NHỮNG CÂU HỎI NHỨC NHỐI

Thi Phương

clip_image002

Hai người đã giúp Nixon đánh bại Hubert Humphrey

năm 1968: Anna Chenault và Tổng thống NVT

clip_image003

Năm 1973, để ký hiệp định với Hà Nội…

Mỗi năm có một ngày 30-4, và đó đúng là dịp một năm một lần cho chúng ta thấm thía niềm đau mất nước của riêng mình. Nước Việt Nam đương nhiên vẫn còn đó trên bản đồ thế giới, nhưng đối với chúng ta, đối với phần lớn cộng đồng những ngườiViệt tha phương, thì tha hương đồng nghĩa với mất nước. Nếu không chúng ta đã không có mặt ở đây! Nếu không chúng ta đã không mang quốc tịch này!

Những người có thể hiểu được phần nào nỗi đau trong ngày 30-4 có lẽ nay phải ít nhất là 55 tuổi (tức khoảng 15 tuổi vào năm đó). Những người có thể hiểu được một cách nhậy cảm một cuộc đổi đời tan hoang đang diễn ra khi xe tăng của Việt Cộng ủi sập bức tường rào bên ngoài Dinh Độc Lập và trên đường phố Saigon từng đoàn xe lính chở bộ đội Việt Cộng vào thành phố. Hiện nay trong tổng số những người có thể được gọi là người Việt trên nước Mỹ, những người trên 55 tuổi như thế, sinh trước năm 1960, là bao nhiêu người? Chắc chắn chưa đến 30%. May ra được 25%. Hay một phần tư. Và trong một phần tư đó, có được bao nhiêu người đang đốt lên một nén nhang để tưởng niệm một sự mất mát lớn lao có thể được xem như đánh mất cả cuộc đời trong khi cuộc đời chỉ có một. Bao nhiêu người đang ngoảnh mặt lại với nguồn gốc của mình? Đó là một câu hỏi đáng ám ảnh.

Thực ra, đến ngày 30-4, chúng ta không chỉ nhớ chuyện 30-4, mà còn nghĩ đến những kinh nghiệm truân chuyên, đảo điên, khủng khiếp trong cà mười năm sau đó. Nếu không có những chuyện “cải tạo xã hội chủ nghĩa” và “xây dựng chủ nghĩa xã hội” trong những năm 1975-85, khiến cho người thì đi vào trại tập trung, người còn ở ngoài thì táng gia bại sản, và bị bức bách, bế tắc, đến độ gia đình nào cũng tan tác, thì cũng có thể phần nào câu chuyện 30-4 cũng qua đi. Bởi thế, những thế hệ vể sau, lớn lên trong những năm sau 1975 trên miền nam và nay đang dần dần hội nhập vào nước Mỹ, đương nhiên cũng hiểu phần nào tại sao mình lại đang ở đây. Chúng có thể hiểu cha mẹ đã sống như thế nào dưới chế độ Cộng Sản vào những năm đó. Điều sơ đẳng tối thiểu mà chúng hẳn phải hiểu là đã từng có một cuộc chiến tranh Quốc Cộng trên đất nước quê hương của cha mẹ, cuối cùng thì phía Cộng Sàn đã chiến thắng, cho dù phía quốc gia từng được Mỹ ủng hộ. Và vì không thể chịu đựng được sự áp bức, nghèo đói, và sự tước đoạt tất cả những cơ hội vươn lên, cho nên cha mẹ đã tìm đường đến Mỹ. Khi hiều được những điều tối thiểu như thế, chúng cũng có thể có ý niệm ít nhiều về identity của chúng. Sống trên đất Mỹ của ngưòi dân tứ xứ, identity phải chăng là phần lớn nhất của cái “tôi” phải bảo tồn để củng cố sự hiện hữu của mình?

Ngày 30-4 bao giờ cũng là lúc chúng ta nhìn lại cuộc chiến và nghiền ngẫm những lý do đưa đến kết thúc bi thảm đó cho Miền Nam. Câu hỏi vì sao Miền Nam sụp đổ sau cả 15 năm hy sinh bao xương máu của hàng trăm ngàn chiến sĩ vẫn chưa được trả lời ổn thỏa. Chúng ta dường như vẫn phải còn tranh luận bất tận về những gì chúng ta nghĩ là nguyên do.

