Mơ Xuân

 

!cid_image002_jpg@01CE0ADC

Việt Tribune

Ngày xưa xuân thắm quê tôi
Bao nhánh hoa đời đẹp tươi
Mẹ tôi sai uốn cây cành
Vun tưới hoa màu xinh xinh
Thời gian nay quá xa xăm
Tôi đã xa nhà đầm ấm
Sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm…

Có thể hầu hết chúng ta chẳng thể nhớ được lần cuối cùng bài hát đằm thắm, rạt rào và day dứt bất hủ này của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đến với mình vào lúc nào, nhưng chắc chắn cảm tưởng chung là như thể mới nghe đâu hôm qua, hôm kia, bài hát vẫn đâu đây trong không gian, vẫn hằn sâu trong tâm khảm của chúng ta. Cho đến khi buồn bã nhớ lại rằng hiện tại làm cho chúng ta mất mát quá khứ nhiều quá.

Ngày mai thứ Bảy 9-2 đã tới ngày cuối năm âm lịch, đến nửa đêm là đón giao thừa, để bước vào một cái Tết mới nhằm ngày Chủ nhật. Đã có bao nhiêu lần ngày mùng một rơi vào Chủ nhật? Thật chẳng thể nhớ nổi, nếu có. Nhưng Tết hiện nay nhằm vào ngày nào bây giờ cũng vậy thôi, bởi vì làm sao có Tết, còn Tết mà nói chuyện tết nhất. Có khi chúng ta chỉ bám một cách tuyệt vọng theo những tập tục cũ, trong khi một nếp văn hóa từng làm nên con người chúng ta không còn nơi nương tựa cho nó.

Dù sao, năm cũ hầu như đã qua. Năm mới sắp đến. Người ta vẫn quen nhìn ngoái lại năm cũ và hướng về năm mới. Nhìn năm cũ thì tiếc nuối, day dứt vì những chuyện mất mát hay lẽ ra không nên như thế. Hướng về năm mới, chỉ mong sẽ chẳng có chuyện gì bất toại xảy ra và những chuyện lý tưởng lại thành sự thực. Đúng là chuyện “Mơ Xuân”.
Năm Nhâm Thìn đang kết thúc này đã rối bời đến mức khó thể nhớ nổi hết mọi chuyện và cũng chẳng đáng nhớ để chỉ thêm bận tâm, lo lắng, bi quan. Ở Mỹ năm qua là năm có bầu cử tổng thống, cho nên chính trường vốn nổi tiếng dơ bẩn, xấu xí và điên rồ lại càng thêm đậm những vết nhơ nhuốc. Ông Obama đã tái đắc cử với sự ủng hộ đặc biệt của người Latino làm cho người Cộng Hòa giật mình. Đây có thể là một khởi điểm trong “chính sách đối ngoại” mới (tức đối với người ngoài đảng, ngoài chủng tộc da trắng trong nước) của đảng Cộng Hòa. Trong sự bế tắc của chính quyền trước những vấn đề ngân sách, nợ nần, thiếu hụt, cùng sự nổi cộm của hai nan đề đối nghịch: thuế đánh vào lớp trên và gánh nặng phúc lợi xã hội cho lớp dưới, nền kinh tế Mỹ đang tiến đến gần hơn bao giờ hết một “quang cảnh bình thường mới”: thất nghiệp cao hơn, tăng trưởng chậm hơn, sự năng động yếu hơn, và người dân bất an hơn, niềm tin đang dần phải nhường chỗ cho sự thất vọng.

Sự rối bời, hỗn loạn, thực ra, đang diễn ra nơi nơi trên thế giới, khiến cho nhìn một cách tương đối, nước Mỹ lại là chỗ an bình. Khủng hoảng tài chánh ở châu Âu dường như ngày càng tệ ở chỗ không có lối ra, và nay những nước vẫn được xem là lãnh đạo Liên Âu và Khu vực đồng Euro như Đức, Anh, Pháp… đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tình hình Bắc Phi máu lửa tơi bời, lan rộng. Trung Đông và Nam Á vẫn hỗn loạn trước sự không định hướng được của những thế lực Hồi giáo mộng mị, hoang tưởng. Ở Đông Á, những nước dân chủ “trẻ trung” đang rực sáng như Nam Triều Tiên, Thái Lan, Phi Luật Tân, ngay cả Miến Điện, Indonesia… vẫn phải “chung sống hoà bình” với những chế độ lạc hậu không thể tưởng được như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Campuchia, Việt Nam…

