2014: THẾ GIỚI MỘT CHƯƠNG MỚI

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002

SGN (HNN) - Năm 2014 dài dằng dặc vì bao nhiêu biến cố dồn dập, tới tấp từ khắp nơi trên quả địa cầu, thông thường là khủng bố, giết chóc, thảm sát, phá hoại, đe dọa cho sự yên bình của loài người, nhưng cuối cùng cũng phải chấm dứt vào ngày thứ tư 31-12-2014 vừa qua. Năm hết, tết đến, nhưng không bao giờ có ý nghĩa một chương đã khép lại. Đúng hơn, chúng ta dường như đang thấy rằng năm 2014 chỉ mới là bắt đầu của một chương mới, và vì bước đầu này chỉ làm cho người ta lo sợ đang đứng trên bờ vực của một cuộc thế chiến mới, cho nên người ta khó nhìn năm đang tới với sự vui vẻ lạc quan.
Môt bảng tổng kết những sự kiện lớn trong năm ngoái chắc chắn phải kể đến cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu từ tháng hai nhưng kéo dài chẳng biết đến bao giờ. Sa hoàng Vladimir Putin đã lộ mặt trong âm mưu tái lập đế chế trong thời “hậu chiến tranh lạnh”, bởi thế Mỹ và phương tây phải phản ứng bằng những biện pháp chế tài kinh tế, mà kết quả bước đầu như ta đã thấy là kinh tế Nga bắt đầu rơi vào suy thoái với đồng rúp đang bị mất giá trầm trọng. Cũng đáng nhớ là sự bùng lên của những lực lượng khủng bố quá khích như Nhà nước Hồi giáo (IS) hay Boko Haram ở Trung Đông và châu Phi, buộc Mỹ phải trở lại Iraq và can thiệp tích cực hơn vào cuộc nội chiến ở Syria. Nạn dịch Ebola đã sát hại nhanh chóng đến hàng ngàn người ở châu Phi và tạo một nỗi kinh hoàng ở những nước phương tây. Đương nhiên, bảng tổng kết này chẳng thể đầy đủ. Trong ký ức của chúng ta về sau này cũng có thể nhớ đến những chuyến bay định mệnh của Malaysia Airlines, vụ án Bắc Triều Tiên tìm cách khủng bố Sony vì hãng này định tung ra một phim “nói xấu” đại lãnh tụ của Bình Nhưỡng. Và nhất là quyết định của Mỹ và Cuba mở lại bang giao. Hay hình ảnh nhân ái của Đức Giáo Hoàng Francis kêu gọi sự thể hiện niềm tin tôn giáo bằng cách đến với người nghèo. Lược bỏ những biến cố lớn nhưng có thể nhanh chóng biến mất trong bộ nhớ của chúng ta, những chuyện sau đây đáng được kể lại:

clip_image004

Phiến loạn Đông Âu được Nga trang bị đến tận răng

Khủng hoảng Ukraine

Ngày 18-02: Khủng hoảng Ukraine bắt đầu. Bắt đầu chỉ là chuyện chính trị nội bộ, nhưng ai cũng biết hầu như tức thì những hậu quả lan rộng.

Ngày 22-2: Quốc hội Ukraine bỏ phiếu truất phế Tổng thống theo Nga Viktor Yanukovich, sau nhiều ngày liên tiếp người dân thủ đô Kiev xuống đường chống một quyết định của ông ta không cho Ukraine gia nhập vào tổ chức kinh tế Liên Âu để Ukraine tham gia một liên minh thương mại quốc tế do Nga chủ xướng. Cả trăm người chết trong biến cố này.

Ngày 26-2: phe theo Nga ở bán đảo Crimea của Ukraine bắt đầu phát động phong trào ly khai để nhập lại vào nước Nga. Cùng lúc, các thành phần theo Nga nổi dậy ở vùng Đông Ukraine: Donestsk và Luhansk.

Ngày 21-3: Nga chính thức “đón nhận” Crimea “trở về”, và Putin gọi đó là sự sửa chữa một sai lầm lịch sử.

24-3: Phương tây bắt đầu phản ứng. Trong một hội nghị khẩn cấp, các nước Anh, Mỹ, Ý, Đức, Pháp, Nhật, Canada “tạm thời” ngưng nhìn nhận Nga là thành viên của khối G8.

27-3: Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết nhìn nhận Crimea là lãnh thổ của Ukraine, bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý ngày 20-3 của Crimea.

10-4: Quốc Hội của Hội đồng châu Âu thông qua nghị quyết tạm thời tước bỏ quyền bỏ phiếu của Nga ở những định chế trong mạng tổ chức này.

