NGUYỄN VĂN PHIÊN: Anh tôi

Võ Văn Bảy

Sáng chủ nhật ngày 30/12/2012, tôi ghi vào mảnh giấy và dán vào màn ảnh máy điện toán: “Ngày mai gọi chúc mừng sinh nhật anh Tư”. Anh Tư là tên gọi trong gia đình của anh Nguyễn Văn Phiên. Đến trưa, con gái anh gọi tôi từ Cali: “Chú Bảy ơi, bịnh của ba trở nên xấu, chú qua ngay!” Tôi mua được vé bay thẳng từ Maryland đến Los Angeles chuyến sớm nhất 6 giờ sáng hôm sau. Nhưng đến 10 giờ tối, cháu gọi qua cho biết ba đã lìa đời.

image (4)

Tôi lặng người. Anh đi nhanh quá. Không ngờ rằng lời anh nói với tôi hơn một tháng trước khi tôi sang thăm anh đã trở thành sự thật: “Chắc đây là lần cuối anh em mình gặp nhau”. Tháng trước, anh còn khỏe lắm; còn lên lầu xuống lầu. Tiếng nói còn rổn rảng như mọi ngày. Chuyện kể vẫn rành rẽ như mọi khi. Những chuyện liên hệ gia tộc dây mơ rễ má. Chuyện ông cố tôi từ miền Trung vào lập nghiệp, truyền nghề ruộng rẫy cho các con cháu. Chuyện ba tôi thấy nghề làm ruộng cực nhọc quá nên chuyển sang nghề Đông y. Chuyện ông ngoại tôi làm cai Tổng của triều đình. Chuyện thời sự kinh tế, chính trị. Chuyện vợ, chuyện con… Anh nói say sưa, không ngưng nghỉ. Tai tôi như còn đang nghe tiếng rổn rảng của anh và tiếng tôi trả lời: “Chưa đâu, mình còn gặp nhau nữa!”

Rồi bỗng nhiên trước mắt là những hoài niệm về anh…

Tôi nhỏ hơn anh 10 tuổi và là đứa em út cùng cha cùng mẹ, gồm 4 anh chị em. Chúng tôi gọi người chị lớn nhất là chị Ba. Tôi gọi anh là anh Tư, chị kế là chị Năm. Chị thứ sáu chết yểu. Và tôi, thứ bảy. Sở dĩ tôi gọi chị lớn nhất là chị Ba vì trước chị Ba, tôi có chị Hai, con bà vợ đầu tiên của ba tôi. Ba tôi có 3 đời vợ. Má lớn chúng tôi sau khi sinh đứa con gái duy nhất thì chia tay với ba tôi. Má tôi là người vợ kế của ông. Một trong những người con của chị Hai có mặt trong tang lễ này: Cháu Nguyễn Minh Yêm. Mẹ chúng tôi mất khi tôi lên 6. Hai năm sau, ba tôi sống với bà vợ thứ ba và chúng tôi lần lượt có 6 đứa em nữa. Đứa em trai duy nhất cùng cha khác mẹ cũng đang hiện diện chịu tang ông anh: Em Võ Văn Thuận. Năm đứa em gái khác còn ở Việt Nam.

Anh Tư tôi học rất giỏi. Theo học trung học College de Cần Thơ, trong một dịp hè anh thi đậu cả hai bằng Thành Chung vimage (8)à Diplom. Nhờ đó anh được tuyển chọn nhập học trường sư phạm Sài Gòn, cũng là ước mong của anh. Nhưng sau khi tốt nghiệp thay vì nhận được giấy bổ nhiệm dạy học thì anh nhận được lệnh động viên vào quân đội quốc gia. Đúng lúc đó, tôi vừa dứt bậc tiểu học. Theo dự trù thì tôi theo học trung học ở trường tỉnh Châu Đốc nhưng nhân dịp anh lên Sài Gòn nhập ngũ khóa 2 sĩ quan trừ bị ba tôi gửi tôi theo anh đi học ở Sài Gòn. Thấy ba mình đang vất vả lo cho đàn con lớp sau, anh hứa là sẽ coi sóc tôi và khuyên ông đừng lo lắng. Coi sóc không chỉ về mặt tinh thần mà còn cả vật chất.

Trước khi vào quân trường Thủ Đức, anh gửi tôi cho người bạn học cũ, lúc đó đã là giáo viên. Thật may cho tôi, ông Thầy này đang là một thi sĩ đang lên nên tôi cũng bắt đầu phải lòng văn chương thi tứ. Khi tôi vừa lên đệ ngũ thì anh được sang Pháp tu nghiệp. Một năm sau, với bằng tốt nghiệp ưu hạng về tiếp liệu Quân Nhu, anh về nước, được thăng cấp Đại úy, và được đổi ra Nha Trang làm chủ sự sở Quân Nhu Quân Khu 2. Tất nhiên anh “lôi” tôi theo. Hai năm sau, anh đổi đi Đà Nẵng và đồng ý cho tôi ở trọ nhà người bạn chung lớp để chương trình trung học của tôi được liên tục… Tôi lại gặp cái may thứ hai là người bạn chung lớp chung nhà rất thông minh và tài hoa. Chúng tôi cùng say mê Toán và cùng say mê văn học. Truyện Kiều, Cung Oán, Chinh phụ ngâm đều thuộc làu làu. Tiểu thuyết ở các nhà cho thuê thì khó bỏ sót cuốn nào được giới thiệu là hay.

