Đức : Đảng CDU đặt rất nhiều kỳ vọng vào bà Merkel

 

Bà Angela Merkel tại Đại hội đảng CDU tại Hanover, ngày 05/12/2012.

Bà Angela Merkel tại Đại hội đảng CDU tại Hanover, ngày 05/12/2012.

REUTERS/Kai Pfaffenbach

Mai Vân

Ngày 04/12/2012 vừa qua, đương kim Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã được đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) tín nhiệm trở lại vào chức Chủ tịch Hannover với số phiếu bầu lên đến gần 98%. Vào lúc đảng CDU tại Đức liên tiếp gặp khó khăn trong những cuộc bầu cử địa phương, câu hỏi đặt ra là vì sao bà Merkel lại được nội bộ tín nhiệm như vậy.

Trả lời phỏng vấn của RFI, tiến sĩ Âu Dương Thệ tại Dortmund cho rằng đảng CDU đang kỳ vọng rất nhiều vào người lãnh đạo rất có uy tín để vươn lên trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Tiến sĩ Âu Dương Thệ từ Dortmund, Đức

06/12/2012

Tiến sĩ Âu Dương Thệ từ Dortmund, Đức
(06:55)

RFI :

Ý nghĩa của việc bà Merkel được bầu lại vào chức vụ chủ tịch CDU với đa số gần như tuyệt đối (97,94 %) ? Vì sao uy tín của bà lại lớn như thế đối với đảng ?

ADT : Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (DCTCG - CDU) là đảng cầm quyền ở Đức vừa tổ chức Đai hội trong hai ngày 4-5/12/2012 để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang (QHLB) vào tháng 09/2013. Bà TS Merkel, Chủ tịch đảng đồng thời cũng là Thủ tướng Đức đã chiếm được gần 98% đại biểu tham dự. Đây là con số tín nhiệm cao nhất bà Merkel đã nhận được từ khi bà làm Chủ tịch đảng này vào năm 2000. Kết quả đạt được gần như 100% này không nên lầm lẫn với các cuộc bầu cử trong các chế độ độc đảng, như ở VN. Trái lại, các đại biểu của đảng DCTCG đã được tự do chọn lựa và quyết định.

Sở dĩ bà Merkel đạt được tín nhiệm cao như vậy là vì bà rất được mến trọng trong đảng của bà và có uy tín rất lớn ở Đức. Mặt khác nữa, các chính đảng ở Đức có thói quen, trong Đại hội chuẩn bị bầu cử quan trọng thường tỏ ra đoàn kết nhất trí với ứng cử viên lãnh đạo đảng để thu hút thêm cử tri.

Nếu căn cứ vào thân thế và sự nghiệp chính trị của bà Merkel thì bà là một chính trị gia rất đặc biệt trong nhiều phương diện: Cho tới khi 36 tuổi bà Merkel sống ở Đông Đức cũ, tốt nghiệp tiến sĩ vật lý và không hoạt động chính trị gì cả. Bà sinh ra trong gia đình mục sư Tin Lành. Nhưng từ 1990 khi Đức thống nhất, bà đã gia nhập đảng DCTCG, đại đa số đảng viên của đảng này theo Thiên chúa giáo và rất bảo thủ. Nhưng bà đã được cựu Thủ tướng Kohl lúc đó hết sức nâng đỡ, cho nên bà Merkel đã đảm nhiệm nhiều chức bộ trưởng trong các bộ khác nhau.

Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đảng DCTCG rơi vào khủng hoảng nội bộ trầm trọng thì bà Merkel đã lên như diều và trở thành đảng trưởng từ năm 2000.Từ tháng 11/2005, bà Merkel là Thủ tướng Đức.

Trong các năm bà làm Thủ tướng thì đảng DCTCG đã thua đậm trong nhiều cuộc bầu cử ở các tiểu bang lớn. Tuy vậy uy tín của bà Merkel lại vẫn lên cao, nhiều đối thủ chính trị của bà trong đảng đã phải tự rút lui hay từ chức.

Trong các năm qua chính bà Merkel đã có một số quyết định quan trọng không theo khuynh hướng bảo thủ của DCTCG, như bãi bỏ luật quân dịch đã có từ khi Liên bang Đức được thành lập và đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử, mặc dầu nhiều doanh nhân Đức hàng đầurất có thế lực trong đảng DCTCG chống lại. Trong chủ tịch đoàn của đảng DCTCG vừa được bầu ngày 04/12, thì nhiều phụ nữ đã thắng cử. Các điều này chứng tỏ khuynh hướng tự do đang lấn át khuynh hướng bảo thủ trong đảng DCTCG dưới thời bà Merkel.

