ĐỒNG MINH, KHÔNG ĐỒNG CẢM

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002 clip_image004

clip_image006

Trong những cuộc chiến ở ngoài nước mà Mỹ đã tham dự kể từ Đệ nhất Thế chiến, Chiến tranh Việt Nam rõ rệt là cuộc chiến người Mỹ hiểu biết ít nhất và ủng hộ ít nhất. Hơn 40 năm sau kể từ khi chế độ Saigon sụp đổ với sự đầu hàng Cộng Sản Bắc Việt của Dương Văn Minh, hiểu biết của người Mỹ về cuộc chiến này ngày càng mờ nhạt, cho dù lẽ ra một thời gian dài như thế có thể giúp nguòi ta nhìn lại câu chuyện “sa lầy” đó. Phần lớn tác giả Mỹ vừa đứng xa vừa không hiểu bao nhiêu lịch sử, chính trị, văn hóa Việt Nam và thời đại khai mào Chiến tranh Lạnh trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Người Việt chúng ta vẫn chưa có mấy tác phẩm quan trọng về lịch sử và cuộc chiến của mình – tiếng Việt chứ chưa nói Anh ngữ. Bởi vậy, trong thời chiến hai đồng minh Mỹ Việt vẫn thiếu sự đồng cảm, và trong “thời bình” hơn 40 năm qua, khoảng cách này dường như vẫn còn đó – cho dù chúng ta đã có mặt hàng triệu người trên đất Mỹ.

Vào năm 2002, một tác phẩm có tựa “Why the North Won the Vietnam War” được xuất bản, tổng kết ý kiến của một số sử gia Mỹ về cuộc chiến. Có lẽ điều duy nhất chúng ta nghĩ ngay tới là chúng ta đã để cho cuộc chiến kéo dài quá mà không có ý thức chuẩn bị đi đường dài. Cuốn sách này càng làm nổi bật nhu cầu phải lên tiếng phản biện của giới trí thức, nghiên cứu chính trị và lịch sử của người Việt lưu vong. Chúng ta đã quá trễ khi nghĩ đến chuyện phải lên tiếng, nhưng trễ còn hơn không, và cũng chẳng thể trễ hơn nữa, khi những người còn tâm huyết và trí tuệ với đề tài này đang ngày càng mai một trong chúng ta.

Hiện nay, khi bình luận về cuộc chiến Afghanistan mà Mỹ rõ rệt đã “sa lầy” cùng sự lúng túng trong hành động của Tổng thống Barack Obama trước tình hình ngày thêm phức tạp ở Iraq và Syria, nơi loạn quân Nhà nước Hồi giáo đang “làm giặc”, một số tác giả có chung luận điệu Mỹ phải học bài học về cuộc chiến Việt Nam để tránh lao vào một cuộc “chiến không cần thiết” (a war of no necessity). Nhiều sử gia Mỹ vẫn cho rằng Mỹ chưa hiểu thực chất cuộc chiến Việt Nam trước đây cho nên ủng hộ một chế độ độc tài chống một phong trào “giải phóng dân tộc”.

Như chúng ta có thể thấy, trong giới thức giả của Mỹ, những huyền thoại về chiến tranh VN vẫn còn đó, ngồi trong tháp ngà người ta kêu gọi chính phủ phải hết sức đề cao cảnh giác, và thái độ này dễ dẫn đến một chính sách đối ngoại làm suy yếu vai trò của Mỹ trên thế giới một cách không cần thiết. Nhiều người Mỹ thuộc những thế hệ sau này càng thêm dễ dàng ngộ nhận về những lý do tại sao Mỹ đã can dự vào cuộc chiến này, sai lầm gì mà người Mỹ đã phạm phải, và hậu quả là gì. Thời gian đã trôi qua khá lâu, người ta không thấy vai trò của những người phản chiến đã ngụy tạo sự thật về cuộc chiến để dấy lên phong trào đối kháng, và lịch sử Mỹ vẫn chưa hiệu chỉnh được những sai lầm căn bản đó.

