Nhiệt Liệt Chào Mừng Đại Hội Đảng Cộng Hoà!

HOÀNG NGỌC NGUYÊN

Nhiệt Liệt Chào Mừng Đại Hội Đảng Cộng Hoà!

THỜI CUỘC

Thứ Hai tới đây, ngày 27-8, đảng Cộng Hòa sẽ nhóm đại hội toàn quốc tại thành phố ven biển Tampa, Florida, để chính thức đề cử ông Mitt Romney, cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts, và ông Paul Ryan, dân biểu Wisconsin, làm ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống đại diện đảng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng chỉ còn 10 tuần nữa là khai diễn.

Đương nhiên, đây cũng là dịp cho những diễn giả của đảng Cộng Hòa thay phiên nhau công kích những thất bại, những lời hứa không thành, với kết quả nước Mỹ đang đi xuống, suy yếu tư thế trên thế giới, mà trách nhiệm là của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và đảng Dân Chủ của ông, người mà họ muốn lật đổ, và nêu rõ đường lối, gọi là cương lĩnh của đảng Cộng Hòa, được đặt tên mỹ miều là “Một tương lai tươi sáng hơn” (A better future) – dĩ nhiên cho nước Mỹ. Ông Romney và Ryan thì gọi đó là một “kế hoạch hồi hướng”. Câu hỏi muôn thuở vẫn được đặt ra trước những lời hứa đó là tươi sáng hơn cho ai, và có được hay không? Và liệu nơi người ta nghĩ là chốn để trở lại có còn được như xưa, hay chỉ là cảnh hoang tàn không để lại một dấu vết gì sau một cơn địa chấn của thời cuộc!

Ông Romney và Ryan hiện nay chắc hẳn phải rất cảm khái. Hẳn họ cũng không ngờ cuộc đời vẫn có thể đẹp như mơ, cho dù sự mong đợi này tất đã có. Ông Romney đã thất bại một lần bốn năm trước đây trong vòng sơ bộ trước ông John McCain, thượng nghị sĩ của tiểu bang Arizona. Cuộc chiến đấu ở vòng ngoài của ông Romney năm nay quyết liệt hơn, nhưng cuối cùng ông Romney đã làm được điều mà cha ông, George Romney, thống đốc Virginia trong những năm 1963-69, thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968. Con hơn cha, nhà có phúc, trong khi nhiều người vẫn nói ông không bì được cha ông về mặt “tư cách”, “sĩ khí” con người (ví dụ như cha ông công khai hóa tất cả hồ sơ khai thuế của mình, ông thì không). Và ông cũng sẽ đi vào lịch sử như là tín đồ Mormon đầu tiên được đưa ra tranh cử tổng thống – chưa nói đến trường hợp nếu đắc cử, ông đương nhiên sẽ là tổng thống đầu tiên đi nhà thờ LDS (the Church of Jesus Christ of Latter-Day Saints), cái đạo có chưa đến 1% dân số Mỹ. Người ta nói ông Romney đã loại trừ được hàng loạt nhân vật sừng sỏ như Rick Santorum, Newt Gingrich, Rick Perry, Ron Paul, Michele Bachmann, Herman Cain là nhờ công cuộc vận động tranh cử có qui mô hơn, hệ thống hơn, tổ chức hơn, kinh nghiệm hơn, đầy đủ chuyên viên hơn, tiền bạc dồi dào hơn … Những điều này chắc chắn đúng, nhưng đúng hơn chính là vì những nhân vật đối thủ của ông đều thiếu tầm cỡ, chưa đủ sức thuyết phục cần có nơi một ứng cử viên tổng thống. Thế nhưng cho đến giờ, những người quan sát chính trị vẫn hỏi liệu ông Romney đã hoàn hồn chưa sau một mùa tranh cử tơi tả, ông đã phạm không ít lỗi lầm vì lỡ miệng, phơi bày những nhược điểm của con người của ông vì thái độ tránh né và bất nhất, sự giả tạo phản ảnh một nền văn hóa chính trị đươc gọi là “the culture of make-believe”. Có lẽ chỉ có ông mới thực sự hiểu được tâm trạng của ông. Thông thường muốn cho được việc, ông đã phải hy sinh, mang tiếng thỏa hiệp. Nay muốn cho được việc, an toàn để tiến tới đại hội này, ông cũng đã phải hy sinh, nhưng đi xa hơn, chịu tiếng “đầu hàng” - tức đánh mất con người của ông. Ông không còn là ông. Mà có lẽ đúng hơn ông là con người Tea Party mà ông cố cưỡng lại lúc ban đầu.

