cả một thế hệ. Người đời gọi ông là “lão trượng” về chính trị. Lúc sinh thời, ông hay bị các chính trị gia khác đổ tội ông là nguyên nhân đưa đến cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế. Khi những bạn đồng liêu qua đời cả rồi, ông khề khà nói: “Mấy thằng cha mắc dịch đó chết hết trơn rồi. Đâu còn đứa nào sống để trách cứ “qua” nữa đâu.”.

Những thành tích do tổng thống Carter làm khi về hưu là một điểm son đáng nói trong sự nghiệp của vị tổng thống số 39. Sau khi bị ông Reagan đánh bại trong cuộc bầu cử khi ông Carter mới có 56 tuôi, ông Carter dành ra hai ba năm để suy nghĩ, định tâm tìm hiểu những gì mình đã làm, và tìm ra triết lý của cuộc sống. Sau đó, ông sáng chế ra một sự nghiệp thứ hai cho đời mình: Chuyên đi thương thuyết để giải quyết những vụ rắc rối quốc tế, tiếp xúc với những lãnh tụ chiến tranh, hay làm quan sát viên cho nhiều cuộc bầu cử quan trọng trên thế giới. Ngoài ra, ông cũng tích cực tham gia vào chương trình chống bệnh sốt rét, ngừa bệnh mù gây ra bởi nước sông, cũng nhưng chương trình chống mù chữ trên toàn thế giới. Những đóng góp của ông cho thế giới thật là lớn lao, khiến ông được trao tặng gỉai Nobel Hoà Bình vào năm 2002. Chính ông Carter cũng phải thú nhận ông là một “cựu tổng thống” xuất sắc hơn là một “tổng thống khi tại chức”.

Liên hệ giữa ông Carter với những chế độ phi pháp, ngang ngược trên khắp thế giới khiến ông trở thành một yếu nhân hầu như tổng thống nào cũng cần phải nhờ vả đến ông. Từ ông Bush số Một, đến ông Clinton, và ông Bush số Hai đều phải nhờ đến ông Carter đi làm sứ mạng ngoại giao đặc biệt. Ông Carter là một mẫu người nhiệt tình, siêng năng làm việc, nhưng rất khó tính, không ưa làm điều gì thiếu chính trực. Ngay cả các tổng thống thuộc đảng Dân Chủ cũng phải e ngại khi làm việc chung với ông. Ông có xu hướng thích nói cho báo chí biết trưóc khi công tác ngoại giao của ông được hoàn thành. Ít nhất cũng có đôi ba lần, ông nói ra những điều đi ngược lại ước muốn của tổng thống đương nhiệm. Vì thế, khi ông Obama cần gửi ông Carter đi làm một công tác ngoại giao đặc biệt, ông không muốn lâm vào tình huống khó xử như những tổng thống trước. Tháng Tám năm 2010, ông Carter đi Bắc Hàn để vận động trả tự do cho một công dân Mỹ bị chính phủ Bình Nhưỡng cầm tù hơn bảy tháng. Trước đó, ông Clinton cũng giúp cứu thoát một thiếu nữ Mỹ gốc Hoa ra khỏi nhà tù Bắc Hàn. Vụ này được thông báo rầm rộ trên truyền hình. Nhưng vụ ông Carter đi vận động thả tự do cho một người Mỹ được giữ kín cho đến khi làm xong. Sở dĩ có tình trạng âm thầm như vậy, vì trước khi đi vận động giải cứu ngưòi Mỹ này, ông Carter bị buộc phải ký một thỏa thuận 12 điểm với tổng thống Obama. Trong đó, ông Carter phải hứa sẽ không nói gì với báo chí về công tác vận động ngoại giao của ông.

Ông Carter đến Bắc Hàn, đem được người Mỹ tên la Aijalon Mahli Gomes về nước, và giữ kín công tác này trong lòng, ông không tiết lộ với bất cứ một ai. Sau này ông tâm sự: “Họ bắt tôi thề không được tiết lộ công tác trước khi tôi đi.. Tôi phải ký vào tờ giấy tuyên thệ hứa giữ kín… Tôi nói điều này ra không phải để than phiền đâu.”

Chính ông Carter cũng nhận thấy quan hệ giữa các tổng thống mang tính chất: “âm thầm, tương thân tương ái.”, chỉ có thể nẩy sinh giữa những người từng phải ngồi trong cái bàn làm việc của tổng thống Mỹ. Ông nói: “ Tất cả chúng tôi đều cùng trải qua kinh nghiệm về vấn đề phải đương đầu với Trung Hoa, với Trung Đông, với Quốc Hội, và với lạm phát.. Đó là những chất liệu khiến chúng tôi gắn bó với nhau một cách đồng cảm, dễ thương.”. Khi hỏi ông chính vì sự tương thân, đồng cảm đó, nó có thể làm ông phiền lòng hay không?. Ông chép miệng thú thật: “Đó là điều không thể tránh được. Thôi thì cũng đành ngậm đắng làm vui, cho nó qua đi.”.

4. Ông Bill Clinton giúp ông Obama trong tư thế vị thầy khả kính.

