Quanh quẩn chuyện đạo, chuyện đời

Hoàng Ngọc Nguyên

Tổng thống Obama nói về vấn đề ngân sách, đứng cạnh ông là toán nhân viên đảm nhiệm công tác đáp ứng khẩn cấp mà Tòa Bạch Ốc cho biết là sẽ bị ảnh hưởng do hệ quả của việc cắt giảm ngân sách, 19/2/13

Việc đời, việc đạo đời nay xem chừng ngày càng phức tạp. Sáng thứ Hai là tuyên bố từ chức (hay thoái vị?) của Đức Giáo Hoàng Benedict. Tối thứ Ba là thông điệp Tình hình Liên bang của Tổng thống Barack Obama. Tuyên bố của Đức Giáo Hoàng gây sự bàng hoàng, rúng động nơi nơi. Nó chẳng phải chỉ liên quan đến Tòa Thánh La Mã, chẳng phải chỉ làm chột dạ giáo phận Los Angeles của Tổng giám mục Jose Gomez. Nhiều người đang thấy qua quyết định rút lui của Ngài một sự cảnh cáo nghiêm trọng cho tất cả các tôn giáo. Thông điệp của ông Obama làm cho nhiều người cảm xúc khi thấy ông Obama nghĩ đến mình, nhưng cũng có người “bức xúc” vì ông cứ làm như nước Mỹ này chỉ có một giai cấp trung lưu là đáng kể. Thông điệp này đúng là một sự khẳng định cương quyết của Tổng thống Obama quan điểm chính trị của ông, đó là chính trị phải phục vụ sự công bằng xã hội. Từ đó phía Cộng Hòa đã phản ứng lại: ông Obama chỉ chực “xâm phạm đời sống của cá nhân” để có cớ mở rộng, làm phình to chính phủ.

Đức Giáo Hoàng thoái vị…

Đức Giáo Hoàng không thể thành thật hơn khi nói lý do Ngài từ chức là vì tuổi già, sức yếu, và mỏi mệt trước những vấn đề thời đại quá khả năng cáng đáng của Ngài. Ngài nói: “Tôi biết rằng sứ vụ này, do bản tính siêu nhiên của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, nhưng phải đi kèm với không ít những lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình”.

Thế nhưng ta cũng biết rằng Giáo hoàng thì thoái vị, không từ chức. Lần cuối cùng trong lịch sử một Giáo hoàng thoái vị là cách đây gần đúng 600 năm (Đức Giáo Hoàng Gregory II). Đức Giáo Hoàng Benedicto đã 86. Một tuổi bình thường chẳng ai ràng buộc được trách nhiệm gì nơi Ngài, nhất là khi Ngài mới nhận lãnh sứ vụ này chưa đến tám năm. Là người Đức, Ngài vốn có tiếng là người cô độc, im lặng. Tuy thế, phải chăng trước những nan đề của Vatican hiện nay, Ngài cảm thấy có phần nào trách nhiệm trong đó, cùng với trách nhiệm phải nhường chỗ cho người khác có thể có những giải pháp hay hành động có hiệu quả hơn.

Cả mấy năm qua, Tòa Thánh La Mã vẫn cứ loay hoay tìm cách gỡ rối hết vụ tai tiếng này đến vụ tai tiếng khác của một số giáo hội, giáo phận có mấy cha bị khép tội ấu dâm trong bao thập niên qua. Một phần chính trong những lời tố cáo này là chuyện ấu dâm của mấy cha sở dĩ cứ tiếp diễn từ đời này qua đời khác là do sự bao che của chính Vatican, mà trách nhiệm chính trong sự che đậy này có lúc người ta đã chỉ thẳng vào Ngài, khi Ngài còn là một Hồng y chịu trách nhiệm về trật tự, kỷ luật trong giáo hội, tức xem xét những sự vi phạm của các linh mục. Người ta cũng nói đến sự khủng hoảng tài chánh, thiếu hụt ngân sách triền miên của giáo hội trong những năm gần đây, một phần do phải chi trả cho những vụ bồi thường, dàn xếp với những nạn nhân của các cha từ bao đời nay đang dần dần ra ánh sáng. Người ta cũng nói thời thế toàn cầu đang rất phức tạp. Nhiều tôn giáo lớn đang trở nên manh động và góp phần vào tình hình hỗn loạn trên các lục địa. Thế nhưng Thiên Chúa giáo dường như đang chủ trương “khép kín”, thiếu đối thoại với những tôn giáo khác như Hồi giáo, Do Thái giáo, Tin Lành...

