Gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Phạm Bá Hoa

Tôi là một trong hằng triệu Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”.

Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo CSVN với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo. Người 5 năm, 10 năm, thậm chí 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy chế độ dân chủ tự do và quân lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi mà quê hương tôi có dân chủ tự do thật sự.

Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân một cách ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa  mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền, cũng chỉ là một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.

Nội dung thư này, tôi mời Các Anh đọc chầm chậm để hiếu rõ vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” mà nạn nhân là hai sinh viên ở hai thành phố. Từ đó Các Anh sẽ hiểu được: “Tại sao có nhiều người yêu nước bị quản thúc tại nhà, bị đàn áp đánh đập trên đường phố, bị bắt giam, bị bỏ tù với những bản án theo nhu cầu của đảng”, nhưng ngày càng có nhiều người mạnh mẽ đòi hỏi một xã hội dân chủ?” Những người can đảm đó, vì lòng yêu quê hương, thương đồng bào, mà chống những kẻ nhân danh lãnh đạo hại dân hại nước, và chống Trung Cộng lấn chiếm Việt Nam.

Thứ nhất.- Người dân nghĩ về Phương Uyên và Nguyên Kha.

Theo bản tuyên bố của quí vị trong nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền. Đây là một vụ án có nhiều kịch tính, bộc lộ tất cả bản chất ghê tởm của chế độ và nền pháp lý cộng sản tại Việt Nam. Cô sinh viên 21 tuổi, đã bị bắt giam theo kiểu bắt cóc, bất chấp mọi quy định về tố tụng hình sự. Bị gia đình và thân hữu của em chất vấn và phản đối, nửa tháng sau Công An mới tìm cách lấp liếm và dối gạt công luận một cách trắng trợn khi trả lời gia đình của Phương Uyên.

Khi bạn bè cùng lớp và 144 nhân sĩ trí thức gởi thư lên Chủ Tịch nước minh oan cho Phương Uyên, họ liền bị trừng phạt bằng một loạt hành vi đê tiện. Các sinh viên thì bị nhà trường, từ trưởng khoa, giáo sư, đến tổ chức thành đoàn, ép buộc phải rút lại chữ ký, và họ thường xuyên bị Công An theo dõi. Còn các vị nhân sĩ trí thức, vừa chịu sự thóa mạ khi bị Công An gọi là “trí thức bầy đàn, phạm pháp bầy đàn”, vừa bị mạo danh qua một kiến nghị giả với nội dung trái ngược.

Sau khi Đinh Nguyên Kha bị bắt, và Nguyễn Thiện Thành bị truy nã, thì cả một chiến dịch tấn công trên “báo chí lề phải” của đảng. Họ không điều tra tìm hiểu sự việc để phân tách tìm kết luận, mà họ chỉ tuân lệnh đảng đua nhau vu khống các sinh viên đủ thứ tội... Gia đình của ba sinh viên cũng chẳng được buông tha, cứ bị Công An nay gọi mai gọi để đe dọa ép cung, khi đến thăm nuôi thì bắt buộc không được biểu lộ tình cảm giữa mẹ con, lại còn ép buộc phải ký xác nhận trên giấy phép thăm nuôi là con mình có tội, đến cơ sở làm ăn gây cản trở công việc. Thậm chí còn sử dụng cựu chiến binh đến nhà  hành hung cha mẹ của hai em rồi vu vạ con của họ là phản động…

