Phật Pháp Vô Biên

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

Câu chuyện đã qua rồi từ lâu, nhưng tôi thấy nội dung có nhiều ý nghĩa thật cao đẹp nên muốn nhắc lại sau đây. Đó là chuyện một vị phụ nữ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đã được thưởng giải Hòa Bình năm 1991 giữa lúc bà bị chính quyền Miến thời đó bắt giam tại gia.


Nay tình thế Miến đã thay đổi 21 năm sau, khi Ủy ban Giải thưởng Hòa Bình Nobel 21 trao tặng lại Giải này cho bà Aung San Suu Kyi cuối tuần qua, Bà nói: “Người Miến Điện chúng tôi vẫn không bị bỏ quên”. Trong diễn từ đọc vào dịp này Bà nói đây là một sự thừa nhận của thế giới nước Miến Điện từng bị đầy đọa và cô lập “vẫn là một thành phần của thế giới, một thành phần của loài người sống trên Trái Đất”.
Bà nói tiếp: “Nhưng đây vẫn không có vẻ gì là thật vì trong một ý nghĩa nào đó, tôi không cảm thấy tôi không phải là thật lúc này”. Bà nói: “Gỉải Hoà bình Nobel đã mở một cánh cửa trong trái tim tôi”.
Bà Aung San Suu Kyi nói giải Hòa Bình “đã làm tôi trở lại sự thật một lần nữa”. Bà nói: “Giải đó đã đưa tôi trở lại với cộng đồng nhân loại rộng lớn của loài người và đã đem lại hy vọng cho người dân bị áp bức ở Miến Điện, cũng như những đám dân Miến chạy tản mát nhiều nơi”. Bà Suu Kyi nói tiếp: “Bị bỏ quên là đã chết đi một chút”.
Với một giọng nói khàn khàn và điềm tĩnh vào thứ Bẩy tuần trước, bà yêu cầu thế giới không nên quên những tù nhân lương tâm khác, ở Miến Điện cũng như ở khắp hoàn cầu, những người tị nạn khác, những người đang có những nhu cầu trên thế giới, họ có thể đang bị đau khổ gấp hai lần vì bị đàn áp và có thể cũng vì “tình thương đã mỏi mệt ở khắp nơi”.
Bà Suu Kyi năm nay đã 67 tuổi và là dân biểu Quốc hội Miến,lãnh đạo phe đối lập. Bà mặc bộ đồ mầu tím, tóc có gài hoa để vinh danh cha bà, Đại tướng Aung San, một vị anh hùng độc lập của Miến Điện đã bị ám sát chết năm 1947, khi bà Suu Kyi mới có 2 tuổi. Bà chỉ nhớ lúc còn nhỏ cha bà thường hay gài bông hoa trên đầu bà.
Bà Suu Kyi đã tiếp nhận giải thưởng Hoà Bình tại Hội trường Thành phố Oslo, Na Uy. Cử tọa đã đứng lên vỗ tay khi bà Suu Kyi bước vào phòng họp cũng như khi bà đọc xong diễn từ.
Bài diễn văn của bà rất khiêm tốn, có vẻ thân mật đầy xúc cảm.Cử tọa lắng nghe như đã bị thôi miên hấp dẫn, khi bà kêu gọi tìm các biện pháp thực dụng để làm giảm bớt những đau khổ của Thế giới. Bà nói sự đau khổ làm mất phẩm giá của con người, gây sự chua chát, phẫn nộ. Bà nhấn mạnh: “Chiến tranh không phải là môi trường duy nhất để làm chết hòa bình”.
Bà nói hòa bình triệt để là mục tiêu không thể đạt được. Bà còn nói tiếp: “Nhưng đó một mục tiêu mà chúng ta bắt buộc phải tiếp tục nhằm vào hàng ngày, mắt chúng ta ghim vào đó giống như một người đi trong sa mạc nhìn vào một ngôi sao dẫn đường có khả năng giúp chúng ta đi đến một nơi có tiếp vận”.
Bà Suu Kyi đã nhiều lần nghĩ đến sự kham khổ của Nhà Phật chữ Phạn gọi là “dukkha”, khi bị kham khổ trong những năm dài bà bị cô lập hay quản chế tại gia.
Bà nói: “Nếu sự đau khổ là thành phần không thể tránh trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta phải tìm cách làm nó nhẹ đi càng nhiều càng tốt bằng những phương pháp thực tiễn thông thuờng”.
Và bà kết luận bằng một câu đơn giản nhưng thật chí lý, đầy ý nghĩa sâu sắc: “Tình thương có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta”.
Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

Comments