Trong cơn bực bội, nhiều người chửi đổng (hay nói lén): “Kissinger chó đẻ là tội phạm chiến tranh”. Chúng ta mang thân phận “ăn nhờ ở đậu”, cho nên có những chuyện rất khó nói. Nguyền rủa Tổng thống Richard Nixon hay Ngoại trưởng Henry Kissinger của ông ta âm mưu bán đứng Miền Nam cũng đúng, nhưng chúng ta đừng quên hoàn cảnh của ông Nixon. Đầu năm 1968, đến 53% người Mỹ xem mình là “hawk”, cho rằng thanh niên Mỹ tòng quân là yêu nước. Đầu năm 1972, vào lúc phong trào dân quyền của ngưòi da đen bộc phát và phái “Tân tả” (New Left) ở Mỹ đang xét lại tất cả những giá trị của nước Mỹ, đến 70% người Mỹ cho mình là “dove”, cho rằng chính quyền là tổ nói láo, chủ trương giải kết ngay lập tức và không còn tin vào những chuyện như thuyết domino của Tổng thống Dwight Eisenhower đưa ra vào thập niên 50 nữa. Tổng thống Nixon hay Tổng thống Gerald Ford sau này làm gì được khi Thượng Viện Mỹ, Hạ Viện Mỹ đều không chịu tăng viện trợ quân sự cho Miền Nam?

Nhiều người trong chúng ta cũng không muốn đề cập trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Thiệu, họ nói rằng phải hiểu “Tâm tư Tổng thống Thiệu” như ông cố vấn Nguyễn Tiến Hưng, luật sư cho ông Thiệu. “Ông làm gì được?”. Đúng là ông Thiệu làm gì được, khi người Mỹ thì như thế, “thay lòng đổi dạ” từ biến cố Tết Mậu Thân, và mấy ông mang tiếng cố vấn nhưng chẳng đưa ra được kế sách gì cả để chứng tỏ rằng mình có cái đầu. Thế nhưng, ông làm gì được mà ông vẫn cứ làm, chẳng cho ai can dự vào, để cho mọi chuyện tan hoang cả, rồi lặng lẽ lên máy bay ra đi?

Nhiều người cũng tránh đề cập đến trách nhiệm của đảng phái chính trị, của tôn giáo, của tầng lớp sĩ phu, họ nói rằng “chúng ta làm gì được. quyền lãnh đạo chiến tranh nằm cả trong tay ông Thiệu, ông chỉ chia sẻ với người Mỹ”. Câu hỏi đặt ra là phải chăng chúng ta thiếu ý thức chính chúng ta, người dân Miền Nam khát khao tự do, dân chủ, và không thể chịu được chế độ cộng sản, phải giành lấy quyền lãnh đạo chiến tranh, và phải biết thực hiện quyền này, trước hết là xây dựng và điều hành một chế độ tự do, dân chủ lành mạnh, tích cực, có hiệu quả - một cách có trách nhiệm, lương tâm. Phải chăng trong hàng ngũ chúng ta, đã có không ít những “hiện tượng” vô trách nhiệm, vô lương tâm từ một số người và đoàn thể mang danh là quốc gia? Hay chúng ta chẳng có hàng ngũ gì cả để trở thành một lực lượng chiến đấu?

“Nếu như”, hay “what if”, là những câu hỏi chúng ta vẫn thường tự đặt cho lịch sử khi nhìn đến những cơ duyên may mắn hay tai họa bất hạnh đổ xuống. Đó vẫn là một cách để trả lời câu hỏi “Tại sao” trước những biến cố có tính đổi đời. Khi chúng ta đặt câu hỏi nếu như một sự việc gì đó không xảy ra, đương nhiên chúng ta phải tìm cách trả lời câu hỏi như thế thì chuyện gì khác sẽ xảy ra? Và để cho chuyện đã xảy ra đừng xảy ra, chúng ta cần có những điều kiện ắt có và đủ như thế nào? Chúng ta lẽ ra phải làm gì nhưng đã không làm? Chúng ta lẽ ra phải tránh những gì nhưng cuối cùng đã không tránh được. Cuối cùng, có thể chúng ta cảm nhận được tính tất yếu của lịch sử, nhưng cũng cảm thấy được những cơ hội đã bị bỏ lỡ, hay những chọn lựa chúng ta đã không may nên không khai thác được. Cuối cùng, có lẽ chỉ còn thở dài ngao ngán: Chẳng lẽ số trời! Và bắt chước ông Nguyễn Công Trứ để mong đợi: Còn trời, còn đất còn non nước…

