Đức nghi ngờ quyết tâm cải tổ kinh tế của chính phủ Pháp

Thủ tướng Đức Angela Merkel và đồng nhiệm Pháp Jean-Marc Ayrault tại Berlin ngày 15/11/2012

Thủ tướng Đức Angela Merkel và đồng nhiệm Pháp Jean-Marc Ayrault tại Berlin ngày 15/11/2012

REUTERS/Thomas Peter

Thanh Hà

Ngày 15/11/2012 thủ tướng Jean Marc Ayrault đến Berlin để trấn an dư luận Đức về tình hình kinh tế Pháp. Một báo cáo của các chuyên gia Đức lo ngại "Pháp trở thành gánh nặng của khối euro". Quan hệ giữa Paris và Berlin thêm căng thẳng. RFI phỏng vấn tiến sĩ Âu Dương Thệ từ Dortmund về những lo ngại của Đức trước sự yếu kém của nền kinh tế số 2 trong khối euro.

TS Âu Dương Thệ -Dortmund

18/11/2012

Nghe (11:34)

RFI : Đầu tháng 11/2012 một báo cáo của các chuyên gia Đức đặc biệt quan ngại về tình hình kinh tế yếu kém của Pháp. Xin ông trở lại với báo cáo trên và uy tín của văn bản này.

 

Tiến sĩ Âu Dương Thệ : Dư luận Pháp gần đây bàn tán nhiều về một số ý kiến của 5 chuyên gia Đức về tình hình kinh tế -tài chánh của Pháp. Trước khi trả lời câu hỏi trên thì cần biết các chuyên viên này là ai và họ đã nói gì.

Từ 1963 Chính phủ Đức đã thành lập một cơ quan tư vấn độc lập chuyên môn vế kinh tế gồm 5 chuyên viên có uy tín về kinh tế tài chánh, nên thường được gọi là "Hội đồng 5 nhà kinh tế thông thái“. Nhiệm vụ của họ là tư vấn một cách độc lập cho chính phủ Đức về kinh tế - tài chánh. Vào cuối mỗi năm, họ công bố một bản tường trình về tình hình kinh tế tài chính của Đức. Ngoài phần nhận định họ còn đưa ra những kiến nghị liên hệ và gởi cho chính phủ Đức cũng như công bố trước dư luận.

Ngày 07/11/2012 "Hội đồng 5 nhà kinh tế thông thái“ này đã trình Thủ tướng Đức bà Merkel bản tường trình mới về tình hình hình kinh tế Đức năm 2012, và nêu ra một số dự đoán trong năm 2013 cùng với nhiều đề nghị liên hệ.

Bản tường trình này dài gần 400 trang, trong Chương I trình bày về tình hình kinh tế chung hiện nay của thế giới, đặc biệt là Mỹ, Trung quốc và Liên Hiệp Châu Âu (EU). Riêng về EU thì báo cáo đó nói tới tình hình kinh tế tài chánh của Pháp, nhưng chỉ có khoảng một trang thôi. Căn cứ trên các con số thống kê về mức tăng trưởng kinh tế suy thoái của Pháp suốt 3 quí vừa qua, mức xuất khẩu giảm trong khi mức nhập cảng lại gia tăng, mức thiếu hụt ngân sách cao, nên các nhà thông thái Đức đã đi đến kết luận bi quan về cường quốc kinh tế thứ 2 trong khu vực đồng Euro. Đồng thời nghi ngờ một số giải pháp ban đầu của tân tổng thống Hollande trong việc giải quyết khủng hoảng kinh tế-tài chánh của Pháp.

Vì thế trong buổi lễ ra mắt bản tường trình nói trên Giáo sư L .P. Feld, một trong 5 chuyên viên trong Hội đồng này, đã đưa ra nhận xét : "Nước Pháp đang là vấn đề lớn nhất hiện nay trong khu vực đồng Euro“.

Chính vì thế hãng thông tấn Reuters và nhiều báo chí Đức đã đưa tin là vào dịp này Bộ trưởng Tài chánh Đức Schäuble đã yêu cầu "Hội đồng 5 nhà kinh tế thông thái“ lập một  "Bản tường trình đặc biệt“ về tình hình kinh tế-tài chánh của Pháp. Nhưng liền đó Giáo sư Wolfgang Franz, Chủ tịch của Hội đồng này, đã phủ nhận tin đồn trên.

