ĐỨC GIÁO HOÀNG TRONG MỘT THỜI TRĂN TRỞ

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002

clip_image004

clip_image006

Giữa tháng 12 thường là thời điểm lý tưởng để chúng ta đi tìm người trong mộng: Nhân Vật Trong Năm. Đây là công việc cực kỳ khó khăn, tế nhị cho người làm báo, bởi vì đương nhiên thế giới mênh mông, làm sao người ta biết hết, quen hết tất cả hơn bảy tỷ người? Tuy nhiên, cho năm 2014 này, dường như chẳng có việc gì dễ hơn thế. Nếu có môt cuộc thăm dò dư luận, không phân biệt tôn giáo, có lẽ đến 99% những người được hỏi sẽ trả lời Nhân Vật Trong Năm phải là Giáo Hoàng Francis. Ông chỉ mới đăng quang từ tháng tư năm ngoái, thay Giáo Hoàng Benedict thoái vị, thế nhưng người ta có cảm tưởng quen biết, gần gũi với ông từ lâu lắm – ngay cả đối với những người ngoại đạo, không mấy tin trên trời có gì … Có điều chúng ta có thể chắc: đó là người thật, việc thật hiếm hoi, trong một thời chung quanh ta chỉ toàn là những người giả. Ngay cả những người tu hành. Hay, nhất là những người tu hành!

Phải nói rằng triều đại tám năm của giáo hoàng trước đó đã cực kỳ rối rắm. Rối rắm đến mức ông phải rút lui. Và cũng chẳng ai trách ông đã từ nhiệm hay đào nhiệm. Đó là một thái độ can đảm. Và can đảm ở người cao tuổi như ông là chuyện hiếm có. Cựu giáo hoàng nay còn nói xin đừng gọi ông là giáo hoàng nữa. Từ nay hãy gọi ông là cha. Giáo Hoàng Francis xuất hiện, và dường như ngay tức thì, người ta quên ngay người cũ và đặt tất cả những mong đợi nơi người mới. Và tân giáo hoàng đã không phụ lòng của không những gần 2 tỷ tín đồ Thiên Chúa giáo mà còn bao nhiêu người bên ngoài giáo hội nhưng mong đợi có những chuyển biến tích cực cho một thế giới đang có khuynh hướng đi vào hướng tiêu cực thời nay.

Ngày 17-12 vừa qua, Giáo Hoàng Francis sinh trưởng và lớn lên ở Buenos Aires, Argentina, đã mừng sinh nhật 78 tuổi. Giáo Hoàng Benedict đăng quang năm 2005, khi ông 78 (năm nay ông 87). Hai giáo hoàng xấp xỉ tuổi nhau khi lên đến vị trí cao nhất trong Giáo hội La Mã. Hai ông đều là những nhân vật “gây tranh cãi”. Cựu giáo hoàng chậm hơn và trông mỏi mệt hơn, vì những gì ông không làm, không nói; tân giáo hoàng năng động hơn, quyết liệt hơn trong phát biểu cũng như trong hành động. Giáo Hoàng Benedict chống đỡ cho giáo hội trước những chuyện tai tiếng bằng cách chọn đường lối bảo thủ và mang tiếng bao che, đồng lõa; Giáo Hoàng Francis tìm cách củng cố và phát triển giáo hội bằng đường lối thanh lọc, tiến công và canh tân. Đó là những điểm nổi bật nhất mà người ta đều đang ghi nhận.

