ĐI TÌM MÙA XUÂN ĐÃ MẤT

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002clip_image003

Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến (San Jose), Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến (Úc)

clip_image004

Bác sĩ Ngô Trọng Vĩnh (Florida)

Từ bao giờ, mùa Giáng Sinh và Tân Niên đã là một nhắc nhở dù không cần thiết cho chúng ta năm đang hết, Tết đang đến? Và từ bao giờ, Tết không còn đến với chúng ta nữa? Sự tìm kiếm “một thời đã mất” chỉ làm cho chúng ta thêm thấm thía sự cùng cực trong nỗi tuyệt vọng của mình trước những mất mát mà không nỗi hoang tưởng nào có thể xóa nhòa được.

Trong ‘thời đã mất” đó, cũng như nhiều người, có những năm tôi phải chịu những cái Tết xa nhà. Mắc kẹt với Phiên Gác Đêm Xuân trong quân trường Thủ Đức ngay trong đêm Giao Thừa. Ở một nơi giá lạnh tuyết đổ của Đại học Oxford và mơ về mùa xuân ấm áp, rực rỡ, vui tươi và hạnh phúc gia đình ở quê nhà. Hay ngồi xổm bên bếp lửa rít những hơi thuốc lào chưa quen giữa đêm khuya lạnh lẽo trong một trại cải tạo ở Xuân Lộc và bồn chồn nghĩ đến vợ con đang đơn chiếc và không còn ai bảo bọc trong một nhà tù lớn hơn thế này. Đó là một thời người ta không còn sống nữa, mà chỉ cốt làm sao để sống sót. Một người chung cảnh ngộ, nhạc sĩ Phạm Đức Huyến hiền lành, ít nói, chuyên sáng tác thánh ca, đã nâng chiếc đàn thùng tự chế và vừa gảy vừa hát bài Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao – đương nhiên đó là bài hát “chính thức” chúng tôi mới dám hát cho vơi nỗi sầu.

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng cho bao tâm hồn.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh

Đã gần 40 năm, bài hát ấy vẫn còn day dứt trong tôi. Như mới nghe lại hôm qua. Và năm nào cũng nhớ lại năm đó. Chúng tôi hồi đó hát bài đó mà nhớ Văn Cao của mình – Văn Cao của Bến Xuân-Đàn Chim Việt. Văn Cao của Thiên ThaiTrương Chi. Văn Cao của Cung Đàn XưaBuồn Tàn Thu. Mùa Xuân Đầu Tiên ông sáng tác năm vào tháng chạp năm 1975 - trước đó là Trường Ca Sông Lô từ năm 1947! Gần 30 năm ông chỉ được một bài! Và nếu Mùa Xuân Đầu Tiên đó ra đời năm 1953 thì dễ đi vào lòng người ở cả đôi bờ hơn, bởi vì Mùa Xuân Đầu Tiên 1976 chỉ làm cho chúng tôi thấy ngậm ngùi, mất mát, đổ vỡ, tan tác. Lẽ ra, nó có thể là Mùa Xuân Đầu Tiên cho tất cả mọi người. Nhưng nếu thế thì chẳng phải là “cách mạng” nữa. Cho nên chỉ là Mùa Xuân Đầu Tiên của người ta - tuy cũng là Mùa Xuân Đầu Tiên của chúng tôi theo một nghĩa nào đó. Một bên được tất cả. Một bên mất tất cả. Một bên là mùa xuân mơ ước. Một bên là mùa xuân ác mộng. Nghĩ lại, chẳng đáng trách Văn Cao vì thời đó những người bên kia có thấy được gì đâu. Thậm chí ngay cả thời nay. Và thậm chí người ta không có cả quyền nghĩ gì trong đầu. Bởi nếu được tự do suy nghĩ, người ta đã thấy…

Tôi vẫn thương nhớ những người đã quây quần quanh tôi trong đêm giao thừa của Mùa Xuân Đầu Tiên năm dó. Có bác sĩ Ngô Trọng Vĩnh nay đang ở Florida. Kỹ sư Ngô Viết Ngoạn bị đột quỵ sau khi đi “học tập” về. Có Vĩnh Quý của công ty điện nước đáng quí ở sự chân thực. Bác sĩ Vũ Văn Dũng nay vẫn làm gây mê ở bệnh viện Bình Dân, Saigon… Ở láng gần bên còn có Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, một con người văn nghệ đặc biệt, sau này là chủ tịch một tổ chức cộng đồng người Việt chống Cộng ở Úc Đại Lợi. Và Nguyễn Ngọc Ngạn, một người có tài kể rất rành mạch chuyện Kim Dung.

