Cha đẻ của bính âm Trung Quốc: “Trung Quốc cần phải là nước dân chủ”

Tom Hancock
Tùy Vũ, lược dịch

Ông Châu Hữu Quang, người được mệnh danh là “người khai sinh ra hệ thống chữ bính âm (pinyin – phiên âm La tinh của chữ Hán, bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 1950 và hiện tại đang được sử dụng bởi hàng trăm triệu người học ngôn ngữ ở trong nước cũng như ngoài nước Trung Quốc) vừa tổ chức lễ thượng thọ 109 tuổi vào hôm thứ Ba. Trong lễ thượng thọ 109 tuổi, ông Châu bày tỏ nguyện vọng: “Sau 30 năm cải cách kinh tế, Trung Quốc vẫn cần phải đi theo con đường dân chủ. Đó là con đường duy nhất, tôi lúc nào cũng tin tưởng như vậy.”

alt

Zhou Youguang, commonly known as the “father of Pinyin”, pictured at his home in Beijing on January 11, 2015 (AFP Photo/Wang Zhao)

Sinh ra trong một gia đình quan lại vào năm 1906, ông Châu Hữu Quang đã trải qua những năm cuối cùng của triều đại nhà Thanh và cuộc cách mạng chính biến, trước khi theo học tại các trường đại học ưu tú ở Thượng Hải và Nhật Bản. Khi Nhật Bản phát động cuộc xâm lược toàn diện đất nước Trung Quốc vào năm 1937, ông cùng vợ và hai con chuyển đến trung tâm thành phố Trùng Khánh, nơi ông phải chịu đựng các cuộc không kích liên tục nhưng vẫn tiếp tục liên lạc với các nhà lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đảng này vẫn đang trong thời kỳ non trẻ. Sau thất bại của Nhật Bản, ông tránh được cuộc chiến tranh dân sự của Trung Quốc giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng bằng cách làm việc cho một ngân hàng Trung Quốc tại Wall Street, và ông đã có cơ hội hai lần gặp Albert Einstein khi đến thăm bạn bè tại Princeton. Nhưng sau chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1949, ông quay lại quê hương và trở thành giáo viên kinh tế kiêm phụ tá thân cận của Thủ tướng Chu Ân Lai.

Ông Châu Hữu Quang cho biết trong cuốn tự truyện năm 2012: “Tôi trở lại vì hai lý do: một là vì tôi nghĩ rằng đất nước đã được giải phóng, và đã có một niềm hy vọng mới, và hai là vì mẹ tôi lúc đó đang ở Trung Quốc,” Ông đã bị cuốn hút bởi Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông vì “lúc đó họ quảng bá mình là những nhà dân chủ”.

Nhờ học được một chút tiếng Tây Ban Nha, ông Châu đã được giao chức vụ đồng chủ tịch ủy ban cải cách ngôn ngữ Trung Quốc để tăng tỷ lệ biết chữ tại nước này vào năm 1955. Cuối cùng, ông đã phát triển thành công một hệ thống sử dụng chữ cái La Mã để đại diện phát âm cùng với dấu để chỉ âm điệu cho phiên âm tiếng Hán, dựa trên một hệ thống có sẵn tại Liên Xô. Điều này đã thúc đẩy tỷ lệ biết chữ của nước tăng từ khoảng 20% trong năm 1950 lên hơn 90% trong thời kỳ hiện nay. Trong những thập kỷ gần đây, bính âm (pinyin) đã trở thành yếu tố cốt yếu để sáng tạo ra các ký tự Trung Quốc trên máy tính.

Tuy vậy, những đóng góp to lớn trên đã không cứu được ông thoát khỏi sự hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông chủ trương từ năm 1966, trong đó các phần tử trí thức đã bị đàn áp nặng nề. Ở tuổi 60, ông đã được gửi đến làm việc tại một trại lao động ở Ninh Hạ trong hơn hai năm xa cách gia đình. Ông kể lại: “Trước đó, tôi chưa bao giờ phải ngủ trên một chiếc giường đất. Nhưng khi bạn gặp khó khăn, bạn cần phải lạc quan. Những người bi quan chẳng bao giờ tồn tại được lâu.”

Ông đã mô tả hai thập kỷ 1960-1980 là giai đoạn “lãng phí”: Thật lòng hiện tại tôi không có bất cứ điều gì tốt đẹp để nói về Mao Trạch Đông”. Ông đánh giá cao người kế nhiệm Mao, Đặng Tiểu Bình, người đã tung ra những cải cách theo phong cách thị trường, và đã giúp đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Nhưng kể từ khi nghỉ hưu ở độ tuổi 85, ông Châu Hữu Quang đã viết hàng chục cuốn sách lập luận rằng, những cải cách của Đặng Tiểu Bình vẫn còn nhiều thiếu sót nếu không diễn ra các thay đổi về mặt chính trị. Ông nói thêm: Người Trung Quốc càng ngày càng giàu có không phải là điều quan trọng. Tiến bộ của loài người là cuối cùng phải tiến tới dân chủ.”

Tuổi già không ngăn được ông duy trì thói quen đọc sách. Ông Châu cho biết, Khổng Tử và Socrates vẫn là các nhà tư tưởng yêu thích của ông.

Sự đàn áp khắc nghiệt từ các phía Chủ tịch Tập Cận Bình không giới hạn được tuổi tác của những nhà phê bình. Các nhà báo, luật sư và học giả đã bị bắt, vô số người bị bỏ tù, trong đó có nhà báo Cao Du 71 tuổi, đã bị truy tố năm ngoái vì tội tiết lộ bí mật quốc gia, và nhà văn Thiết Lưu, 81 tuổi, bị giam từ hồi tháng 9. Các tác phẩm của ông Châu hiện đang bị kiểm duyệt rất gắt gao.

Kiểm duyệt yêu cầu cuốn sách mới nhất của ông chứa các thông tin cũ của một số tài liệu tham khảo về các phong trào chống phần tử trí thức, cũng như nạn đói những năm 1950 đã giết chết hàng chục triệu người dân Trung Quốc, là một kết quả của cuộc “Đại Nhảy Vọt” của Mao Trạch Đông.

Theo quan điểm của ông, lãnh đạo không phải là vấn đề chính. Ông Châu cho biết: “Tôi không nghĩ rằng đó là vấn đề cá nhân. Đó là vấn đề về hệ thống. Chúng tôi không có tự do ngôn luận ở Trung Quốc.”

Comments