ĐỨC GIÁO HOÀNG CHAN CHỨA MỘT CON TIM

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002


clip_image004

Tạp chí Time vào giữa tháng chạp đã chọn tân Giáo Hoàng Francis làm “Nhân vật Trong năm” với lời trình bày lý do: “Ông đã kéo lãnh đạo Giáo hội ra khỏi chốn cung điện để đi xuống đường phố với người dân, ông đã đặt tín ngưỡng lớn nhất của thế giới trực diện với những thiếu thốn, cùng khổ của nhân thế, ông đã tạo sự thăng bằng giữa phán xét với lòng trắc ẩn, vị tha”.

Quyết định của tờ Time không làm ai ngac nhiên – cho dù ở nước Mỹ nay, đạo Thiên Chúa có tín đồ chưa đông bằng Tin Lành. Ngài chỉ mới đăng quang từ tháng ba năm nay, thay thế Giáo Hoàng Benedict XVI xin rút lui – chính yếu là vì không kham được những thách đố của thời đại phức tạp toàn cầu ngày nay. Tuy nhiên, chỉ mới tám tháng mà dường như chúng ta – ngay cả những người ngoại đạo – có cảm tưởng gần gũi với Ngài, như đã biết Ngài từ lâu lắm. Tờ Time nói thêm rằng: “Những gì đã khiến cho chúng ta thấy giáo hoàng này rất quan trọng là chính là sự nhanh chóng của ông trong việc chiếm được sự tưởng tượng của hàng triệu người đã không còn đặt niềm hy vọng vào nhà thờ nữa. Người ta quá mệt mỏi với sự biện giải quanh co về đạo đức tình dục, sự xung đột nội bộ trốn tránh trách nhiệm trong cơ chế quyền lực khi bao giờ cũng thế (mượn lời của Milton) (thi sĩ Anh John Milton vào giữa thế kỷ thứ 17 nổi tiếng với bài thơ Lycidas), “các con chiên đói khát ngước nhìn, nhưng không được miếng ăn’. Trong vòng mấy tháng, Francis đã nâng cao sứ mạng hàn gắn của giáo hội – giáo hội như là tôi tớ chăm lo những người bị khốn khổ trong một thế giới thường là thô bạo - vượt trên công việc có tính cách cảnh sát nặng tính giáo điều mà những người tiền nhiệm gần đây của ông đã quá xem trọng. John Paul II và Benedict XVI là giáo sư thần học. Francis là một người gác dan, người bảo vệ hộp đêm, kỹ thuật viên hóa học, và giáo sư văn chương”. Francis, người Argentina, là giáo hoàng đầu tiên đến từ vùng châu Mỹ La-tinh, “vùng đất hung bạo” của nhà văn Jorge Amado. Tín nhiệm ngài là một quyết định có tính cách “bước ngoặc lịch sử của giáo hội La Mã”. Giáo Hoàng Francis đã là người mở ra bước ngoặc để đi vào hành trình mới đó.

Có thể chỉ là sự tình cờ, bỗng dưng hai nhân vật tiếng tăm hàng đầu trên thế giới lên tiếng một cách quyết liệt phê phán tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội hiện nay. Một người đối với chúng ta là quá quen thuộc: Tổng thống Barack Obama. Từ khi vào Tòa Bạch Ốc cách đây năm năm, ông đã tận dụng mọi cơ hội để nói lên sự quan tâm của ông về sự cách biệt ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo. Ông còn nói rõ trong quá trình đưa nước Mỹ thoát ra khỏi cơn Đại Suy Thoái bùng nổ từ đầu năm 2008, rốt cuộc chỉ có người giàu là hưởng lợi. Càng giàu càng phất. Tính trung bình, 0.1% những người giàu nhất càng tích lũy thêm của cải vật chất ở mức cao hơn những người trong nhóm 1% giàu nhất. Và những người trong nhóm 1% giàu nhất lại giàu nhanh hơn nữa so với nhóm 10%. Đã có những người giàu nhanh như thế đương nhiên phải có những người lãnh đủ. Đó chính là 90% lớp dưới. Nhưng nếu phân tích kỹ hơn nữa, thiệt hại nặng nề nhất chính là thành phần mà người Mỹ vẫn rất hãnh diện, xem như là “tinh túy của cơ chế xã hội Mỹ: the middde class – giai cấp trung lưu. Thậm chí, người ta nói nước Mỹ “hơn người” (exceptional) cũng là do có một giai cấp trung lưu không nước nào có. Ngày nay, thất nghiệp cũng giai tầng xã hội này gánh. Mất nhà mất cửa cũng họ chịu. Giảm lương họ cũng phải nhận. Những việc làm bán thời gian, tạm thơi, không có phúc lợi, dành cho người không có tay nghề, họ cũng vui vẻ không từ chối. Bảo hiểm y tế người thì mất, người thì còn nhưng không dám sử dụng. Theo thống kê của Văn phòng Ngân sách Quốc Hội (CBO), nguyên lớp 1% thu nhập cao nhất đã lấy đi 30% tống lợi tức toàn xã hội; 10% những người giàu nhất nắm cả một nửa tồng lợi tức này. Trong khi đó, 20% những người nghèo nhất có lợi tức chưa đến 5% tổng lợi tức đó, và 40% những người nghèo nhất cũng chưa đến 15%. Một mặt biểu hiện của nước Mỹ nghèo khổ chính là ở con số những người phải nhận tem phiếu thực phẩm cùng con số những ngưòi không có bảo hiểm. Hai con số này khá gần nhau: cứ sáu người Mỹ lại có một người phải rơi vào tình trạng bỉ thử bi đát này. Nhưng đáng nói hơn chính là một con số khác: cứ 10 trẻ em thì có đến hai trẻ phải sống bằng tem phiếu này.