Cho đến giờ, ít ai đánh giá đúng mức hậu quả của cuộc chiến: hàng triệu người chết ở VN và Campuchia, hàng trăm ngàn bị “học tập cải tạo”, hàng triệu gia đình ly tán, và chế độ CS tàn bạo, sát nhân với người dân hai miền trong chiến tranh, càng thêm trân tráo độc tài, đàn áp và tham nhũng trong thời lạm quyền sau chiến tranh. Trong chiến tranh, người ta dựng chuyện HCM là “cha già dân tộc”, Mặt trận Giải phóng là phong trào nổi dậy tự phát, Lyndon Johnson bịa đặt biến cố Vịnh Bắc Việt để có cớ tham chiến, và lính Mỹ cực kỳ tàn sát đối với người dân quê Miền Nam… Chuyện quan trọng nhất người ta cố tình không thấy là nhờ chiến tranh VN, Thái Lan, Malaysia Indonesia mới có thời gian vững mạnh để tiêu diệt tất cả đe dọa CS trong nước.

Đã qua 40 năm từ ngày 30-4 năm đó. Có nghĩa là chúng ta đã có mặt ở nước Mỹ được 40 năm. Trước lạ sau quen. Trước thưa thớt, sau chen chúc. Thế nhưng cộng đồng người Việt chúng ta (trong đó có không thiếu gì những gíáo sư, tiến sĩ - thật cũng như dzzởm - nhà bình luận chính trị, nhà báo tự do, độc lập, những người “dân cử”…) đã làm được gì để cho người Mỹ hiểu hơn về cuộc chiến Việt Nam mấy thập niên trước để họ nhìn chúng ta với ánh mắt thông cảm hơn, hiểu biết hơn. Những người thuộc những thế hệ sau được học hành đàng hoàng ở Mỹ, lớn lên ở Mỹ, ít nhất chúng đều có thể biết được cuộc chiến tranh Việt Nam qua những sách sử học ở trường - từ cấp trung học đến đại học. Những gì chúng học được ở trường xem chừng khác với những gì chúng có thể học được từ ông bà, cha mẹ ở nhà - nếu ông bà cha mẹ có nói chuyện với chúng. Ngoài những sách sử giáo khoa xem chừng vẫn nghiệt ngã với chế độ Saigon của chúng ta, nhiều tác giả từ bao nhiêu năm qua cho thấy không thay đổi gì cả trong cái nhìn, trong cách đánh giá về cuộc chiến – cho dù “bao nhiêu nước đã qua cầu”: chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, và những chế độ cộng sản còn tồn tại đang quyết bóp nghẹt khát vọng tự do dân chủ của con người thời đại…

Trong đám ứng cử viên tổng thống mà chúng ta đã biết trong một năm qua, Ben Carson, một bác sĩ não bộ học nổi tiếng trong cộng đồng da đen, là người duy nhất từng chia sẻ những ý nghĩ về chiến tranh VN trong thời ông lớn lên. Trong tác phẩm America the Beautiful (Rediscovering What Made this Nation Great), ông viết: “Phần lớn các cuộc xung đột chúng ta can dự có thể được biện minh theo lý lẽ lợi ích quốc gia, và cho dù luôn luôn có người chống đối, ít cuộc chiến nào bị xem là vô đạo đức cho đến khi có chiến tranh Việt Nam. Nhiều người nói chận đứng sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản là một mục đích cao cả và giải thích đầy đủ cho sự tham gia của chúng ta vào cuộc chiến này, nhưng có những người tranh cãi chẳng phải là vô lý rằng chúng ta chẳng có quyền gì cho rằng cách chúng ta trị dân là hay hơn cộng sản”.

