Trung Quốc : Cuộc chuyển tiếp quyền lực không đơn giản

 

China's Chongqing Municipality Communist Party Secretary Bo Xilai (front L) and Party Secretary of the Guangdong Province Wang Yang (front R) clap as they attend the opening ceremony of the National People's Congress (NPC) at the Great Hall of the People i

China's Chongqing Municipality Communist Party Secretary Bo Xilai (front L) and Party Secretary of the Guangdong Province Wang Yang (front R) clap as they attend the opening ceremony of the National People's Congress (NPC) at the Great Hall of the People i

REUTERS/Jason Lee

Anh Vũ

Đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào cuối năm nay sẽ quyết định thay đổi bộ máy lãnh đạo đất nước. Nhưng từ nhiều tháng qua các cuộc đấu đá nội bộ ở trung tâm đầu não của đảng đã diễn ra với chiều hướng ngày càng gay cấn, điển hình như vụ Bạc Hy Lai đã gây xáo động chính trường Trung Quốc.

Trang quốc tế Le Figaro hôm nay dành nguyên một trang báo cho chủ đề này với hàng tựa « Cuộc chuyển tiếp mong manh ở đầu não đảng Cộng sản Trung Quốc ».

Theo Le Figaro, vụ Bạc Hy Lai là một cơn bão tố chính trị lớn nhất ở Trung Quốc trong vòng khoảng hai thập kỷ trở lại đây. Giới lãnh đạo chóp bu của đảng đang cố gắng dẹp yên vụ việc.Thời gian này các cơ quan quyền lực và các lãnh đạo cao cấp đều lớn tiếng nhắc nhở cần phải tiếp tục tuân thủ đường lối của trung ương đảng hiện nay. Quân đội, công an liên tục được kêu gọi phải tuân thủ kỷ luật và không nghe những chuyện «đồn đại» trong xã hội. Tuy nhiên những cố gắng để tìm lại sự đoàn kết trong đảng này vẫn không che giấu được các cuộc thương lượng, thậm chí cả đối đầu nhau đang diễn ra trong hậu trường lãnh đạo nước này.

Màn chạy đua tìm kiếm vị trí lãnh đạo cấp cao trong đảng Cộng sản Trung Quốc lúc này được Le Figaro ví như một cuốn phim hồi hộp và gay cấn về buôn chính trị.

Le Figaro cho biết, tình hình của cuộc đấu đá chính trị này cự kỳ phức tạp, đến mức mà các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đang phải tính đến khả năng lùi lại thời điểm họp đại hội đảng 18. Dự kiến vào mùa thu năm nay, nhưng nhiều nguồn tin từ trong nội bộ cho Reuters biết có thể đại hội sẽ bị đẩy lùi vào khoảng từ tháng11 đến tháng Giêng sang năm tới. Vấn đề không nhằm vào hai vị trí lãnh đạo chủ chốt là chủ tịch nước ( kiêm nhiệm Tổng bí thư) và thủ tướng chính phủ. Hai vị trí này đã có người kế nhiệm là ông Tập Cận Bình và Lý Kiện Cường. Cuộc đấu hiện nay tập trung chủ yếu vào 9 chiếc ghế trong thường trực Bộ chính trị, đây mới thực sự là trung tâm quyền lực của tại Trung Quốc.

Chín thành viên này vẫn được coi là « 9 ông hoàng ». Trong đảng đã nảy ra cuộc tranh luận về con số các ủy viên này. Phe cánh của Hồ Cẩm Đào muốn giảm xuống còn 7 thành viên để giúp họ có thể chiến được đa số một cách dễ dàng. Trong khi đó phe khác thì lại muốn nâng số lượng các thành viên tinh tú này của đảng lên 11 người cho đầy đủ các bậu xậu phe cánh.

Theo Le Figaro, vụ loại bỏ cựu lãnh đạo đảng thành phố Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã khiến cho cuộc đấu đá phe phái, nhân sự trở nên căng thẳng. Trong cuộc họp quyết định số phận của ông Bạc Hy Lai hôm mùng 7/3, ông Hồ Cẩm Đào cùng những người trong phe đã nhất trí nhượng bộ đối thủ cách chức ông Bạc Hy Lai. Thay vào vị trí bí thư thành ủy Trung Khánh là ông Trương Đức Giang, Phó thủ tướng, một nhân vật nổi tiếng là bảo thủ và là người thân cận với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân.

Theo tờ báo thì các lãnh đạo hiện nay ở Trung Quốc phải nhượng bộ và các cuộc mặc cả có khả năng sẽ diễn ra rất gay gắt. Ngoài việc tranh giành giữa phe theo đường lối « tự do » với phe « bảo thủ », cuộc đấu đá hiện nay chắc chắn còn là việc của những cá nhân, những « nhóm lợi ích » nhằm giành quyền kiểm soát bộ máy chính quyền trong tương lai. Theo Willy Lam, một người am hiểu chuyện tranh giành quyền lực ở Trung Quốc, hiện nay việc phân chia quyền lực trong thường trực Bộ chính trị đã thỏa thuận được thế cân bằng gồm : 3 ghế cho phái của ông Hồ cẩm Đào, 3 ghế cho những người thuộc thế hệ « thái tử đỏ » và còn lại cho các cánh khác.

Tờ báo kết luận, vấn đề lớn là phải xem liệu sau những mưu đồ toan tính trong đảng, những vị lãnh dạo tương lai có đủ mạnh để tạo được dấu ấn của mình, thúc đẩy cải cách , hay là quyền lực của họ bị xé lẻ và tê liệt vì các cuộc đấu đá nội bộ khiến họ lại trở nên độc đoán chuyên quyền hơn.

Comments