SAI LẦM HAY DỐI TRÁ?

Thi Phương HNN

clip_image002

clip_image004

Đây là cuốn băng video của bà Fiorina về phá thai!

Khi nhìn 11 ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa trong bảng A chen chúc lên sân khấu trình diễn của Thư viện Ronald Ragan ở Thung lũng Simi thuộc tiểu bang California ngày 16-9 để tham dự cuộc tranh luận lần thứ nhì trong mùa vận động bầu cử sơ bộ, người xem hẳn phài ít nhiều cảm thấy hào hứng trước cảnh tượng nhộn nhịp, vui mắt này. Đây là những chính khách dày dặn, hai nhà doanh nghiệp lớn, hai bác sĩ y khoa. Trước sự bộn bề của đất nước với bao nhiêu vấn đề sống còn chưa có giải pháp, người dân đương nhiên phải hiếu kỳ muốn biết những con người có tham vọng lãnh đạo đất nước này, một siêu cường hàng đầu thế giới, sẽ nói thế nào về những gì người ta muốn nghe, cần nghe. Và sau ba giờ chịu đựng, hẳn phải có nhiều người trong số 23 triệu người theo dõi qua truyền hình phải đứng dậy trong tâm trạng não nề, ngao ngán, cảm thấy mình bị lừa gạt, cho dù thật ra kết quả của cuộc tranh luận này chẳng có gì đáng ngạc nhiên! Nỗi lo sợ cũng có lý: nhỡ một trong mười một vị này được đắc cử vào tháng 11 sang năm thì sao? Ai biết được cử tri!

Để hiểu vì sao chúng ta mang tâm trạng ưu phiền này, có thể xem phản ứng chính thức của tờ The New York Times đối với cuộc tranh luận này. “Ôi, nước Mỹ ơi, quả là đáng sợ. Hãy lột đi cái vỏ bên ngoài là những lời ba hoa tâng bốc mình và triệt hạ người, những lời dối trá và khoa trương nghe quen trong các cuộc vận động tranh cử tổng thống. Những gì còn lại là sưu tập những lời khẳng định không thật đến mức chúng hình thành một ảo tượng như chiếc phản lực Ronald Reagan nổi lên đàng sau những chiếc bóng của các ứng cử viên. Người ta có lúc có cảm tưởng như những diễn giả này không còn sống trong một thế giới thực tế, sống trong thế giới đó khi hành động thì phải nghĩ đến hậu quả, muốn làm gì cũng phải có tiền, và muốn có tiền thì phải có nguồn. Một thế giới mà những qui luật căn bản – như vật lý và Hiến pháp – đã giới hạn ước muốn của con người. Quốc hội và công chúng, đồng minh và kẻ thù, thị trường và quân đội không phải cứ làm mình muốn thì làm”.

Có hai điều nổi bật nhất nhập tâm người theo dõi. Thứ nhất, các ứng cử viên đã không đi vào bất cứ trọng điểm, nan đề nào của quốc gia. Thứ hai, họ lựa chọn nói những chuyện mà chỉ một thành phần cử tri Cộng Hòa bảo thủ ưa nghe. Những chuyện hoang đường từ trong cách đặt vấn đề đến giải pháp. Chẳng hạn như vấn đề di dân. Người ta đề nghị trục xuất 11 triệu di dân bất hợp pháp, như thể đó là chuyện quá dễ, khả thi, không tốn kém… Trong khi đó, người bình thường hiểu rằng chính phủ không có tiền, không có người, không có phương tiện để làm chuyện đó - kể cả điều kiện chính trị thích hợp. Người ta cũng nói chuyện xây “vạn lý trường thành”, thậm chí bác sĩ Carson còn đề nghị tường hai lớp và lính biên phòng đi lui đi tới ở giữa hai bức tường. Thế nhưng ở những nơi không dựng được tường thì làm sao? Và ngân sách đâu để xây tường? Có ứng cử viên nào đủ can đảm nói một sự thực, hiện nay, tình trạng di dân nhập lậu hầu như không còn đáng kể! Người ta nay cung chán, cũng ngán vào Mỹ. Và vấn đề di dân chẳng phải là ở biên giới mà chính ở ngay trong lòng đất nước: làm sao hàng triệu người này có thể hội nhập như những công dân tích cực của nước Mỹ, nói tiếng Mỹ, hiểu được lịch sử Mỹ, quen với văn hóa Mỹ, tức “the American way of life” - thay vì là một gánh nặng trì kéo đất nước.