Giáo Hoàng Francis là “người mở đường” - ông là giáo hoàng đầu tiên theo dòng Jesuit, người đầu tiên đến từ châu Mỹ, từ Nam Bán Cầu, người đầu tiên không phải là người châu Âu – kể từ Giáo Hoàng Gregory III, người Syria, vào năm 741, tức cách đây 1.272 năm. Trong hơn một năm rưỡi tại vì vừa qua, Giáo Hoàng Francis đã mau mắn và mạnh dạn nói lên những quan điểm cấp tiến của mình trước hàng loạt lĩnh vực. Đương nhiên, ông xuất thân trong hoàn cảnh đặc biệt, chẳng phải từ một gia đình sùng đạo quyền quí như nhiều người. Hồi còn thanh niên, ông từng là cán sự kỹ thuật ngành hóa. Gia đình nghèo, đông anh chị em, để đi học ông từng đứng canh cửa cho một hộp đêm, nơi lui tới ăn chơi của giới nhà giàu ở thủ đô Argentina. Khi còn đi học cấp dưới, ông đã bàng hoàng trước sự cùng cực của trẻ con thuộc những gia đình nghèo. Lớn lên, ông từng bị bệnh phổi trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh, không có thuốc men, và chứng kiến sự nhẫn tâm của những người thuộc tầng lớp trên trong bệnh viên, ông sống sót được là nhờ sự che chở của những người lớp dưới! Bởi thế ông cực kỳ nhậy cảm về vấn đề giàu nghèo và giai cấp. Nội dung “bác ái” của ông chính là giảm đi cái nghèo của con người, giảm đi bất bình đẳng trong xã hội, làm cho khoảng cách giai cấp giữa người và người càng thu ngắn.

Trong cuộc đời của ông, đời riêng cũng như đời công với tính cách lãnh đạo tôn giáo, Giáo Hoàng Francis đã được kính trọng và ngưỡng mộ bởi cốt cách khiêm cung cùng mối quan tâm trăn trở chân thực trước cái khổ của người nghèo. Ông xuất thân từ dòng Jesuit, là dòng tu khổ hạnh. Khi đã là giáo hoàng, cuộc sống của ông thể hiện đầy đủ niềm tin và lý tưởng đó. Ông không sống ở điện đài trong Tòa Thánh như những người tiền nhiệm. Ông chỉ lấy một căn phòng nhỏ trong Nhà Khách của Tòa Thánh. So với nếp sống xa hoa của nhiều vị tổng giám mục và giám mục người Mỹ tại chức cũng như đã rút lui như được ghi nhận gần đây trong một phóng sự điều tra của CNN (The lavish homes of American archbishops), thì chiếc giường đơn sơ của ông nói lên tất cả. Ngay cả trang phục của ông, đơn giản và gọn gàng (ông còn từ chối đặt lên đầu chiếc mão quen thuộc với những giáo hoàng trước ông), cùng những gì ông thường mang theo người, như chiếc nhẫn hay thánh giá, vẫn là những gì mộc mạc ông đã chọn từ xưa.

Giáo Hoàng Francis thường nghiêm khắc phê phán chủ nghĩa tư bản đương thời và những chính quyền ở những nước tư bản hoặc bất lực hoặc dung túng một nếp tái phân phối lợi tức xã hội làm cho sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội ngày càng thêm sâu sắc, làm cho giới nghèo ngày càng đông đảo và bế tắc. Chúng ta đã biết vì những ý kiến này, nhiều nhân vật Cộng Hòa ở Mỹ đã phê phán Giáo Hoàng Francis là “nói như hệt người cộng sản”. Tuy nhiên, chúng ta chẳng cần kể chuyện đâu xa. Trước mùa Giáng Sinh, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) bao gồm những nước kỹ nghệ phát triển của Liên Hiệp Quốc đã công bố một khảo sát kinh tế toàn cầu với kết luận rằng “bất bình đẳng kinh tế” khơi rộng đã làm cho tăng trưởng kinh tế chậm lại ở những nước phương tây tiên tiến nhất như Anh và Mỹ. Nhóm nghiên cứu này còn khẳng định rằng sự tái phân phối của cải thịnh vượng quốc gia qua những biện pháp thuế (đánh vào người giàu) và phúc lợi xã hội (dành cho người nghèo) không ảnh hưởng gì đến tăng trưởng. Vào tháng mười năm nay, bà chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang (tức Ngân hàng Trung ương của Mỹ) Janet Yellen cũng đưa ra một cảnh báo khá quen thuộc: bất bình đẳng kinh tế đang gia tăng, đe dọa những giá trị truyền thống của nước Mỹ mà người ta đã biết.