Tác giả Lê Hoành Sơn: “Các em Phương Uyên và Nguyên Kha, các em không có tội gì ngoài tội yêu nước. Các em dư thừa can đảm, tỉnh táo để mỉm cười và mạnh mẽ nói lên rằng: “Tôi có tội yêu nước” trước cái gọi là tòa án nhân dân xử công khai, nhưng lại cấm nhân dân tham dự... Mọi người đang ngưỡng mộ, hỗ trợ, và luôn sát cánh các em. Khi lòng yêu nước nổi dậy, hung bạo đến đâu cũng phải cúi đầu... Hai thanh niên yêu nước chỉ rãi truyền đơn nói cho đồng bào biết những bất công, thối nát, và tham nhũng của lãnh đạo cộng sản Việt Nam (CSVN). Nguyễn Phương Uyên đã sử dụng biểu ngữ để hét lên với đảng cầm quyền rằng; “Tàu Khựa cút khỏi Việt Nam”, với những  dòng chữ viết bằng máu từ con tim yêu nước của cô sinh viên bé bỏng, nhưng mạnh mẽ về lòng yêu nước”. Tác giả nhắn với lãnh đạo CSVN rằng: “Quay đầu lại với lịch sử, sẽ bị lịch sử nghiền nát. Quay đầu lại với đồng bào, sẽ bị đồng bào trừng phạt”.

Thứ hai.- Phiên tòa và bản án.

Ngày 16/5/2013, tòa án nhân dân Long An xử Nguyễn Phương Uyên, sinh viên  đại học Công Nghiệp Thực phẩm Sài Gòn, và Đinh Nguyên Kha, sinh viên đại học Công Nghiệp Long An. Với bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát Long An ngày 06/03/2013, đã kết tội hai sinh viên “Tham gia tổ chức phản động. Trong tháng 8/2012 và tháng 10/2012, có hành vi làm ra, tàng trữ, và lưu hành các tài liệu chống nhà nước, có sự chỉ huy của sinh viên Nguyễn Thiện Thành, đã trốn thoát”.

* Bên ngoài tòa.

Từ sáng sớm, nhóm quí vị từ Sài Gòn xuống Long An ủng hộ tinh thần hai bạn trẻ: Linh Mục Giuse Đinh Hữu Thoại, Linh Mục Antôn Lê Ngọc Thanh, Vương Các, Hoàng Vi, Huyền Trang, và Nguyễn Khanh. Khi xe rời Sài Gòn, các vị nhận ra 6 tên an ninh chìm trên 3 xe gắn máy số 51M3 2419, 54X6 2058, và 54S5 1711, bám sát theo xe của nhóm.

Tác giả Trọng Thành. Phiên tòa xử Nguyễn Phương Uyên, sinh viên trường đại học Công Nghiệp Thực Phẩm Sài Gòn, và Đinh Nguyên Kha, sinh viên đại học Kinh Tế Công Nghiệp Long An, bị bắt hồi tháng 10/2012, vì hành động rải truyền đơn với nội dung phản đối Trung Cộng xâm lược Biển Đông, đồng thời lên án tệ nạn tham nhũng và các bất công trong xã hội. Hai bạn trẻ tỏ ra tự tin và thoải mái trong chiếc áo sơ mi trắng giản dị, bao quanh là lực lượng Công An sắc phục dày đặc.

Bản cáo trạng ngày 6/5/2013, kết tội Phương Uyên nhận tiền nước ngoài 100 mỹ kim để mua máy ảnh phục vụ cho việc rải truyền đơn. Bản cáo trạng, chắc chắn chỉ dựa trên kết luận điều tra của Công An tỉnh Long An hoàn toàn không nói rõ số tiền đó là của ai. Theo Phương Uyên cho biết, một người bạn học cũ của Uyên thời tiểu học tên Hạnh, định cư tại Hoa Kỳ, đã có ý định tặng Phương Uyên nhân dịp sinh nhật một máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên nếu mua máy ảnh ở Hoa Kỳ gửi về khá nhiêu khê nên Hạnh đã gửi cho Phương Uyên 100 USD để mua máy ảnh. Thế nhưng Công An và Viện Kiểm Sát tỉnh Long An đã cố tình không ghi rõ là số tiền 100 USD này là của ai mà chỉ ghi chung chung là “từ nước ngoài”. Đây có thể là điều mà tòa án đã dùng để kết tội Phương Uyên nhận trợ giúp từ “nước ngoài” để thực hiện việc rải truyền đơn. Trong thực tế, Công An tỉnh Long An đã không thu thập được bằng chứng gì để kết tội Phương Uyên vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Ngược lại, bản cáo trạng đã cố tình không viết nguyên văn dòng chữ “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” mà Phương Uyên viết trên miếng vải, mà lại cho là Phương Uyên đã viết “một số nội dung không hay về Trung Quốc”.