Một trong những cách lý giải thông thường về kết quả bi thảm của cuộc chiến tranh Việt Nam thường bắt đầu bằng biến cố Tết Mậu Thân và ông Richard Nixon đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 1968 với mưu định giải kết nước Mỹ bằng mọi giá khỏi cuộc chiến tranh này trong vòng bốn năm.

Nếu như không có cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, mà Việt Cộng vẫn gọi là “tổng công kích tổng khởi nghĩa” vào Tết năm đó, tình hình sẽ như thế nào?

Đầu năm 1968 là một thời chính trị Saigon khá ổn định (sau cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội lưỡng viện khá thành công, mở màn cho Đệ nhị Cộng hòa), và quân sự thắng thế trên bốn vùng chiến thuật. Phong trào phản chiến ở Mỹ vẫn còn yếu thế so với sức mạnh diều hâu trên cà chính trường lẫn trong dư luận quần chúng. Các lực lưọng du kích địa phương của Việt Cộng hầu như tan tác, đến mức lãnh đạo ở Hà Nội như đã cùng đường, quyết định mở cuộc tổng tấn công năm 1968, bội ước ngưng bắn vào dịp Tết, để cứu vãn và đảo ngược tình thế. Đó là một canh bài “nhất chín nhì bù”. Một cuộc tổng tấn công có ý nghĩa sống còn với địch, bởi vì với hơn nửa triệu quân đồng minh có mặt ở miền nam, tình hình bình định diễn ra khắp nơi. Tại Washington D. C., Tổng thống Lyndon Johnson bị vây quanh bởi diều hâu và bồ câu (thách đố lớn nhất là cựu Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy đã bỏ ông và tính ra tranh cử chống lại ông), nhưng ông vẫn cứng cựa, tin tưởng khả năng kiểm soát chiến trận của Tướng William Westmoreland, và vẫn quyết tâm không muốn là người bại trận. Chính giới Hoa Kỳ cũng không theo con đường phản chiến.

Thế nhưng trong Tết Mậu Thân, chúng ta đã để cho Việt Cộng thực hiện được mưu định của chúng. Ngành tình báo của Mỹ và Việt chỉ nắm được đại khái ý đồ của địch. Những nhà hoạch định chiến tranh và chiến lược của Mỹ Việt đều không có ý thức cảnh giác cụ thể. Lãnh đạo miền nam là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì về quê vợ ở Mỹ Tho ăn tết theo kiểu áo gấm về làng. Về sau, ông chờ Mỹ đưa trực thăng xuống mới chịu trở lại Saigon. Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ trở thành anh hùng bất đắc dĩ vì ông ăn tết trong Tân Sơn Nhất. Sau này, chúng ta cứ nói mãi đã chiến thắng về mặt quân sự và địch quân đã tan tác lực lượng sau hai đợt tấn công thí chốt đầu năm và giữa năm. Điều đó cũng đúng: khả năng của du kích ở miền nam hầu như trở thành không đáng kể. Nhưng cũng đúng, cuộc tổng tấn công này của địch có tác hại vô kể về mặt chính trị. Tồng thống Johnson quá bất ngờ, quá nản, lại thêm mang tâm trạng “phôi pha” (“Thôi về đi, đường trần đâu có gì”) bởi bệnh ung thư, cho nên ngày 31-3-1968 lên truyền hình thông báo quyết định không chơi nữa, bỏ chuyện tái tranh cử. Ông xếp qua một bên yêu cầu của Westmoreland tăng cường thêm 200.000 quân để tiêu diệt hẳn Cộng quân. Một nghĩa nào đó, con rắn đã mất đầu. Mỹ chập choạng tiến đến hòa đàm Paris. Nixon đánh bại Hubert Humphrey trong cuộc bầu cử tháng 11 năm đó với lời hứa có cách chấm dứt chiến tranh. Ông Thiệu ngây thơ, tin bà Mỹ Tàu Anna Chennault, tưởng mua được trái tim của tân tồng thống Mỹ khi ông Thiệu làm bộ chần chừ không chịu tham dự hòa đàm Paris để phá ông Humphrey giùm cho Nixon. Ông Thiệu không biết cái đầu của “Tricky Dick” đã có chủ ý. Ông có lẽ không hề đặt câu hỏi là Nixon không hứa chơi, như vậy Mỹ sẽ chấm dứt chiến tranh cách nào. Bởi thế, Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger và Lê Đức Thọ tiến hành mật đàm ở La Celle Saint Cloud ngay từ cuối năm 1969 mà ông Thiệu và Hoàng Đức Nhã vẫn mê ngủ trong Dinh Độc Lập.