Có lẽ chẳng có giáo phận nào trên thế giới hiểu được cuộc khủng hoảng của Vatican bằng Giáo phận Los Angeles. Bởi vì vấn đề của L.A. cũng giống như Vatican. Cũng là chuyện mấy cha ấu dâm được che đậy, dung dưỡng từ vài chục năm qua. Theo hồ sơ cả 12.000 trang vừa được giáo phận này “can đảm” đưa lên mạng, có đến cả 122 linh mục “dính chấu”. Tờ Los Angeles Times kể rằng có linh mục vừa làm phép rửa tội cho một bé trai xong, thì sau đó đưa bé này vào giường để ông phạm tội. Hồng y Mahony, trước đây là tổng giám mục địa phận này, là chính phạm trong việc bao che, nay đã bị giải nhiệm. Giáo phận nay phải chi đợt đầu đến 80 triệu để bồi thường. Do đó, nhà thờ này đang mở một đợt quyên góp mục tiêu đến 200 triệu vừa đề trả nợ vừa nhằm bù đắp ngân sách. Các con có chịu góp cho các cha vì mục đích này hay không, chúng ta còn phải chờ xem!

Sự rút lui của Đức Giáo Hoàng là một sự cảnh cáo nghiêm trọng cho tất cả các tôn giáo, không riêng gì cho Giáo hội La Mã, về sự bỏ rơi và lạm dụng tín đồ khiến cho con đường giữa nhà thờ và tín đồ càng ngày càng trở nên một chiều và làm cho lòng tin của những người có tín ngưỡng nhưng cũng có suy nghĩ độc lập ngày càng lung lay mạnh mẽ. Một “giáo hội trung ương” của Hồi giáo ở đâu để điều khiển đời sống tâm linh của tín đồ và ngăn chận sự tàn sát thường dân của những tổ chức vũ trang khủng bố điên rồ nhân danh đạo Hồi khắp nơi ở Bắc Phi và Trung Đông? Giáo hội Phật giáo ở đâu khi chúng ta cũng đang thiếu một thông điệp để nhắc nhở con người “đời là bể khổ”, và muốn “quay về bờ giác”, cần phải khuyên can con người sống tỉnh lặng hơn, bớt đi màu sắc, bớt đi âm thanh của hội hè, đình đám để con người có thể lắng hơn trước nỗi đau của chúng sinh, và nhất là những nỗi đau, mất mát tinh thần của chính mình. Những nhà thờ Tin Lành ở Mỹ như chúng ta đang thấy ngày càng để lộ những khoảng trống trong tinh thần nhập thế, im lặng làm ngơ trước những vấn đề xã hội sống còn như chuyện súng đạn, sự khơi rộng của bất bình đẳng xã hội, sự vô tâm trước cuộc sống cùng khổ của tầng lớp dưới đáy, sự phân hóa xã hội vì những sự xung đột xuất phát từ những quan điểm “bảo thủ xã hội” quyết liệt… Ngược lại, có một sự im lặng đồng nghĩa với sự đồng lõa với quyền thế, quyền lực chính trị phi nhân.