Lúc phiên tòa nghỉ trưa. Ba của Phương Uyên cho biết: “Tuy không được vào dự khán, nhưng tôi theo dõi phiên xử con tôi từ bên ngoài. Tôi rất vui, vì có nhiều người ủng hộ con tôi. Tôi hãnh diện về con gái của tôi. Gia đình chúng tôi không sợ hãi gì cả”.

Bà Kim Liên ra ngoài, thì VRNs hỏi bà thấy phong thái của Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên sáng nay ở tòa thế nào, Bà cho biết: “Các con rất thoải mái, hiên ngang, ngẩng cao đầu. Hai con ngồi nhìn thẳng lên thẩm phán, không cúi mặt. Trước tòa, Phương Uyên khẳng định những việc Phương Uyên làm hoàn toàn do tinh thần yêu nước chống ngoại bang, và chống những bất công xã hội. Đây là những điều mà người dân thấp cổ bé miệng không nói lên được, nếu ai dám nói thì cũng sẽ bị đàn áp.......” Ngay lập tức, chủ toạ phiên tòa cắt lời Phương Uyên.

Được biết, trong phiên xử buổi sáng, Phương Uyên đã không xin khoan hồng, cũng không nhận tội. Đây rõ ràng là một cái tát vào mặt Bộ Công An với “đoạn video nhận tội” đã được phát trên các làn sóng phát thanh phát hình trước ngày 16/5/2013.

Trong khuôn viên cũng như bên ngoài tòa án, rất đông thân nhân và bằng hữu của hai sinh viên Uyên và Kha. Ngoài ra, còn có những bạn trẻ từ Sài Gòn xuống: Nguyễn Hoàng Vi, Hoàng Dũng, Châu Văn Thi, Trịnh Anh Tuấn, Phạm Lê Vương Các, ... cùng một số bà con từ Long An, Tiền Giang cũng đang ngồi cùng gia đình hai sinh viên yêu nước. Chung quanh là Công An chìm nổi, túc trực canh giữ mọi người.

* Bên trong tòa.

Phiên tòa buổi sáng, chỉ có bà Nguyễn Thị Nhung mẹ của Phương Uyên, bà Nguyễn Thị Kim Liên là mẹ và Đinh Nhật Uy là anh của Nguyên Kha được vào dự phiên tòa. Tất cả những thân khác của hai gia đình đều ở bên ngoài. Bên trong tòa án, Công An rất đông, và những người mặt mũi xa lạ được xem là Công An chìm, cũng có thể là đám côn đồ tay chân của Công An choán hết chỗ để Công An viện dẫn lý do “hết chỗ” mà ngăn cản người dân.

Bản cáo trạng có nói đến 3 nhân chứng, nhưng cả 3 nhân chứng không có mặt tại tòa. Đây là một bằng chứng cho thấy Công An điều tra dựng chuyện để kết tội hai sinh viên. Về vật chứng, chỉ là khẩu hiệu mà họ cho là chống đảng cộng sản, nhưng họ không dám trưng dẫn cho mọi người thấy, vì đó là khẩu hiệu chống Trung Cộng và chống đảng CSVN. Luật sư biện hộ cho hai sinh viên, nhiều lần đề nghị tòa trưng dẫn vật chứng, nhất là mảnh vải có dòng chữ ”Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” mà Phương Uyên đã viết, nhưng chủ tọa phiên tòa không chấp nhận. Vậy là người ngồi ghế “chủ tọa” rất sợ sự thật, nhất là sự thật nói lên ý chí của một công dân nhỏ bé chống Trung Cộng.

Hai sinh viên “nạn nhân” của nhóm lãnh đạo tàn bạo với dân vì khiếp nhược với Trung Cộng, đã rất dũng cảm khi đứng trước “vành móng ngựa”, dõng dạc phát biểu:

Nguyễn Phương Uyên: "Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi mà không dám bảo vệ chủ quyền đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước, thì thật sự tôi không cam tâm".