Năm sau, anh cưới vợ và đổi về Sài Gòn. Đến hè, tôi kết thúc bậc trung học ở Nha Trang cũng cuốn gói về theo. Ươc mong của anh là tôi phải tốt nghiệp Đại học Sư phạm để thay cho giấc mộng dở dang của anh nhưng tôi lại thấy đã đến lúc cần trút bớt gánh nặng cho anh khi chị sinh đứa con đầu lòng. Vào dịp anh du học Hoa Kỳ, tôi thử “ý Trời” bằng cách nộp thi vào trường Sĩ quan Hải quân. Và quả là Trời đã tán đồng quyết định của tôi…image (9)

Sau khi ra trường, đổi xuống đi tàu, mỗi lần về bến Sài Gòn là tôi lại về nhà anh chị, ăn uống tự nhiên như thuở học trò. Ấy vậy mà không hiểu sao có lúc tôi vẫn túng thiếu. Khi ngặt nghèo quá, tôi đành mò lên sở anh xin yểm trợ ít tiền. Một lần, tiền vào túi xong, định ra về thì anh bảo ngồi chơi. Anh hỏi han về sinh hoạt của tôi trên chiến hạm. Anh hỏi có thường đụng trận không. Tôi nói, ở biển thì không nhưng vào trong sông thì lai rai bị phục kích. Thế là anh quay điện thoại nói chuyện với Tư lệnh Hải quân Chung Tấn Cang mà hai người vốn quen biết khi cùng học bên Pháp. Nói chuyện xong, anh đưa tôi giấy tờ bảo về điền nộp xin đi học Phát hướng viên. Tôi phản đối kịch liệt. Tôi nói với anh là tôi đi Hải quân là để thành Hạm trưởng chớ đâu để làm sĩ quan tài chánh. Thuyết phục mãi không xong, anh thở dài: “Nhiều người xin tao giúp mà tao từ chối. Còn mày, thằng em độc nhất của tao, tao tự nguyện giúp thì lại bị chối từ. Thôi mặc xác mày.”

Một ngày trong năm cuối cùng trước khi tan hàng, tôi lại đi tìm anh. Sở cũ bảo anh đã về làm ở Bộ Quốc Phòng. Gặp thằng em, anh tỏ vẻ ngạc nhiên rồi buông một câu hỏi trúng phóc: “Lại hết tiền phải không?”

Tang lễ của anh diễn ra trong 3 ngày cuối tuần. Nằm trong quan tài, hình dáng anh không có gì thay đổi. Đôi mắt nhắm kín, khuôn mặt bình thản an nhiên. Môi cười mỉm rất nhẹ. Dù Cáo Phó ghi là xin miễn phúng điếu mà người đến viếng ngày nào cũng đông và tràng hoa dần dần đặt kín quanh tường. Tang gia thoạt đầu chỉ muốn tang lễ giản dị nhưng rồi mỗi lúc một thêm trang nghiêm.image (5)

Cùng với thân nhân, thông gia và bằng hữu là các hội đoàn đã đến chào tiễn biệt anh. Ngày cuối cùng trước khi cử hành lễ hỏa táng, trưởng nữ của trưởng nam của anh đã nói lời từ biệt ông nội bằng tiếng Việt thật rành rẽ và thân thương. Cháu cho ông nội biết là ngay sau buổi lễ, cháu sẽ trở về trường để chuẩn bị bài vở cho kỳ thi tốt nghiệp cử nhân vào sáu tháng tới. Cháu vẫn nhớ các phong tục tập quán Việt Nam được ông nội giảng dạy. Cháu cũng đã thấy tầm quan trọng của việc học hỏi và kiến thức mà ông nội thường nhắc nhở. Cháu hứa là sẽ luôn luôn học hỏi để bồi dưỡng kiến thức như ông nội đã làm đến tận cuối đời. Cuối cùng, cháu chúc ông nội an giấc nghìn thu.

Nhiều thành viên trong các hội đoàn hiện diện như Quân trường Thủ Đức, khóa 2 Thủ Đức, binh chủng Quân Nhu, ngành Hành chánh Tài chánh lên phát biểu cảm tưởng, đọc điện thư phân ưu tự bạn bè trên tứ xứ … Một sĩ quan tài chánh cấp cao nhân danh ông Châu Kim Nhân là cựu Tổng trưởng Tài chánh, cựu Phụ tá Tổng trưởng Quốc Phòng vì đang bị bệnh không đến được, đã đề cao tác phong tư cách của anh, tuyên dương công trạng thành tích của anh và kể lại những kỷ niệm của thời chung lo việc nước. Bài điếu văn gây xúc động. Thuở sinh thời, anh cũng thường nhắc đến ông cựu “xếp lớn” này. Đó là một người rất năng động và lúc nào cũng quan tâm đến mọi thuộc cấp cho dù ngày nay không còn ai là viên chức thuộc quyền. Vài năm một lần, mỗi khi có đại hội Hành chánh Tài chánh, dù là hội ở Cali hay Texas, ông đều bay từ Thủ đô Washington đến dự. Trong mấy năm anh Phiên lâm bệnh, cả hai ông bà thỉnh thoảng bay từ bờ Đông sang bờ Tây, đích thân đến nhà hoặc vào tận bệnh viện hỏi han anh và cho quà cáp.