Nhưng nếu được hỏi chuyện gì trong năm nay sẽ đọng lại trong tâm trí chúng ta lâu dài nhất, e rằng câu trả lời phải là chuyện súng đạn trong dân gian ở nước Mỹ. Số vụ án bạo lực súng đạn xảy ra quá dồn dập - giống như chúng ta đang trở lại thời xưa Wild Wild West. Số người vô tội thiệt mạng nhiều quá, nhất là những trẻ em mới 5-6 tuổi đã là nạn nhân của sự ngu xuẩn của người lớn. Ở nước Mỹ, hóa ra người điên nhiều quá, và nguy hiểm quá, bởi vì cái văn hóa súng đạn. Và chúng ta chẳng thể hiểu được hiệu quả của nền dân chủ nước Mỹ, khi một tổ chức “quần chúng” như Hiệp hội (kinh doanh) Súng Quốc gia NRA lại có quyền lực chi phối, lũng đoạn cả hai viện của Quốc Hội.

Trong những ngày cuối năm, có hai tin buồn làm cho người Việt chúng ta cảm thấy bồi hồi tấc dạ. Đại tướng Nguyễn Khánh đã qua đời ở Mỹ. Nhạc sĩ Phạm Duy đã lìa đời ở Việt Nam. Bỗng dưng người ta không khỏi tưởng nhớ chuyện đất nước xa xưa và chuyện xã hội ngày nay. Chuyện cả nửa thế kỷ trước. Chuyện làng âm nhạc Việt Nam.

Năm mươi năm trước, quân đội đã lật đổ chế độ Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong biến cố ngày 1-1-1963, nhưng Hội đồng Quân nhân Cách mạng của tướng Dương Văn Minh không xây dựng nổi một chế độ mới. Chỉ ba tháng sau, tướng Nguyễn Khánh, đang là tư lệnh vùng 1, đã lẳng lặng trở lại Saigon cùng với một số thành phần bất mãn làm một cuộc “chỉnh lý” để hạ bệ phe Dương Văn Minh để giành quyền lực. Ông Nguyễn Khánh đã “có công” phơi bày sự bất ổn và kém năng lực của ông Dương Văn Minh. Nhưng trong 12 tháng sau đó, ông đã làm cho chính trường tan nát, quân đội phân hóa, xã hội xáo trộn, an ninh quốc gia bị đe dọa nặng nề. Rất khó đặt ra giả thuyết cho lịch sử, cho nên chẳng thể có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi giả thử Đại tướng Nguyễn Khánh có thể kiểm soát được tham vọng của mình thì miền nam của chúng ta ra sao. Chúng ta chỉ nhớ lại năm 1964 nhiễu nhương đó, và cảm thấy ai cũng có trách nhiệm: tôn giáo, đảng phái, quân đội, trí thức, sinh viên, học sinh.

Một ngày Chủ nhật cuối tháng Giêng vừa qua, nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời. Quá nhiều người đã viết lên sự thương tiếc trước sự ra đi của ông. Không ít người tham dự những cuộc họp mặt để tưởng niệm. Người ta nhìn vào mặt vĩ đại của sự nghiệp của ông. Chẳng gì đúng hơn khi nói ông ra đi, một cây đại thụ trong khu vườn âm nhạc Việt Nam sụp đổ. Nhìn cảnh tượng của khu vườn này hiện nay mới là đáng lo, đáng sợ - như vừa trải qua một cơn bão thời đại. Ông hầu như là người cuối cùng trong hàng loạt tên tuổi lớn của làng âm nhạc đã ra đi. Mà lại là tên tuổi lớn nhất còn sót lại. Chúng ta hình như ngày càng ít hát, ít nghe, và ngày cũng càng có ít bài hát để hát, để nghe, cho nên cứ phải mượn những bài ca xưa… Cho đến khi… Những thế hệ sau này làm sao có được một khu vườn âm nhạc sum suê cây trái như cha anh chúng đã từng có. Một câu hỏi trong phạm vi hạn hẹp, nếu mở rộng ra, thực khó nhìn rõ phía trước.

