THẾ GIỚI 2013: SÔI ĐỘNG NHƯNG AN BÌNH

HNN

Khi phải tổng kết thế sự thăng trầm trong năm 2013, người được giao công tác này cố tìm cách mô tả vắn gọn tình hình trong vài chữ. Có lẽ cách mô tả đúng nhất là “Sôi động nhưng An bình”.

Dường như khắp nơi tình hình đang sôi động – dù ở mỗi nước, mỗi xã hội cách biến động có khác nhau. Người ta đang tìm chưa ra một trật tự mới cho thế giới “hậu hiện đại” (post-modern world). Có người nói là thế giới “hậu chiến tranh lạnh”. Và cũng có tác giả bảo là “thế giới hậu-Hoa Kỳ” (post-America world - tức sau thời Hoa Kỳ làm bá chủ). Ở Mỹ năm 2013 chẳng yên vì cuộc nội chiến điên rồ và ngu xuẩn lưỡng đảng. Cả vùng Trung Mỹ, Nam Mỹ cũng chứng kiến bao nhiêu thay đổi. Ở châu Âu, khủng hoảng kinh tế vẫn đang còn trừng phạt một lục địa đã sống quá lâu trong sự tự mãn, ăn trên ngồi trốc.

Châu Phi nát như tương vì loạn quân Hồi giáo Al Qaeda đang nổi lên nơi nơi, tìm cách tồn tại sau khi bị đánh đuổi ra vùng Bắc Phi và Trung Đông văn minh hơn. Ở vùng Trung Đông, Mùa Xuân A-Rập đang còn đó - mùa xuân gì mà còn nóng hơn cả mùa hè, ở những nơi gió đã thổi qua như Ai Cập, Libya, Tunisia cũng như ở nơi “xuân phong” đang hoành hành như Syria. Iraq, Afghanistan và Pakistan của Mỹ chỉ thêm tệ hại. Do Thái thì bao giờ cũng lạm dụng Washington hết cách để cho Mỹ bị mắc kẹt ở vùng thuốc súng này. Ở Nga, Thủ tướng Putin lại “đắc cử” tổng thống, mặc dù người dân đang tỏ ra chán ngấy. Putin đang ở năm đầu của một nhiệm kỳ mới kéo dài tới sáu năm, đã không che dấu tham vọng bá chủ quốc tế của mình bằng cách can thiệp khắp nơi. Một đại cường khác cũng làm Mỹ nhức đầu là Trung Quốc, dường như họ không tí nào thối lui trong tham vọng bành trướng bá quyền ở vùng Biển Đông – nhất là họ cũng đã có Tập Cấn Bình thay Hồ Cẩm Đào ở chức chủ tịch nước và tổng bí thư đảng. Vùng Đông Nam Á cũng đang nổi lên trên bàn cờ quốc tế với những cuộc biểu tình ở Bangkok, Phnom Penh, tiến trình dân chủ hóa phấn khởi ở Miến Điện, và những dấu hiệu khát vọng “đổi đời” của người Việt ngày càng rõ.

Nhưng trong những ngày cuối năm nay, tâm hồn nhân loại đã lắng xuống trươc sự qua đời của ông Nelson Mandela. Ông không chỉ là một biểu tượng của một cuộc sống cho lý tưởng của con người - quyền dân chủ, tự do, bình đẳng – mà còn là một tấm gương về lòng vị tha nhân bản. Ông mất đi vừa làm cho chúng ta ngậm ngùi trước qui luật của muôn đời – con người ta rồi sẽ trở về với cát bụi, cho dù là người vĩ đại hay là thứ vô lại. Chỉ có một sự khác biệt lớn lao: con người vĩ đại sẽ ở lại trong con tim của hậu thế, con người vô lại sẽ chóng bay đi như lớp bụi thời gian. Chính trong Mùa Giáng Sinh 2013 mà chúng ta đang nhìn thấy một con người vĩ đại khác, nổi lên giữa một biển người vô lại lúc nhúc phía dưới. Đó chính là Đức Giáo Hoàng Francis với Thông điệp “Niềm Vui trong Phúc Âm” của Ngài, kêu gọi tôn giáo hãy nhìn lại bể khổ trong đời để quên đi những chuyện tuế toái chẳng làm ai chết chẳng làm ai sống!