“Trong cuộc chiến đó, trong rừng rậm Việt Nam, chúng ta đốt làng mạc bằng bom napalm và tàn phá cuộc sống của dân làng vô tội chẳng dính líu gì đến cuộc tranh chấp chính trị. Những lực lượng Việt Cộng đã có lợi thế vô song về địa lợi và nhân hòa, cuối cùng nhờ thế họ đạt được chiến thắng. Cho dù có lực lượng mạnh hơn, chúng ta chẳng có cách nào phân bố lực lượng đó trong vùng rừng rậm. Nhiều binh sĩ của chúng ta không xác định được sứ mệnh của mình nói chung là gì, đương nhiên điều này có một ảnh hưởng bất lợi đối với nhiệt tình của người lính. Nếu những lực lượng Cộng Sản tìm cách xâm lược nước Mỹ, thì chúng ta không phải mơ hồ về mục tiêu quân sự và mục tiêu của đất nước nói chung, và ngưòi dân Mỹ chắc chắn không ngại phải hy sinh để đạt chiến thắng. Cũng không có vấn đề đạo đức đặt ra khi bảo vệ lối sống của chúng ta trên đất nước của chúng ta.

“Bởi vì cuộc xung đột Việt Nam đã kết thúc tồi tệ, đất nước chúng ta đã trải qua một giai đoạn chịu sự miệt thị, khinh mạn mà quân đội phải chịu trách nhiệm, và nhiều chiến binh trở về từ trận tuyến đã bị đối xử không ra gì. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm tiêu tan nhiệt tình của Hoa Kỳ đối với chiến tranh, và chúng ta nhờ thế đã trải qua một trong những giai đoạn hưởng hòa bình lâu dài hơn trong lịch sử đất nước.

“Cuộc chiến tranh Việt Nam, nay nhìn lại, chẳng phải là một cuộc chiến cao cả. Nó mang đến sự hổ thẹn cho đất nước vì kết thúc cũng như vì nguyên ủy. Khi tôi đang còn là sinh viên Đại học Yale, chiến tranh Việt Nam đang bộc phát mạnh. Nhiều sinh viên bực bội vì sự can dự của đất nước chúng ta vào cuộc chiến này, nên họ đã xem những người trong quân đội – kể cả những người phục vụ trong Vệ binh Quốc gia – như là “loài heo” và bất cứ gì có liên quan đến quốc phòng là thuộc “tổ hợp kỹ nghệ quân sự”.

Trích dẫn quan điểm của ông Carson vì nó phản ảnh cách nhìn của nhiều trí thức trung niên hay cao niên đối với cuộc chiến tranh Việt Nam cách đây hơn 40 năm.

Trong “A History of US – All the People 1945-2001”, nữ tác giả Joy Hakim của bộ sách sử 10 tập viết: “Cuộc chiến tranh Việt Nam làm hao tốn hàng tỷ đô la một năm của nước Mỹ. Có người nói chúng ta phải lựa chọn giữa súng đạn hay bơ (Súng đạn là chiến tranh và bơ là hình tượng cho hàng hóa và những chương trình yểm trợ xã hội). Lúc ban đầu, Tổng thống Johnson nghĩ rằng chúng ta có thể được cả hai (vừa theo đuổi chiến tranh vừa có ngân quỹ cho phúc lợi xã hội). Nhưng súng đạn ngày càng tốn kém. Chẳng bao lâu chúng ta phải chi tiêu nhiều cho Việt Nam hơn tất cả những chương trình phúc lợi cộng lại. Ngân quỹ cho Đại Xã Hội phải bị cắt giảm. Nhiều chương trình phải bị hủy bỏ. Cuộc chiến tranh Việt Nam hóa ra là một lỗi lầm khủng khiếp. Chúng ta nhắm mắt lao vào mà chẳng biết mấy về Đông Nam Á. Chúng ta không chịu để thì giờ học hỏi. Đó là một cuộc nội chiến. Chúng ta biến nó thành chiến tranh của mình. Nó trở thành một trận chiến giữa một nước hùng mạnh nhất thế giới và một tiểu quốc của nông dân. Chính máy bay oanh tạc, trực thăng và hỏa tiễn trong một nước còn trâu cày, người dân còn chân đất. Chúng ta chiến đấu cho mục đích gì? Người ta nói cho dân chủ và tự do. Nhưng bởi vì chẳng chịu tập dượt và không biết gì về đất nước chúng ta đang chiến đấu ở đó, chúng ta đi ủng hộ những lãnh đạo nhũng lạm ở miền nam Việt Nam thâm lạm công quỹ và áp bức con người”.