và thông điệp của Obama

Một ngày sau tuyên bố đó, người ta ở Mỹ nghe thông điệp của ông Obama. Người ta đã biết trước trọng tâm của bài nói chuyện của ông trước Quốc Hội sẽ là chuyện kinh tế, là mối quan tâm thực sự số 1 của người dân. Và nói chuyện kinh tế, ắt ông phải nói đến chuyện tạo công ăn việc làm, và chuyện ông khoái nói về khoảng cách giàu nghèo ở nước Mỹ đang khơi rộng vì “thời cuộc”. Ông chắc sẽ mạnh dạn đưa ra những đề nghị mới, vì trong nhiệm kỳ hai, đương nhiên ông chẳng biết sợ là gì. Vả lại, ông đang có lợi thế tuyệt vời: thiếu hụt ngân sách lần đầu tiên đã xuống dưới mức 1.000 tỷ (khoảng 854 tỷ hiện nay).
Tuy thế, người ta vẫn thấy ngạc nhiên phần nào khi ông đưa ra đề nghị tăng đồng lương tối thiểu của người lao động từ $7.25/giờ lên $9/giờ. Tức tăng gần 25% trong một chương trình cải thiện giai cấp trung lưu và nâng cấp tầng lớp dưới có lợi tức thấp nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng trong xã hội. Chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế này còn bao gồm những dự án đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng (vừa ngăn chận sự xuống cấp của đường xá, cầu cống, phi trường, bến cảng… của Mỹ, vừa tạo công ăn việc làm cho ngưòi dân), cải cách giáo dục và huấn nghệ… Ông nói rằng giai cấp trung lưu đang bị suy yếu vừa vì lạm phát, vừa do sự trì trệ của công xá. Ông hiểu rằng sẽ có sự chống đối đề nghị này từ một số người trong Quốc Hội, nhưng “tôi hiểu được sự ủng hộ của đại chúng với những mục tiêu tôi đề ra hôm nay”.
Ông khẳng định một cách tự tin “tình hình liên bang nay đã mạnh hơn”, nhưng cũng cảnh cáo rằng những tiến bộ “chưa trọn vẹn” của đất nước sẽ có nguy cơ đổ vỡ nếu không có sự hợp tác giữa ông và Quốc Hội. Khi ông nói thế, người ta hiểu ngay sự ám chỉ về những chuyện sắp tới đây, có thể Quốc Hội sẽ ra tay cắt chi tiêu ngân sách một cách tự động (cái chữ được nói thường xuyên: sequestration) đến cả ngàn tỷ về quốc phòng cùng những chương trình phúc lợi xã hội nếu sự hợp tác nói trên không đạt được kết quả. Ông cảnh cáo rằng nếu không đạt được thỏa thuận về phương cách tránh sự cắt giảm ngân sách này, “hậu quả sẽ nặng nề nhất cho những người ít khả năng nhất chịu đựng”. Ông kêu gọi “cải cách thuế một cách toàn diện với sự hợp tác lưỡng đảng” và nhấn mạnh đề nghị của ông sẽ không làm tăng thiếu hụt ngân sách, chỉ tái phối trí ngân quỹ đã có để tài trợ những khoản mới này. “Nhưng chúng ta phải hiểu rõ điều này: làm giảm thiếu hụt chẳng phải là một kế hoạch kinh tế. Một nền kinh tế tăng trưởng tạo công việc tốt cho giới trung lưu – đó phải là định hướng cho những nỗ lực của chúng ta”.

Cứ xem sự miễn cưỡng trong cái vỗ tay của ông John Boehner, người Cộng Hòa, chủ tịch Hạ Viện thì rõ phản ứng của phía Con Voi thế nào. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người Cuba Latino, thuộc tiểu bang Florida, đang ngấp nghé cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, được đảng Cộng Hòa đưa ra thử lửa trong phản biện, đã hùng hổ phát biểu “Đừng nói nữa đảng Cộng Hòa chỉ lo bảo vệ nhà giàu. Tôi chỉ lo bảo vệ những người láng giềng lao động của tôi”. Ông cho rằng Tổng thống Obama đang bóp nghẹt kinh tế do chính sách chi tiêu của ông. Thế nhưng ông không đá động gì đến đề nghị tăng tiền công của ông Obama. Tuy ông phát biểu bằng hai thứ tiếng, những người dị ứng với tiếng Tây Ban Nha chắc chẳng thú vị gì trước tiểu xảo này. Người ta phá ra cười khi ông Rubio bị sặc, phải quay lưng lấy chai nước uống.

Một người phản biện khác từ đảng Cộng Hòa là Thượng nghị sĩ Rand Paul, của Kentucky, cũng có đầy tham vọng tổng thống như cha ông là Ron Paul. Ông lên tiếng cho Tea Party, và đương nhiên đưa ra một quan điểm cực kỳ bảo thủ: giảm thuế doanh nghiệp còn một nửa, cắt chi tiêu ngân sách rốt ráo, nhất là những chương trình xã hội. Đồng thời, ông đòi thúc đẩy cải cách chuyện di dân, giúp họ nhanh chóng hơn trên con đường đi vào quốc tịch. Ông lên tiếng phê phán cả hai đảng Cộng Hòa của ông và Dân Chủ đã tránh né những hành động cần thiết (như giảm thuế, cắt chi tiêu, mở rộng vòng tay với người di dân…) làm cho người ta cứ nghĩ không lẽ đảng Cộng Hòa đang bị bể ra làm hai?

Cái chuyện đạo chuyện đời đảo điên đời nay là thế, như ta thấy trong hai ngày qua. Đạo đang tránh né chuyện đời. Còn đời hầu như cũng bất kể đạo! Khiến cho các cha các sư đều đang than “Lúc này ế quá!”[HNN]

Comments