Năm 2013 này l2 năm đầu của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama. Những nhà chính trị học nói những tổng thống Mỹ trong thời “hậu hiện đại”, được mong đợi thì nhiều, nhưng làm chẳng được bao nhiêu (high expectations, low performance). Năm nay cũng chừng đó chuyện: đảng Cộng Hòa với mục tiêu rõ rệt phá hoại, tiêu diệt Obamacare đã gây khó khăn cho việc thông qua ngân sách 2014 đôi ba lượt, tháng tư, tháng mười và tháng chạp – kể cả chuyện “đóng cửa chính phủ” và “không tăng mức nợ”. Cái Obamacare của ông Obama, từ 1-10 đi vào hoạt động cho người không có bảo hiểm muốn mua bảo hiểm được chính phủ tài trợ, nhưng cũng bị trục trặc kỹ thuật, còn bao nhiêu rắc rối phức tạp xảy ra khi thực hiện luật cải tổ y tế này (hàng triệu người mất bảo hiểm, hàng triệu không mua được bảo hiểm, hàng triệu bảo hiểm tăng giá…). Tuy nhiên, rốt cuộc, dường như vào ngày Christmas Eve, ông Obama vui vẻ xoa tay nói “Ở hiền gặp lành”, “All’s well that ends well”, và bắt đầu mơ mộng trở lại những mục tiêu “bình đẳng xã hội và kinh tế”, tăng tiền lương tối thiểu, phục hồi chương trình tem phiếu thực phẩm, xin gia hạn trợ cấp cho người thất nghiệp. Rồi Quốc Hội cũng thông qua một ngân sách cho cả hai năm (đến 2015) trước thời hạn 15-1-2014, tránh bao nhiêu chuyện căng thẳng trong mùa Giáng Sinh. Rồi Obamacare cũng chạy lại được khá trơn tru, số người ghi danh đã bình thường, nhiều hơn trước đáng kể và không bị “máy hất người ra khỏi lối đi” (Bâng khuâng nhân loại chấp tay quì) nữa, sau hai tháng mười và tháng 11 làm cho ông Obama suýt vào nhà thương Chợ Quán phat và đảng Dân Chủ phải dùng thuốc trợ tim. Điều chính yếu là đạo luật này đã rời khỏi phòng theo dọi thường trực ICU và đã tồn tai được nhờ sự chấp nhận, thậm chí hưởng ứng của người dân nay ngày càng hiểu rõ hơn sự cần thiết của bảo hiểm y tế. Kinh tế của Mỹ xem chừng cũng phục hồi vững chắc hơn, ở cả hai con số tăng trưởng (3.6% trong quí ba 2013) và tỷ lệ thất nghiệp (7% trong tháng 11) cùng sự khởi sắc của thi trường địa ốc, năng lượng và xe hơi…

Chỉ có điều… Chỉ có điều, ngoài đó ra thì chính phủ chẳng làm được việc gì cả, từ kiểm soát súng đạn, đổi mới luật di dân, tu chỉnh các luật về gimá sát tài chánh, và cải cách giáo dục - nhất là trong tình hình bao nhiêu báo cáo quốc tế và quốc nội chỉ ra học sinh và sinh viên Mỹ đang quá tụt hậu so với quốc tế. Tệ hại nhất là hai câu chuyện đều liên quan đến Tổng thống Vladimir Putin của Nga: Edward Snowden, tên cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA ăn cắp tài liệu an ninh mật và bỏ trốn qua Nga và được Putin cho “tỵ nạn chính trị”; Syria bị kết án dùng vũ khí hóa học để tiêu diệt các lực luợng nổi dậy, nhưng chế độ Damacus được Moscow bảo trợ cho nên rốt cuộc Mỹ phải chấp nhận giải pháp của Putin: Syria hủy bỏ vũ khí hóa học với sự “chứng giám” của quốc tế. Mỹ ngày càng lúng túng khi nhận ra “lực bất tong tâm” trong những vấn đề quốc tế!

Hãy nhìn qua một tí tình hình những nơi khác ở Bắc Mỹ. Ở Canada, bà Pauline Marois đã lên làm thủ hiến Quebec từ tháng chín 2012, và đưa tỉnh nói tiếng tây này lại đi vào con đường ly khai, bảo thủ, chống Ottawa. Ở Toronto, Ontario, câu chuyện ông thị trưởng Rob Ford chơi ma túy và rượu mà ông đã thú nhận làm náo động cả nước. Ông từng làm trò cười cho thiên hạ khi ra tranh cử hứa sẽ “tự chế để xuống cân”. Nay thì ông nhất định không từ chức. Ở Mexico, Tổng thồng Felipe Calderon chống các tập đoàn tội ác ma túy đã hết nhiệm kỳ, người mới Enrique Pena Neto nhậm chức cách đây đúng một năm. Người ta đang có cảm tưởng ông Neto đang muốn thỏa hiệp với các tập đoàn để có một mô thức “sống chung hòa bình” hầu giảm bớt bạo lực chết người ở Mexico. Tuy nhiên, bạo lực vẫn tiếp diễn!