Tôi chẳng nghĩ những người đã từng phải “lớn lên” trong các “trường học tập cải tạo” này có thể quên được những ngày tháng không thể nào quên được đó. Không thiếu gì người nói cứ về đi vui chơi, họp mặt, hội ngộ, thăm lại trường xưa, gặp bạn bè cũ, cuộc sống có còn bao nhiêu năm nữa mà cứ tự dằn vặt những chuyện quá khứ. Thế nhưng, chúng ta có cần ngoái lại phía sau đâu để nhìn quá khứ bởi vì nó vẫn choáng ngay trước mặt chúng ta!

Tết là một phần truyền thống phải có trong cuộc sống hiện đại hàng năm. Nó chất chứa một ý nghĩa làm thăng bằng một cuộc sống ngày càng xa rời nguồn gốc của chúng ta. Nó cho ta phần tinh thần của cuộc sống mà văn minh vật chất tìm cách hủy diệt. Bởi vậy, Tết mang một ý nghĩa văn hóa nhân bản và dân tộc quan trọng, chẳng thể tưởng tượng có thể thiếu được, trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Thế nhưng chúng ta làm sao còn Tết được? Làm sao có Tết được trong cuộc sống ngày nay? Ví dụ như cho dù còn ở lại quê nhà, Tết có còn không khi chung quanh chúng ta dần dần chẳng còn ai? Hay càng thấy thêm đông những người xa lạ mà nếp nghĩ nếp sống đã khiến cho nhiều người hồi hương đang cảm thấy xa lạ ngay trên quê hương của mình?

Và nơi chốn tạm dung trên đất khách quê người này – nghĩ cho cùng, đối với kiếp sống tạm bợ trên cõi trần này, đâu chẳng phải là chỗ tạm dung – làm sao có được Tết? Làm sao có được Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa… mà có Tết nhất ở đây! Thiên thời? Từ cả tháng nay, nước Mỹ đang cóng người trong đợt lạnh kéo dài với hàn độ ở mức kỷ lục trong hai ba thập niên qua. Nơi nơi âm cả chục độ, tuyết như muốn che lấp cả không gian. Người già đương nhiên không dám ra đường, mà người trẻ cũng có thể không muốn mạo hiểm không đáng! Địa lợi? Cái khung cảnh hàng xóm, đường phố… bên này làm sao như khung cảnh quê nhà đề có Tết. Ở quê nhà, chúng ta vẫn quen sống đông đúc, chen chúc trong những căn nhà chật hẹp, nhà này hơi to tiếng nhà bên cạnh đã biết; những con hẻm chỉ có chỗ cho xe hai bánh; ra đầu ngõ đã là hàng quán; ngoài đường là hàng rong… Còn bên này? “Vùng đất hứa” chắc chắn khác xa với cảnh tượng “Đường về canh thâu. Đêm khuya ngõ sâu như không màu. Qua phên vênh có bao mái đầu. Hắt hiu vàng ánh điện câu. Đường dài không bóng. Xa nghe tiếng ai ru mơ mộng. Mưa rơi rơi xóa lối đi mòn. Có đôi lòng vẫn chờ mong…” – như bài Xóm Đêm bất hủ của Phạm Đình Chương. Và nhân hòa? Nhớ cái Tết thời xưa, chúng ta có ít nhất ba ngày nghỉ thảnh thơi - tất cả xã hội như ngưng lại hết để vui chơi. Như thế mà chúng ta vẫn có cảm tưởng không có đủ thời giờ cho mọi người, thăm viếng cho hết bà con quyến thuộc và bạn bè, đi hội chợ, chợ Tết, chợ hoa, đi chùa, và ấm cúng trong những bữa họp mặt thịnh soạn trong gia đình với mọi người đông đủ chung quanh. Còn bên này, có mấy ai để đi thăm…

Rốt cuộc Tết chỉ còn trong những đêm thao thức mất ngủ. Vì cái Tết không có mà nhân đó ta nhận rõ ra những mất mát không bao giờ tìm lại được, những cái “có được” bất đắc dĩ, và những cái “không” làm cho chúng ta nhìn nhau cúi đầu. Chẳng hiểu có thế hệ nào không chịu bất hạnh lây lất kéo dài đến thế, cuộc sống thực sự bị rút ngắn đến thế, để chỉ cho một phần lớn của cuộc sống chỉ còn là một cuộc chiến đấu để tồn tại. Họa may vài thế hệ sau này bớt đi nghiệp chướng chăng – nhưng ai có thể nói chẳng sợ gì những thách đố quyết liệt vẫn còn chờ ở phía trước!