28-4: Những biện pháp chế tài kinh tế mới của Tổng thống Barack Obama nhắm vào Nga bắt đầu có hiệu lực, nhằm vào những công ty và cá nhân gần gũi với Tổng thống Putin. Những biện pháp chế tài này sau đó đã được leo thang dần, nhằm tạo thêm sức ép lên Điện Cẩm Linh trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, cho đến cuối năm, cuộc nội chiến nửa vời giữa chính phủ Kiev và các lực lưọng vũ trang được Nga yểm trợ ở Đông Ukraine vẫn chưa thực sự cho thấy có ánh sáng “cuối đường hầm”: ngưng bắn cũng không chắc chắn, đàm phán để tăng quyền tự trị cho những tỉnh ở miền đông Ukraine theo Nga cũng chưa đi đến đâu.

Ngày 17-12: Một dấu hiệu đầu tiên cho thấy chiến dịch chế tài của phương Tây nhằm vào nước Nga đã có kết quả: đồng rouble đã hầu như sụp đổ vào ngày thứ tư 17-12. Tổng thống Putin chính thức nhìn nhận năm 2014 là năm tệ hại nhất cho nền kinh tế Nga, và tình hình sẽ còn xấu hơn nữa trong hai năm tới trước khi có thể “chuyển hướng” – theo ông kỳ vọng. Kinh tế Nga lệ thuộc nặng về xuất cảng năng lượng, nhưng chưa bao giờ giá dầu xuống mức thấp như hiện nay.

Ngày 23-12: Quốc Hội Ukraine biểu quyết tử bỏ chính sách không liên kết, chuẩn bị tham gia vào khối NATO. Nga tức thì phê phán quyết định dó.

clip_image006

Loạn quân ISIS biểu dương lực lượng ở một thành phố của Iraq

clip_image008

Nữ sinh và phụ nữ trong tay Boko Haram

clip_image010

Cảnh sát đặc nhiệm ở Sydney đang tìm cách giải vây cho con tin

Trung Đông - IS Boko Haram

Ngày 29-04: Lực lượng khủng bố Boko Haram ở Nigeria bắt đầu tác oai tác quái. Họ bắt đi hàng trăm nữ sinh đang còn ngồi học ở nhà trường. Người ta tính ra có đến 276 nữ sinh và phụ nữ bị bắt giữ làm con tin.

Ngày 05-05: nhóm cực đoan Boko Haram giết khoảng 300 thường dân trong một cuộc đột kích bố ráp ban đêm vào thị trấn Gamboru Ngala.

Ngày 20-05: Quân khủng bố ở Nigeria cho nổ bom tại thị trấn Jos, giết chết 118 người.

Ngày 05-06: Một lực lượng cực đoan hùng mạnh theo giáo phái Sunni có tên là ISIS (Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria) đả nổi lên và mở ra tổng công kích ở miền bắc Iraq, nhằm chiếm thủ đô Baghdad của Iraq và lật đổ chính quyền theo giáo phái Shiite của Thủ tướng Nouri al-Maliki. Maliki sau đó phải từ chức vì bị qui trách gây xung đột giáo phái thêm trầm trọng.

Ngày 03-7: Israel mở hành quân chinh phat lực lượng Hamas ở Dãi Gaza. Sự căng thẳng giữa Tel Aviv và Hamas ngày càng gia tăng sau khi có vụ bắt cóc và thảm sát ba thiếu niên Do Thái vào tháng sáu và vụ giết để trả thù một thiếu niên Palestine vào tháng bảy. Do Thái mở Chiến dịch Ưu thế Bảo vệ (Operation Protective Edge) đánh vào dãi Gaza cùng lúc mở ra hàng loạt tấn công bằng hỏa tiễn, cuối cùng là đưa bộ binh vào vùng này. Trong bảy tuần giao tranh, Palestine có hơn 2.100 người thiệt mạng; phía Do Thái: 71 người bị giết. Tương lai của giải pháp một đất nước, hai chính quyền xem chừng còn xa xôi hơn nữa.

Ngày 08-08: Hoa Kỳ bắt đầu mở một chiến dịch không kích ở miền bắc Iraq để ngăn chận sự xâm nhập của các phần tử hiếu chiến ISIS. Tuy nhiên, Tổng thống Obama khẳng định sẽ không đưa bộ binh trở lai Iraq.

22-09: Hoa Kỳ và một số nước A-Rập bắt đầu chiến dịch oanh kích ngay trên lãnh thổ Syria.

15-12: Quân khủng bố Taliban tấn công vào một trường học ở Pakistan giết chết 132 học sinh và 10 thầy cô. Cũng trong ngày này, một phần tử khủng bố người Iran đi theo Nhà nước Hồi giáo bắt giữ một đám người ở một quán cà phê ở Sydney: 2 con tin bị chết.