Nếu không có vụ Mậu Thân? Hay quân ta dập tan được âm mưu này từ trong trứng nước, sau khi thấy những dấu hiệu leo thang từ Khê Sanh, Quảng Trị, chuyện gì xảy ra thật khó nói. Ông Johnson có nhiều khả năng tái đắc cử. Ông có thể cho Westmoreland thêm 50.000-100.000 quân để dứt điểm cuộc chiến theo yêu cầu của ông tướng này…

Nếu chúng ta nhìn được tâm địa của Nixon sau khi cuộc mật đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ được tiết lộ bởi chính ông ta vào ngày 25-1 -1972, liệu tình hình có khác đi?

Những bậc thức giả chính trị của chúng ta, những lãnh đạo các chính đảng ở đâu mà không lên tiếng báo động về nguy cơ mất nước trong tay Nixon-Kissinger? Chuyện mật đàm thật chẳng ổn, to nhỏ sau lưng mình tức phải tìm cách đâm sau lưng mình. Chuyến đi của Nixon đến Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa vào giữa năm đó cũng thật chẳng ổn. Những đại cường giàn xếp trật tự thế giới với nhau, những nước nhỏ đều là tốt thí. Nếu chúng ta có những quan sát viên chính trị nằm vùng ở Washington thời đó, những nhà ngoại giao, những người đang tu nghiệp hay đang học ở Mỹ chẳng hạn… những người này phải nói cho trong nước biết nước Mỹ đang nhìn cuộc chiến như thế nào - nếu người ta chịu khó đọc “Fire in the Lake” của bà Frances Fitzgerald, con gái của ông phó giám đốc CIA. Thời thế đã thay đổi, ông Nixon đang tính chuyện bỏ Miền Nam bởi vì chính giới ở Mỹ đã muốn bỏ miền nam. Thăm dò thế nhưng, chính quyền Saigon vẫn quen lệ thuộc Mỹ, chẳng có ý thức gì cả. Ông Thiệu thì bị kẹt với Nixon vì Nixon đã “tha” cho ông vụ độc diễn năm 1971. Còn các đảng phái chính trị, tôn giáo ở Saigon? Người ta không nhìn xa hơn tầm mũi. Ở Saigon cũng chẳng có một trung tâm nghiên cứu nào có tên là Viện Mỹ học (Institute of American Studies) để hiểu nước Mỹ thấu đáo và kịp thời, từ lịch sử, chính trị, dân chủ, chính phủ. Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Vietnam Council on Foreign Relations) ở khách sạn Majestic của ông Nguyễn Ngọc Linh, Clyde Bower và Peter S. Glick lại chỉ làm chuyện thừa thải: nghiên cứu Việt Nam!

Giả sử như chúng ta dấy lên được một cao trào toàn dân có ý thức về hiểm họa Mỹ bỏ rơi Miền Nam và tìm cách tránh chuyện bị đặt trước sự đã rồi như Pháp từng làm vào năm 1954 với hiệp định Genève. Giả sử chúng ta dứt khoát không ký Hiệp định Paris và nói rõ điều đó ngay trước bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Giả sử sau Mùa hè đỏ lửa, chúng ta đột kích miền bắc khi đang còn đủ quân và đủ khí giới… Vấn đề là suy cho cùng, chúng ta đứng trước Nixon và George MacGovern, và đương nhiên phải bấm bụng chọn “lesser evil”! Và trong nội bộ, trong hàng ngũ của chúng ta, chẳng có chuẩn bị gì sẵn sàng cả. Ông Thiệu nói tướng nói thánh, nhưng cứ sợ bị CIA ám sát. Ông Kỳ thì không có cái đầu. Và ngay cả sau khi phải đặt bút ký vào Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, chúng ta vẫn mơ hồ với bài hát Whatever will be, will be!

