New York Times: Thâm thù sâu xa giữa Hồi giáo Sunni và Shia

Sự tranh chấp vị trí kế vị nhà tiên tri Muhammad giữa người Sunni và Shia đã trở thành cuộc xung đột giáo phái kéo dài hàng nghìn năm chưa có dấu hiệu kết thúc.
Saudi Arabia đã hành quyết 47 người về tội danh khủng bố. Trong số những người bị xử tử, giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr là người Hồi giáo dòng Shia và cái chết của ông đã làm gia tăng căng thẳng vốn có trong thế giới Hồi giáo. Lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei ngày 3/1 cho biết, Saudi Arabia, được cai trị bởi chế độ quân chủ dòng Hồi giáo Sunni, sẽ phải đối mặt với sự “trả thù của Thiên chúa” cho việc giết hại giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr và 46 người khác. Iran là nước có số lượng người đạo Hồi dòng Shia chiếm đa số. Giáo sĩ al-Nimr cùng những người khác đang đấu tranh cho quyền chính trị lớn hơn của người Shia ở Saudi Arabia và các nước láng giềng. Saudi Arabia cáo buộc vị giáo sĩ kích động bạo lực. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự thù hằn giữa người Hồi giáo dòng Shia và Sunni?

Tranh chấp vị trí kế vị
Năm 632 sau công nguyên, nhà tiên tri đạo Hồi Muhammad qua đời mà không chỉ định người kế nhiệm để lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo. Điều này dẫn đến những tranh cãi chưa bao giờ nguôi về việc ai sẽ dẫn dắt tinh thần cho người Hồi giáo.
Người Sunni cho rằng, nhà lãnh đạo mới cần được lựa chọn trên cơ sở đồng thuận. Trong khi người Shia lại nghĩ rằng, chỉ con cháu của nhà tiên tri mới xứng đáng kế vị. Người kế thừa hợp pháp đầu tiên là Abu Bakr người Sunni, phụ tá thân cận của nhà tiên tri Muhammad. Còn người Shia tin rằng, ông Muhammad Ali, anh em họ và con rể của nhà tiên tri, mới là người kế vị. Abu Bakr làm giáo chủ được 27 tháng thì bị ám sát. Ông Ali là người kế nhiệm số 2 trở thành nhà lãnh đạo mới của thế giới Hồi giáo. Sau đó ông Ali cũng bị ám sát bởi thanh kiếm tẩm thuốc độc tại nhà thờ Hồi giáo ở Kufa thuộc Iraq ngày nay. Con trai ông là Imam Hussein tuyên bố trở thành nhà lãnh đạo mới. Nhưng ông Hussein và nhiều người thân của mình cũng bị ám sát vào năm 680 sau công nguyên ở Karbala, Iraq. Cái chết của ông đã trở thành giáo lý trung tâm cho những người tin rằng Ali xứng đáng kế vị nhà tiên tri. Sự ra đi của Hussein cũng được ghi nhớ hàng năm trong tháng Muharram của người theo đạo Hồi. Các tín đồ này thuộc dòng Shia, viết tắt của Shiat Ali, hay tín đồ của Ali.
Tuy nhiên, người Sunni cho rằng, chỉ có 3 nhà tiên tri trước Ali mới dẫn dắt các tín đồ đi đúng hướng và trung thành với Sunnah (giáo lý của Đạo Hồi) hay truyền thống của nhà tiên tri. Người Sunni sau đó đã bắt tay vào cuộc chinh phục mở rộng thêm các nhà nước Hồi giáo ở Bắc Phi và Châu Âu. Nhà nước Hồi giáo cuối cùng đã kết thúc với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.
Vì sao niềm tin của hai dòng Hồi giáo khác nhau?
Bất đồng kéo dài hàng nghìn năm giữa người Sunni và Shia xung quanh người kế nhiệm nhà tiên tri Muhammad dẫn đến sự phát triển của những giáo phái. Các giáo phái dòng Sunni và Shia bao gồm nhiều học thuyết, quan điểm và trường phái tư tưởng riêng. Mặc dù các giáo phái vẫn dựa trên giáo lý của đạo Hồi nhưng có sự bất đồng lớn. Tín đồ của hai giáo phái đều cho rằng họ là những người kế tục chính thống.
Các tín đồ Shia coi Ali và những nhà lãnh đạo kế vị ông như các imam (lãnh tụ Hồi giáo). Hầu hết các tín đồ Shia tin vào 12 imam. Người cuối cùng trong số này, một cậu bé, được tin rằng đã biến mất vào thế kỷ thứ 9 tại Iraq, sau khi cha của cậu bị giết. Những tín đồ dòng Shia nhánh Twelver coi sự tái sinh của cậu như Mahdi, hay Messiah (đấng cứu thế). Vì những con đường khác nhau mà hai dòng lựa chọn, các tín đồ Sunni coi trọng sức mạnh của Chúa trời trong thế giới vật chất, đôi khi bao gồm cả khía cạnh quần chúng và chính trị, trong khi những người Shia đề cao sự xả thân vì đạo và đức hy sinh.
Sự phân chia địa lý
85% tín đồ Hồi giáo trên Thế giới là người Sunni. Họ sinh sống khắp nơi , từ Morocco đến Indonesia, và tạo nên tôn giáo thống trị ở Bắc Phi và Trung Đông. Trong khi phần lớn người Shia tập trung ở lran, Iraq, Azerbaijan và Bahrain. Một bộ phận đáng kể người Shia sinh sống ở Yemen, Lebanon, Kuwait, Syria và Qatar.
Tại Trung Đông, người Sunni và Shia đều tìm cách trở thành người lãnh đạo đất nước nhằm định hướng sự phát triển của đạo Hồi. Bahrain nơi người Sunni được xem là thiểu số từ lâu đã nắm quyền điều hành đất nước với sự hậu thuẫn của Saudi Arabia. Ông Saddam Hussein từng điều hành Iraq trong 20 năm là người Hồi giáo Sunni. Trong quá trình nắm quyền, ông đã đàn áp dã man người Hồi giáo Shia. Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq xuất phát từ sự bất bình giữa chính phủ người Shia và cộng đồng Hồi giáo Sunni.
Cuộc xung đột hiện nay ở Syria được thúc đẩy bởi sự đối đầu giữa các giáo phái. Tổng thống Bashar al-Assad và các thành viên gia đình thuộc dòng Shia Alawite. Trong khi các nhóm nổi dậy bao gồm cả IS lại thuộc dòng Sunni.
Cuộc nội chiến ở Yemen trở thành cuộc xung đột giáo phái giữa Iran, cường quốc dòng Shia, và Saudi Arabia, cường quốc dòng Sunni. Iran đang hậu thuẫn cho phiến quân Houthi dòng Shia để lật đổ chính phủ dòng Sunni.(HVC-Sưu tầm )

Comments