Đinh Nguyên Kha: "Tôi, trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội".

Sau giờ nghỉ trưa, phiên tòa tiếp tục lúc 2 giờ chiều. Theo chương trình, chiều nay sẽ đến phần tranh luận giữa đại diện Viện Kiểm Sát với các luật sư biện hộ, sau đó tòa sẽ nghị án và tuyên án.

Luật sư Hà Huy Sơn, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội là người bào chữa cho Nguyễn Phương Uyên bị bắt ngày 19/10/2012. Bị truy tố giữa tháng 08/2012:

Về lá cờ vàng ba sọc đỏ. Uyên sử dụng giấy trắng A4, dùng bút sáp màu vàng và màu đỏ tô thành lá cờ. Phía dưới lá cờ có ghi chú bằng bút sáp màu đen dòng chữ: 1890 – 1920, Đại Nam quốc kỳ từ thời vua Thành Thái tới vua Khải Định, 1948 – 1975 là cờ quốc gia Việt Nam. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Năm 1890, lá cờ vàng ba sọc đỏ được tạo ra và sử dụng lần đầu tiên như là lá cờ quốc gia. Về lịch sử, đây là lá cờ của tổ tiên mà sau này Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa dùng lại, cũng như tên “Việt Nam” là do tổ tiên để lại chớ không phải là biểu tượng của thế lực phản động nào cả. Đây là sự thật lịch sử có trước cả Nhà nước CHXHCN Việt Nam ra đời (1976). Vậy là Phương Uyên không làm ra, không xuyên tạc, cũng  không phỉ báng chính quyền nhân dân, chỉ là nhắc lại lịch sử.

Về khẩu hiệu. Uyên sử dụng hai mảnh vải trắng, lấy máu pha loãng với nước, rồi dùng ngón tay chấm viết, một mảnh có nội dung phỉ báng đảng CSVN, mảnh vải còn lại có nội dung không hay về Trung Quốc. Không đúng, vì đảng CSVN với Nhà nước CHXHCN Việt Nam không phải là một, nên không thể cho rằng phỉ báng đảng là phỉ báng nhà nước, nên không vi phạm điều 88 bộ luật hình sự (BLHS). Với lại BLHS không có “Tội tuyên truyền chống đảng CSVN”. Trên mảnh vải không có “dòng chữ  không hay về Trung Quốc, mà là Tàu khựa cút khỏi Biển Đông. “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” là quyền của công dân, vì điều 77 Hiến Pháp năm 1992 ghi rằng: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Về yếu tố lịch sử và luật pháp quốc tế, Trung Quốc không có chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc là kẻ đã xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam, công dân phản đối kẻ xâm lược là một hành động yêu nước không thể bị kết tội.

Về tội phỉ báng. Biên bản hỏi cung Phương Uyên ngày 23/11/2012, cho rằng Phương Uyên phỉ báng lãnh tụ Hồ Chí Minh là “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là không đúng. Bởi, Hồ Chí Minh không đồng nghĩa với nhà nước CHXHCN Việt Nam.

… Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và gặp Phương Uyên, tôi nhận thấy Phương Uyên là nạn nhân của Nguyễn Thiện Thành, người mà Phương Uyên chưa gặp mặt bao giờ. Cơ quan an ninh điều tra không bắt được Nguyễn Thiện Thành; không xác định được tổ chức “Tuổi trẻ yêu nước” của Nguyễn Thiện Thành. Phải chăng đây là cái bẫy để Nguyễn Thiện Thành gài những thanh niên sinh viên có nhiệt huyết với đất nước như Nguyễn Phương Uyên và những thanh niên sinh viên khác. Theo quan điểm của tôi, vụ án Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên, sẽ làm cho thanh niên sinh viên Việt Nam không dám quan tâm đến chủ quyền biển đảo quốc gia.