Those were the days, my friends! Just remember how lost we were!

Nếu Nixon không bị vụ Watergate, ông có để cho Miền Nam thất thủ hay chăng?

Chẳng phải ông Nixon tử tế gì! Hãy coi cách ông đón tiếp ông Thiệu vào ngày 3-4 tại San Clemente (chẳng phải Tòa bạch Ốc). Ông chẳng thèm cho ông Thiệu một cơ hội gặp giới lãnh đạo của Quốc Hội Mỹ! Trong khi đó, ông Thiệu vẫn hớn hở vì được đi Mỹ sớm tới hai năm! Nhưng Nixon cũng không muốn là một tổng thống bại trận. Chẳng có tổng thống nào muốn phải chứng kiến một sự thất bại của Mỹ. Tử Eisenhower đến Kennedy và Johnson. Ông Nixon cũng thế. It nhất, ông muốn bảo đảm phải có một “decent interval” – một khoảng thời gian êm thắm cho ông rút lui. Vả lại, ông không muốn bị Kissinger chơi! Hà Nội cũng biết thế, nên trong kế hoạch ban đầu của Bí thư Lê Duẩn là chờ cho đến khi Nixon hết nhiệm kỳ thứ hai vào cuối năm 1976, lúc đó mới tiến đánh miền nam chính thức. Hà Nội vẫn sợ Nixon nổi điên nếu Cộng Sản tấn công miền nam khi ông còn ngồi đó. Thằng liều vẫn sợ thằng điên, mà Nixon nổi tiếng có máu điên trong người. Nếu Nixon không bị vụ Watergate, chắc chắn Việt Cộng không dám chơi xả láng như trong vụ Ban Mê Thuột, vì Nixon chẳng sợ gì mà không dùng đến đặc quyền hành pháp ra lệnh cho máy bay Mỹ từ Đệ thất Hạm đội oanh tạc miền bắc cùng chiến trường trọng điểm ở Vùng 2. Tiếc thay, Gerald Ford thay Nixon nhưng không phải là Nixon. Đúng là cái số của chúng ta đến hồi mạt vận. Ford không có một nỗ lực nào vận động để Quốc Hội tăng quân viện cho Saigon phần nào để làm cho Miền Nam lên tinh thần. Ông không có cả một lời đe dọa. Ông chỉ nghĩ ông sẽ ra tranh cử năm 1976!

Nếu ông Thiệu từ đầu năm 1974 hiểu được Nixon không thọ, và sau đó hiểu Nixon mà bị truất thì thế là hết, liệu “Tâm tư Tồng thống Thiệu” có thề thay đổi không.

Vào đầu năm 1974, ông Thiệu vẫn chẳng hiểu gì hết, nên sai Phụ tá Nguyễn Văn Ngân mua chuộc Quốc Hội thông qua luật mới cho ông được tranh cử một nhiệm kỳ thứ ba – làm ông Thủ tướng Trần Thiện Khiêm chưng hửng. Sau khi Nixon phải từ chức vào tháng tám năm đó, ông Thiệu vẫn mê ngủ trong mùi dầu ngoài khơi bay vào. Hai phụ tá cật ruột của ông bị cắt, Ngân và Nhã, ông Thiệu càng bị cô lập với thế giới bên ngoài, càng thêm cô dơn, sống trong “tuổi mộng mơ”. Ông cố vấn nằm vùng ở Mỹ chỉ hiểu được “Tâm tư Tổng thống Thiệu” là điểu CIA muốn nhưng không hiểu đúng mức tâm tư của người Mỹ là điều ông Thiệu phải biết. Còn ông cố vấn an ninh quốc gia của ông Thiệu thì không chỉ nổi cho ông Thiệu thấy hết tình thế hiểm nghèo để gấp rút thiết kế chiến lược mới, bỏ vùng nào, giữ vùng nào, và làm sao tập họp được sức mạnh Diên Hồng của đất nước cùng tìm thế yểm trợ mới từ quốc tế.