Cũng có nhiều sự kiện đáng ghi nhận ở Nam Mỹ. Tổng thống Mác-xít Hugo Sanchez của Venezuela đã chết vì ung thư, kích thích những lực lượng dân chủ hoạt động mạnh hơn để lật đổ người thay thế ông Nicolas Maduro. Ở Chile, bà Michele Bachelet đã trở lại làm tổng thống với lời hứa cải cách chính trị theo hướng “xã hội chủ nghĩa”. Ở Brazil bà tổng thống xã hội chủ nghĩa Dilma Roussef đã trải qua một năm cực kỳ khó khăn trước World Cup 2014: lòng dân không yên, băng đảng tội ác đang nổi lên, và tham nhũng đang phát tác mạnh, giữa khi kinh tế đã đi hết chu kỳ đi lên và đang có dấu hiệu khựng lại! Ở Argentina, bà Tổng thống “dân túy” Cristina Hernandez de Kirchner vừa trải qua một căn bệnh máu tồn tại não thập tử nhất sinh, và nay đang phải đối phó với một nền kinh tế và tài chánh quốc gia cũng không kém hiểm nghèo!

Bên kia bờ Đại Tây Dương, thất nghiệp còn cao (ở Tây Ban Nha, Ý hay Hy Lạp, tỷ lệ trong khoảng 15-25%), tăng trưởng còn trầy trật, nhưng người ta nói suy thoái hầu như đã chấm dứt. Các nền kinh tế tệ hại nhất như Hy lạp, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha… đang cố vươn dậy. Trong quá trình chống khủng hoảng này, nổi bật là vai trò của Đức và người lãnh đạo là Thủ tướng Angela Merkel. Bà đã bị mắc kẹt vào một tình thế tế nhị: các nước trong khu vực đồng euro không muốn bị áp đặt chính sách khắc khổ, nhưng cử tri Đức thì không muốn nước của họ phải tung tiền ra để kích thích cho hết nước này đến nước khác. Bà đã thoát ra khá tàì tình. Và cũng qua cuộc khủng hoảng này, những người quan sát thấy các nước châu Âu nói chung và khối Eurozone nói riêng đang đi tìm cách thích nghi với tình thế mới: xem lại các chính sách phúc lợi xã hội rộng rãi lâu nay của mình. Đồng thời, chính sách di dân của họ càng bị khép chặt hơn, vừa từ chính phủ vừa từ phàn ứng của dân bản xứ không muốn ôm thêm gánh nặng từ bên ngoài, nhất là từ những ngừời da đen châu Phi và Hồi giáo.

Khuynh hướng Hồi giáo cực đoan đúng là vấn đề của thế giới hậu chiến tranh lạnh. Thế lực đang bị thách đố ở ngay những nước A-Rập Hồỉ giáo ở Trung Đông và Bắc Phi, Al-Qaeda và những nhóm tương tự đang chuyển qua những nước châu Phi, phá tan hoang đất nước và xã hội của Sudan, Somalia, Angola, Congo, Nigeria… gây trở ngại cho sự trỗi dậy kinh tế của nhiều nước đang phát triển như Kenya, Uganda, Ghana, Nigeria, Nam Phi…Ở Bắc Phi, Hồi giáo cực đoan đang xung đột với quần chúng trí thức, sinh viên cấp tiến thân phương tây tại Libya và Tunisia. Ở Ai Cập, tổng thống dân cử Mohamed Morsi của Phong trào Huynh đệ Hồi giáo đã bị quân đội lật đổ và phong trào của ông ta lần nữa phải đi vào bóng tối. Ở Syria, sau hơn hai năm nội chiến với hơn 60.000 người chết, cuộc xung đột vẫn chưa ngã ngũ, bởi lực lượng chính phủ được Nga trang bị quá tối tân, hiện đại, đầy đủ đến mức người ta không còn cần vũ khí hóa học nữa! Ngày nào Nga còn làm giàu nhờ bán vũ khí cho Syria, còn cần giữ căn cứ quân sự tại một cảng của Syria để nhìn bao quát khu vực Địa Trung Hải chiến lược, ngày đó Tổng thống Bashar al-Assad còn cảm thấy mình vững như bàn thạch.