Chẳng có mấy tổng thống Mỹ đã nói đến sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội như một chướng nạn của đất nước. Trước ông Obama, Tổng thống George W. Bush đề cao “người Cộng Hòa giàu lòng trắc ẩn” (compassionate Republican), nhưng rốt cuộc lòng trắc ẩn của ông chỉ thể hiện ở chỗ giảm thuế cho thành phần lợi tức ở trên 5% trong xã hội. Và chính cái giảm thuế cho ngưòi giàu đó làm cho chính phủ chẳng có tiền cho những chương trình phúc lợi dánh cho người nghèo. Trước Bush là Bill Clinton, gặp lúc kinh tế Mỹ hưng thịnh, ông cố tìm cách giảm thuế cho lớp dưới, nhưng Newt Gingrich, lúc đó là chủ tịch của phe đa số Cộng Hòa tại Hạ Viện, đã thành công trong việc ngăn chận “âm mưu” đó. Ông Obama là người vẫn lên tiếng kiên trì về vấn đề này, và ông còn hành động trong thực tế cho mục tiêu giảm sự bất bình đẳng này, đến mức những người Cộng Hòa tiếp tục vu cho ông tiếng “con người xã hội chủ nghĩa”. Trong tư tưởng hạn hẹp của một số người (con số không nhỏ) Cộng Hòa, người ta đồng hóa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa cộng sản. Bởi thế mà người ta cũng có khuynh hướng đổ cho những nước châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển… đều là những nước “xã hội chủ nghĩa” theo nghĩa là những nước cộng sản. Trong thực tế, không một nước cộng sàn nào thời còn “sinh tiền” hoàn thành được mục tiêu xã hội chủ nghĩa với người dân của họ cả. Mặt khác, “chủ nghĩa xã hội châu Âu” hiện thời là một sự chuyển hóa của chủ nghĩa tư bản theo hướng “nhà nước an lạc” (welfate state) trong thời sau Đệ nhị Thế chiến. Sự bất bình đẳng hiện nay ở Mỹ làm cho người nghèo thêm khốn đốn, do đó xã hội càng thiếu bình an, đạo lý đất nước không đứng vững, và kinh tế chẳng thể tiến mạnh được. Đó là những điều trăn trở mà mỗi chúng ta, suy nghĩ một tí, đều có thể nhận chân được.