Ông Thiệu làm bao nhiêu lỗi lầm trong việc giàn binh bố trận. Chỉ vì sự bất quyết của ông, quân đội ta đã bỏ chạy trước bao nhiêu mặt trận và tan hàng làm cho hàng ngũ không còn nữa, và người dân chạy loạn tứ tán, điêu linh không kể siết. Nếu ông không lỗi lầm, tình hình có thể cứu vãn được hay không. Nhiều người tin rằng được, nếu ông tỉnh mộng từ một năm trước! Và tránh đừng để cho “thuyết domino” áp dụng ngay trong nước.

Nếu như Miền Nam chúng ta có môt chính phủ mạnh hơn, một nền dân chủ hiệu quả hơn, một lãnh đạo chiến tranh tập trung hơn, sáng suốt hơn, có sách lược trường kỳ hơn, liệu có ngày 30-4 hay không.

Câu trả lời có thể chắc chắn là không. Nhưng liệu Miền Nam có thể có nổi một chính phủ như thế, một nền dân chủ như thế, một lãnh đạo chiến tranh như thế, đúng là câu hỏi thi vấn đáp làm cho chúng ta bất ngờ, ngẩn ngơ!

Thế nhưng chúng ta còn bao nhiêu câu hỏi “What if” cho hàng loạt biến cố, sự kiện trước Tết Mậu Thân. Chính trị Miền Nam quá nhiễu nhương trong bao nhiêu năm trước đó, chiến tranh của ta bị bỏ luống, ta cứ yên chí Thế giới Tự do cần ta ngăn chận làn sóng đỏ ở ngay “tiền đồn” này, mà quên rằng trước hết, đây là cuộc chiến sống còn của chúng ta.

Nếu như năm 1945, Nhật chờ Đồng Minh đến bàn giao cho đàng hoàng, hay nếu chính phủ Trần Trọng Kim của Vua Bảo Đại dám đảm nhận trách nhiệm lịch sử, Bảo Đại đừng thoái vị, đừng để mở ra những khoảng trống chính trị cho Việt Minh cướp chính quyền, thì thật khó tưởng có thể có dịp cho Hồ Chí Minh đạo văn để đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9, tuyên cáo thành lập nước VNDCCH, tiêu diệt hết đối lập và tồn tại đến ngày 19-12-1946 là ngày kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến.

Nếu như Pháp không làm lỗi lầm chiến lược là trấn thủ khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ để cho Việt Minh có điều kiện tập trung sức để đánh Pháp một trận quyết định mà Pháp không có phương kế chống đỡ hay tháo lui.

Nếu như năm 1963 Tổng thống Ngô Đình Diệm thoát được áp lực kềm tỏa tai hại từ Giám mục Ngô Đình Thục, và hai ông Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn nhận thừa nguy cơ đúng mức, tức đừng để bà Trần Lệ Xuân can dự, để cứu cho ông Diệm đã bất lực một bàn thua trông thấy, tìm một giải pháp chân thực, hòa giải, thỏa hiệp, nhượng bộ với Phật giáo, thì nền Đệ nhất Cộng hòa không nhất thiết phải sụp đổ, và Miền Nam của chúng ta còn những kỷ cương, nền tảng vững chắc để chống Cộng Sản.

Nếu như ông Dương Văn Minh biết mình là ai, đừng trở thành người hùng bất đắc dĩ trong cả hai dịp “Cách mạng 1-11” cũng như trong hồi cuối của Miền Nam, ông đừng làm lãnh tụ đối lập mà thực ra chỉ là bông xung, thì cũng chưa chắc chúng ta có ngày 30-4.

Nếu như chúng ta ngày nay đừng lẩm cẩm, lẩn quẩn nói mãi chuyện xưa không phải để thấy rõ hơn mà chỉ thêm mù quáng, hận thù chia rẽ hàng ngũ một cách điên rồ, xuẩn động, chúng ta có thể tưởng niệm ngày 30-4 trang nghiêm hơn, tin tưởng mạnh mẽ hơn ở biến chuyển trong tương lai đất nước…

Comments