Ebola và “nghiệp chướng” khác:

clip_image012

05-03: Một máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines, chuyến bay 370, trên đường từ Kuala Lumpur bay đi bắc Kinh, mất tích trên vùng Vịnh Thái Lan, với 239 hành khách trên đó. Người ta cho rằng máy bay này bị nạn trên Ấn Độ Dương.

16-04: Phà MV Sewol ở Nam Triều Tiên bị lật và chìm, đến hơn 290 người trên phà bị chết, phần lớn là học sinh trung học.

13-05: Tai nạn hầm mỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ: hàng trăm người chết.

17-07: Thêm một máy bay của Malaysia Airlines, chuyến bay 17 (Boeing 777) bị nổ tung ở Ukraine sau khi bịt hỏa tiễn của lực lượng thân Nga ở Đông Ukraine bắn rơi, 298 người chết, trong đó có 15 người thuộc phi hành đoàn. Hãng máy bay này đang ở trong tình trạng phá sản.

24-7: Một máy bay chở hành khách của Algeria bị nổ ở Mali, 116 hành khách thiệt mạng.

30-07: Vi khuẩn Ebola bùng nổ thành một dịch đe doa toàn cầu. Bắt đầu từ tháng hai, nó trở thành một đại dịch vào khoảng thang bảy, có ít nhất 19.000 người mắc phải, 7.000 người đã chết, được xem là nghiệm trọng nhất về con số người tử nạn.

Trung Cộng và Biển Đông

clip_image014

Ngày 07-05: Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu (Hải Dương 981) vào khu vực biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1 tháng 5 năm 2014, và dùng một lực lượng Hải Quân hùng mạnh xua đuổi tàu đánh cá của Việt Nam ra khỏi khu vực này. Chính Hà Nội đã phải ra tuyên bố phản đối, đồng thời tàu thuyền của hai quốc gia đã có một số va chạm. Báo chí quốc tế xem nơi Trung Quốc đặt giàn khoan là vùng biển tranh chấp nhưng cả Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định đây là vùng biển thuộc chủ quyền của mình và không thừa nhận có tranh chấp tại đây. Sự đụng chạm công khai giữa hai nước láng giềng “anh em” này có ý nghĩa sâu xa hơn chuyện quan hệ truyền thống giữa đôi bên. Trung Cộng đã cho thấy ý muốn làm bá chủ vùng biển này – bất kể sự phản đối của nhiều nước trong vùng, từ Nam Triều Tiên, Nhật Bản đến Đài Loan, Phi và Việt Nam. Sự khủng hoảng hay căng thẳng ở vùng biển này còn kéo dài – tùy thuộc mức độ can dự của Hoa Kỳ và mưu định từng lúc của Bắc Kinh.

Ngày 15-12: Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Trung Quốc đã đạt được vị trí có nền kinh tế lớn nhất thế giới, tính theo giá trị Tổng sản lượng Quốc nội phương pháp So sánh Mãi lực (PPP). Mỹ tụt xuống hạng nhì!

Chuyện nước Mỹ

clip_image016

5-11: Đảng Cộng Hòa thắng lớn trong những cuộc bầu cử giữa mùa, nay họ kiểm soát cả Hạ Viện, Thượng Viện, nắm đến 31 ghế thống đốc (trong tồng số 50). Người ta cho rằng trong hai năm còn lại ở Nhà Trắng, Tồng thống Obama khó tránh khỏi số phận “vịt què”, trong khi thế giới đang trông chờ Mỹ có sự can dự tích cực hơn.

17-11: Giá dầu quốc tế xuống mức thấp kỷ lục, khiến những nước xuất cảng dầu khốn đốn, không đủ số thu cho ngân sách.

18-12: Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro đồng loan báo Mỹ và Cuba có kế hoạch bình thường hóa quan hệ ngoại giao, sau 54 năm không nhìn mặt nhau.

19-12: Tồng thống Obama tuyên bố sẽ có biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, ông cáo buộc Bắc Hàn chủ mưu cuộc tấn công gây thiệt hại nặng nề cho công ty điện ảnh trực thuộc Sony, khiến họ phải hủy bỏ kế hoạch phát hành cuốn phim hài hước “Cuộc Phỏng Vấn - The Interview,” nói về một vụ ám sát giả tưởng nhắm vào lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Vân. Bắc Hàn nói rằng việc Mỹ cáo buộc họ liên hệ đến vụ tấn công tin tặc nhắm vào Sony vừa qua là “vu cáo vô căn cứ” và đòi tham dự một cuộc điều tra chung với Mỹ về vụ này.

Comments