Luật sư Hà Huy Sơn kết luận. Theo bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát thì hành vi của Nguyễn Phương Uyên không gây ra hậu quả nào cho xã hội; không có động cơ cũng như mục đích nào chống nhà nước CHXHCN Việt Nam. Các hành vi của Nguyễn Phương Uyên chỉ là phản ánh phẫn uất của cá nhân trước hiện trạng của đất nước và muốn cảnh tỉnh thanh niên sinh viên về ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Các hành vi của Nguyễn Phương Uyên không thể cấu thành trách nhiệm hình sự. Vì vậy, tôi đề nghị Hội Đồng Xét Xử hãy công minh xem xét tuyên Nguyễn Phương Uyên vô tội.

Vậy mà, “tòa án nhân dân Long An” vẫn kết án như dư luận loan truyền trước phiên tòa: (1) Sinh viên Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, 6 năm tù và 3 năm quản chế. (2) Sinh viên Đinh Nguyên Kha, 25 tuổi, 8 năm tù, cùng 3 năm quản chế. Và lúc 4 giờ 27 phút chiều, xe chở tù đã đưa hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, rời tòa án chạy về trại giam.

Thứ ba.- Phản ứng chung quanh hai bản án.

Tiến sĩ Đặng Huy Văn. Sau khi phiên tòa kết thúc với bản án nặng nề cho hai sinh viên yêu nước, ông viết lá thư như sau. “Tôi viết bài này kính gửi Tổng Bí Thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, thỉnh cầu ông cho phép tôi được đi tù thay hai cháu, vì tôi đã già không còn có ích cho ai nữa, trong khi hai cháu Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha là những hiền nhân của Tổ Quốc. Hai cháu sẽ là ngọn cờ chống lại sự bành trướng xâm lược của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam trong tương lai”.

Tham khảo và trích dẫn bài của ông Trần Quốc Việt. “Bản án tàn khốc giáng xuống hai mái đầu xanh vô tội Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, là cái tát vào lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ  nước của tổ tiên và dân tộc... Từ nay, lằn ranh chiến tuyến càng rõ nét trong lòng người. Một bên là những trái tim yêu nước, cùng nhịp đập với lịch sử. Một bên là những kẻ phản bội dân tộc, phản bội lịch sử, phản bội lại những đấng sinh thành và tổ tiên người Việt đã sinh ra họ, khi họ rắp tâm triều cống tương lai Việt Nam cho kẻ thù bốn ngàn năm lịch sử, để nhận lại những quyền lực phù du trước mắt”.

.... Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, đôi chân chưa bước trọn vào đời, nhưng đã khắc tên mình vào lịch sử và tâm trí của muôn người. Từ năm 1954 đến nay, có lẽ chưa ai khẳng định chân lý rất xác tín và đơn giản như Đinh Nguyên Kha khẳng định: "... Tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội." Vì đảng là hiện thân của sự toàn ác, nên chống cái ác là hành động của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước. Và cũng từ năm 1954 đến nay, không ai chửi hiện thân của sự toàn ác mà sắc bén như Nguyễn Phương Uyên chửi:"Đi chết đi đảng cộng sản Việt Nam bán nước". Khẩu hiệu viết bằng máu ấy là điểm cao nhất của dòng thác phẫn uất cuộn trào trong xã hội, thoát ra từ tâm hồn của thiên thần yêu nước ấy.... Bằng tất cả tấm lòng yêu nước trong trắng của mình, Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, đã nắn nót dòng chữ đầu tiên trên trang sử đương đại sáng ngời của dân tộc. Chúng ta hãy cùng nhau viết tiếp những dòng chữ sau họ, để mười năm, hai mươi năm, ba muơi năm sau, họ sung sướng khi thấy tất cả hy sinh của họ hôm nay, sẽ không hoài phí......”

Theo ông Brad Adams, Giám Đốc Châu Á của HRW, “việc xét xử các công dân vì tội phân phát truyền đơn chỉ trích chính quyền là điều kỳ quặc”. Ông khẳng định: “Việt Nam cần phải ngừng sử dụng tòa án để kết tội những người bất đồng chính kiến”.

