Nhất Y Nhì Dược

Tác Giả Hà Nguyễn

Nhất Y Nhì Dược là một trong những câu nói rất thịnh hành trong cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ. Nó nói lên khát khao của bao cha mẹ người Việt: muốn con em mình thành công trong cuộc sống, có địa vị trong xã hội, được mọi người tôn trọng. Một trong những cách để đạt được thành công, địa vị và tôn trọng là trở thành bác sĩ. Điều này thì cũng đúng thôi, bác sĩ ở Mỹ thu nhập hàng năm rất cao, địa vị trong xã hội cũng không thấp, mà người hành nghề Y đi đâu cũng được mọi người tôn trọng cả. Thế nhưng để trở thành một bác sĩ ở Mỹ thì thật sự rất là khó khăn.

Thông thường để trở thành một bác sĩ, sinh viên phải mất thời gian đến cả 10 năm: 4 năm đại học, 4 năm trường Y, và 2 năm thực tập. Đó là chưa kể đến việc học chuyên ngành, nâng cao. Thời gian học Y đã dài, chương trình học Y lại rất là khó. Tôi còn nhớ khi còn là sinh viên năm thứ nhất trong trường đại học, giảng đường dạy hóa học cơ bản ban đầu có hơn 200 sinh viên, nhưng cuối năm còn không đến một nửa sinh viên trụ lại được. Năm thứ hai học hóa hữu cơ, tỷ lệ học sinh trụ lại cũng chỉ cỡ 50%, đó là chưa kể đến những lớp khác như sinh học, vật lý, cơ thể học...  Đó chỉ mới là chuẩn bị để vào trường Y, vào được trường Y còn bao nhiêu lớp học khó khăn khác nữa. Nói chung công sức của một sinh viên bỏ ra để qua những giai đoạn này thật sự là rất nhiều. Thời gian bỏ ra nhiều, công sức bỏ ra cũng nhiều, tiền bạc cũng không phải là ít. Theo Hiệp Hội Trường Y ở Mỹ, trong năm học 2010-2011, chi phí tổng cộng của một sinh viên trong trường Y bao gồm học phí, ăn ở, sách vở... vào khoảng $49,000 cho trường công và $66,000 cho trường tư. Một sinh viên ra trường thường nợ khoảng $160,000.

alt
Hà Nguyễn

Nói chung, trở thành bác sĩ không phải là một điều dễ dàng. Tuy nhiên, cha mẹ người Việt  vẫn thích con em mình theo đuổi ngành Y. Nhiều bậc cha mẹ còn tạo nên áp lực cho con mình phải học ngành Y, nhưng đôi lúc kết quả lại không được như ý muốn. Trên thực tế nếu sinh viên không có hứng thú với ngành Y hay không có khả năng theo đuổi, xin cha mẹ đừng ép buộc con cái theo cái ngành này. Không phải ai cũng có khiếu trong ngành Y cả. Có một lần tôi thấy một tấm hình trên một tạp chí giáo dục và liên tưởng đến vấn đề này. Trong tấm hình là một cuộc thi leo cây cho động vật. Trong cuộc thi có con khỉ, con voi và con cá. Tất nhiên, ai cũng biết người thắng sẽ là con khỉ. Nếu như cái ngọn cây chính là trở thành bác sĩ, thì con khỉ cũng chính là người có khả năng theo đuổi cái ngành này. Nhưng nếu không phải thi leo cây mà là thi bơi lội hay thi sức khỏe, tất nhiên con cá và con voi sẽ thắng. Những cuộc thi khác cũng đại diện cho những ngành nghề khác vậy. Nếu như không trở thành bác sĩ thì vẫn còn rất nhiều ngành nghề khác mà sinh viên có thể theo đuổi.
Ông bà ta từng nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nghề gì mà chẳng vinh quang, chỉ cần là làm việc chân chính và có ích cho xã hội thì sẽ được công nhận và tôn trọng. Một người thành công trong lĩnh vực của mình lúc nào cũng là tốt nhất. Mặc dù nhiều lĩnh vực không hái ra tiền như ngành Y, nhưng những ngành nghề này vẫn có giá trị của nó. Con người ai cũng có cái hay cái dở cả. Không phải học sinh nào cũng có thể trở thành bác sĩ, kỹ sư. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ không trở thành ông này bà nọ. Chỉ cần theo đuổi sự nghiệp mình thích, và đạt được đỉnh của sự nghiệp thì xã hội vẫn phải công nhận. Vì thế xin các bậc cha mẹ hãy suy nghĩ và hướng con cái mình đến sự nghiệp mà họ thích và phù hợp, chứ không nên hướng con mình đến cái nghề mà mình muốn con mình trở thành.
HN

Comments