Tâm trạng của ông Ryan có khác. Một phần là vì ông chỉ mới 42, “danh vọng” đến quá sớm chăng, nếu không trở thành ảo ảnh sau ngày 6-11? Ông xem việc được đề cử như một chiến thắng ngất ngây vĩ đại của ông, và nó rất xứng đáng như là một phần thưởng cho con đường ông đã chọn. Tuy chẳng phải là một tiến sĩ kinh tế, một giáo sư đại học (ông chỉ mới có B.A.), một tác giả thời thượng của lý thuyết kinh tế “bảo thủ tài chánh”, nhưng ông vẫn được tôn sùng như một lý thuyết gia hàng đầu, một nhà tư tưởng kinh tế tài ba ở chỗ tập hợp được những lý thuyết của Friedrich Hayek, Milton Friedman, kể cả nhà triết học khó hiểu Ayn Rand cùng khảo hướng thực tiễn của Jack Kemp, người từng là cựu dân biểu của tiểu bang New York, bộ trưởng gia cư của Tổng thống George H.W. Bush, và ứng cử viên phó tổng thống của Cộng Hòa vào năm 1996. Chẳng cần phải nói, tuy Tea Party chỉ ảnh hưởng khoảng 60-70 dân biểu Cộng Hòa tại Hạ Viện, nhưng Ryan, chủ tịch Ủy ban Ngân sách, vẫn được xem như là thủ lĩnh của phong trào này trong đảng Cộng Hòa tại viện dưới, cho thấy thiểu số này có sức mạnh áp đảo đến thế nào trong chính trị của đảng. Và nếu người ta chưa hiểu hết sức mạnh của phong trào Trà Hội này, quyết định của ông Romney là quá rõ ràng cho những người còn mơ hồ. Sự có mặt của Ryan trong liên danh xác nhận đường lối kinh tế của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử này, mà Ryan sẽ trở thành người phát ngôn, nhà luận thuyết chính yếu ra mặt trong hai tháng cuối cùng của cuộc tranh cử. Và nếu Romney thắng cử, thì bốn năm tới, có lẽ người ta sẽ thấy Mỹ có một phó tổng thống mạnh đến cỡ như muốn qua mặt tổng thống!

Từ khi ông Ryan được đề cử, cuộc tranh cử bỗng dưng chuyển đề tài. Người ta không nói về chuyện tăng trưởng và công ăn việc làm nữa. Đề tài mới là Medicare. Đó cũng là điều lạ khi người ta không thiếu gì đề tài trong cuộc chiến năm nay. Nhất là vì trong đề tài này, lợi thế không ở về phía Romney&Ryan, cho dù ông Ryan đã đưa mẹ ông ra sân khấu và rưng rưng nước mắt nói “Con quyết không để cho người ta làm hại Medicare của mẹ”. Ông Romney tố ông Obama đã cắt 716 tỉ trong chương trình Medicare – khiến cho chi phí Medicare trong tương lai sẽ gia tăng. Phía ông Obama nói lại: không có biện pháp “giải phẫu”, làm sao con bệnh Medicare tồn tại lâu dài được. Và họ tố hai ông Romney và Ryan âm mưu tư nhân hóa Medicare, mà tư nhân hóa có nghĩa là vất những người già yếu bệnh hoạn đứng không vững vào chợ đời của các hãng bảo hiểm, nhà thương, bác sĩ…

Kết luận đương nhiên dành cho những người được Medicare phải động não. Trong sự khô cạn hay tránh né đề tài đó, bỗng dưng xảy ra câu chuyện của Dân biểu Todd Akin của tiểu bang Missouri, hiện đang ra tranh cử Thượng Viện liên bang chống ứng cử viên Dân Chủ là bà Thượng nghị sĩ đương nhiệm Claire McCaskill. Bỗng dưng, ông ngứa miệng nói: Người bị cưỡng hiếp hợp pháp (legitimate rape) (tức là không thuận ý, có chống lại) thì khó mà mang thai. Hàm ý ông chống việc phá thai, cho dù trong trường hợp bị cưỡng hiếp, vì bị cưỡng hiếp “thực sự” thì phụ nữ sẽ không vui vẻ đón nhận để đến nỗi phải mang thai – theo ý kiến của ông. Chúng ta có thể hiểu được phản ứng của dư luận trước phát biểu “ngộ nghĩnh” này. Và hàng loạt chức sắc cao cấp trong đảng Cộng Hòa, trong đó có ông Romney, Ryan, tức thời lên tiếng, yêu cầu ông rút lui, để người Cộng Hòa khác ra tranh cử. Chuyện đáng nói không ở chỗ là ông Akin xin lỗi thì có nhưng rút lui thì không bao giờ, còn than phiền những “ông chủ Cộng Hòa” khó tính quá, bắt bẻ quá. Chuyện đáng nói là bỗng dưng, trước ngày đại hội mà nội bộ đảng Cộng Hòa lao vào cuộc tranh luận giữa chính họ với nhau khiến cho người viết cương lĩnh phải khựng lại.