Các ứng cử viên cũng lao vào chuyện chính trị đối ngoại, cũng là một đề tài thời sự, nhằm thỏa mãn những người Cộng Hòa bảo thủ vẫn nằm mơ nước Mỹ vĩ đại là bá chủ thế giới. Cho nên họ đồng lòng bác bỏ thỏa ước với Iran cùng chủ trương phải đối đầu quyết liệt với Nga hoàng Vladimir Putin ở Trung Đông (Syria), ở Địa Trung Hải, ở vùng biển Baltic (Ukraine). Ông Bush ca ngợi ông anh của mình khi là tổng thống Mỹ đã giữ cho nước Mỹ “an toàn”, thế nhưng ông lơ đi chuyện Tổng thống Bush đã tưởng tượng về mối đe dọa của Iraq để mở ra cuộc xâm lăng vô cớ nước Trung Đông này năm 2003, cho đến nay hậu quả vẫn còn trầm trọng. Chúng ta đều hiểu rằng trong thời thế hiện nay, đứng trước ba thách đố lớn là Nhà nước Hồi giáo đang muốn tiêu diệt hơn 2 tỷ tín đồ đạo Cơ Đốc (Thiên Chúa giáo và Tin Lành), Nga đang muốn phục hận vì sự tan rã của Liên Xô 25 năm trước đây, Trung Quốc đang muốn tái dựng Thiên triều, thì Hoa Kỳ cần phải thận trọng, giữ ý giữ tứ xem trật tự thế giới mới chuyển biến theo hướng nào. Vì sai lầm trong nhận thức của cựu Tổng thống Bush về thế giới trong thời hậu chiến tranh lạnh mà Mỹ đã phải trả giá quá nặng. Nhưng trong 11 ứng cử viên Cộng Hòa trên sân khấu, ai thực sự có khả năng nhận thức được điều đó, hay chỉ lo diễn tuồng.

Một đề tài chẳng đáng khác nhưng lại được ưa chuộng là phá thai và kế hoạch hóa gia đình. Người ta nói đó là “tự do tín ngưỡng” (sic). Cũng liên quan là nỗ lực không ngừng của đảng Cộng Hòa nhằm tiêu diệt một chương trình của nhà nước đã cho hàng triệu người cái phao y tế. Cũng phát biểu vô trách nhiệm: bệnh tự kỷ (autism) là một bệnh dịch do việc chích ngừa cho trẻ con gây ra. Có hai bác sĩ có mặt, nhưng chẳng ai đủ can đảm phản biện sự xuyên tạc đó. Đó chính là cái thất bại trong tổ chức tranh cãi: đại đa số cử tọa đều cùng một nhãn hiệu, cho nên chẳng ứng cử viên nào muốn hay dám nói khác đi.

Khi được những người điều khiển chương trình của CNN thả lỏng, các ứng cử viên này đã tha hồ vẫy vùng. Cho dù có bao nhiêu vấn đề nghiêm chỉnh hơn có thể bàn tới, không có ứng cử viên nào quan tâm đến nạn nghèo đói của trẻ con (1 trên 5), bạo lực của cảnh sát và quyền súng đạn chết người, sự phân hóa chủng tộc làm tan nát nước Mỹ, khủng hoảng giáo dục đe dọa đưa đất nước đi xuống, cạnh tranh kinh tế trong thế giới toàn cầu, và cơ sở hạ tầng đang suy đồi ở Mỹ. Đốí với những đe dọa đang ngày càng trở thành sự thực, như sự thay đổi khí hậu, hay những chuyện cấp bách hơn như chính quyền có thể phải đóng cửa vì lý do không đâu là sinh đẻ không có kế hoạch (Planned Parenthood) đến mức phải đứng trước sự lựa chọn: pro-life hay pro-choice, người ta đã cố tình không bàn đến! Ngay chính ông Trump cũng phải nói: Tôi không muốn nói quí vị chính khách, chỉ nói, không làm. Nhưng nhiều điều chúng ta nói hôm nay sẽ theo gió bay đi, và sẽ được quên nhanh chóng”.