RFI : Tác động của kết quả bình chọn này đối với chính trị nội bộ Đức trong lúc Đức sắp bầu lại Quốc hội vào mùa thu sang năm ? Tác động với châu Âu ra sao ?

ADT : Căn cứ theo cách tính toán và lề lối quyết định quen thuộc của bà Merkel trong các năm gần đây, nhất là từ khi EU và đồng euro rơi vào khủng hoảng từ trên 2 năm thì từ nay tới mùa Thu 2013, EU và khu vực đồng euro khó có thể chờ đợi các quyết định nhanh chóng và mạnh mẽ của Thủ tướng Merkel. Vì bà thường có thói quen không muốn làm xáo động lớn có thể mất phiếu cho đảng của bà trong kỳ bầu cử Quốc hội Liên bang sắp tới.

Vào cuối tháng 01/2013 sẽ có cuộc bầu cử QH tại tiểu bang Niedersachsen. Nếu đảng Tự do (TD – FDP) không đạt được 5% số phiếu thì có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị lớn không chỉ trong đảng TD, mà có thể nổ ra cả trong đảng DCTCG của bà Merkel. Vì đảng TD đứng trong liên minh với DCTCG. Cho nên cuộc bầu cử cuối tháng Giêng sắp tới có thể coi là thước đo chính trị tương lai của bà Merkel.

RFI : Bà Merkel liệu sẽ có thế mạnh hơn hay không để bảo vệ/áp đặt quyền lợi của Đức trong các cuộc đàm phán châu Âu ?

Hiện nay uy tín của bà Merkel rất cao cả trong DCTCG lẫn trên toàn quốc. Nhưng uy tín của đảng DCTCG ở Đức lại đang đi xuống. Qua các cuộc thăm dò dư luận gần đây thì Liên minh Thiên chúa giáo (CDU/CSU) chỉ còn khoảng dưới 40%.

Có một số trường hợp xẩy ra sau cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang vào tháng 9.2013: Nếu đảng Tự do, một đảng trong chính phủ liên hiệp của bà Merkel, đang rất yếu,nếu không vượt qua được 5% số phiếu của cử tri. Khi đó đảng TD sẽ không có chân trong Quốc hội Liên bang và như thế sẽ xẩy ra một số trường hợp: Một liên minh mới sẽ lập chính phủ gồm hai đảng Dân chủ Xã hội (DCXH - SPD) và đảng Xanh (Die Grünen). Hay một chính phủ liên hiệp lớn gồm DCTCG và DCXH, hoặc chính phủ liên hiệp giữa DCTCG và đảng Xanh.

Tình hình chính trị này ở Đức cho thấy, bà Merkel sẽ khó có thể cạn tầu ráo máng với hai đảng DCXH và đảng Xanh được. Trong khi đó hai đảng lớn này lại theo đuổi chính sách rất thân thiện với EU và sẵn sàng có những chính sách giải quyết rứt khoát và nhanh chóng cuộc khủng hoảng của đồng euro.

Trong tư thế chính trị rất éo le như vậy thì bà Merkel tuy không dám lấy quyết định mạnh trong việc giải quyết khủng hoảng đồng euro, nhưng mặt khác bà cũng không thể làm cho cuộc khủng hoảng này xấu hơn được !

Không những thế, như đã trình bày ở câu hỏi trước, tư tưởng chính trị của bà Merkel thiên về tự do và ý thức rõ vai trò quan trọng của EU và đồng euro. Cho nên mặc dù hai năm qua bà đã có những tuyên bố cương quyết chống lại việc trả nợ thay cho Hy Lạp, nhưng cuối cùng bà Merkel cũng phải chấp nhận phải sử dụng tiền thuế của nhân dân Đức cáng đáng trả nợ cho Hy Lạp. Cụ thể nhất là chỉ riêng trong năm 2013 Đức sẽ phải chi trên 700 triệu Euro cho Hy Lạp. Nói tóm lại, dù bà Merkel giữ tiếp hay mất ghế Thủ tướng trong tương lai thì trước sau Đức vẫn giữ trách nhiệm lớn trong EU.

Comments