Venice chết vì được yêu?

(TT&VH) - Lượng khách du lịch đến Venice bùng nổ, nhưng dân số của thành phố nổi tiếng của Ý đã từ từ giảm xuống còn dưới 60.000 người do giá sinh hoạt đắt đỏ. Phần lớn du khách đến chiêm ngưỡng cây cầu Rialto nổi tiếng không nhận thấy điều này, nhưng sự thực, một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất trên thế giới đang chứng kiến “cái chết” lặng lẽ về nhân khẩu học của người bản địa.

Số liệu trên một máy chỉ dẫn tự động đặt cạnh cửa sổ mặt tiền hiệu thuốc Farmacia Morelli, nằm ngay tại trung tâm của Venice, đã cho thấy những biến động về dân số mà thành phố đang trải qua.

Dân phải bỏ đi

Năm 1500, Venice là một trong những thành phố đông dân nhất trên thế giới. Đến cuối Thế chiến II, nó vẫn còn 175.000 người sống thường xuyên. Nhưng trong tuần qua, số liệu cho thấy dân cư thành phố chỉ còn 58.483 người.

Nghịch lý của Venice nằm ở chỗ trong khi ngày càng có nhiều khách du lịch đổ về chiêm ngưỡng những di sản thế giới đã được xếp hạng ở đây, chính người dân Venice lại lục tục kéo đi nơi khác. Mỗi năm, có khoảng 20 triệu du khách xuống tàu thăm những khu phố cổ, bảo tàng và quảng trường, trong khi người dân không thể chịu nổi giá nhà cửa và sinh hoạt, cũng như tình trạng thiếu việc làm ngoài du lịch.

Người dân Venice coi con số 60.000 dân là một ngưỡng tâm lý quan trọng. Con số này được xác lập cách đây ba năm, vào tháng 9/2009. Thời điểm đó, người dân Venice đã tổ chức một “đám ma” cho thành phố, với một chiếc quan tài giả được thả xuống kênh lớn Grand Canal trong đám rước với ba chiếc thuyền gondola.

Buổi lễ này do nhóm Venessia.com thực hiện, nhằm cảnh báo về sự biến dạng của thành phố. Đây là một trang web do người dân lập ra, đứng đầu là Matteo Secchi, vốn sở hữu một khách sạn tại quận Cannaregio, ngay trên bờ kênh lớn. Những người này muốn chính quyền tìm cách đảo ngược xu thế giảm dân số bằng cách tạo thêm việc làm ngoài du lịch, giảm thuế cho người dân địa phương mua căn hộ và hạn chế việc biến nhà ở thành nhà nghỉ cho thuê.

“Từ 5 năm nay, số lượng nhà nghỉ và khách sạn nhỏ tăng chóng mặt. Chỉ cần đến các quảng trường mà xem, không có người Venice nào, chỉ toàn là du khách”, ông Sechi nói. Cũng vì thế mà giá nhà cửa đã tăng nhanh, nhiều người muốn sở hữu một căn hộ để cảm thấy trong mình có một chút duyên dáng của thành phố. Dân địa phương bình thường, không thể chịu nổi giá nhà cửa tăng, đã phải chuyển về sống ở khu Mestre trên đất liền, bên kia bờ phà Venice. Hàng ngày, khoảng 50.000 người di cư như vậy đến thành phố làm việc bằng tàu hỏa, xe buýt và phà vaporetto.

Thành phố bị biến thành Disneyland

Sự mất cân bằng giữa cuộc sống bình thường và nhu cầu lớn về du lịch cho thấy dân Venice đang cảm thấy thành phố của họ từ từ chuyển thành một dạng công viên theo chủ đề, một bộ phim giải trí sinh ra chỉ để thỏa mãn cho nhu cầu của làn sóng khách du lịch ồ ạt đổ về. Còn thành phố thực thì sẽ chết, vì quá được yêu thích.

Mỗi ngày, ước tính có khoảng 60.000 du khách từ khắp nơi trên thế giới kéo đến Venice, nhiều hơn số dân của thành phố và đe dọa phá hỏng những gì mà họ đến để chiêm ngưỡng.

Ông Sylvio Testa, một cựu phóng viên, nay đứng đầu một nhóm vận động chính quyền yêu cầu giảm áp lực từ làn sóng du khách và những chiếc du thuyền khổng lồ cập bến, cho rằng Venice đang bị biến thành một dạng Disneyland.

“Venice là một viên ngọc quý mà ai cũng muốn ngắm. Nhưng giờ hãy nhìn sang bờ kênh cạnh quảng trường San Marco xem nó có giống như một trang trại kiến hay không” - ông nói.

Sylvio Testa kết luận rằng không thể nào sống nổi ở Venice. “Anh không thể đi tản bộ trên cầu Rialto, vì có quá nhiều khách du lịch. Đối với những người dân không làm việc trong ngành này thì chất lượng cuộc sống ngày càng xấu đi” - ông cho biết.

Trên con phố chính giữa cầu Rialto và quảng trường San Marco, hàng trăm du khách đứng xem những chiếc mặt nạ carnival. Có những đôi giày đắt tiền, giá hàng nghìn euro trưng bày trong cửa hiệu. Nhưng người dân không thể mua nổi một quả táo, một chiếc cờ lê, một hộp tã lót hay bất cứ hàng hóa nào phục vụ cho cuộc sống thường nhật.

Hạn chế va chạm giữa du khách và dân bản địa

Ông Sechi muốn dân số của Venice tăng lên ít nhất 80.000 người. Hiện nay, tổ chức của ông đã đưa ra “10 lời khuyên” để hạn chế va chạm giữa du khách và người địa phương. Khách được khuyến cáo đi đúng bên phải trên những con phố chật hẹp, cho phép người khác có thể dễ dàng đi trước nếu cần thiết. Họ cũng được khuyên nên cởi ba lô khi đứng trên phà vaporetto.

Với một số người dân Venice, việc số du thuyền sang trọng cập bến ngày càng nhiều, đưa khoảng 2 triệu lượt khách đến thăm, là một biểu tượng của việc thành phố này đang nghẹt thở. Nhiều chiếc du thuyền dài đến 300m, cao đến 50m, che khuất những ngôi nhà kiểu Byzantine truyền thống, quảng trường, nhà thờ và kênh đào - những thứ làm nên Venice, và gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các chủ tàu nói rằng họ giúp tạo ra hàng nghìn việc làm và nguồn thu nhập lớn - khách đi du thuyền tiêu khoảng 150 triệu euro mỗi năm tại Venice, chủ tàu mua hàng triệu euro hàng từ các nhà cung cấp địa phương. Tính toán chung, riêng lĩnh vực này đóng góp 20% nền kinh tế của thành phố, do đó là yếu tố không thể thiếu. Ngay cả nhiều người dân Venice cũng phải đồng ý về vai trò của các du thuyền.

Tuy vậy, với việc số du thuyền cập bến tăng 440% trong vòng 15 năm qua, có thể thấy cuộc chiến để bảo về tâm hồn của Venice sẽ còn diễn ra căng thẳng kéo dài.

Comments