Và tưởng như ông Romney được một món quà.

Tuần báo Newsweek trong tuần qua, đã chơi một bài “cover story” (bài chủ lực đưa lên trang bìa) mà người viết là Niall Ferguson, từng là cố vấn tranh cử số 1 của Thượng nghị sĩ John McCain bốn năm trước đây; ông ký mục này bảo ông Obama trên bìa báo: Hãy ra đi, Barack” (Hit the road, Barack) và giải thích “Tại sao chúng ta cần có một tổng thống mới (Why We Need a New President). Ferguson, một giáo sư vể sử học tại Đại học Harvard, lập luận rất có lý: ông Obama đã làm phụ lòng tin tưởng, mong đợi của người dân Mỹ trong bốn năm qua (đúng), ông đã không thực hiện được nhiều lời hứa của ông (càng đúng), ông làm cho nước Mỹ xuống dốc (vấn đề này bồi thẩm đoàn chưa có ý kiến về ai là bị can), như vậy thì ông phải ra đi (điều này phải chờ người dân lên tiếng), nhất là vì hiện nay đã có ông Paul Ryan “hết sẩy”, sẵn sàng thay thế (đây là điều đáng tranh cãi nhất)! Tác giả đã không nhấn mạnh ở điểm trên đời này, có ông tổng thống nào thực hiện nổi lời hứa như gió bay đi của mình. Ông cũng không phân tích “gia tài của mẹ” mà ông Obama thừa hưởng, và những lý do “cản phá” nào khiến cho bốn năm qua, Obama chỉ loay hoay tìm cách tự cởi trói mà không làm được gì mấy.

Tưởng như báo Newsweek đã sớm sủa “endorse” ông Romney và đã có một quyết định bất kế uy tín của tờ báo lâu đời có tiếng là “trung lập”. Cách giải thích duy nhất cho quyết định của tờ Newsweek đăng bài này là vì tuần trước đó, một cover story, tức bài báo chủ lực giới thiệu ở trang bìa, có tựa “Romney: the wimp factor” – Romney: yếu tố nhu nhược. Và Michael Tomasky, tác giả, đã có lời phụ chú để giải thích nội dung bàì báo của mình: Phải chăng ông quá bất an nên không thể là tổng thống được? (Is he just too insecure to be president). Ông quá nhút nhát, nhu nhược, không kiên định, không dám hành động, không dám mạo hiểm, cho nên ông thường để cho thời gian “bất động” (inaction) lấn át thời gian “hành động”, trong khi một tổng thống thường phải hành động nhiều hơn là co rút lại sợ không dám động thủ, chính là cách hành động kém cỏi nhất. Bài báo của Tomasky cân bằng, không có kết luận kiểu “Romney ra kỳ này chỉ có chết mà thôi, biết điều thì rút lui sớm” và đương nhiên những người ủng hộ ông Romney không hài lòng về bài báo này, nhưng không có những phản ứng phẫn nộ - như trong trường hợp bài báo bảo Obama: Thôi, anh đi về đi… của Ferguson.

Và thứ Hai này, đại hội toàn quốc của đảng Cộng Hòa sẽ bắt đầu. Ông Chris Christie, thống đốc New Jersey, hứa sẽ gây nổ lớn khắp nước bằng một bài diễn văn nói lên tình trạng suy sụp của đất nước. Đó không phải là điều người ta theo dõi. Điều người ta theo dõi là qua đại hội này, người ta sẽ thấy ảnh hưởng của Tea Party đến đâu đối với đảng Cộng Hòa – qua sự lựa chọn chính sách của đảng có tính cách “phân hóa giai cấp” đến đâu.. Và ảnh hưởng này sẽ tỷ lệ thuận hay nghịch đối với thành công của đàng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử sắp đến – không chỉ tổng thống mà còn lưỡng viện Quốc Hội.

Nhiệt liệt chào mừng Đại hội Toàn quốc của Đảng Cồ Đại (GOP - Grand Old Party)!

Đảng Cồ Đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta! [HNN]

Comments