Tóm lược bài của ông Trần Trung Đạo. Cô bé đứng trên bục cao, đôi kính cận có cọng dày, tóc vén cao, áo trắng học trò, thân hình mảnh mai trông giống như một cô bé học sinh 15 tuổi, đang đứng trước bảng đen trong lớp học chớ không phải đứng trước tòa án cộng sản. Em không sợ hãi, không van xin, trầm tĩnh và tinh khôi như một thiên thần: "Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm". Cạnh em, Đinh Nguyên Kha, áo sơ mi trắng, tóc cắt cao của một thanh niên Việt Nam kiểu mẫu. Nguyên Kha cũng dõng dạc: "Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội".

Luật sư Nguyễn Văn Miếng trao đổi với VRNs, ông cho biết: “Bản án gắn cho Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, là bản án nặng nề cho hai thanh niên yêu nước”.

Luật sư Hà Huy Sơn, nhận xét trên trang Facebook: “Kha, Uyên, và gia đình rất bình thản trước bản án. Các Luật sư đều yêu cầu tuyên bố hai em là vô tội, nhưng tòa cứ tuyên đọc theo bản án của tòa.”

Theo Vũ Đông Hà, bản án dành cho Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, nếu nhìn cho kỹ, suy cho sâu, chính là bản án dành cho chế độ. Nó bày ra hết những ti tiện, nhỏ nhen, gian ác của chế độ và những con người cộng sản Việt Nam, từ cấp lãnh đạo cho đến những người đang xếp hàng chờ lãnh sổ hưu.

Ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc tổ chức theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), nói với VOA Việt ngữ rằng: “Bản án này thật sự gây căm phẫn và chúng tôi sẽ tiếp tục nêu các bản án này ra trước công luận quốc tế càng nhiều càng tốt. Bản án này cho thấy sự phá sản của thành tích nhân quyền Hà Nội. Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam nói họ hành xử theo luật pháp và tôn trọng nhân quyền thì các bản án này chứng tỏ họ chỉ hành xử theo quyền lợi của đảng cộng sản cầm quyền, bất chấp quyền căn bản của con người bị chà đạp”. 

Anh Nguyễn Lân Thắng (Hà Nội) diễn tả tâm tình đối với Uyên Phương và Nguyên  Kha, như sau: “Họ kết án các em bao nhiêu năm không quan trọng. Tôi sung sướng cực kỳ vì hai em đã quyết không nhận tội mà tòa án gắn cho hai em. Hãy hoàn thành nốt sứ mạng của mình trong cái nhà tù nhỏ. Các bạn tù dự khuyết bên ngoài, ngưỡng mộ và ghi nhớ công lao của hai em. Hai em đã đi vào lịch sử”.

Đạo din Nguyễn Văn Hùng, ngắn gọn: “Đây là phiên tòa ô nhục”.

Tác giả Hoàng Hưng. ... “Những kẻ kết án nặng nề hai em Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên, thật là ngu xuẩn... Phản dân phản nước lại còn ngu xuẩn, vì cáo trạng đã hạch tội Phương Uyên “nói những điều không hay về Trung Cộng”, tức là công khai thú nhận cái bóng khổng lồ của Trung Cộng đã đè bẹp luật pháp Việt Nam, cũng là công khai thú nhận bản án này là của một lũ bề tôi nhằm chuộc lỗi với thiên triều phương Bắc”.

Bác sĩ Hồ Hải (trong nước), ngày 17/5/2013 đưa vào trang blog của ông bài thơ “Dân Khí & Tình Yêu Đất Nước”, diễn đạt tâm tình và những suy nghĩ của mình đến Nguyễn Phương Uyên Và Đinh Nguyên Kha. Xin trích 8 câu cuối của bài thơ: .... “Con sẽ cho thế giới biết rằng ở nước Nam ta. Có một thời trẻ thơ không được quyền yêu và suy nghĩ. Không được sống và được làm Người. Chỉ được cúi đầu trước họa ngoại xâm bằng những trò lố bịch. Trong ngực trái của các con có cái gì đang hiển hiện. Đó là Dân Khí đấy Mẹ ơi. Dân khí mất có nghĩa là nước mất. Phận làm Người Có Học, con đâu nở cam lòng để Dân Khí vụt tan”.