Một nhà bình luận trên CNN, ông Raul Reyes, có nhận định sâu sắc. Cuộc tranh cãi ở Thư viện Tổng thống Reagan, và ai cũng muốn thể hiện thần tượng Reagan nơi con người của mình, thậm chí Thống đốc Wisconsin Scott Walker cứ nói ông Reagan nhập hồn vào xác người của ông, hay ông nói theo thuyết nhà Phật, ông Reagan được tái sinh đời thứ nhì nơi ông Walker, thế nhưng điều duy nhất mà quan sát viên Raul Reyes này ghi nhớ là giọng kêu ơi ới của các ứng cử viên “Jake! Jake!” (làm cho người ta cứ tưởng như lạc tới chốn đào tiên Ngã Ba Chú Ía Gò Vấp một thời của chúng ta) để cho người điều khiển chương trình Jake Tapper để mắt tới họ. Ngoài ra, “những ứng cử viên này quá khác biệt về phong cách với vị tổng thống thứ 40 của chúng ta”. Theo ông, “Người ta vẫn biết ông Reagan có tính khí vui vẻ. Ông là người hòa nhã, không nặng lời với đối thủ của mình. Ông có sức thu hút người ngoài bằng thái độ lạc quan. Ngược lại, những người Cộng Hòa trên sân khấu đêm đó như bị quỉ ám, chỉ cho thấy một tầm nhìn ảm đạm về đất nước, và họ có lúc cư xử nóng nảy, thô bạo với nhau”. Ông Reyes cho rằng các ứng cử viên Cộng Hòa đã hoàn toàn thoát ly với quần xhúng. Họ nói họ là “khuôn đúc” của Reagan, nhưng khi họ đòi trục xuất 11 triệu di dân lậu, người ta đã quên Đạo luật ân xá của Reagan “Immigration and Control Act’ năm 1986, nhờ thế hơn 3 triệu di dân không có giấy tờ đêm không quên ăn ngày không mất ngủ. Ứng cử viên Carson da đen hẳn phải nghĩ tới số phiếu của người cùng màu da với mình, nhưng trong suốt tranh luận ông không hề đề cập đến tiếng gào thét trên đường phố không ánh đèn và tối om vì người da đen “Mạng sống của người da đen cũng có ý nghĩa” (Black lives matter)!

Nhà kinh tế được giải Nobel 2007, Paul Krugman, viết trên tờ The New York Times, nói rằng cuộc tranh cãi này cho thấy các ứng cử viên Cộng Hòa chỉ là “những kẻ nói dối sống trong một thế giới hoang tưởng và tiểu thuyết” (world of fantasies and fictions). Ông viết rằng, giống như tác giả của bài viết này, ông kinh hoàng khi nghĩ đến những chuyện bất ngờ có thể xảy ra trong bầu cử, một trong những ứng cử viên này bỗng dưng đi vào Nhà Trắng. “Tại sao tôi thấy điều này kinh hoàng? Tôi sẽ cho thấy tất cả những ứng cử viên Cộng Hòa đang đưa ra những chính sách hết sức phá hoại trong nước, ngoài nước, hay cả hai”.

Ông cho rằng những người này đang thoát ly thực tế của đất nước một cách cực kỳ nguy hiểm, và họ sẵn sàng bịa đặt bất cứ điều gì để thắng cử. Theo ông, ứng cử viên duy nhất không nói những chuyện hoang đường về kinh tế là Trump, và chỉ có một người có phần nào lý lẽ để nói chuyện đối ngoại là Thượng nghị sĩ Rand Paul – “cả hai người này khó được bầu vì nhiều lý do”. Theo ông, những người Cộng Hòa lâu nay chỉ có một chủ thuyết kinh tế đơn giản, đó là kinh tế chỉ có thể phát triển nếu giảm thuế cho người giàu và giảm chi phúc lợi cho người nghèo. Thế nhưng điều này đã được chứng thực ngược lại: thời Clinton những năm 90, tăng thuế, dẫn đến kinh tế bộc phát; dưới thời Bush, giảm thuế, hậu quả là suy thoái năm 2007. Năm 2013, Obama tăng thuế, năm 2014 mở màn Obamacare, đó cũng là những năm công ăn việc làm tăng trưởng mạnh nhất kể từ những năm 90. Ở tiểu bang California, Thống đốc Jerry Brown cũng tăng thuế, kinh tế tăng trưởng nhanh chóng 2-3 năm qua. Ở Kansas, Thống đốc Cộng Hòa Sam Brownback giảm thuế, cắt chi, Kansas không ngóc đầu lên được. “Thế mà người ta còn bám chặt hơn bao giờ hết vào giáo điều đã lỗi thời này của chính trị Cộng Hòa, không cho ai được phép nghi ngờ. Hôm thứ tư Jeb Bush một lần nữa tuyên bố cái kinh tế học ma quái này sẽ làm tăng gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ, trong khi Marco Rubio thì cứ nói thuế đánh váo khí thải carbon sẽ “tiêu hủy kinh tế”. Trump là người duy nhất biết lý lẽ khi nói rằng “Chúng ta đã có một hệ thống thuế đã có hiệu quả trong nhiều năm qua, cho nên nó chẳng thể nói đó là chủ nghĩa xã hội”.