KHÔNG PHẢI CHỈ CÓ MỘT MÌNH ÔNG CARTER BỊ ÔNG OBAMA THỬ THÁCH trước khi nhờ cậy. Với chức vụ Ngoại trưởng được giao cho bà Hillary Clinton, các phụ tá của ông Obama bắt buộc ông Bill Clinton phải tiết lộ cho chính phủ biết những mạnh thường quân nào đóng góp cho các tổ chức từ thiện của ông Bill Clinton, và những bài diễn văn của ông Bill Clinton không được ngỏ lời xin sự đóng góp của những chính phủ ngoại quốc. Điều này chỉ là một cách nhắc khéo ai là người thắng cử trong kỳ tranh cử năm 2008. Ông Bill Clinton vui vẻ chấp thuận điều kiện đó. Ông nói: “Tôi sẽ làm theo đúng điều kiện nào họ đòi hỏi.”. Bây giờ là đến phiên bà Hillary chủ động. Điều này cũng hơi khó xử cho chính quyền của ông Obama. Chính quyền của ông Obama có nhiều thành phần nhân sự của chính quyền Clinton trước đây. Có những người quanh trở lại làm việc họ đã làm từ 12 năm trước.

Dưới quan điểm của chính quyền Obama, chính quyền của ông Clinton đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt. Đó là một sự thất bại vì thiếu can đảm, liều lĩnh. Trong vài cuốn sách của ông Obama, ông chê trách: Mục tiêu của ông Clinton đề ra “khiêm nhưòng” quá, và “thiếu sự triệt để”. Vào thời đại không còn Chiến Tranh Lạnh, và với kỷ nguyên thông tin nhanh chóng như hiện nay, ông Clinton đã dễ dàng chấp nhận chỉ làm những thành tựu nhỏ bé, không sâu sắc, triệt để. Trong đề cương “hy vọng và thay đổi” đưa ra lúc tranh cử, ông Obama hứa sẽ đem lại những điều vĩ đại hơn.

Ở điểm này, chúng ta hãy lược sơ qua thành tích của chính quyền ông Clinton. Thành qủa gồm có việc làm ra luật ngăn ngừa tội phạm đầu tiên từ hàng chục năm nay, cải tổ hệ thống phúc lợi (welfare), và làm cân bằng ngân sách chính phủ, lần đầu tiên từ hơn 30 năm nay. Những việc đó không phải là dễ thực hiện. Thế nhưng cánh tả - the left- không coi đó là quan trọng. Vì thế, nếu như ông Obama và các phụ tá có trách cứ việc làm của chính quyền ông Clinton, chẳng qua chỉ vì chính quyền của ông Clinton chưa đủ “cấp tiến” đúng mức. Điều trách cứ này cũng giống như chê ông Clinton chưa làm được việc đội đá vá trời.

Ở một lúc nào đó, ông Obama có thể tự hào là mình làm được nhiều việc giỏi hơn ông Clinton. Chẳng hạn như thắng vẻ vang trong vụ sửa luật bầu cử “Electoral College”, thông qua kế hoạch kích thích nền kinh tế thật lớn lao, đưa được vấn đề cải tổ Y tế sang quốc hội. Nhưng rồi sau ba năm làm việc hết mình, đưa ra những đề án thật lớn lao, để rồi phải thu nhỏ lại cho vừa tầm, bàn tay bắt đầu bị nhuốm bùn dơ vì phải mặc cả, tương nhượng với cái đám Cộng Hoà không hiền lành gì, ông Obama bắt đầu ý thức được thực tế chính trị phũ phàng, sự sai biệt giữa lời hứa với thành qủa thực sự đạt được. Lúc ra tranh cử, có thể ông không them đếm xỉa gì về việc làm dưới thời ông Clinton. Nhưng bây giờ, sau ba năm làm việc, ông mới nhận ra ít có sự khác biệt giữa Obama với Clinton, và chính quyền Obama chưa chắc sẽ làm được nhiều hơn chính quyền Clinton.

Mới đây, ông Clinton nhận lời làm thầy chỉ đạo cho chiến dịch vận động tranh cử cho ông Obama. Ông viết cuốn sách hồi mùa thu, tiên đoán trước sẽ có cuộc tranh tài giữa ông Obama và ông Romney. Ông Clinton xuất hiện trong cuốn video vận động tranh cử cho ông Obama, và dự trù ít nhất ông sẽ tham gia gây qũi cho ông Obama ba lần trong năm nay. Nhưng khi hai ông ngồi riêng với nhau, ông Clinton yêu cầu hai người không bàn chuyện chính trị. Ông nói về lần gặp ông Obama mới đây: “Tổng thống Obama và tôi không bàn chuyện chính trị khi chúng tôi chơi đánh golf với nhau, bởi vì cả hai chúng tôi đều mệt mỏi chuyện chính trị qúa rồi.”. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Khi tổng thống cần gặp tôi, tôi sẽ có mặt ngay, dù rằng phải đi chơi đánh golf trong bão tuyết.”. Ý ông muốn nói khi nào ông Obama cần ông giúp, ông sẵn sàng giúp một tay.

Phải chăng việc giúp đỡ ông tổng thống đương thời là một trách nhiệm bắt buộc của các vị cựu tổng thống trong Câu Lạc Bộ Tổng Thống Mỹ !!

Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 23 /4/2012

Comments