RFI : Đâu là lý do để các kinh tế gia của Đức nghĩ rằng, Pháp là đe dọa nghiêm trọng nhất của khối Euro ?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ : Không chỉ nhiều chuyên viên Đức mà cả chính giới Đức hiểu rõ những khó khăn mà Pháp đang gặp phải trong các lãnh vực kinh tế, tài chánh, lao động và xã hội, khiến cho các sản phẩm của Pháp có sức cạnh tranh yếu so với nhiều nước trong EU. Chính giới Đức cũng biết rõ là, tổng thống Hollande có một số lợi điểm của chính đảng cầm quyền, vì liên minh cầm quyền hiện nay chiếm đa số trong Quốc hội và tổng thống Pháp, theo Hiến pháp của Pháp, có nhiều quyền hơn thủ tướng Đức. Nên về mặt lý huyết thì tổng thống Hollande đang có cơ hội tốt trong việc cải tổ.

Nhưng các khó khăn kinh tế-tài chánh của Pháp mang tính cách cơ cấu, trong đó liên hệ tới chế độ lao động, xã hội và cách tổ chức kinh tế của Pháp. Khi đó liệu một số đoàn thể áp lực lớn ở Pháp, như các nghiệp đoàn và các hội sinh viên Pháp có chịu ngồi yên trước các chính sách có thể gây bất lợi tới lương bổng, điều kiện làm việc và tương lai nghề nghiệp… của họ không ?

Không như ở Đức, ở Pháp trong các thập niên gần đây đã chứng minh là, các đoàn thể áp lực này đã có thể cản trở hoặc tạo ra những rối loạn chính trị xã hội. Các cuộc đình công và biểu tình lớn ở Hy Lạp và Tây Ban Nha hiện nay chống lại những cải cách cơ cấu là những cảnh báo. Chính giới Đức –đặc biệt là các chính đảng trong chính phủ liên hiệp hiện nay- lo ngại là, trong hoàn cảnh như thế liệu tổng thống Hollande, chịu ảnh hưởng của Đảng Xã hội và các đảng thiên tả ở Pháp, có muốn và dám đổi mới sâu rộng các lãnh vực không còn thích hợp để đưa Pháp ra khỏi khủng hoảng hiện nay không –như cựu thủ tướng Đức Schröder đã thực hiện cải cách sâu rộng ở Đức một thập niên trước. Nhất là hiện nay qua các cuộc thăm dò dư luận ở Pháp thì uy tín của ông Hollande giảm rất mạnh và nhanh. Vì các lí do trên nên chính giới và dư luận Đức, tuy đa số vẫn có cảm tình nhiều với Pháp, nhưng vẫn lo ngại về khả năng giải quyết khủng hoảng của tổng thốngHollande.

RFI : Từ báo cáo nói trên quan hệ Pháp Đức đã căng thẳng thêm một nấc và thủ tướng Pháp phải sang Đức để "giải độc" : ông Jean Marc Ayrault đã có trấn an được Đức hay không ?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ : Hiện nay cả Đức lẫn Pháp đang chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 50 năm kí Hiệp ước thân hữu giữa hai nước (1. 1963 - 1.2013). Ngày 15/11/2012 ông Jean-Marc Ayrault sang Đức lần đầu tiên trong tư cách thủ tướng Pháp. Nhưng ông là người rất quen thuộc với Đức, ông đã từng du học ở Đức, từng là giáo sư tiếng Đức và chuyên viên về Đức.

Ông đã được bà Merkel tiếp đón rất long trọng với đội quân danh dự dàn chào tại dinh thủ tướng. Sau cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng, trong cuộc họp báo ngắn bà Merkel xác nhận vẫn còn một số khác biệt trong cách giải quyết khủng hoảng đồng Euro giữa hai nước. Dịp này ông Ayrault cũng đã tiếp xúc với trí thức và chuyên viên Đức. Trong cuộc Hội thảo khoa học quan trọng do tờ báo lớn có uy tín Süddeutsche Zeitung, với sự hiện diện của tổng thống Đức, bộ trưởng tài chánh Đức, thống đốc Ngân hàng liên bang Đức, chủ tịch Quốc hội EU và nhiều doanh nhân, chuyên gia hàng đầu của Đức, thủ tướng Pháp đã cho biết là, chính phủ Pháp sẽ giải quyết thành công các khó khăn và kêu gọi dư luận Đức thông cảm và hiểu rõ những vấn đề Pháp đang phải đối phó.