Ông Krugman nói rằng người ta còn mất trí khi bàn chuyện đối ngoạị vì hầu như tất cả đều mù quáng tin rằng Mỹ có sức mạnh quân sự vô địch làm cho toàn cầu khiếp vía và do đó có thể dễ dàng buộc người ta phải làm theo ý mình mà chẳng cần thương lượng gì cả, thậm chí chẳng cần nhìn mặt người mình không ưa. Ông Krugman nói có lẽ người duy nhất còn có lý lẽ về an ninh quốc gia là Rand Paul. Đã hẳn, ông viết, nguyên cả đám ứng cử viên này hẳn phải gây “kinh hoàng” không chỉ cho người Dân Chủ mà cho cả người Cộng Hòa ôn hòa, bởi vì người ta không nói được những ứng cử viên này thực sự tin điều gì. “Điều lộ thực sự là cách một số ứng cử viên đã vượt quá những phân tích kém cỏi và viện dẫn lịch sử sai lệnh để có những khẳng định vô căn cứ, và có lẽ làm như thế với đầy đủ ý thức, cho nên biến những khẳng định sai lầm thành những gì về mặt kỹ thuật có thể nói là những lời dối trá.

Những gì ông Krugman nói về bà Fiorina cũng đáng ghi lại.

“Một vài điều ba hoa của bà Fiorina là sự lập lại những gì đã bị bác bỏ về thành tích kinh doanh của bà. Không, bà chẳng có thành tích tạo ra số thu khổng lồ cho công ty của bà. Bà làm cho công ty Hewlett Packard lớn hơn bằng cách đi mua các công ty khác, chủ yếu là Compaq, mà ai cũng thấy đó là quyết định tài chánh tai họa. Và nếu bà kể cuộc đời của bà là câu chuyện một người đi lên “từ một người thư ký quèn đến làm Tổng giám đốc một đại công ty, thì xin lỗi bà cuộc đời của tôi cũng bắt đầu là một người giao thư rồi dần dần lên đến vị trí một nhà bình luận báo chí và kinh tế gia. Xin lỗi bà, làm lao động chân tay khi còn đi học không phải là chuyện thần thoại đi lên trong đời đâu.”

“Nhưng điều đáng nói đến khi bà khẳng định có những video đang được dùng để tấn công chuyện Kế hoạch hoá Gia đình Planned Parenthood cho thấy ‘một bào thai đã hình thành đầy đủ, nằm trên bàn, tim đập, chân đạp, trong khi có người nói phải giữ cho nó sống để lấy đi cái não của nó’. Chẳng hề có chuyện đó. Những người chống phá thai đã nói những chuyện như thế, nhưng chẳng hề đưa ra chứng cớ, chỉ có những khẳng định lẫn lộn với những khúc phim về bào thai. Như vậy phải chăng bà Fiorina bị lún vào chuyện ngụy tạo này đến mức bà không phân biệt được thực và giả, tuyên truyền chính trị. Hay bà cố tình góp phần quảng bá chuyện dối trá này. Và quan trọng nhất, đó có phải là chuyện quan trọng hay chăng?”

Hai ba ngày sau khi nghiêm trọng phát biểu như thật câu chuyện tưởng tượng này, bà không dám xác nhận chuyện bà có video đó hay không. Hôm chủ nhật, 20-9, MSNBC khẳng định “cuốn video bà nói không có”. Trong khi ai cũng nói không có video đó, bà cứ nói: “Không, tôi đã xem video đó”. Bà càng nói, theo người phỏng vấn bà trên MSNBC, “người ta càng tin video này không có”. Văn phòng tranh cử của bà cũng nói họ không có video đó trong tay! Đáng tiếc là ông Carson im lìm!

Thăm dò của CNN sau cuộc tranh cãi này cho thấy một điều “ngoạn mục”: ba người dẫn đầu là ba người chưa hề nắm giữ một chức vụ chính trị dân cử. Ông Trump vẫn dẫn đầu, cho dù tỷ lệ đã giảm mạnh từ 32% xuống còn 24%. Bà Fiorina tăng được 33 điểm – lên được 15%. Chẳng có lý do để cho ông Carson đứng thứ ba, nhưng ông bác sĩ phẫu thuật não bộ này vẫn đứng thứ ba với 14%. Người thứ tư là Marco Rubio, được 11%, có một đề nghị buộc di dân vào Mỹ phải có học hành, trình độ, một đòi hỏi mà nếu áp dụng cách đây 60 năm, thì cha mẹ của ông vốn là dân thợ từ Cuba trốn đến Mỹ sẽ không được nhập vào nước Mỹ.

Trump như thế, Fiorina như thế. Ông Carson như thế. Thế mà họ vẫn đứng đầu bảng.

Thế mới biết người Cộng Hòa tuyệt vọng đến mức nào!

Comments