Thế nhưng chúng ta cũng không thể quên được ý nghĩa hy vọng trong ba ngày Tết sắp đến, cho dù ba ngày sắp đến cũng vẫn là “một ngày như mọi ngày”. Hy vọng là mơ mộng, và đương nhiên chúng ta không thiếu gì chuyện để mơ mộng cho đến khi thực tế buộc chúng ta thoát khỏi thế giới riêng của mình.

Chúng ta ước gì trong năm nay ông Obama sẽ thúc đẩy được chuyện cấm một cách dứt khoát việc sản xuất, buôn bán, lưu hành súng tấn công trong xã hội – loại súng AR-15, M16, AK 47 quen thuộc của thời chiến tranh, vẫn được gọi là “súng tàn sát” mà chính những người lãnh đạo quân đội cũng ớn. Một trường học mà phải có lính gác mang súng lởn vởn chung quanh đúng là quá kém văn minh, bất kể những ấn tượng đi vào đầu của con trẻ từ nhỏ về xã hội mình đang sống, đang lớn lên. Cũng chẳng thể không đả phá một tổ chức như NRA lại nắm cả chính trường. Và người dân nước Mỹ nên tập nhìn ra bên ngoài để thấy bên kia bờ Đại Tây Dương, có những người dân châu Âu không phân biệt được Africa và America chỉ vì chuyện “văn hóa súng đạn” này. (Không nói chuyện bảo hiểm y tế).

Làm được chuyện súng đạn này, cùng xúc tiến được luật cải tổ y tế đại chúng, ông Obama sẽ trở thành một vĩ nhân của nước Mỹ ít nhất trong thế kỷ còn trẻ trung này – cho đến nay. Người Mỹ vẫn sống quá lo lắng vì sức khỏe, nhất là sức khỏe trong tuổi già, vì bảo hiểm y tế mù mịt như khu rừng không lối ra, vì Obamacare chưa được áp dụng đầy đủ, và cũng còn phải chịu nhiều thử thách. Nhin sâu vào xã hội, chúng ta thấy có hai bài toán vẫn đang còn làm hoa mắt: bệnh tự kỷ nơi trẻ con và tâm thần của người lớn. Tự kỷ của trẻ em là chuyện đáng thương. Tâm thần của ngưòi lớn là chuyện nguy hiểm. Nhìn vào xã hội như thế, làm sao lương tâm chúng ta yên ổn được.
Nước Mỹ đang mở rộng cho di dân “không giấy tờ”. Vấn đề cải cách giáo dục đúng ra cần phải được đặt ra một cách cấp bách hơn nữa, vừa là vì mục tiêu xây dựng kinh tế, vừa là định hướng phát triển văn hóa (đa chủng) quốc gia. Cải cách giáo dục phải nằm trong hướng chiến lược phát triển đất nước dài hạn, nghĩa là nước Mỹ cần bỏ đi sự tự mãn của những gì mình có trước mắt. Đó là điều khó, vì chúng ta có biết bao cơ chế, định chế cần được cải cách, nhưng khảo hướng bao giờ cũng là nửa vời.

Nhìn về quê nhà, nghe nói có cuộc vận động tu chỉnh hiến pháp, có phong trào yêu cầu “bầu cử dân chủ”. Chắc chắn đó là giấc mơ muôn thuở của không biết bao người. Dù nhanh hay chậm, người dân cũng dần dần sẽ phải có ý thức về cái cần, cái đẹp, cái khả hiện của dân chủ. Tất cả tùy thuộc vào sự sẵn sàng lên tiếng của người dân hơn là sự “rộng lượng” của những người cầm quyền. Đến lúc đó, người ta sẽ không còn nằm mơ nữa - cả người dân và người cầm quyền.

Mơ mộng thường làm cho chúng ta đi xa có lúc trở nên không tưởng. Trong mấy ngày này, tất cả chỉ là giấc mơ xuân giúp chúng ta biết được con tim của mình đang hướng đến đâu, cho dù cuối cùng phải đầu hàng trước trí óc thực tế![HNN]

Comments