Khi phê phán “đời”, Giáo Hoàng Francis không quên mặt “đạo”. Ông đã nhấn mạnh nhiều lần sự cần thiết phải cải cách giáo hội trên nhiều mặt. Ông nhấn mạnh chính sách “không dung chấp” (zero-tolerance) đối với tệ nạn ấu dâm mà nhiều nhà tu đã phạm phải và được bao che môt cách có hệ thống và lâu dài bởi nhiều giáo hội quốc gia trong cả mấy chục năm qua. Giáo Hoàng Francis cũng nhìn lại cách điều hành ngân sách của Tòa Thánh và có những biện pháp thẳng tay chống sự lạm dụng, hoang phí hay nhũng lạm. Ông cũng không ngại mang tiếng “thanh trừng” để loại bỏ những phần tử không phù hợp với đường lối cởi mở của ông. Hai vụ nổi bật là “thuyên chuyển” một hồng y ngưòi Mỹ Raymond Burke - ông này nói giáo hội La Mã dưới sự lãnh đạo của giáo hoàng mới hiện nay như “con thuyền không lái” (ship without a rudder) - và trong tháng này cách chức người chỉ huy lưc lượng vệ binh với lý do ông này nổi tiếng độc tài với cấp dưới và mạnh tay với người vô gia cư.

Hướng cải cách giáo hội của Giáo Hoàng Francis là đến với người nghèo. Ông nói: “Tôi ao ước biết mấy có được một giáo hội nghèo và cho người nghèo”. Giáo hoàng đã không chịu được lối sống lạm dụng tín đồ nơi nhiều người xuất gia hiện nay. Ông nói thực “đau lòng” khi thấy các linh mục và các nữ tu lái những chiếc xe đời mới nhất. Ông phê phán những “giám mục phi trường” (airport bishops) cả ngày chỉ ngồi trên máy bay đi đây đi đó thay vì chịu khó lội bộ đến với giáo dân. Ông nói có những người chức sắc trong giáo hội mang nặng “tâm lý của những hoàng tử trong vương triều”. Vatican trong năm qua đã giải nhiệm một “hoàng tử” như thế : Giám mục người Đức Franz-Peter Tebartz-van Elst, có tên là “Giám mục trọc phú”, dám bỏ ra đến 43 triệu để “tân trang” tòa nhà giám mục giống như lâu đài của mình.

Trước những vấn đề tế nhị và nhậy cảm, được thu tóm dưới bốn chữ LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, cải tính), Giáo Hoàng Francis có một quan điểm ôn hòa, tự chế, ông xem đó là một sự “bất thường” chưa đáng phải quan tâm, nhưng cần được thông cảm để cho người liên quan không bị gạt ra bên ngoài và có thể “hội nhập”. Giáo Hoàng vẫn giữ quan điểm chính thống về phá thai, ngừa thai “không tự nhiên” cũng như hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, ông cũng có quan điểm “hội nhập” đối với những trường hợp ly dị và tái giá. Trong đại hội đồng của Giáo hội La Mã nhóm vào tháng 11 với chủ đề gia đình, ông đã bày tỏ quan ngại gia đình là một định chế đang đi xuống, nhấn mạnh phải xây dựng lại như một định chế nền tảng để giáo dục con người và thúc đẩy xã hội đi lên. Ông nói đến những mái nhà hạnh phúc con cái sống trong sự bảo bọc của cha, của mẹ. Trong phỏng vấn đầu tháng này về đại hội đồng này, ông nói: ‘Không ai đề cập đến hôn nhân đồng tính; vấn đề không đến trong tâm trí chúng tôi. Những gì chúng tôi đã bàn luận là làm sao cho một gia đình có trẻ đồng tính, dù gái hay trai, có thể dạy dỗ con, có thể đứng vững, làm sao giúp đỡ một gia đình như thế đối phó với tình huống phần nào bất thường như thế”. Giáo Hoàng Francis cũng nhấn mạnh sự thách đố cho Giáo Hội là phải bảo đảm những tín đồ đã ly dị hay tái hôn cảm thấy họ vẫn được bao gồm trong cộng đồng - mở đường hội nhập thay vì loại trừ người ta ra ngoài”.