image (2)Trong một phát biểu khác, một chiến hữu của ngành Tài chánh đã khơi lại những thích thú cũng như những muộn phiền qua năm tháng làm việc dưới quyền xếp Phiên. Vị này xác nhận rằng xếp chưa từng phạt kỷ luật người nào nhưng vì tính quá khe khắt, thường hay nổi nóng nên dù các nhân viên đều thương mến xếp, họ cũng không tránh khỏi buồn phiền. Đến nỗi đã đặt xếp cái danh hiệu là đại tá “phiền” thay vì đại tá Phiên.

Đặt cái danh hiệu đầy ý nghĩa đó, không ai biết rằng nó lại trúng phóc cái tên khai sinh của anh. Đó là một cái tên có một “lịch sử” là lạ mà tôi thấy mọi người hiện diện cũng nên biết qua. Vì vậy, dù không dự trù phát biểu, tôi cũng vội xin có vài lời trước khi sang phần Cảm tạ các quan khách của Trưởng nam người quá cố. Nguyên thủy, anh tên Nguyễn Văn Hiền. Tất cả chúng tôi đều mang họ mẹ vì khi cưới mẹ chúng tôi, ba tôi còn kẹt hôn thú với bà vợ lớn. Bà mụ ghi tên anh tôi vào sổ với chữ H hoa viết tay. Viên chức làng xã đọc thành chữ Ph. Thế là trên giấy khai sinh sổ bộ, tên Nguyễn Văn Hiền thành Nguyễn Văn Phiền. Về sau, khi vào quân đội và được du học ở Mỹ, chữ Phiền biến thành Phiên vì chữ Mỹ không có dấu huyền. Còn tên của tôi cũng biến hóa còn hơn cả tên anh. Ba tôi chọn tên tôi là An Ninh để tương ứng với tên ba tôi là An Hà. Ông chọn tên rồi quên nói với vợ. Chẳng ngờ nhằm lúc tôi chào đời ông lại bận chuyện đi xa nên khi bị làng xã thúc hối, mẹ đành lấy cái thứ tự của tôi trong đàn con mà đặt tên: Nguyễn Văn Bảy. Khi ba tôi trở về, thấy tên tôi lạ xa, ông chợt nhận ra cái dòng họ Võ có thể lụi tàn. Vì vậy ông xin má lớn chúng tôi hủy bỏ hôn thú, đồng thời ông lập hôn thú với má ruột chúng tôi. Khi trình hôn thú cho viên chức sổ bộ, chữ Nguyễn trước tên tôi được gạch ngang, bên trên ghi vào chữ Võ. Nhưng anh Phiên và các chị tôi thì vẫn giữ nguyên họ mẹ. Ba tôi giải thích rằng vì các anh chị tôi đều đã lớn, tên họ đã ghi vào các cấp bằng, nên việc đổi họ trở nên nhiêu khê. Tôi vốn thích cái tên An Ninh hơn là tên số Bảy, nên đã hỏi ông vì sao nhân đổi họ cho tôi ông lại không thay luôn tên mới là An Ninh, ông cười bảo số Trời cho má tôi chọn tên cho con nên ông quyết định giữ nguyên tên đó để làm… kỷ niệm.”

Nhắc lại chuyện cũ, tôi bỗng giật mình nhìn quanh: Hóa ra tôi là đứa con út được má đặt tên hôm nào, hôm nay trở thành đứa con cuối cùng còn sống!

Khi đứng cạnh quan tài thì thầm lời tạ ơn ông anh đã dưỡng dục tôi nên người, tôi chợt nhìn nụ cười mỉm của anh mà không ngăn được cơn xúc cảm nghẹn ngào. Có một điều hôm nay tôi thấy rất rõ: Trong suốt cuộc đời kéo dài 84 năm của anh, anh thường nhặng xị với lắm người nhưng lại dành cho tôi nhiều tiếng cười nhất. Và hôm nay, đây là lần đầu anh mỉm cười với tất cả.

Còn một chuyện nữa, tôi nghĩ là sẽ giúp anh vui vẻ hơn. Nên tôi lại thì thầm: “Anh biết không, ba mất ở tuổi 76 là người sống thọ nhất của dòng họ Võ. Hôm nay, anh tuy mang họ Nguyễn nhưng vẫn là người đã phá kỷ lục sống lâu của ba. Anh hãy vui vẻ ra đi. Em không dám hứa là sẽ phá kỷ lục của anh nhưng xin hứa chắc là anh em mình sẽ gặp lại nhau…”

Comments