Thế nào đi nữa, Tết vẫn đến trong thế níu kéo một thời đã mất. Đến trong những bài ca đón xuân một thời vẫn tràn ngập những ngày năm mới của mọi gia đình, và nay vẫn còn đọng lại trong ký ức sâu đậm trở về với chúng ta trong những đêm khuya bồi hồi, ray rứt như thế này. Tết là rộn ràng, là hưng phấn, reo vui… Những đêm giao thừa ngày xưa, hay ngày mùng một, ai lại chẳng được nghe bài Đón Xuân của Phạm Đình Chương mà nhiều ca sĩ đã thành danh với bài hát này:

Xuân đã đến rồi,
Reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh,
Muôn loài chim hát vang mọi nơi
Đem trong tiếng cười,
Cho kiếp người tình thương đắm đuối
Ánh Xuân đem vui với đời…

Một bài hát cho ta thấy một sự đẹp đẽ của con ngưòi, xã hội, dân tộc, đất nước trong cái Tết - một sự giao hòa tuyệt vời giữa thiên nhiên, vạn vật và con người, nói lên sự yêu đời, hy vọng, tin tưởng, lạc quan, ước mong của tất cả trước một năm mới. Phạm Đình Chương còn đến với chúng ta trong một bài bất hủ khác – Xuân Tha Hương:

Ngày xưa xuân thắm quê tôi
Bao nhánh hoa đời đẹp tươi
Mẹ tôi sai uốn cây cành
Vun xới hoa màu xinh xinh
Thời gian nay quá xa xăm
Tôi đã xa nhà đầm ấm
Sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm…

Bài này ông sáng tác năm 1956 khi đã vào miền nam sống sau Hiệp định Genève. Thế nhưng chúng ta nghe tiếng hát trầm ấm của Trần Thái Hòa vẫn có cảm tưởng như chia sẻ đầy đủ nỗi ngậm ngùi, cô đơn, xa lạ của tác giả khi qua những cái Tết xa quê hương. Chẳng cường điệu tí nào, có thể nói rất ít ai xứng đáng trong giới xướng ca để hát bài này như ca sĩ “đẹp như bông sen giữa bùn” này. Nhưng bài hát vui nhất, xã hội nhất, chan chứa tình nhân loại nhất của Phạm Đình Chương, được hát rộn rã thường là hợp ca lúc xuân về chính là Ly Rượu Mừng. Đó là bài hát nói lên giá trị của con người chính là sự yêu thương và đóng góp vào đất nước, xã hội, và chính trong sự quí trọng gía trị đó con người thương yêu nhau, đùm bọc nhau, gần gũi nhau, chúc lành cho nhau.

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi, mừng anh nông phú vui lúa thơm hơi,

người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no,
thoát ly đời gian lao nghèo khó...
A. A. Nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui
A. A. Muôn lòng xao xuyến duyên đời…

Một nhạc sĩ vĩ đại cũng tìm cảm hứng với mùa xuân là Phạm Duy. Những bài hát Hoa Xuân, Xuân Ca, Xuân Thì, Đêm Xuân… đã trở thành “cổ điển”, bất hủ. Vừa qua, khi ca sĩ Hà Thanh qua đời, chúng ta nghĩ ngay tới tiếng ca đằm thắm, dịu dàng, vỗ về của nữ danh ca xứ Thần Kinh:

Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung tròn
Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi
Muốn yêu anh vác cầy trên đồi
Hay là yêu chiến sĩ nghìn nơi
Thấy hoa tươi cuời bỗng thương đời…

Gọi Hà Thanh là “con chim họa mi xứ Huế” là sáo ngữ, cho dù giọng hát đài các, sang cả của chị khiến ngưòi ta nhớ ngay chị vốn là nữ sinh Đồng Khánh và thuộc một gia đình danh gia vọng tộc của đất Thần Kinh. Tiếng hát của chị chỉ có một, người ta đã nghe một lần thì không thể quên được và càng không thể nhầm lẫn với “họa mi” được! Tiếng hát chị vươn cao, nhẹ nhàng, đầm ấm, nhỏ nhẹ, man mác, có lúc buồn rầu, đi thẳng vào tiềm thức người nghe, con tim người nghe, làm cho con người thấy được sự nhỏ bé “vô thường” của mình, nhưng cũng cảm thấy có một nguồn an ủi nào đó trong lẽ đời. Chị là một trong những ca sĩ hát bài “xuân” nhiều nhất (Bến Xuân, Hoa Xuân, Phiên Gác Đêm Xuân, Nhớ Một Chiều Xuân…) – có lẽ vì chị tin rằng mùa xuân đem đến cho con người sức sống, hạnh phúc, niềm tin, sự thánh thiện cứu rỗi nhiều nhất. Chính từ niềm tin này, tiếng hát của chị từ cả hai mươi năm nay vang vang ở các chốn Phật đài, có khi gây rung cảm và làm cho người ta ngộ đạo còn mạnh hơn những lời thuyết pháp trống rỗng.