Trong thời gian nửa năm qua, nhiều phát biểu của ông vể việc “bắc cầu” đã là đề tài phổ biến cho giới bình luận. Ông không ngại ngùng lên án những hành động khủng bố của các tổ chức mệnh danh Hồi giáo, và ông kêu gọi những người lãnh đạo Hồi giáo “chính thống” cùng lên tiếng phê phán sự sát hại thường dân và truy bức tôn giáo đối nghịch đang diễn ra ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông. Ông đến thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, tham gia cầu nguyện ở một đền thờ Hồi giáo, và kêu gọi giữa các tôn giáo có những nhịp cầu để sống chung hòa bình. Trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày sụp đổ bức tường Bá Linh (9-11-1989), Giáo Hoàng Francis lên tiếng tại công trường Thánh Peters ở La Mã đã cầu nguyện cho “những người dân vô tội không bao giờ còn phải bị truy bức, giết hại vì niềm tin hay tôn giáo của mình. Ông ca ngợi vai trò của cố Giáo Hoàng John Paul II trong sự sụp đổ của bức tường này và thúc giục những người “có thiện tâm” hãy góp sức xây dựng những nhịp cầu bằng cách “cởi mở tấm lòng” của mình. Ông gọi đó là một “văn hóa quần tụ nhân loại” để triệt hạ những rào cản đang làm cho thế giới phân mảnh. Phát biểu tại Strasbourg gần đây, ông cũng nói rằng châu Âu ngày nay quá “già cỗi và mệt mỏi”, không còn thủ được “vai chính” trong một thế giới đang nhìn châu Âu với sự nghi hoặc, và ông cho rằng cần mở rộng chính sách di dân như bắc một nhịp cầu với phần còn lại của thế giới. Ông cũng kêu gọi loài người hãy sẵn sàng đối thoại với nhau hơn như là môt phương cách xây dựng những nhịp cầu giữa những người thuộc mọi nguồn gốc, tín ngưỡng, và tôn giáo khác nhau. Vừa qua, Giáo Hoàng Francis đã mở ra một cơ hội hiếm có: nói chuyện với thiếu nhi trên khắp năm châu qua mạng lưới “đối thoại” (chat) của Google, những học sinh từ Úc, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và El Salvador. Trong những lời khuyên từ người lãnh đạo Giáo hội La Mã, ông nói: “Trong cuộc sống, các con có thể làm một trong hai điều trái nghịch nhau: các con có thể xây cầu, hay các con có thể dựng lên những bức tường. Tường thành thì ngăn cách, phân chia. Nhịp cầu làm cho con người gần lại với nhau”.

Giáo Hoàng Francis là người theo đạo Chúa, nhưng ông cũng cho thấy có những tư tưởng, nhận thức sâu sắc về lẽ vô thường của cuộc đời. Ông nhìn thấy tính tạm bợ, phù du của quyền lực và giàu sang, phú quí - tất cả tuy là thực nhưng cũng có thể chỉ là ảo ảnh và dìm con người vào vực tối. Cái có thực hơn chính là cuộc sống tạm bợ nhưng có thể thăng hoa nếu người ta biết và có thể hội nhập, bắc cầu, cởi mở, cảm thông, đến với người nghèo, người cùng khổ… Ông nói rằng một khi ông cảm thấy không còn khả năng trong trách nhiệm hiện nay, ông sẽ rút lui ngay tức thì, bởi vì không ai chống được qui luật của tuổi già và sự hữu hạn của cuộc sống. Trước ngày sinh nhật thứ 78, ông nhận thức rằng ông không còn trẻ nữa để không cảm nhận được triết lý cuộc sống. “Tôi cảm thấy đau nhức, mệt mỏi trong thân xác; vào tuổi của tôi, bệnh tật, nhức mỏi cứ đến và có thể cảm nhận được ngay. Nhưng tôi đang ở trong tay của Chúa; cho đến giờ Chùa còn cho tôi làm việc bình thường”.

Sống trong thời nay, chúng ta nhiều khi quên lửng ý nghĩa nhân bản của con người, của cuộc đời. Nhưng trước “hiện tượng” nổi bật trong năm nay, là Đức Giáo Hoàng Francis, ông đã làm cho chúng ta cảm thấy còn một niềm tin an ủi. Ông cũng như bao thế hệ đang sống và đã sống đã nhìn thấy một thời trăn trở của nhân loại. Cách để tồn tại, để sống thực sự trong thời trăn trở đó, chính là phải trăn trở tìm về với những giá trị nhân bản của con người, của gia đinh, của xã hội đang bị thất lạc khi nào không hay!

Comments