Ông khẳng định "Đức và Pháp có chung số phận hợp tác, bất kể mầu sắc chính trị (của chính phủ 2 nước).“
Nói một cách chung, dư luận Đức trước sau vẫn dành nhiều thiện cảm với Pháp, trong đó đặc biệt là các chính đảng lớn Dân chủ Xã hội (SPD) và Đảng Xanh (Grünen)

RFI : Bất đồng Pháp Đức nguy hiểm như thế nào đối với khu vực đồng Euro ?

Tiến sĩ Âu Dương Thệ : Pháp và Đức là hai đầu tầu của EU. Hòa bình và thịnh vượng của khu vực này trên nửa thế kỷ qua là kết quả sự hợp tác và tin cậy giữa hai nước chính này. Từ hơn hai năm nay đồng Euro rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, có những lúc tưởng như khu vực đồng Euro bị tan rã và giữa 17 nước thành viên đã có những bất đồng lớn trong phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng. Nhưng dường như hiện nay các nước này đang tìm ra được giải pháp vừa khẩn cấp vừa lâu dài cho khu vực đồng Euro và toàn EU.

Hướng đi giải quyết nó đã khá rõ qua việc tiến hành đồng thời trên 3 lãnh vực : Cứu các nước gặp khó khăn, kết hợp với cải tổ sâu rộng những cơ cấu không thích hợp ở từng nước và kiện toàn tổ chức của EU theo hướng giảm quyền lực quốc gia của các nước thành viên và tăng cường quyền hành cho EU, nhất là trong các lãnh vực ngân sách, ngân hàng và kinh tế.

Cái nan giải ở đây là làm thế nào thỏa mãn cả ba yêu cầu này trong một khoảng thời gian cho phép. Vì chỉ giúp tiền bạc, nhưng nếu các cơ chế bảo thủ và sai lầm trong kinh tế, tài chánh, lao động và xã hội vẫn tồn tại thì như muối bỏ bể, xây nhà trên cát. Đó là trường hợp của Hy Lạp. Nhưng muốn sửa đổi các cơ cấu này ngay trong từng nước cũng rất khó khăn, vì sự chống đối của nhiều giới cảm thấy quyền lợi bị thiệt thòi. Việc sửa đổi các cơ cấu tổ chức và điều hành trên bình diện toàn khu vực đồng Euro (17 nước) và cả EU (27) cũng nan giải không kém, vì đây là 17 và 27 QG độc lập trên mọi lãnh vực chứ không phải là một liên bang như ở Mỹ.

Nhưng sau một số những chần chừ thử nghiệm không thành công từ 2 năm qua, nên gần đây EU đã bắt tay thực hiện song song cả ba lãnh vực: Giúp đỡ ngay các nước gặp khủng hoảng tài chánh bằng các khoản tiền lớn, nhưng bắt các nước này phải thực hiện các cải cách thực sự trong lãnh vực ngân sách, kinh tế, lao động và xã hội. Đồng thời Chủ tịch EU và Ủy ban EU đã được giao phó đưa ra một dự án cải tổ toàn diện EU theo mục tiêu giảm bớt quyền các nước hội viên và gia tăng quyền của EU. Nếu ba lãnh vực căn bản này được thực hiện tốt thì hi vọng trong các năm tới đồng Euro và EU sẽ vượt qua khủng hoảng.

Các chính khách có trách nhiệm của EU, đặc biệt là hai đầu tầu Pháp-Đức, đều ý thức rằng, sự vững vàng của đồng Euro và sự hưng thịnh của EU là một bảo đảm quan trọng cho hòa bình và hưng thịnh không chỉ cho nửa tỉ người ở EU mà cả nhiều khu vực trên thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay.

Comments