Giới nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng luôn luôn nhậy cảm trước sự biến chuyển chu kỳ trong cuộc sống của con người theo mùa. Đặc biệt mùa xuân và mùa thu. Một mùa mở ra một cuộc sống phấn khởi và một mùa cho người ta cảm thấy sự hư vô của kiếp nhân sinh. Chúng ta còn nhớ rất nhiều bài cho mùa xuân. Có thể kể thêm Gái Xuân, Mộng Chiều Xuân, Nụ Tầm Xuân, Xuân Nghèo, Gió Mùa Xuân Tới, Xuân Và Tuổi Trẻ, Xuân Nhớ Chiến Sĩ… Trong những năm chiến tranh cao điểm, Mộng Đêm Xuân của Tuấn Khanh, một nhạc sĩ có dòng nhạc và lời ca bao giờ cũng dễ thương, rất dễ dàng đến với người nghe thuộc mọi lứa tuổi, là một bài ca được chuyên chở tuyêt vời qua tiếng hát buồn và day dứt của Sĩ Phú.

Chiều nay buồn tôi đi tìm ý. Dù cho đuờng xa xôi vạn lý. Tôi vẫn đi dù mưa dù gió.Tôi vẫn mong tình thương còn đó.
Dừng đây một đêm nay là mấy. Để cho hồn thơ ngây ngày ấy. Nghe tiếng Xuân về tim rộn rã. Cho ước mơ thành những vần thơ…

Sau này, tình hình chiến tranh ngày càng chết chóc, trong khi tôn giáo và chính trị ngày càng điên rồ và ngu xuẩn, cho nên những nhạc sĩ của chúng ta không còn bình tâm chào đón mùa xuân nữa. Vào năm 1962, tình hình còn tương đối êm ả, bài cuối cùng về mùa xuân lãng mạn của tuổi trẻ đẹp như tranh thủy mạc luôn luôn đáng nhớ. Đó là Anh Cho Em Mùa Xuân, thơ Kim Tuấn, nhạc Nguyễn Hiền - đều là những nhân vật hảo hạng (Kim Tuấn còn là tác giả Những Bước Chân Âm Thầm, Khi Tôi Về, Ta Ở Trời Tây).

Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ.
Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn vỉa phố, mắt buồn vin ngọn cây.
Anh cho em mùa xuân, mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá.
Lời thơ thương cõi đời, bầy chim lùa vạt nắng, trong khói chiều chơi vơi…

Sau này, Em Còn Nhớ Mùa Xuân của Ngô Thụy Miên sáng tác vao năm 1975 sau khi bắt đầu cuộc sống tha hương có thể được xem như khép lại một chương vế dòng nhạc Tết và mùa xuân yêu thương và hy vọng một thời của chúng ta.

Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân. Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ. Nhớ tiếng dương cầm giọng hát trẻ thơ. Có thấy bơ vơ ngày tháng đợi chờ.

Nơi ấy bây giờ còn có mùa xuân. Có dáng nghiêng nghiêng nụ cười thật gần. Có mắt nai vàng ngời sáng tình xanh. Em có bao giờ thấu cho lòng anh …

Hãy nhìn hiện cảnh bi đát của chúng ta. Mùa thu đến trên đất Mỹ, chúng ta còn có thể hát Giọt Mưa Thu, Buốn Tàn Thu, Tiếng Thu, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Mùa Thu Paris… bao nhiêu bài về mùa thu vẫn có sức rung động khi ta nhìn cảnh tượng chung quanh.

Nhưng cả một dòng nhạc mùa xuân phong phú, rộn rã, vui tươi, lạc quan, yêu đời, hy vọng… của một thời, nay làm sao chúng ta có thể hát lên được khi mùa xuân không đến, Tết đã mất - không chỉ để cho cái kho tàng văn hóa dân tộc đó khỏi mai một, mà còn để đời sống của mỗi chúng ta không ngày một nghèo nàn, cằn cỗi thêm.

Nghe: Mùa Xuân Đầu Tiên

Comments