Ngày 17/05/2013, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, phổ biến bản tuyên bố yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, hai nhà tranh đấu trẻ vừa bị kết án tù với tội danh tuyên truyền chống nhà nước. Vị đại diện Hoa Kỳ tại Việt Nam rằng: “Các hành động trấn áp này là một xu hướng đáng lo ngại.

Tôi xúc động đến nghẹn ngào với đoạn văn ghi lại lời nói mạnh mẽ của hai sinh viên khi đứng trước “vành móng ngựa” của chế độ cộng sản độc tài tàn bạo! Các Anh trong quân đội nhân dân Việt Nam, đã nhận ra “chân dung tuổi trẻ Việt Nam yêu nước” rồi chớ? Nói chung là những người yêu nước, như tác giả Lê Hoành Sơn đã nói: “Họ cất cao tiếng nói để đòi công bằng xã hội, đòi độc lập tự do, đòi nhân quyền nhân phẩm cho thế hệ hôm nay và những thế hệ mai sau, được sống một cuộc đời đáng sống, được ngẫng cao đầu mà  nhìn mọi người trên khắp năm châu. Tổ Quốc ơi! Thật là may mắn khi Tổ Quốc đang có thêm những mầm non yêu nước như vậy. Đây, chính là nguyên khí hồn thiêng sông núi Việt Nam. Đây, thật sự là rường cột quốc gia góp phần giữ vững sơn hà”.

Kết luận.

Các Anh là Người Lính trong quân đội nhân dân Việt Nam, tôi nghĩ, có Anh 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 hay 25 năm cầm súng. Có bao giờ Các Anh suy ngẫm về quãng đời quân ngũ với súng đạn và bạn bè, hằng triệu người đã gục ngã trên chiến trường, hằng triệu người thương tật tàn phế sống vất vưỡng đó đây, lớp lớp người về hưu, và Các Anh đang còn súng đạn trong tay, vừa đọc xong những trang giấy bên trên, Các Anh cần đọc thêm những dòng chữ dưới đây do ông Trần Hải Vân, một người yêu nước từ Sài Gòn xuống Long An để theo dõi phiên tòa. Ông Hải Vân nói:

Ngọn lửa đấu tranh cho tự do dân chủ trong nhân dân ngày càng lan rộng vì người dân ngày càng bất mãn, không còn tin vào cộng sản nữa. Chỉ cần một cơn gió thì ngọn lửa nhỏ sẽ lan tỏa và nhấn chìm những thứ phế thải của nhân loại (ý nói đến các đảng cộng sản còn lại trên thế giới. PB Hoa). Hỡi những người đang làm trong cơ quan của cộng sản như Công An với Quân Đội, nếu vẫn còn chút lương tâm, hãy chừa cho mình một con đường để quay về với tổ quốc và nhân dân, đừng gây thêm tội ác với nhân dân nữa. Nhân dân đang cần các bạn. Các bạn hãy thức tỉnh đi, đừng bán mình cho bọn quỷ sứ là nhóm lãnh đạo cộng sản. Đừng để quá muộn”.

Tôi mong Các Anh hãy suy nghĩ từ chiều sâu tâm hồn của chính mình, rồi quyết định.... Và quyết định đó giúp Các Anh quyết tâm bước vào hàng ngũ tuổi trẻ, trí thức, đồng bào, bằng bất cứ hình thức nào và thời gian nào mà Các Anh cho là thích hợp nhất, để cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ tự do, để hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới, và mỗi khi cầm sổ “Thông Hành” (hộ chiếu) trong tay mà ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh, lịch sự,

Tôi vững tin rằng, bà con trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại -đặc biệt là Những Người  Cựu Lính Chúng Tôi- vẫn hết lòng hỗ trợ Các Anh và quí vị đồng bào, những thế hệ làm nên lịch sử.

Hãy nhớ: “Tự Do, phải chính chúng ta tranh đấu, vì Tự Do không phải là quà tặng, Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước” (trích trên internet).

Texas, tháng 05 năm 2013.

Phạm Bá Hoa

Comments