Người ta có thể mang một cảm giác tuyệt vọng khi nhìn đến tình hình ở Iraq (máu thường dân vô tội vẫn đổ), Afghanistan (Taliban vẫn lộng hành và áp bức trong khi Kabul bất lực về cả quân sự lẫn chính trị), và Pakistan (nước dân chủ lâu đời nhất trong khu vực nhưng cũng phi dân chủ nhất, hỗn loạn nhất, đẫm máu nhất). Thế nhưng ở một nơi khác, hình như hy vọng đã vươn lên: Iran đã có một tổng thống mới hòa hoãn hơn thay ông Mahmoud Ahmadinejad. Tổng thống Hassan Rouhani đã mở cửa cho một giai đoạn mới đối nội và đối ngoại. Tổng thống Do Thái Benjamin Netanyahu cùng những người Cộng Hòa ở Mỹ đang ra sức tuyên truyền đả phá những thỏa ước sơ bộ Iran đạt được với quốc tế về Iran đóng băng các chương trình hạt nhân tạm thời trong thời gian sáu tháng trong khi các nhà thương thuyết tiếp tục công việc để có mọt thỏa thuân dài hạn hơn. Sự thực, người ta cho rằng hơn ba thập niên qua, lần đầu tiên quan hệ giữa Mỹ và Iran mới đạt được một sự phá băng! Và đây có thể là sự khởi đầu cho việc đi tìm giải pháp cho nhiều vấn để bế tắc lâu nay trong vùng Trung Đông này!

Chúng ta chẳng bao giờ hiểu thế giới đầy đủ nếu quên rằng dường như chúng ta đang sống trong thời “Tam Quốc diễn nghĩa” này.

Từ đầu năm nay, ông Putin đã trở lại làm tổng thống ở Nga, với nhiệm kỳ sáu năm, sau bốn năm làm tạm thủ tướng (2008-12), sau khi đã làm tổng thống đến tám năm trước đó trong hai nhiệm kỳ (200-08). Bởi thế mà ông đang tính làm chuyện lớn, tức chính thức làm “Russian tsar” - Nga hoàng cho cả thế giới phải khiếp sợ, phủ phục. Về mở mang bờ cõi, chúng ta đã thấy ông dần dần nắm lại hết các nước chư hầu và vệ tinh cũ của Liên Xô trước đây – ngay cả Georgia và Ukraine có lẽ củng khó thoát. Nga đã “cắm dùi” ở Syria để quan sát toàn bộ Bắc Phi và Trung Đông. Nay xem chừng họ muốn mở căn cứ ở Việt Nam để nhìn toàn Biển Đông và vùng Đông Nam Á. Cứ nhìn cái hôn môi thắm thiết của Chủ tịch Trương Tấn Sang trao cho Putin trong dịp Putin đến Hà Nội với cả loạt thỏa thuận kinh tế để mua chuộc Việt Nam. Ngay trong những ngày Giáng sinh, người ta cũng phải nói đến Putin khi người dân thủ đô Kiev của Ukraine xuống đường chống áp lực của Nga bắt Ukraine không đưọc chơi với Liên Âu để đi vào liên minh kinh tế-thương mại với Nga.

Trung Cộng từ đầu năm nay cũng có lãnh tụ mới, Tập Cấn Bình, là người cẩn thận đến nổi trước khi đăng quang, ông đã triệt hạ đối thủ là Bo Xilai đến mức gần như “tru di tam tộc”. Tập Cấn Bình có vợ vốn là ca sĩ và diễn viên sân khấu văn công, ông là người có óc tưởng tượng, cho nên tiến hành một số đổi mới kinh tế giảm bớt vai trò của nhà nước, đồng thời mở ra “Giấc mơ Trung Quốc” chiêu dụ thế giới – như một thay thế cho “the American Dream”. Tuy nhiên, cho đến nay, người từ Hong Kong, Thượng Hải vẫn tìm cách qua California sinh đẻ để về sau có khi được nhờ con có quốc tịch Mỹ! Vấn đề là người ta chẳng mấy chú ý đến giấc mơ huyễn hoăc này, vì thực tế là tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Cộng không giảm. Bởi thế Bắc Kinh đụng với tất cả các nước trong vùng: Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Phi Luật Tân. Ngay cả Việt Nam giỏi nhịn mà cũng muốn có phản ứng.

Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước đề có thể dùng quan hệ bên ngoài trung hòa sự chống đối bên trong của người dân. Đó là một đường lối nguy hiểm. Chúng ta cứ nhìn những tiến bộ đáng mơ ước của cuộc vận động dân chủ ở Miến Điện chỉ trong 2-3 năm qua. Những cuộc xuống đường rộn rã của người dân Campuchia đòi Thủ tướng trọn đời Hun Sen phải thực thi dân chủ. Hay cuộc tranh chấp áo đỏ áo vàng ở Bangkok, Thái Lan. Những cuộc bầu cử dân chủ rộn rã ở Indoneisa… Không sớm thì muộn, ở đâu người dân cũng lên tiếng. Đó phải là một bài học của năm 2013 nếu người ta còn có thể học đưọc thay vì đầu óc quá lú chữ nghĩa hết vào.

Năm 2014 sẽ chỉ tiếp nối năm 2013, cho nên chúng ta có thể tính rằng tình hình sẽ chẳng vẫn yên, nhưng rồi cũng như năm nay, tiền hung hậu kiết – cho những ý tốt lành cho nhân loại, cho xã hợi, cho đất nước.

Comments