Những thế hệ trẻ sau này biết gì về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam, mặc dù trong số bạn học trong lớp của chúng thế nào cũng có đứa nói: “My parents came from VietNam”? Giáo sư James W. Loewen tác giả cuốn “Lies My Teacher Told Me”, có nhận định rằng hầu như sinh viên của ông chẳng biết gì về cuộc chiến tranh chẳng bao xa từng làm phân hóa tan nát nước Mỹ. Ông viết: “Những giáo sư đại học chúng tôi ngày càng lớn tuổi, ngày càng ngạc nhiên hơn trước những gì lớp sinh viên đại học đã không biết về quá khứ gần đây của đất nước. Tôi bắt đầu để ý về hiện tượng này khi người ta bắt đầu nhầm lẫn những năm 70 với những năm 80. Giảng về chiến tranh Việt Nam, tôi ngày càng để ý những tia nhìn trống rỗng của sinh viên. Một trong bốn sinh viên, rồi một trong hai, và đến những năm 90 bốn trong năm sinh viên năm đầu đại học chẳng biết ý nghĩa của chữ “hawk” và chữ “dove”. Ngay đầu năm học 1989, tôi cho sinh viên một trắc nghiệm nhanh, trong đó có câu hỏi mở: “Ai đã chiến đấu trong cuộc chiến Việt Nam?”. Đến một phần tư trả lời đó là cuộc chiến giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Tôi sững sờ – đốí với tôi giống như câu trả lời “1957” khi được hỏi “Khi nào chiến tranh 1812 bắt đầu”. Thực ra, nhiều học sinh tốt nghiệp trung học gần đây biết nhiều về Cuộc chiến 1812 hơn Chiến tranh Việt Nam”. Ông cho rằng bây giờ người ta học bằng hình nhớ hơn học bằng chữ, và năm bức ảnh nói lên cuộc chiến Việt Nam trong đầu nhiều người là (i) Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu 1963; (ii) Thảm sát Mỹ Lai 1968; (iii) Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tù binh Việt Cộng 1972; (iv) Cô Kim Phúc 5 tuổi chạy loạn ở Trảng Bàng Tây Ninh 1972; và (v) Cành tháo chạy tại Tòa Đại Sứ Mỹ 1975.