Cuộc đấu tranh cho bình đẳng xã hội của ông Obama, theo lối nói của người Mỹ, đúng là một cuộc chiến đánh ngược lên đỉnh đồi (uphill battle). Obamacare, chẳng hạn, nhằm vào việc tạo điều kiện bảo hiểm y tế cho những người không có bảo hiểm lâu nay vì hoàn cảnh kinh tế. Thế nhưng Rick Santorum, từng là thượng nghị sĩ cho tiểu bang Pennsylvania trong suốt 12 năm (1995-2007), ra tranh cử tổng thống năm 2012, vào đầu tháng 12, đã cả gan phát biểu một câu rùng rợn: “Cuộc đấu tranh vị đại của cựu Tổng thống Nam Phi Nelseon Mandela cho dân quyền của người da đen cũng giống như cuộc đấu tranh hiện nay của người Cộng Hòa chống Obamcare để bảo vệ quyền lợi y tế của ngưòi dân nghèo!”. Ông Mandela, nay đã nằm yên dưới lòng đất, đang chau mày hay phì cười? Hiện nay, ông Obama đang tập trung vào ba điểm: phục hồi tem phiếu thực phẩm cho ngưòi nghèo, nâng mức lương tối thiểu cho người lao động từ $7.25 lên đến $9.80, và gia hạn trợ cấp thất nghiệp cho những người đã mất việc lâu dài. Kinh tế đã tương đối phục hồi. Những ngành chính như địa ốc, xây dựng, kỹ nghệ xe hơi, năng lượng … đã có đà tăng trưởng mạnh. Thiếu hụt ngân sách đã được cắt giảm đáng kề trong năm tài chánh vừa qua. Phía Cộng Hòa có lý do gì để lưỡng lự? Nhưng họ vẫn sợ làm gì thì cũng chỉ có lợi cho ông Obama và phía Dân Chủ. Nhất là giữa khi trận chiến Obamacare của họ đang có vẻ không thành. Cho nên, cuối năm đến, không đem ánh sáng đến cho những người bất hạnh ở Mỹ trông chờ một niềm vui vế phúc lợi.

Kê từ khi Hồng y Jorge Bergoglio trở thành Giáo Hoàng Francis vào tháng ba, đức giáo hoàng mới đã làm cho cả thế giới náo động trước sự nhấn mạnh của ngài vào công bằng xã hội và kinh tế. Thông diệp quan trọng đầu tiên của ngài, có tên là “Niềm Vui Trong Phúc Âm” được phát ra nhằm mùa Lễ Tạ Ơn bên Mỹ, được xem là một lời kêu gọi tín đồ đi theo một đường lối truyền bá Phúc Âm mới, nhưng thực ra phần lớn bản văn này liên quan đến cả người trong đạo và người ngoại đạo - nhất là những lời phê phán nghiêm khắc của Ngài đối với nền kinh tế bất bình đẳng ở khắp nơi. Ngài viết trong thông điệp 85 trang, 50.000 chữ “Như điều răn ‘Ngươi không được giết’ đặt ra một giới hạn rõ ràng để bảo vệ giá trị của cuộc sống của con người, hiện nay chúng ta cũng phải nói ‘Người không được phép’ cho một nền kinh tế tước đoạt và bất bình đẳng. Một nền kinh tế như thế hủy diệt. Làm sao có thể được một người già không nhà không cửa chết phơi thân ngoài đường lại chẳng là tin tức cho báo chí, nhưng khi thị trường chứng khoán mất hai điểm thì báo chí đua nhau đưa tin? Đây là một trường hợp bị loại bỏ. Liệu chúng ta có thể tiếp tục đứng nhìn khi thực phẩm bị ném bỏ trong khi bao nhiêu người đang phải chết đói. Đây là một trường hợp bất bình đẳng. Hiện nay, mọi thứ đều chịu tác động bởi qui luật cạnh tranh và chỉ có những người có điều kiện nhất là tồn tại được, những người quyền thế khai thác những người bất lực, vô phương. Hậu quả của xã hội này là quần chúng đông đảo bị loại bỏ, phải đứng bên lề: không công ăn việc làm, không cơ hôi, không phương tiễn thoát ra cảnh khó”.