Bởi thế, khi truy tầm nguyên nhân chúng ta bị thua trong cuộc chiến đó, có lẽ chúng ta cần nhìn nhận rằng vào những lúc hai đồng minh Mỹ Việt cần hiểu nhau nhiều nhất, hợp tác với nhau chặt chẽ nhất, bình đẳng, tin cậy, chúng ta biết về nhau quá ít, hiểu nhau quá ít. Hầu như chúng ta chẳng nghiên cứu gì mấy lịch sử Mỹ, chính trị Mỹ, dân chủ Mỹ, chính quyền Mỹ hoạt động như thế nào (Saigon có Viện Nghiên cứu Mỹ học chăng? Không!). Chúng ta không hiểu tình hình thực tế của hai chính quyền Kennedy và Johnson trong tám năm 1960 và 1968, những mục tiêu ưu tiên của họ (Biên cương Mới, Đại Xã hội, và giải phóng dân quyền cho người da đen), những khó khăn chính quyền gặp phải với một cơ chế chính trị lưỡng đảng phá nhau và một dư luận quần chúng dễ mỏi mệt - nhất là khi họ phải theo dõi hàng ngày cuộc chiến tranh “truyền hình trực tiếp” đầu tiên của Mỹ mà họ không hiểu mấy cách chơi. Chúng ta hầu như chỉ nghĩ chúng ta là “tiền đồn” thì chắc Thế giới Tự do chẳng bao giờ dám bỏ, và Hoa Kỳ thì hùng mạnh quá, ghê gớm quá, cho nên cứ giao cuộc chiến tranh cho họ cho xong, còn ta rảnh tay làm chuyện “ruồi bu” (và bây giờ có người còn tiếp tục nói chuyện ruồi bu)! Chúng ta thiếu ý thức phải có một đường lối chiến tranh độc lập, bởi vì chúng ta không có lãnh đạo đủ ý thức độc lập tự chủ. Chúng ta càng không hiểu rằng Mỹ không thể bị kẹt lâu dài quá trong cuộc chiến này. Còn Hoa Kỳ, đối với đồng minh thì dẹp qua một bên như chuyện mật đàm 1969-72 cho thấy, đối với kẻ thù thì lúng túng, lúc cương giả tạo lúc nhu hèn yếu, tự cột tay cột chân để cho Liên Xô và Trung Cộng khỏi nhảy vào, vừa dọ dẫm xem đối phương chịu đựng đến mức nào. Vì cứ sợ “mở rộng chiến tranh”, cho nên “đế quốc Mỹ” đúng là như cọp giấy, cứ để cho cuộc chiến kéo dài – cho đến khi kéo dài quá thì đứt dây.

Trong mùa Quốc Hận vừa qua, chúng ta đã có dịp nhìn lại một số biến cố, sự kiện lịch sử trong cuộc chiến 20 năm đó để có những tiếc nuối chính đáng khi đặt ra những giả thiết: nếu những sự việc đó không xảy ra, hay có thể tránh được, có thể ngăn chận được, thì làm sao có thề xảy ra được Black April của dân tộc, của đất nước, của mỗi một chúng ta. Chúng ta cũng suy nghĩ trong dòng tư tưởng đó, nếu chúng ta, Việt và Mỹ, đã biết nhau hơn, hiểu nhau hơn, hoàn cảnh của nhau, những vấn đề, những giới hạn, và những khả năng hay giải pháp lựa chọn thực tế, đề có thể nhất trí trong hành động, chặt chẽ trong hàng ngũ, thì ngày 30-4 chẳng phải là điều tất yếu lịch sử. Khi tất cả những gì đã xảy ra chỉ có một cách giải thích tạm bợ: vận nước, hay số phận, hay nghiệp chướng dân tộc, thì phải chăng đó là một khảo hướng mà những nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị cần xem xét?

Chi có một điều đáng dằn vặt thực sự, là trưóc đây chúng ta thiếu sự đồng cảm đồng tình cần thiết của hai nước đồng minh trước một lý tưởng chung, và ngày nay, người Mỹ và người Việt tha hương nay đã là “đồng bào” với nhau dường như vẫn chưa hiểu nhau thêm nhiều lắm. Thời gian 40 năm qua lẽ ra đã dạy dỗ cả hai giống dân Việt Mỹ nhiều điều, bởi vì có nhiều sự kiện đã xảy ra từ Việt Nam, từ thế giới và từ nước Mỹ để chúng ta phải có nhãn quan đúng đắn hơn, chính xác hơn về cuộc chiến mà chúng ta đã để thua đó, thế nhưng, nhiều người trong chúng ta đã chẳng học được gì mấy: người Việt chúng ta không chịu học, và cả người Mỹ chúng ta cũng không chịu học. Có lẽ đó là vì thời đại internet, người ta học ít chơi nhiều!

Ngày 30-4 nhắc đến chuyện xưa thì không cùng. Chuyện nay là trong 40 năm qua chúng ta đang quên đi một nghĩa vụ với lương tâm: Phải vạch cho người Mỹ ngày nay hiểu rằng cho đến nay họ vẫn còn lắm điều ngộ nhận về cuộc chiến mà họ đã trả giá rất đắt và cứ yên chí đã phí phạm hoàn toàn, chẳng được gì!

Comments