Hình như chưa có một giáo hoàng nào nói những lời phê phán nặng lời đến mức đó về xã hội kinh tế hiện nay. Và chắc chắn chưa có ai đi sâu vào phân tích như thế về cơ chế của chủ nghĩa tư bản đang thịnh hành nơi nơi trên thế giới như Ngài. Đức Giáo Hoàng Francis đã chứng kiến sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trên đất nước một thời lạc hậu cua ngài, và cũng thấy được sự tàn bạo của nó trong sự phân hóa giai cấp xã hội. Ngài cũng có dịp nhìn đến một nơi trong tầm mắt của mình: nước Mỹ với mô hình “kinh tế nhỏ xuống” (trickle-down economics) của nó. Những người cồ xúy chủ thuyết này cho rằng nhà nước cứ mạnh dạn tạo cho tầng lớp trên, 1% hay 5%, những đặc quyền đặc lợi về thuế, về sự điều hành không có kiểm tra, hạn chế của chính quyền, đề cho giới tư bàn làm giau tự do, nhờ đó, kinh tế phát triển, thì nói chung ai cung được lợi, khi “lợi nhuận thặng dư nhỏ giọt xuống cho những thành phần ở dưới”. Ngài viết: “Trong bối cảnh này một số người còn tiếp tục bào chữa cho những thuyết nhỏ giọt xuống, cho rằng tăng trưởng kinh tế, do sự thúc đẩy của thị trường tự do, sẽ đương nhiên thành công trong việc tăng cường công lý và lan tỏa phúc lợi rộng ra trên thế giới. Ý kiến này, chưa hề được thực tế chứng nhận, đã nói lên một niềm tin đơn giản và nông cạn vào cái tốt nơi những người nắm được quyền lực kinh tế và vào cái cơ chế bản thiện của hệ thống kinh tế hiện hành. Trong khi đó, những người bị gạt ra ngoài vẫn còn phải chờ đợi. Sự bất bình đẳng này là kết quả của những học thuyết bảo vệ sự tự quản tuyệt đối của thị trường và hoạt động đầu cơ tài chánh. Rốt cuộc, người ta bác bỏ vai trò kiểm soát của nhà nước vốn có trách nhiệm vì lợi ích chung. Một loại chuyên chế mới vì thế đã ra đời, vô hình nhưng hiện hữu trong thực tế, đơn phương vá không ngừng áp đặt luật và lệ của riêng nó.

Chẳng ai dám không tin sự chân thực trong những lời nói của Ngài. Từ những lời nói đó, chan chứa một con tim. Con tim của một người đã lớn lên trong những hoàn cảnh cá nhân đầy thách đố, trong một xã hội đầy thách đố. Và khi lớn lên, Ngài vẫn thấy còn tốn tại, hầu như không đổi, những thách đố đó. Có lẽ còn phúc tạp hơn trước. Trong thế giới 7 tỷ người hiện nay, đến hơn 80% dân số nay đang sống ở những nước bất bình đẳng kinh tế trầm trọng. Đến 40% những người nghèo nhất thế giới chỉ có được 5% trong tổng lợi tức toàn cầu, trong khi 20% những người giàu nhất chiếm đến 75% tồng lợi tức này. Thế giới có được 2 tỷ trẻ em, một tỷ đang sống trong nghèo đói. Mỗi ngày có đến 22.000 trẻ em chết vì thiếu ăn. Là một người bị ám ảnh trước hiện trang đó, và càng hiểu rằng người ta đang xa rời tôn giáo vì tôn giáo đã bất lực trước chuyện sống còn của nhân loại. Làm sao Ngài có thề nói khác đi được.

Và ngay cả những người theo Phật giáo cũng có thể nhìn thấy nỗi đau của Ngài trước cái khổ của chúng sinh mà liên tưởng đến Đức Phật Thích Ca trước đây, khi Ngài rời khòi thành Ca Tỳ La Vệ, bỏ lại tất cả ngai vàng điện ngọc, phú quí xa hoa sau khi thấy đời đúng là bể khổ mênh mông. Đức Giáo Hoàng đang có một cuộc sống biểu trưng cho một ngưòi vì thế gian mà vác Thánh Giá. Ngài chọn một căn nhà khiêm tốn làm nơi cư ngụ thay vì ở trong cung điện Tòa Thánh. Ngài đi một xe Renault cũ đã 30 năm thay vì chạy một xe mới.

Một số nhà quan sát không ngần ngại nói rằng Giáo Hoàng Francis đã đem hàng triệu tín đồ trở lại nha thờ. Quan trọng hơn, Ngài đem niềm tin và hy vọng đến cho hàng trăm triệu tín đồ ở những nước lâu nay vẫn có ý nghĩ bị bỏ quên, đứng ngoài tầm mắt của Giáo hội.

Quả thật bất bình đẳng còn lan rộng, loài người còn không thể thấy được ngày mai. Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta một chân lý: cuộc sống phài công bằng, ngay thẳng và giàu tình thương. Trách nhiệm thiêng liêng nhất của chúng ta là cách đối xử với nhau.

Làm sao cho những nhà lãnh đạo quốc gia, những người làm chính trị, hiểu đưọoc những điều mà người dân lớp dưới đang giác ngộ qua hình ảnh của Đức Giáo Hoàng Francis?

Comments